Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

NGƯỜI ĐI TÌM DĨ VÃNG




Người đàn bà trung niên, mái tóc uốn cao, dáng vẻ lịch sự, trên tay cầm quyển sách nhỏ ngồi như bất động trước ly cà phê đá đã hoàn toàn tan thành ly nước màu đùng đục, ngoài thành ly đã đọng một vũng nước nhỏ do đá tan ra. Bà ngồi trong quán cà phê nhìn sang căn nhà đối diện bên kia con "tỉnh lộ", nơi đang có một đám tang, địa chỉ căn nhà mà mấy tiếng đồng hồ trước, bà nôn nao muốn đi tìm gặp một người đang sống trong đó .

Người ta đã căng lên những tấm vải bạt màu trắng để che bớt nắng. Một vài cái bàn kê sẵn có nhiều người ngồi. Kẻ vào người ra, có dăm ba người đầu chít khăn tang nhỏ có lớn có. Một đám người đứng bên này đường nhìn sang, họ nói chuyện bàn tán xôn xao, có lẽ là những người qua đường tò mò hay người trong xóm có lòng muốn đến tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tiếng kèn đám ma não nuột vang lên, đã sắp đến giờ di quan. Người chủ tiệm nói to với vài người khách đang ngồi trong tiệm. "Ổng đi sớm ngày nào cũng mừng cho ổng! chớ cái tính ngang tàng của ổng làm sao sống yên dưới chế độ này. Nghe nói chúng cũng còn có chút “nể mặt” cái ông cha theo cộng sản đi tập kết về kia, dù chẳng làm nên tích sự gì, nếu không chúng đã cho ổng đi tù mút chỉ lại rồi. Đã nghèo mà còn rước thêm căn bịnh ngặt nữa. Nhưng số ổng cũng còn chút may mắn, những ngày gần cuối đời nghe đâu có mấy người bạn ở nước ngoài gửi về giúp cho chút đỉnh tiền, nên mấy đứa con nó đem về chăm sóc đàng hoàng hơn. Sống mà vui vẻ khoẻ mạnh thì ráng sống, chứ buồn đau bịnh hoạn thì cũng nên đi sớm cho khoẻ tấm thân…”

Người đàn bà đứng dậy khi thấy người ta đưa quan tài người quá cố ra “xe tang”. Đó là một chiếc xe được “cải tiến” để chở đồ đạc ở nông thôn . Hai tay người thanh niên trẻ trong bộ đồ tang đang cầm tấm hình đi trước đập mạnh vào mắt bà. Phút giây đầu tiên bà muốn đánh lừa mình, không tin đó là người bà muốn tìm. Ông già và tàn tạ quá! Không biết hình chụp lúc nào nhưng có lẽ là tấm hình mới nhất. Bà mở trang sách ra, cố nhìn lại người trong tấm ảnh đã bạc màu, và tấm hình người đàn ông già đang nằm trong cỗ áo quan kia, cùng một người đó sao? thật sao? Ruột bà quặn thắt. Bà nhẹ nhàng mở xách tay, lấy giấy lau vội những giọt nước mắt nóng hổi vừa rơi xuống má, và gọi người tài xế taxi bảo cho xe chạy chầm chậm theo sau đoàn người đưa tiễn đám tang.

Bà không thể quên được những dòng chữ cuối cùng trong bức thư ông gửi mà bà nhận được từ nhiều năm về trước “…Anh vẫn biết đàn ông không thể khóc, nhất là những người làm Lính như bọn anh, nhưng ai có quyền ngăn cấm được những xúc cảm riêng mình bộc lộ ra ngoài. Từ hôm nhận thư em, lá thư giờ đã nhẹt nhòe nét chữ , anh đã buông xuôi tất cả, thế là hết. Nhiều đêm dẫn lính đi kích, anh cứ như người mất hồn, có bữa tưởng đã đi luôn rồi, nếu thằng lính truyền tin đi theo anh không lanh trí xô anh ngã xuống, chắc viên đạn vô tình đã giúp anh tìm lối giải thoát an bình…”

Họ quen nhau từ lâu lắm, khi người con gái chưa rời khỏi trường Trung học, và chàng, từ một thành phố của miền Trung đến trong bộ quân phục Sinh viên Sĩ quan Không quân đang thụ huấn tại quân trường ở Nha trang.

Những con đường rợp bóng cây cao trong thành phố là lối họ vẫn đi mỗi khi chàng được phép rời khỏi quân trường, vài quán cà phê thơ mộng như Chiều tím, Tao ngộ,v…v… … họ đã đến và trao lời tâm sự.
Đường biển Duy Tân và bãi cát dài đã in nhiều dấu chân của họ vào những ngày cuối tuần, dù sau đó đã bị những con sóng vô tình cuốn hút ra xa. Tình cô nữ sinh áo trắng và chàng SVSQKQ dễ thương biết chừng nào. Dòng mực xanh trên những trang giấy pelure màu hồng, màu xanh lơ với những đoá hoa vàng trên góc trái, là những tình thư nàng viết dúi vào tay chàng sau mỗi lần gặp gỡ, giúp chàng vui trong suốt tuần lễ ăn cơm nhà bàn và những giờ thụ huấn.

Buổi chiều cuối tuần họ đưa nhau đi dạo trên bãi cát khi chàng sắp sửa rời quân trường về lại thủ đô để đi sang Mỹ.
-Bây giờ em đã tốt nghiệp trung học, chắc là em đã có dự tính cho tương lai? Vào Sài gòn học đại học hay…?
Chàng bỏ lửng câu hỏi, nhìn nàng âu yếm.
Nàng cười duyên, níu tay chàng nhỏ nhẹ:
-Ở lại nhà chờ anh về! Nè đừng để bị …Mỹ gái bắt ở bển luôn chắc là em không sống nổi đâu à.
-Nói bậy! Không ai có thể thay thế em trong tim anh, tin không?
-Em tin chứ! Em tin nên em sẽ chờ. Trong khi chờ anh, em sẽ thi vào trường Sư phạm ở đây, vì về thủ đô học, gia đình em sẽ không lo nổi cho em về mọi thứ, với lại Ba em sợ con gái về thành phố lớn mà không có gia đình một bên, không bà con thân thuộc để dòm ngó, dễ bị… hư thân. Nàng cười như chữa thẹn cho câu nói.
-Em mà làm cô giáo chắc có nhiều học sinh mê tít đó, giống như anh bây giờ….Dù gì cũng cố gắng chờ anh nghe! Anh sẽ viết thư cho em hàng ngày đó!
-Đừng có nói xạo à nghe, còn học hành nữa chứ! Anh phải cố gắng học để sớm có ngày về với em, với gia đình!
-Ở bển được càng lâu, càng tốt, đỡ phải đi đánh giặc ngay! Chàng cười sau câu nói nửa như đùa, nửa như nói lên những suy nghĩ thầm kín về cuộc chiến đang xảy ra hằng ngày.
-Sợ người ta không cho anh ở thôi! Ừ, mà cũng có thể, nếu anh có gia đình người Mỹ nào đó chịu cho ở lại …làm rể?
-Còn khuya! Anh phải về, nhất định anh phải học cho thật giỏi để về nước thật sớm để được gần em, để còn cưới vợ… để… để , nhiều cái để lắm hiện giờ anh chưa nghĩ ra.
-Để gì cũng được, miễn đừng …để bỏ người yêu ra thì thôi.
Họ cùng cười vui như mọi lần sau những phút chuyện vãn vu vơ của những đôi tình nhân trong thời chinh chiến, dù biết rằng ngày mai này họ phải chia xa.

Và chàng về thật. Nhưng không về trong danh dự với mảnh bằng lái máy bay như bao nhiêu người bạn đồng khóa. Chàng về sớm hơn họ với một lý do rất đơn giản: không vượt qua nổi khóa sinh ngữ cần thiết để vào trường bay, cũng không được vào học lại lớp để chờ kỳ học bay sau như một số ít bạn đồng khóa khác.

Thế là tương lai vỡ vụn với chàng. Chàng đâu đến nỗi tệ vậy. Những ngày đi học, môn Anh văn là sinh ngữ chính mà, chàng luôn có điểm cao trong bộ môn viết, những bài thi trong khóa học , chàng vẫn vượt qua trót lọt, và những tháng ngày học thêm với người Mỹ, Vị Mục sư giảng “Đạo Tin lành” trong thành phố, giọng phát âm đối thoại của chàng cũng đâu có tệ.

Nhưng chàng vẫn phải trở về. Dù lờ mờ. Chàng hiểu.

Điều chàng vẫn lo ngại là những người chung quanh không thể nào hiểu được, nhất là nàng. Chàng cảm thấy tủi hổ, thất vọng hoàn toàn. “Chiếc áo bay” vẫn là niềm tự hào khi chàng chọn đời binh nghiệp đã mãi mãi không thể khoác lên người chàng, sự đau xót kéo theo nỗi bất mãn và sự căm giận vô cớ đã bao bọc lấy chàng. Chàng muốn quên, muốn xoá sạch những kỷ niệm ngày qua, làm một người mới để không còn ai biết.
Điều chàng băn khoăn ray rứt vẫn là nàng, làm sao nói cho nàng hiểu, với một chứng cớ rành rành và một lý do mơ hồ làm sao nàng có thể chấp nhận? Liệu gia đình có bị liên lụy gì không vì anh nàng cũng đang làm Lính. Nhưng cuối cùng, “tự ái” cuả một người Lính đã giúp chàng có thêm can đảm để xa lánh tất cả. Và chàng đã câm nín, chịu đựng, cắt đứt mọi liên lạc với nàng, dù biết rằng mình sẽ mất tất cả chỉ còn lại nỗi đau. Một người có lý lịch ghi không rõ ràng: Cha chết!

Chàng vẫn được làm… Người Lính, nhưng ở một đơn vị Bộ binh, một thời gian sau với cấp bực Trung đội trưởng một đơn vị tác chiến đóng quân tại một tỉnh miền Nam Trung phần.

Và sự chờ đợi nơi người con gái có giới hạn, nhất là khoảng thời gian dài không nhận được tin thư. Những lo âu thắt thỏm, những sợ sệt vu vơ và cả sự giận hờn cho một sự phản bội vô hình nào đó. Tình yêu và sự chờ đợi không còn là tỷ lệ thuận nữa khi tin thư không như lời hứa hôm nào, và…

Tình cờ, thật tình cờ nàng gặp lại một người bạn trong khóa học của chàng và đã là một Pilot trực thăng vào một buổi chiều nơi quán nước ở bãi biển.
-Chị không nhận được tin gì sao? Hắn đã về nước từ lâu lắm rồi, nghe họ bảo hắn không vượt qua nổi kỳ thi anh văn để qua trường bay, nhưng lý do chính là vì lý lịch sao đó…, tôi cứ ngỡ chị đã biết điều đó và cứ ngỡ chị không còn... .
Người bạn bỏ lửng câu nói với vẻ nuối tiếc và cả lời xin lỗi đã hiểu lầm.
-Anh ấy dấu tôi ? Tại sao không liên lạc, không tỏ thật với nhau về những chuyện đã xảy ra? Có sự giận hờn trong câu nói.
-Mỗi người có một lối suy nghĩ khác nhau và những ..mặc cảm đi cùng, nhất là những người thanh niên trẻ nhiều nhiệt huyết như tụi tôi!
-Mặc cảm! Tại sao lại mặc cảm với người mình yêu? Chẳng lẽ tôi đến với anh ấy chỉ vì bộ đồ bay? Anh ấy xem thường tôi đến như vậy sao? Anh ấy không hiểu được tình yêu tôi dành cho anh ấy có thể vượt qua được tất cả sao? Anh ấy không hiểu hay cố tình không muốn hiểu?

Như muốn biện minh những cảm nghĩ tốt nơi người vắng mặt, người bạn chân thành bày tỏ:
-Có lẽ vì quá yêu chị cũng nên, hắn đã bắt buộc phải xa chị. Tôi nghĩ khi tình yêu đã đi tới một điểm tuyệt đối, người ta thường không muốn làm người mình yêu thất vọng, buồn rầu, lại không muốn chị bị liên lụy…, thà vĩnh viễn xa nhau..,chắc đó là lý do bạn tôi âm thầm xa lánh chị, dù tôi biết hắn bị dày vò và rất đau khổ. Người bạn buông tiếng thở dài nhưng đã gượng làm vui, vớt vát:
-Hay là tôi bảo bạn tôi viết thư xin lỗi chị, để hắn trở về ? Cho hắn có cơ hội tìm lại nguồn sống vui ngỡ rằng đã mất?
-Anh ấy đã thật sự mất tôi rồi, không ngỡ ngàng gì nữa đâu!!!
Nàng chưa nguôi cơn giận.

Bây giờ bà đang đi theo sau chiếc xe tang của người tình lính chiến năm xưa. Bây giờ bà mới là người thật sự mất ông vĩnh viễn mà không còn ngỡ hay nghi ngờ gì nữa. Ông đi là chôn hết bao đắng cay khổ nhục trong đời, trút sạch mọi oan khiên, xóa tan hoàn toàn những kỷ niệm một thời trai trẻ. Có thể ông đã mỉm cười khi đang lơ lửng đâu đó trong chốn không cùng khi nhìn xuống cõi trần thấy bà ngồi đây. Bà nguyện cầu cho linh hồn ông sớm được siêu thoát nhưng lòng buồn thấm thía.

Đã hết thật rồi, khi bà tìm biết được nơi ở của ông để về thăm lại người xưa, lại thêm một lần hụt hẫng. Bà đã khóc, những giọt nước mắt mang đầy nỗi tiếc thương, ân hận mà trước khi đến nơi này bà đã hứa, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi có mặt người vợ của ông, bà cũng sẽ trút hết những dằn vặt, những hối hận mà bao nhiêu năm vẫn đeo đẳng theo bà trong nhiều lúc nửa đêm về sáng, dù gì bà cũng phải một lần đối mặt với dĩ vãng năm xưa, dẫu muộn, để nghe chính người trong cuộc nói lên tất cả, dù bây giờ không ai còn lệ thuộc vào ai. Và bà cũng muốn âm thầm giúp đỡ trong điều kiện cho phép, dẫu sao bà cũng được sinh sống ở một vùng đất tự do, giàu có. Ngược lại, ông đã mất mát quá nhiều, thiệt thòi đủ mọi phương diện.

Cũng như năm xưa Bà tìm đến được nơi đơn vị ông đồn trú đầu tiên, để nhận tin ông đã vừa xin thuyên chuyển về miền cao nguyên đất đỏ. Cứ như một trò chơi rượt bắt, mà bà đang là kẻ bị bịt mắt sờ soạng đi tìm.

Trong bức thư giận hờn gửi cho ông, bao nỗi bực tức, những lời cay đắng đã hằn lên nét chữ, để ông buồn, ông tuyệt vọng, ông buông xuôi và suýt chết như lời thư ông viết cho bà lần cuối cùng bà nhận được…

Khi cơn giận nguôi ngoai, bà muốn tìm đến vùng đất bụi mù, nơi người sĩ quan mới đến nhậm chức để tâm sự giải bày, để tìm lại tình yêu xưa, thì được tin ông đã lập gia đình với một người con gái ở quê ông, qua sự dàn xếp của người Mẹ trong lần về phép trước đó không lâu, dù hai người chưa hề quen biết nhau bao giờ.
Những ngày sau đó, nỗi buồn và niềm hối hận lẫn sự nuối tiếc, đã khiến người con gái sinh bịnh, một cơn bịnh như ngặt nghèo có lúc, và như không có bịnh đau gì cả, khiến cha mẹ nàng lo lắng cùng cực. Bác sĩ, nhà thương cũng không tìm ra căn bịnh. Thuốc Tây, thuốc Bắc gì cha mẹ nàng cũng bắt uống qua, thậm chí có những người quen với gia đình còn đoán già đoán non hay là nàng bị bịnh “đàng dưới”. Họ vẫn còn tin thầy bùa thầy pháp nên giới thiệu lung tung, may mà gia đình nàng không gọi thầy đến cúng.

Cuộc sống lần lửa trôi qua, ngày nàng ra trường Sư phạm cũng là lúc nàng cố quên chuyện tình cũ đầu đời. Người bạn cùng khóa cũng là người chồng tương lai đã giúp nàng vượt qua mọi bão nổi trong đời. Họ cùng chọn về một tỉnh nhỏ ven biển miền Trung. Ngày ngày đứng trên bục giảng nhìn đám học sinh bé nhỏ với nhiều kỳ vọng ở tương lai, nàng nhận ra rằng đời sống phải luôn đi tới, phải phấn đấu để xây dựng tương lai tốt đẹp, dĩ vãng rồi ra cũng chỉ còn là kỷ niệm.
Nếu một ngày không vì một dun rủi tình cờ nàng biết được tin.

-Anh ấy bị bắt trong những ngày gần cuối cùng của cuộc chiến trước khi có lệnh di tản triệt thoát khỏi cao nguyên..
Người bạn mới gặp lại trên đất Mỹ trong buổi họp mặt không quân, kể cho nghe gần hết quãng đời ông lúc sau này, nói tiếp:
-Anh ấy bị bắt làm tù binh, bị giam trên miền núi, sau gần ba năm được trả tự do, nhưng về đến nhà lại gặp toàn chuyện buồn cũng từ người cha theo Cộng sản đó..

Cha ông đã về. Về từ một nông trường miền Bắc. Cha ông đi tập kết nên trong hồ sơ lý lịch ghi cha chết, là cái cớ không phải chỉ của riêng ông, mà của nhiều người miền Trung lẫn miền Nam thuở đó. Nhưng khổ nỗi, cha của ông thuộc thành phần “tiểu tư sản” nên gần một phần ba cuộc đời đi theo “bác và Đảng”, cũng chỉ quanh quẩn ở mấy cái nông trường cuốc đất trồng khoai, tiếp tế lương thực cho “bộ đội vào Nam giải phóng”, và còn khổ hơn những người gọi là nghèo khổ của miền Nam tự do, trong khi phải nuôi thêm một người vợ và hai người con khác..

Cuộc giằng co giành nhà giành đất bắt đầu xảy ra. Cha ông quả quyết đó là tài sản của…dòng họ, ông ta có quyền sở hữu, “ xử lý”, nếu ông ta không chiếm giữ ngay, sẽ bị quốc hữu hoá vì ...thằng con “ngụy”. Cha con xa cách mấy chục năm dài, đã không hề có chút tình cảm, lại ở hai chiến tuyến khác nhau, bây giờ lấn qua quyền lợi. Mẹ ông vừa buồn rầu bị mất chồng, bao nhiêu năm chờ đợi bà ở vậy nuôi con, chờ chồng, giờ người chồng trở về khiêng thêm tội danh phụ bạc. Người con trai duy nhất thì thân tàn ma dại, lại là kẻ thua cuộc, gia sản bao nhiêu năm bà gìn giữ cho thằng con, giờ bị cướp đoạt trắng trợn, nên bà ngã bịnh và ra đi.

Cuối cùng một mảnh đất được người cha chia cho ông. Nhờ những người hàng xóm thương tình phụ dựng lên một căn nhà tranh nho nhỏ và một sào ruộng cũng bị gom vào hợp tác xã. Ngoài những ngày tháng làm nông, cuốc đất trồng khoai để sống qua ngày, có thời gian ông theo người làng lặn lội vào tận trong núi “đi điệu tìm trầm”, may ra có thêm chút đỉnh tiền bạc để phụ vợ nuôi con, nhưng rồi ông đã suýt bị cọp vồ. Thoát chết , ông từ giã nghề đi điệu. May mà vợ ông và những đứa con đã về sống nương nhờ bên phía ngoại, nơi căn nhà đang tổ chức đám tang.

Khi những người bạn tù được đi Mỹ theo diện HO, thì ông một lần nữa thất vọng hoàn toàn, vì những ngày tháng ở tù chưa đủ tiêu chuẩn để được ra đi. Dù thất chí nhưng vẫn giữ tính ngang tàng, sĩ khí năm xưa .

Cuộc sống cực khổ thiếu trước hụt sau nên khi người hàng xóm rủ ông chung sức làm nghề…nấu rượu lậu, một vốn …bốn lời, ban đầu ông còn ngần ngừ, e ngạì, nhưng khi đói đầu gối cứ phải bò, ông vẫn phải làm những việc mà mình không hề muốn .

Với những chén rượu hằng ngày tự bàn tay của ông sản xuất ra, lâu dần đã gậm nhấm từng tế bào da thịt trong ông, nó biến dạng từ hình hài lẫn tình cảm, giết chết hẳn một con người oai hùng, hiên ngang một thuở, giết luôn cả phần tương lai còn lại với chứng bịnh ung thư gan.

Tâm sinh lý đều bịnh hoạn. Ông chết. Trút sạch nợ trần gian, như lời nói của ông chủ quán bên đường “….. cũng nên đi sớm cho khoẻ tấm thân…”

Người đàn bà ngồi trên xe trở về lại thành phố, bên tai vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc và lời kể lể của người góa phụ vừa khoác áo tang chồng:

-Từ lúc tui dìa làm dợ ổng, tui cứ thấy ổng buồn hoài , nhưng hỏi ổng đâu có nói.. Rồi thời cuộc đưa đẩy, ổng ở tù dià, cứ lầm lầm lỳ lỳ. Khi cha con gặp lại nhau, họ cãi nhau quá trời , nói cũng vì ông cha theo cộng sản mà ổng mất hết, sống cũng như chết, làm hại cả một đời mẹ con ổng, mà cuối cùng cũng chẳng được quyền cao chức trọng gì, lại còn nghèo xác nghèo xơ. Hai cha con đã không có gần gũi đến khi cha ổng mất. Còn tài sản thì mấy đứa con riêng của ông cha chiếm hết, vì họ có quyền, nên anh em cũng không thuận thảo, tới lui. Tui cứ nghĩ cộng sản dô nên ổng trở dìa làm dân, mất hết, tui đâu biết ổng nói xa nói gần, mãi đến khi gần chết, ổng mới kêu mẹ con tui lại, ổng xin lỗi đã không làm tròn bổn phận làm chồng làm cha trong ngần ấy năm qua, biểu tha lỗi cho ổng, rồi ổng khóc nói hồi trước ổng có yêu một người, mà vì lý lịch cha ổng, nên ổng để mất người ta…, may mà chị đã dià nhằm ngày đưa đám tang ổng, chắc ổng cũng được ngậm cười nơi chín suối……… 
Lê thị Hoài niệm

                                        

Không có nhận xét nào: