Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

CHÙM ME "PHONG ẤP"



Sinh hoạt trong cộng đồng người Việt tị nạn tại thành phố Houston nhộn nhịp hẳn lên nhờ những cuộc vui “hội chợ” do nhà Thờ, nhà Chùa tổ chức cả vài tuần nay, cũng như các buổi họp mặt của vô số các hội đồng hương. Các cửa hàng chợ cũng trưng bày la liệt các loại bánh mứt, người đi chợ cũng đông vui hơn. Vì dù xa xôi với quê hương đến nửa vòng trái đất, đến ngày tư ngày tết ai cũng chạnh lòng nhớ tới quê nhà, nhất là những người đã có quá nhiều kỷ niệm trên những vùng đất đã từng đặt chân qua.

Chiều nay,  chị bạn đến nhà chơi, mang theo biếu một hộp mứt me, do người nhà mang từ VN sang, chị nói:
- Thương lắm chị mới mang sang cho, chứ cái này thuộc loại “hiếm quí” của nhà làm, rất…sạch sẽ, nhìn thấy nó là tuyến nước bọt cứ làm việc liên miên, có điều bây giờ mình ở xa nhà  nên không có me dốt dốt (vừa chin tới), chứ hồi nhỏ chị thích nhất là ăn me hơi dốt dốt mà ngâm nước đường vào những ngày tết, trời! sao mà nó ngon chi ngon lạ ngon lùng, ngoài những lúc mình ăn me xanh chấm muối ớt. .
-Chị kể làm em cũng bắt thèm , ừ lâu quá rồi mình chưa có dịp ăn lại những trái me ngâm nước đường trắng phau phau chị nhỉ?
-Có đâu mà ăn, bên này mình có thấy ai bán me trái xanh nguyên đâu , mà phải vừa dốt dốt, mình mới lột vỏ, xẻ tách hột ra, để nguyên cái cuống ngâm vào trong nước đường chứ!
-Em cảm ơn chị cho hộp me này, nhìn ngon thật, nhưng phải chi có trái me ngâm nước đường, lấy từ trong thẩu ra, bỏ vào miệng cắn một cái, chất ngọt của đường quyện với chất chua chua của trái me, thêm cái dòn rụm của thịt me vừa chín tới, chị à, nước miếng mình không cầm được đó.
-Bởi biết em thích me, nên chị mới dặn người nhà gửi sang đó, ăn mứt me này thế đỡ me ngâm.
-Ừ mà sao hồi đó mình ăn uống cũng cầu kỳ quá há, nhất là món me ngâm nước đường mà chị em mình thích đó, mà chắc có đàn bà con gái thích thôi chị há, làm cực thấy bà đi, từ cái chuyện lựa me, phải lựa những trái me vừa thẳng, vừa tròn, vừa không xanh lắm, thịt me không được mềm, còn nguyên cả cái cuống. Xong rồi phải ngồi lột vỏ, lột cho thật khéo đừng để chạm vào thịt  me, rồi phải nhẹ tay tách trái me lấy hột ra, sau đó ngâm sơ qua chút nước muối cho trắng và hết chất chát, rồi ngâm lại nước lạnh cho hết chất muối, cùng lúc nấu nước đường để nguội, ngâm me vào, cứ vài ngày là thay nước đường khác, đến lần thứ ba, khi mà hũ me ngâm nước đường không còn thấy sủi bọt, trái me nhìn trắng phau phau..
-Con khỉ đừng kể nữa, chị thèm quá rồi nè, nước miếng cứ ứa ra….



Chị từ giã ra về sau năm bảy câu chuyện nhắc nhở về những ngày xưa thân ái cũ, mà hễ đến ngày tết, hầu như ít có người quên.

Chị đi rồi, tôi cầm hộp me nhìn lại, những trái me cong cong, được ngào với đường đã nấu thật tới, thành những trái mứt me màu vàng óng ánh, nhìn thật hấp dẫn, chắc người làm ra nó cũng bỏ nhiều công phu, không biết nguồn gốc những trái me này ở đâu, bỗng dưng tôi lại nhớ về những cây me ở làng Phong Ấp- Ninh hoà,  cả những cây thật lớn ngay trước cổng trường tiểu học P.A, nơi nhiệm sở đầu tiên tôi nhận việc sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Q N, không biết bây giờ nơi đó có còn không?


Chiếc xe đò ngừng ngay trên lối rẽ về làng, bên kia đường là quán cà  phê mang một tên độc nhất “cà phê HẠ”. Điểm dừng rất dễ nhớ để chú lơ xe mỗi buổi sáng hét to cho người tài xế ngừng xe cho tôi xuống.
Lần đầu tiên bước xuống khỏi chiếc xe ở nơi này, tôi đâm ra luống cuống, vì có quá nhiều tiếng huýt sáo phát ra từ những người Lính ngồi trong quán. “Cô giáo trẻ”  về làng. Tôi men theo con đường làng với tà áo dài nhẹ bay trong gió sớm trên chân đi đôi guốc nhọn, một chút hãnh diện ngầm cộng với nỗi lo, đi trình diện làm nghề gõ đầu trẻ, không biết ông hiệu trưởng thế nào, học trò ra sao?....


Trường học chỉ có một  dãy lớp nằm ngang gồm 5 phòng học, và một văn phòng dành cho Hiệu trưởng và Thầy Cô giáo hội họp nằm ngay chính giữa, chỉ có mười lớp học theo hai xuất sáng-chiều. Thầy Hiệu trưởng N. V. Ngô đã lớn tuổi, trông thật hiền hòa, sau khi giới thiệu Cô giáo mới đến nhận nhiệm sở với các đồng nghiệp, Thầy đưa tôi đến ngay lớp năm nằm cuối dãy nhà, mà tôi phải phụ trách, thế cho chị Minh Châu vừa rời khỏi để đổi về nhiệm sở mới ở Nha trang.
Sự thật gần đúng với sự tưởng tượng của tôi, và trong những sách giáo khoa mà tôi từng có dịp đọc về một lớp học ở làng quê. Những em học sinh ở đây lớn nhỏ đều có đủ cỡ, có vài em đã đứng ..ngang bằng cô giáo, dù cô không thuộc loại thấp người, những nét mặt tuy đen đúa, không mấy sáng sủa ở nhiều em, nhưng nét thật thà chân chất hiện rõ trên từng khuôn mặt. Tôi bỗng trở thành một phần tử của lớp học mà có nhiều học sinh còn đi chân đất đến trường.



Đường đi từ quốc lộ vào trường cũng xa thăm thẳm, nhưng nhờ sáng nào cũng có nhiều em học sinh cùng đi, nên xa cũng hoá gần, nhất là có nhiều cây cổ thụ với  tàn thật lớn, xoải ngọn ra đường, làm rợp bóng đường làng vô vàn thơ mộng, chưa kể hai bên đường, nhiều căn nhà có vườn rộng thênh thang, cây ăn quả trĩu cành sà ngọn, nhất là những cây Me thật lớn, chia làm hai hàng thẳng đứng như cố ý làm dàn chào từ ngoài lộ vào đến cổng trường, hình như có cả chục cây chứ không ít hơn được .

Trường làng, nên sinh hoạt Cô trò rất gần gũi, thân mật. Nhiều bữa trên đường đến trường, Cô giáo bị học trò nhát … Đỉa, cô sợ gần muốn khóc, nhất là sau những cơn mưa lớn, những ruộng lúa hai bên đường có nhiều lạch nước chảy qua, những con đỉa trâu sẵn sàng bám trụ vào bất kỳ chỗ nào trên thân thể người ta mà chúng gặp phải khi lội tung tăng trong dòng nước, không bao giờ chịu nhả ra (dai như điả) nếu chưa no bụng máu, nhất là những đôi chân trần. Vì muốn lội qua lạch nước, Cô giáo phải vén áo dài lên, xoắn quần thật cao, và tay xách guốc mới mong qua bên kia mà không bị ướt. Những lúc biết có đỉa lội, tôi thường phải đứng lại chờ bất kỳ một chiếc xe Honda nào trờ tới, quá giang qua vũng nước, kỷ niệm không bao giờ quên.
Đứa học trò thường nhát đỉa cho Cô giáo sợ, lại là đứa gần gũi cô giáo thường xuyên. Trái cây của Hỷ, tên em, mang đến …tiếp tế cho cô giáo thông thường là Vú sữa, những trái vú sữa xanh mộng , mướt rượt, chỉ cần vo tròn vài lần cho trái vú sữa mềm một chút là có quyền  bỏ vào miệng bóp… ăn từ từ.

 
Nhưng trái hấp dẫn cô trò vào giờ chơi vẫn là những trái me dốt, có khi ăn không , nhiều bữa xuống nhà ông cai trường xin… muối ớt. Nếu không mang được me từ nhà, thì chúng lấy cây sào, đợi giờ ra chơi, chạy u đến hàng me trước cổng trường mà …chọc cho me rớt xuống..

Gần tới tết năm đó, trước hôm Cô trò giã từ để ở nhà ăn tết, khỏi phải đến trường trong mấy ngày xuân.  Buổi sáng đến trường, trên bàn tôi có đến mấy bao cát (loại bao của quân đội đựng cát để đắp xây tường ngăn đạn) nặng chịch, khi tôi mở ra thì toàn là ME. Trời đất, bộ mấy đứa  học trò này tưởng tôi là chúa ăn …chua sao, mà vác me đến tặng quá trời. Nhưng không, chúng tâm sự sao mà dễ thương đến lạ lùng , mãi mãi tôi không bao giờ quên.  Cả bọn cùng chung ý tưởng rằng cha mẹ chúng biết Cô giáo ở thành phố về,  mà ở thành phố vào dịp tết nhất chắc không thiếu thứ gì, ngay cả những loại trái cây ngon nhất, nhưng những chùm me chúng đem tặng, là những trái ngon nhất, vừa dốt dốt, không chín lắm mà không còn xanh cứng, trái lại thẳng, no tròn, đẹp đẽ, cha mẹ chúng quí Cô giáo, và biết cô thế nào cũng thích, nên đã tuyển lựa rất kỹ để tặng Cô, đem về làm mứt me ngâm nước đường cát trắng, đó là tất cả tấm lòng của cha mẹ các em…

Những ngày xuân năm đó, khách đến nhà tôi, dù đàn ông hay đàn bà, cả con nít nhỏ, đều được mời ăn mứt me ngâm nước đường, ai cũng rối rít khen dòn, khen ngọt, khen ngon, có người còn tò mò hỏi mua me ở đâu, sao họ ra chợ tìm không thấy những trái me đẹp như vậy.
Tìm thấy làm sao được, khi mà tình thân nghĩa trọng giữa cô trò chúng  tôi quyện vào nhau, làm cho những trái me thêm no tròn, óng mượt, tăng vẻ đẹp, ngon bội phần..

Bây giờ, nơi đây , sau mấy mươi năm xa cách, không biết những người học trò nhỏ năm xưa của trường tiểu học Phong Ấp-Ninh Hoà, nơi có hai hàng me cao ngọn rợp mát trước cổng trường, vẫn còn ở làng cũ hay đã lưu lạc phương nào, các em có còn nhớ đến những chùm me dốt thẳng trái đựng trong những bao cát nhỏ mang đến cho cô làm quà tết?

Dù Me có chua, nhưng quyện trong nước đường ngọt, nó vẫn ngọt ngào như tình nghiã Cô trò thật ngọt ngào khắng khít đã được ghi lại trong tấm ảnh lưu niệm mà tôi luôn cất giữ từ đó đến nay..

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

TÁO QUÂN VỀ TRỜI


Ông Tá già ngồi nhìn lên bàn thờ khói nhang nghi ngút, nói nôm na cho oai, chứ thật ra đó chỉ là cái bàn xếp được giương ra giữa phòng khách, trên phủ tấm khăn trải bàn màu đỏ (cho có vẻ gần…Tết), trên bàn được bày biện một bình hoa, một mâm hoa quả và chè - xôi để cúng Ông Bà, bên cạnh là một mớ giấy tiền, vàng bạc và y phục…Táo quân, để táo có quần áo sạch sẽ mà đằng vân giá võ về trời chầu Ngọc Hoàng thượng đế, trình tấu các việc dưới trần gian, một tập quán hằng năm mà người di tản buồn cố gắng gìn giữ.Nhìn ánh nến lung linh, khói hương vương tỏa, ông Tá thấy cõi lòng có chút nhẹ nhàng, thanh thản. 

Ảnh internet


Đang ở xứ lạ, quê người, dù là ngày tư ngày tết, ngày giỗ quải hay đám tiệc, nếu lỡ rớt vào những ngày giữa tuần, người mình cũng phải chờ đến thứ bảy, chủ nhật mới là ngày NÊN. Nên: “tắm gội, xuất hành, đính hôn, gả cưới, khai trương, họp bạn, mua nhà, an táng, kiện cáo, giao dịch, tu sửa, động thổ, động quan, quét dọn nhà cửa…” còn mọi ngày khác coi mòi nên Cữ.




Nhưng hôm nay, ngày 23 đưa ông Táo về trời, Bà vợ già của Ông đã sắm sẵn mọi thứ cần thiết, chờ ông đi làm về là cùng nhau đưa tiễn táo quân về Trời cho kịp giờ Ngọc Hoàng lâm triều. Làm gì thì làm chứ Táo đi về trển mà bị trễ là không được, chỗ của Ngọc Hoàng thượng đế không xài giờ cao su! Ngài mà đã thượng toạ lên”Long sit” rồi thì bá quan văn võ, táo ông, táo bà phải ứng hầu đủ mặt. Ngài xỉ vào vị nào là vị đó phải lập tức bẩm báo ngay. Cái mục triệu tập Đại hội lúc 4 giờ mà đến 6 giờ mới khai mạc chắc chẳng xảy ra đâu “THÌ GIỜ LÀ VÀNG BẠC” mà! Không giống đám cưới, đám tiệc, buổi hội họp dưới trần gian này, gia chủ gửi thiệp mời lúc 6 giờ chiều, mà đám nào đám nấy cũng hơn 8 giờ tối mới bắt đầu…diễn văn khai mạc, báo hại kẻ nào đi đúng giờ là cứ y như rằng “ngồi lâu tăng kể- khíu chọ” ( ngồi lâu tê cẳng-khó chịu), và cô dâu, chú rể, gia đình hai họ thì đứng mỏi cả chân, ngóng dài cả cổ, mà người đi trễ vẫn cứ ung dung đi trễ triền miên, thiệt là THIỆN TAI! THIỆN TAI.




Nhang tàn, tới màn đốt giấy tiễn đưa, nhìn chiếc áo Táo quân mà chẳng có…quần , ông gẫm cười mà chẳng hiểu vì sao? Thiệt tình người nào khởi thủy bày ra  tục lệ đưa ông Táo về trời lại chơi cắc cớ, bắt táo nhà ta khoác áo mà không cho …mặc quần, hổng hiểu lúc lơ lửng trên trời cao Táo nhà ta có cảm thấy lạnh cẳng? Nhưng biết làm sao hơn, bây giờ nếu nhà nào tử tế, may thêm cho táo cái quần, chưa chắc Táo đã thèm mặc, vì hổng …giống Táo, lại gây thêm thắc mắc cho Ngọc Hoàng thượng Đế.

Thấy mình đã hoàn thành công tác đưa ông táo về trời, ông tá già ngã người ra ghế cất giọng hò ơ:    


Hò ơ
!Một lo đất thấp hơn trời
Hai lo ông dượng bà Dì lấy nhau
Ba lo Trăng sáng hơn sao
Bốn lo bà Vãi, Thầy Chùa đi tu
Năm lo đường có ruồi bu
Sáu lo trường có lu bu học trò
Bảy lo
....

Bị bà tá già cười lên ha hả nên ông tá ngưng ngang
-Mình ơi! Mình lo gì mà tức cười vậy? bà vừa cố nín cười, vừa hỏi.
-Thì bắt chước ông bà đi trước lo vậy mà, đâu phải tui sáng tác ra.
-Bộ quỡn lắm sao mà lo chuyện đất thấp hơn trời?
-Thì lo chuyện đáng lo nhiều quá rồi, giờ lo chuyện trời đất!
-Em thì lo không biết kỳ này Táo quân về trển có gặp trở ngại gì không?
-Bà sợ đông quá Ngọc Hoàng không chịu nghe báo cáo?
-Không phải! Em chỉ lo trên đường về Trời, lỡ gặp lúc đang bị động đất lắc lư, hay gặp phải sóng thần cuốn ra khơi,có khi còn bị mấy tên quá khích cho nổ bom chận đường cho chết banh xác, hay bi công an chận lại đòi tiền mãi lộ, có khi lại gặp “phái đoàn U.F.O” vớt táo đi luôn thì kẹt, năm nay Ngọc Hoàng sẽ mù tịt, không biết chuyện gì xảy ra nơi trần thế!

-Bà lại lo tào lao hơn tui nữa! Táo ta bây giờ đi bằng phi thuyền, chỉ cần XẸT một cái là ngồi lọt ũm trong sân chầu rồi.

-Mình à! Em thấy sao cuộc sống chung quanh mình có quá nhiều chuyện tức anh ách,tại sao có những kẻ ác tâm, người ta đang sinh hoạt bình thường, đặt bom cho nổ cái bùm,lại vỗ tay ăn mừng khi thấy người chết thảm. Lắm nơi những kẻ nhiều thế lắm quyền lại chơi trò bá đạo, ăn hiếp người ngay, chỉ cái việc tỏ lòng "YÊU NƯỚC" cũng bị bắt bỏ tù nhiều năm, mà cũng không ai làm gì được, lại kêu Trời không thấu, Ngài cũng bận nhiều việc, hay là tại ngài ở xa quần chúng, luôn bị bưng bít sự thật?  nếu mình được trực tiếp gặp ông Trời, may ra nhờ Ngọc hoàng thượng đế giúp đỡ, nên em muốn ….

-Muốn sớm được…rước về nước Chúa!
-Không! chỉ muốn được làm …Táo quân! được về Trời gặp Ngọc Hoàng thượng đế…
-Ha ha ha! Bà già trầu ơi! Làm người dương thế đã khó, làm táo quân coi bộ không dễ đâu à.


Ảnh internet

-Xí, táo bên mình thì đen đuá, xấu xí, dơ dáy, đói khát, lại bị khói cay của lửa củi suốt ngày, chứ táo xứ Mỹ này thì sạch sẽ, thom tho, ngày nào cũng được tắm rửa, lau chùi bằng …lai-son thơm phức mà khó gì.

-Tui nói khó đây là khó về sự hiểu biết, phải nắm vững tường tận mọi vấn đề, phải am tường tình hình thế giới và …TA!, để khi về trển tường trình đầy đủ cho Ngọc Hoàng tùy cơ lượng định, phán xét. Coi bộ năm nay Táo hơi mệt vì có quá nhiều vấn đề cần bẩm báo đó bà.

-Chuyện Mỹ hay chuyện  ta? chuyện bên nhà hay xứ nẫu?(người ta).
-Chắc Ngọc Hoàng muốn biết chuyện của ta là chính, chứ chuyện Mỹ, chuyện Tây cần phải  có …thông dịch, nhiêu khê mất thì giờ, mà toàn những chuyện gì đâu đâu
-Vậy mình đoán thử xem ngài thích nghe chuyện gì nhứt?
-Thì chuyện bên nước Đại Việt của mình đó, chuyện nhân dân ta đang đứng lên đòi Nhân quyền, mọi quyền Tự Do của con người. Sinh viên học sinh đòi chính quyền Cộng sản không được quyền “nhượng đất-bán đảo” cho quân Tầu cộng để lấy tiền sắm nhà đẹp, chơi sang như nhà của …thái thượng hoàng Lê khả Phiêu chẳng hạn …
-Đó là chuyện bên nớ, còn chuyện bên ni thì răng?
-Nếu bà mà là Táo quân, bà phải trình cho Ngọc Hoàng thấu triệt tình hình đám trẻ lớn lên ở cái xứ Mỹ này. Chúng được cho mẹ cưu mang  khổ cực như thế nào mới đến đươc xứ sở Tự do, được ăn sung mặc sướng, được học hành đàng hoàng bằng cấp cao sang, làm  tiền vào rủng rỉnh, không chịu tìm hiểu cặn kẽ về thân phận của mình, tiếc thay lại đi “vẽ vời bôi bác” vào nỗi đau của chính cha mẹ mình.
-Thì cũng có người này kẻ khác, xã hội mà, nếu ai cũng là “người tốt” thì làm sao giờ này mình ngồi nơi đây?
-Mà thôi, bà định tâu lên Ngpọc Hoàng những gì, đã chuẩn bị chưa, đọc tui nghe thử.

Bà tá hắng giọng, lên dây cổ và dõng dạc đọc to như đang đứng trước mặt Ngọc Hoàng Thượng Đế:                      



Muôn tâu: Thần Táo
 Bẩm báo Ngọc Hoàng 
Những chuyện thế gian
 Năm qua, Thần biết: 
 Thần dân đất Việt
 Tội lắm Ngài ơi! 
Mất nước tới nơi,  
Toàn dân ta thán 
Cháu con của Đảng 
Phung phí bạc vàng 
Tậu xe hơi sang
 Chạy đua bạt mạng
 Nhà lầu vàng dát
 Xách bóp hạng sang
 Ăn chơi thả dàn 
Dân đen nghèo mạt 
Đảng ta gian ác 
Bắt bớ “dân oan” 
người nào kêu than
 Nguy cơ “mất nước” 
 Đảng ra tay trước
 Bắt nhốt nhà lao 
Kêu án thật cao 
Hù dọa cảnh cáo. 

Người dân lơ láo 
Tự hỏi lẫn nhau 
Phải tìm cách nào  
Đứng ra cứu nước?   

Cả ngàn năm trước 
Cũng bọn “Tàu phù” 
Mua chuộc lũ ngu 
Ham danh hám lợi 
Chúng nhờ cơ hội 
Cộng với mưu gian 
Tàn ác, dã man 
Chính quyền chúng cướp. 
Ngày nay y trước 
Cũng bọn đầu trâu 
Ăn phải “bã Tàu” 
Nhận tiền “bán nước” 
Từ “khai bâu-xít” 
Đến cảnh ngư dân 
Lưỡi bò liếm dần 
Đảng dâng “đất-biển”!!! 

Ngài coi sao tiện 
Cứu giúp dân Nam 
Quét sạch quân tham 
Diệt tan Cộng sản!!!   

Nói về xứ bạn 
Nơi ở của thần 
Tếch-xịt-Hút-tân 
Năm nay kỳ thiệt. 
Bỗng dưng đổ tuyết 
Lạnh buốt tim gan 
Đến khi tuyết tan 
Trăm hoa chết ráo! 
Thần buồn áo não, 
Nhưng biết làm sao 
Nhìn qua hàng rào 
Bên kia cũng dzậy!....  

Chuyện thần nhìn thấy 
Nhan nhản khắp nơi 
Người than quá trời  
Là chuyện mất …“dóp” 
Kinh tế lóp ngóp 
Chưa thấy phục hồi 
Tổng thống đi chơi 
Thì nhiều quá xá!!! 
Từ lên ngôi cả 
Mới một năm qua 
Đi Tây, đi Ta 
Cả hơn chục chuyến 
Tiền rừng bạc biển 
Tổng bà cứ xài 
Phụ tá “hăm hai” (22 người) 
Nhưng nhìn vẫn …hãi!!!! 


Thần xin lập lại 
Cái bịnh nói dai 
Nói dở, nói dài 
Nghe hoài phát chán. 
Dân Việt tị nạn 
Ba mấy năm rồi 
Hội họp quá trời 
Cơ man đoàn thể 
Nhưng bệnh đi trễ 
Mọc rễ đâm chồi 
Tiệc khai mạc rồi 
Người …tà tà đến.(?) 

Tin vui cũng lắm 
Dân biểu, nghị viên 
Đắc cử liên miên 
“Vẻ vang dân Việt!” 

Nhưng cũng buồn thiệt 
Vẫn chuyện phe ta 
Thục mạng chạy xa 
Vẫn còn "mê đảng”.  
Từ tên “phản bạn” 
Họ Nguyễn tên Kỳ 
Đến Phạm tên Duy 
“Vịt kiều yêu nước” 
Khi thua chạy trước 
Đến được nước người 
Giờ quá bảy mươi  
Bỗng dưng thành "khỉ" 
Một bọn “vô sỉ” 
“Hội nghị Việt kiều” 
Làm hề mấy chiêu 
Người xem muốn… mửa. 
Vung tay xin hứa 
“Phục vụ đảng nhà” 
Hả họng đồng ca 
“Bác Hồ đại thắng” 
Hát rồi dông thẳng 
Cúi mặt, cụp đuôi 
Như một lũ ruồi 
Vo ve hũ mắm.   
Chuyện còn nhiều lắm, 
Nhưng bẩm Ngọc Hoàng 
Bụng thần xốn xang 
Muốn về dưới gấp! 

Thần sẽ tâu tiếp  
Về chuyện văn chương 
Lúc này ra đường 
Toàn Văn-Thi-sĩ 
Nhưng thần trộm nghĩ 
Nhiều SĨ quá hay 
Những kẻ có tài 
Sao không phát triển? 
Năm châu bốn biển 
Nối kết bạn hiền 
Thơ-nhạc giao duyên 
Quá là “hạnh phúc”!!!! 

Thần đã đến lúc 
Gút-bai Ngọc Hoàng 
Chúc Ngài an khang 
Trường sinh bất tử!!!!   

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

CON XÙ của NGUYỄN SĨ NAM

Tôi cũng không nhớ rõ là ông già tôi đã nuôi con chó Xù con từ lúc nào. Chỉ biết mang máng là ông đã xin nó về nuôi từ lúc mới đẻ, báu vật của một ông bạn già ở xa nhà tôi khoảng năm cây số đường rừng. Vậy mà ông bạn cố tri ấy đành cắt khúc ruột của mình ra tặng cho ông già tôi ngay từ thuở nó mới lọt lòng, lúc nó còn chưa mở mắt. Thế đủ biết cái tình bạn nhậu giữa hai ông già thâm sâu, thắm thiết biết là dường nào.         

 


Đúng là “bợm nhậu” nói theo kiểu giang hồ. Ông già tôi quả là một dân “nhậu” khét tiếng từ thành đến tỉnh. Nếu không nổi danh như vậy thì ông đã không đến nổi “bán vợ đợ con” để về chui rúc dưới mái tranh xập xệ này. Tiếng là nhà tranh vách đất nhưng trông chẳng khác nào cái chòi nhỏ. Mái tranh cũ rạt không che kín đủ gian nhà nhỏ bên trong, lúc nào cũng như chờ đợi những cơn mưa dột ướt cả người vì không tránh né đâu được hết. Còn cái tình cảm giữa ông bà già tôi mới thật là éo le.

Chính vì ông già tôi là một “bợm nhậu” khét tiếng nhất vùng nên bà già tôi không thể nào chịu được cái cuộc tình giẫy chết này nữa. Bà đành một mình cự tuyệt ông già và lặng lẽ dắt hai đứa con thơ (trong đó có tôi) kéo nhau về cắm dùi ở cái thôn Quảng Phước xa xôi hẻo lánh để làm lại cuộc đời. Vậy mà không đầy một năm sau, ông cũng tìm ra được tông tích của ba mẹ con rồi cũng rút binh về theo.

Tuy nhiên cái tình mặn nồng ngày xưa không còn nữa. Cái nhà là của bà già tôi mua nên trên nguyên tắc ông già không có quyền ở chung. Túng quá ông phải tự chế lấy một cái chái nhỏ có tấm nhựa căng lên che đỡ mưa nắng, núp dưới bóng cây xoài to, sát bên bờ giếng làm chỗ trú ẩn quanh năm, coi như tạm cắm dùi chung trên cùng mảnh đất, ở ngay sau cái chòi mẹ con tôi ở. Hai người như hai cái tai của cái cối xay, người ở đằng trước thì kẻ ra đằng sau, người ở đằng sau thì kẻ ra đằng trước, người ở trong nhà thì kẻ phải ở ngoài hoặc ngược lại. 

Cũng chính vì cái nỗi buồn đơn độc này mà ông già tôi phải tìm cách nuôi một con chó làm bạn. Thoạt đầu ai nấy đều lắc đầu bởi ông già tôi ngoài cái chuyện nhậu nhẹt trứ danh, ông còn là một tay nhậu thịt cầy nổi tiếng nên không ai tin tưởng vào lòng tốt của ông một khi con chó bắt đầu lớn. Ấy vậy mà “mối tình thủy chung” này lại kéo dài đến suốt cuộc đời của hai “người” còn hơn là cuộc tình to lớn của ông với bà già tôi. Con chó Xù hiện diện trong nhà tôi từ ngày ấy bắt nguồn từ mối tình lục đục của hai người đã vẽ thêm vào ký ức tôi những trang kỷ niệm bi tráng, sinh động.            


Con Xù! Đúng cái tên của nó là như vậy, không ai thêm bớt gì được nữa. Bởi lẽ mình nó trắng như tuyết, lông mượt mà xù ra như tảng bông. Cái mặt ốc tiêu thu lu trong đám lông dày cộm khiến không ai thấy rõ đôi mắt tinh anh với cái mũi nó đâu. Cái đuôi rậm rạp như cái chổi lúc nào cũng khoe khuẩy một cách sống động để khỏi ai nghĩ nó chỉ là một con chó nhồi bông. Có điều lạ là ở cái thôn Xuân Tự nơi nó được sinh ra, chẳng có con chó nào đáng gọi là cha nó.





Nó là con chó độc đáo nhất ở đây, mang đầy nét của giống chó Tây mặc dù thôn Xuân Tự chỉ rặt có một đám chó làng nhà ta.Từ hôm ông già tôi âu yếm ôm con Xù về nuôi đã gây ra một bầu không khí chộn rộn trong gia đình không ít. Mẹ tôi vốn có tính không ưa chó mèo nên khi thấy vậy bèn “quát” cho một câu chí tử “Cơm không có mà ăn còn đem chi cái ngữ ấy về nuôi, giỏi lắm được năm ba bữa nửa tháng là vô bụng”. Bà thường nói trổng từ trong nhà vọng ra cốt cho ông già tôi nghe cho bỏ tức chớ không bao giờ bà nói thẳng bởi lẽ cuộc tình đã chấm dứt từ lâu. Riêng anh em tụi tôi thì đặt nhiều dấu hỏi to tướng là không biết con Xù con sẽ ăn uống ra làm sao khi con mắt còn nhắm rít. Việc ông đem con chó con về nuôi như thế này quả là một việc làm hấp tấp một cách kỳ lạ. Chính ông cũng loay hoay không biết phải xoay xở ra sao với việc ăn uống của nó.           


 Cơn lo lắng của ông già với nỗi thách đố của bà già tôi kéo dài đến mấy ngày trời thì đột nhiên bữa nọ, mới sáng tinh sương, cả nhà bỗng thấy con chó mẹ không biết từ đâu lòi ra với bộ lông đen ngòm của giống chó mực nhà ta đang nằm xoải mình ra bên cạnh gốc xoài, thò mấy cái vú dài ra cho con Xù con bú. Thế là vấn nạn trước mắt được giải quyết ngay tức khắc nhưng sau đó ai nấy đều cảm thấy có một cái gì bất ổn!Không bất ổn sao được khi cả nhà tôi từ ông già cho đến mẹ tôi đều tỏ vẻ lo lắng một điều gì đó thật nghiêm trọng. Ngạc nhiên đầu tiên là không biết tại sao với hơn năm cây số đường rừng từ Xuân Tự thôn cho đến Quảng Phước phải băng qua ngọn Phổ Đà dày đặc cây rừng, không ai một lần chỉ đường cho con chó mẹ đi mà nó tìm ra được căn nhà nơi đứa con xinh đẹp nhất của nó bị “bắt cóc” tạm trú. Chẳng lẽ nó đánh hơi mũi tài tình đến như thế hay nó có giác quan thứ sáu?


Nỗi lo lắng kế tiếp là nó còn cả một đám con thơ tới bốn, năm đứa ở lại thôn kia với người chủ cũ mà nó phải có bổn phận nuôi nấng, trách nhiệm còn nặng nề hơn mà phải vượt đèo, lội suối, băng rừng mỗi sáng cả đi lẫn về để cho con Xù con bú, thử hỏi sức người cũng phải tiêu dênh huống hồ là súc vật. Thế mới biết cái tình mẫu tử dù ở con vật cũng thật là thâm sâu.Nhưng một vấn đề nghiêm trọng hơn ảnh hưởng ngay đến tính mạng của con chó mẹ là không thiếu gì thú dữ lảng vảng ở vùng núi Phổ Đà, lúc nào cũng sẵn sàng tóm cổ nó.


Thật là một cơn ác mộng! Hẳn nó không biết chuyện nhiều dân làng đi hái củi đã bị cọp ăn thịt trên ngọn núi hoang dã này. Bài toán xem ra ngày càng rắc rối. Hai anh em tôi chỉ biết đưa mắt lấm lét nhìn nhau chớ chẳng biết làm gì. Cho đến một sáng nọ, tôi thấy trên mình con chó mẹ lẫn mặt mày của nó đầy những vết thương rỉ máu, vẫn nằm êm ả cho con bú, tuy trên ngực đang cố thở phập phồng với ngàn cơn đau xé buốt. Cha tôi phải nhai lá cây và rắc thuốc bột đắp vào vết thương cho nó đỡ lành. Sau đó nó chạy ngược về thôn trong và từ đó, những buổi sáng hôm sau, anh em tôi mon men ra gốc xoài tìm kỷ niệm xưa nhưng không bao giờ còn thấy bóng dáng con chó mẹ đâu nữa. Người chủ cũ ở thôn trong cũng cho hay là nó đã biệt vô âm tín, chẳng còn thấy nó về lại mái nhà xưa! Chúng tôi biết nó đã thật sự gặp chuyện chẳng lành đâu đó trên góc rừng Phổ Đà thuộc dãy Trường sơn.           


 Con Xù con bây giờ lâm vào cảnh mồ côi. Nhà nghèo nên đụng gì ăn nấy. Tuy vậy nó cũng lớn lên và trông “đẹp trai” ra. Ông già tôi cưng nó còn hơn cả hai đứa tôi bởi lẽ trong những đêm ông say sưa chỉ có nó làm bầu bạn. Nó quấn quít bên ông như hai cha con, còn tụi tôi phải ngủ với mẹ vì không chịu nổi cái mùi rượu đế nồng nặc đến chết người. Vả lại cũng để tránh cái cảnh ông nổi khùng lên đêm hôm vào nhà quật tụi tôi đến nhừ xương ra vì cái tội không đi mua rượu khi con ma men rượu bắt đầu gặm nhắm từng thớ thịt của ông.

Ác hại thay một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày thì ông say đến hết một nửa, bữa say bữa tỉnh khiến ba mẹ con phải ra bờ rào trải chiếu ngủ hết một trăm tám mươi ba ngày mặc cho gió sương, mưa bão hoặc rắn rít, bò cạp đêm hôm có bò tới làm thịt cũng đành chịu. Khốn khổ của kiếp nghèo là như vậy!

Vào năm Hợi, ruộng lúa tự nhiên bị mất mùa, dân làng chẳng ai gặt hái được gì nhiều nên cái nghề sửa xe đạp trong làng của ông già tôi cũng sa sút theo, ít ai còn muốn sửa xe đổi lúa nữa. Ông già tôi phải chịu đựng bữa đói bữa no, có lúc ăn cháo thay cơm, có lúc ăn rau thay cháo, có ngày lắm khi chỉ có một bữa ăn, có khi uống rượu trừ bữa, cuộc đời của con Xù cũng thăng trầm theo cái vận mạt của gia đình, cũng bữa đói bữa no như chủ nhưng không bao giờ thấy nó thở than, tru tréo. Ngược lại ông già tôi dù đói cách mấy vẫn không có ý nghĩ làm thịt con Xù mặc dù nó đã lên hai tuổi và dư đủ cho ông già tôi có một tuần xẻ thịt nhắm rượu. Thấy cái cảnh ông ngủ chung và thường ôm nó vào lòng vuốt ve, đủ để biết cái tình thương ông trang trải cho nó biết là dường nào, có khi ông còn nhịn đói chừa cơm cho nó ăn nữa là khác!           


Cái cảnh đầm ấm giả tạo giữa vật và người này kéo dài hơn hai năm.  Một bữa nọ có một nhà sư ở chùa Quảng Phước cách nhà tôi nửa cây số quá bộ đến thăm gia đình, thấy con chó Xù đẹp đẽ thế kia mà lại gầy còm, ốm yếu bèn đem lòng trắc ẩn muốn xin con chó về nuôi. Ngài cũng không quên tặng cho ông già tôi một giạ lúa để đền công nuôi dưỡng. Sau đó ngài bắt con Xù về nuôi giữa cảnh chùa thanh tịch, cô liêu nhưng đầy ắp tình thương cũng như được chăm sóc cơm nước no đủ mỗi ngày. Tôi nghĩ con Xù thế nào cũng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc từ nay.

Kể từ khi con Xù bị đổi chủ thì ông già tôi lại đâm ra mắc bệnh “tương tư“. Không phải ông tương tư “người đẹp” nào trong làng để thay mẹ tôi vì chẳng ai thèm để ý đến ông già say, mà thật ra là ông tương tư con chó. Ông nhớ thương nó da diết như người ta thương nhớ một người yêu, mặc dù quanh ông còn có hai anh em tôi quấn quít hàng ngày nhưng ông vẫn cảm thấy hết sức cô đơn. Cái tấm bạc che mưa nắng đã phai màu bây giờ chỉ còn che đủ một mình ông, nhiều chỗ đã bị rách lổ rổ, mục nát, cũ mèm đáng để quăng vào sọt rác nhưng đối với ông vẫn còn hữu dụng. Ông chẳng phải là một nhà tu nhưng y hệt một nhà tu, thường ngồi xếp bằng trông như thiền đến nổi tụi tôi không dám đến gần quấy phá, đùa nghịch, sợ bị ông đánh đòn. Có khi thấy ông khóc một mình, không biết vì ông nghĩ ngợi cái tình cảnh dở khóc dở cười của gia đình hay vì ông quá tương tư con chó. Nhưng tôi nghĩ chắc ông tương tư con Xù vì nhiều lần tôi thường nghe ông nói “Phải chi tao còn con Xù, tao sẽ đỡ buồn hơn”.


Từ đó ông sinh ra cái tật đi câu cá để giải sầu. Mỗi lần ông xách cái cần với cái giỏ đi câu là tự nhiên ông thơ thới hân hoan mặc dù có lúc về với cái giỏ không. Tụi tôi ban đầu lấy làm lạ nhưng sau đó hỏi ra mới biết ông đã gặp được con Xù.Số là con Xù từ ngày về ở với nhà sư, nó quen với cảnh chùa nên không bao giờ về lại nhà tôi nữa. Ông già tôi thương nhớ con Xù nên tìm cách đi câu bên dòng sông Hiền (lương) ngoằn ngoèo ở phía sau chùa để có cớ nhìn mặt được con Xù. Thoạt đầu con Xù chưa nhận ra được chủ cũ vì xa cách đến hơn cả năm, sau đó linh tính nó biết được người thân nên thường theo ông già tôi ra bờ sông mỗi khi ông câu cá.

Con Xù quyến luyến chủ cũ nên quấn quít bên ông già tôi suốt buổi chiều. Nó hôn, nó liếm, nó nhảy phóc vào lòng ông già như đứa bé con tìm vú mẹ. Thế là ông già tôi tự nhiên tìm lại được niềm hạnh phúc. Ban đầu, mỗi lần đi câu ông thường về nhà sớm nhưng về sau ông ở lại câu khuya hơn, nhất là những đêm trăng thanh gió mát, với bầu rượu bên cạnh và con chó cưng, ông thấy đời không còn gì đẹp bằng. Ngồi thỉnh thoảng móc mồi câu, quăng cái tủm xuống nước, đàn cá đua nhau giựt giựt cái phao, lúc nổi lúc chìm, con Xù phụ họa nhảy lởn vởn, sủa cá sủa trăng, trông cả hai chẳng khác nào đôi bạn thân tình nhất.Lúc đầu con Xù còn sợ nhà sư nên chỉ tìm cách trốn ra bờ sông mỗi chiều rồi lại trở về chùa.

Sau đó nó bạo gan hơn, mon men theo ông già tôi về đến tận nhà, chơi qua loa với tụi tôi chừng nửa tiếng đồng hồ rồi lui bước, để lại nỗi vui mừng hụt nơi anh em tôi. Mấy ngày sau đó nó bất kể nhà sư với cơm lành canh ngọt ở chùa, quyết tâm về nhà tôi ở luôn. Báo hại nhà sư phải mỏi mắt đi tìm mới gặp nó. Nhìn thấy nhà sư, người chủ mới, nó có vẻ thẹn thùng cúi gầm mặt xuống, chẳng tỏ vẻ gì mừng rỡ cả. Về sau ông già tôi thấy áy náy vì một giạ lúa lỡ đã nhận trước đây nên đành phải mang con Xù trả lại chùa. Nhà sư cũng vui vẻ nhận nhưng mấy chú tiểu ở chùa muốn cho chắc ăn nên lần này xích con Xù lại để nằm canh chừng ở một góc bếp, sát bên cây thị quanh năm nở hoa trái vàng óng thơm lừng.

Bẵng đi hơn năm năm, con Xù không còn bao giờ trở về thăm lại chúng tôi nữa. Có thể vì ông già tôi ngày càng già không muốn đi câu xa ở bờ sông cũ nên không còn dịp gặp nó. Có thể vì đời sống giam lỏng nơi cảnh chùa u tịch nên nó chẳng thể nào về, có thể vì nó biết thân phận nó nay là của chùa nên thà đừng làm phiền ai càng hay, cũng có thể nó đã già và chết rồi không chừng. 


Riêng anh em tôi bây giờ đã lớn, tôi đi học xa, em tôi đi lính, mỗi đứa đi làm ăn một phương, ít có dịp về lại quê xưa chỉ trừ khi Tết nhất đến, nên cũng chẳng để ý gì chuyện con chó Xù nữa. Một trang tình sử tưởng đến đây đã hết, nào ngờ… Xuân năm Ngọ, đúng mồng một Tết, trong lúc anh em tôi đang quây quần trong nhà đón Xuân lúc đất trời vừa ửng nắng mai, bỗng nhiên con Xù già từ đâu tung cổng vườn khép kín đi vào ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ. Vẫn bộ lông mềm mại tựa như bông nhưng không dấu nổi màu sắc tàn phai vì mưa nắng. Gương mặt con Xù tuy vẫn còn khuất trong đám lông rậm rịt nhưng vẫn không che kín được lớp da nhăn, nhất là ánh mắt không còn tinh anh như ngày trước nữa. Ông già kể cả bà già tôi bảo nó xông cửa đầu năm chắc là may mắn. Cả nhà ai nấy cũng đều ngạc nhiên vì không ngờ nó lại chọn đúng ngày mồng một Tết mà về sau hơn năm năm xa vắng. Có điều con Xù bây giờ đã già trông không còn giống con Xù ngày xưa nữa. Tôi ôm con Xù già vào lòng vuốt ve, và qua nó, biết được cuộc đời đã đổi thay nhiều lắm. Nó ở nhà tôi chơi hết một ngày Xuân rồi lại trở về chùa suốt năm ở đó.

Xuân sau năm Mùi, anh em tôi bị kẹt ở miền xa không có dịp về thăm nhà nữa. Mẹ tôi có cho hay mồng một Tết, con Xù lại xông cửa về thăm chủ cũ lần nữa. Tôi thấy lòng bâng quơ rung động, tự nghĩ như con Xù có mối liên hệ tiền kiếp nào với gia đình tôi, sao không nó cứ đợi đến ngày mồng một Tết lại về? Ông già tôi ngày càng già, bệnh tật liên miên vì chứng xơ gan do rượu hoành hành. Không có ai hầu hạ giúp đỡ nên lúc nào cũng tưởng nhớ đến con Xù – con thú già bí ẩn, mỗi năm chỉ gặp mặt nó có một lần vào ngày Tết. 


Cho đến năm sau - Tết Mậu Thân thôn làng trong cơn binh biến, anh em tôi người thì đi lính, kẻ làm ăn ở phương xa, Mẹ tôi cho hay con Xù già cũng đã trở về và bị đạn lạc nằm chết sau gốc cây xoài cằn cỗi, cạnh cái chái của ông già tôi khi cả làng đi di tản xuống Cồn hoặc ra Giả. Y như mọi năm, có lẽ con Xù già tung cửa trở về giữa sáng mồng một Tết để đón mừng Xuân vui, nhưng bị lạc đạn nằm chết ở đó. Mấy năm sau, ông già tôi buồn quá cũng theo nó về luôn chốn suối vàng! Anh em tôi mồ côi cha kể từ dạo đó. Cứ mỗi mùa Xuân lạnh lẽo trôi qua nơi xứ lạ quê người, tôi lại nhớ đến chuyện con Xù. Mỗi lần nghĩ tới nó, tôi cảm thấy hổ thẹn một cách kỳ lạ. Nó còn có cơ hội về lại mái nhà xưa để nằm chết ở đó. Còn tôi, liệu biết đến bao giờ!???*


Nguyễn Sĩ Nam
(Nhà văn Nguyễn sĩ Nam cũng là nhà thơ Người Xứ Vạn. Hiện Ông đang định cư tại Úc châu cùng với gia đình)


NGHĨA THẦY TRÒ
Nguyen Si Nam (VT68)

(Không gì hạnh phúc cho bằng được ghi lại những giòng này để cảm tạ khi Thầy Cô còn sống)


Đời học sinh ai cũng có Thầy Cô. Không chỉ một mà có rất nhiều, từ thời tiểu học cho đến trung hoc rồi đến đại học, biết bao Thầy Cô đã đi qua trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên Thầy Cô còn để lại trong lòng học trò những tình cảm sâu đậm thiết tha quả thật cũng rất hiếm. Tôi xin ghi lại đây một số Thầy mà tôi hằng yêu mến theo thứ tự thời gian. Nói theo Cụ Nguyễn Du tiên sinh là “Mỗi Thầy mỗi vẻ, mười phân vẹn mười". Có Thầy nay vẫn còn sinh tiền, có Thầy đã về bên kia thế giới rồi, nhưng chắc chắn tất cả đều để lại trong tôi những niềm xúc động khôn nguôi.




* Người Thầy 'Nhạc Trưởng' (1960)

Trong cuộc đời làm cậu học trò tiểu học, tôi đã chứng kiến cảnh Thầy trò chia ly tràn đầy nước mắt trong cảm động và bùi ngùi. Hồi lên lớp nhì Trường Tiểu học Vạn Ninh, chúng tôi có người Thầy rất đặc biệt, đó là Thầy Hà Thế Xuân người Huế. Thầy có cái đầu thật dẹp ở phía sau ót - có lẽ khi sinh ra Thầy chỉ quen nằm ngữa (?). Cái đặc biệt của ông là mỗi buổi sáng trước khi vào lớp, các học trò đều phải sắp hàng chào cờ trước sân trường và đồng thanh hát bài quốc ca, trong khi đó ông làm một "nhạc trưởng". Hai cánh tay ông đưa lên đưa xuống, tung ngang tung dọc một cách thật nhịp nhàng và đều đặn theo điệu nhạc cho đến khi bài quốc ca chấm dứt và lá cờ vàng đã vươn tới nóc đỉnh. Không biết Thầy dạy hay như thế nào mà tất cả học trò lớp nhì đều rất thương Thầy còn hơn cha mẹ nữa!

Một hôm nọ, Thầy Xuân được lệnh đổi về dạy ở Ninh Hoà. Thầy trò từ biệt nhau trong nước mắt, ai cũng muốn Thầy ở lại nhưng sau đó Thầy ra đi chẳng để lại dấu vết. Lúc đó chúng tôi chỉ mới học lớp nhì nghĩa là còn nhỏ lắm, ở cái tuổi hỉ mũi chưa sạch nhưng không hiểu đứa nào xúi giục, cả lớp tìm ra được địa chỉ của Thầy rồi cuối tuần rủ nhau lập kế hoạch đạp xe đạp từ Vạn Giả vào Ninh Hoà thăm Thầy nhưng không cho Thầy biết. Có phải là gần đâu! Có đến hơn 30 cây số đường bộ men theo Quốc lộ 1 và phải băng qua hai cái đèo trời ạ!

Đèo thứ nhất là Đèo Xuân Tự (hay nói là cái Dốc thì đúng hơn thuộc Thôn Xuân Tự) và đèo thứ hai là Đèo Bánh Ít (ở gần Ninh Hoà). Đèo Xuân Tự thì băng qua cạnh núi Phổ Đà, chỉ cao lên một chút nhưng thẳng băng tương đối dễ đi và dễ tuột dốc, còn đèo Bánh Ít thì cao ơi là cao mà lại dài nữa nên đi lên thì chỉ có nước dắt bộ mà lúc xuống cũng phải coi chừng vì đèo ngoằn ngoèo uốn khúc, xổ dốc không khéo đứt phanh (đứt thắng) thì kể như.... đi đoong. Bữa nọ chúng tôi chuẩn bị cơm nước xong xuôi và và gói quà biếu Thầy, mỗi đứa kiếm cho được một chiếc xe đạp, sau đó cả bọn ước chừng 30 đứa chuẩn bị đạp xe lên đường!

Từ Giã vào Ninh Hoà phải băng qua các thôn Xuân Tự, Xuân Vinh - Hà Dà, rồi đến Lạc An... Chúng tôi đạp một lèo đến Lạc An, nghỉ xả hơi một chút ăn cơm lót lòng rồi tiếp tục đi qua ngã ba Hòn Khói rồi vượt qua Đèo Bánh Ít để tiến tới thị trấn Ninh Hoà gần đúng ngọ. Sau đó phải tiếp tục đi mon theo quốc lộ 1 khoảng một hai cây số nữa mới cua phải quẹo lên làng Trường Châu, Xã Ninh Quang ở phía bên kia đường xe lửa mới gặp căn nhà nơi Thầy Xuân đang ở trọ để đi dạy học ở đây.

Hôm đó may mắn vì cuối tuần nên Thầy Xuân nghỉ dạy ở nhà. Khi chúng tôi gõ cửa, Thầy mở cửa ra thấy một lô học trò cũ của mình từ Vạn Ninh vào một cách bất ngờ không thông báo trước, Thầy ngạc nhiên quá đổi. Cả Thầy lẫn trò cùng ôm nhau khóc, nước mắt ràn rụa, khung cảnh cảm động thật không bút nào tả xiết! Thầy thương trò vì tuổi thơ mà lặn lội đường xa đến thăm Thầy, trò thương Thầy vì cái nghĩa khí quốc gia mỗi buổi sáng chào cờ và những bài dạy thật hay trong lớp. Thầy thương học trò như thương con ruột của mình. Thầy chưa có gia đình nên rất nặng lòng với học trò và tổ quốc.

Bóng chiều đã bắt đầu ngã xuống phía Tây. Chúng tôi trao quà biếu Thầy xong rồi vội vã từ biệt Thầy để đạp xe về lại Giã trước khi màn đêm buông xuống. Vì chúng tôi đến thăm Thầy bất ngờ thiếu chuẩn bị nên Thầy chẳng có quà cáp gì tặng chúng tôi, Thầy đành lì xì cho mỗi đứa ít tiền để uống nước dọc đường. Thật vô cùng cảm động!

Ấy vậy mà trên đường đi về lại Lạc An, chúng tôi còn đứng lại nghỉ ngơi và bứt mấy cọng cỏ dại, mấy cành hoa mắc cở màu tim tím mọc bên đường làm niềm vui trên con đường đạp xe dài như thiên lý… Cả đi lẫn về hơn 60 cây số đường trường. Chúng tôi về tới nhà thì trời đã tối. Mẹ hỏi "Con đi đâu mà về tối quá vậy?" - "Dạ! con đi thăm Thầy". Bà vui vẻ hỏi han tự sự mới hay thằng con vừa làm một chuyến đi xa tới tận Ninh Hoà. Bà giật mình bảo "Thôi con đi ăn cơm đi kẻo tối". Ngẫm lại, không hiểu sao ở cái tuổi thơ của chúng tôi thời đó mà lại có thể làm được một viêc quá sức tưởng tượng như vậy!?



* Người Thầy Nhân Trí (1968)

Hồi còn học đệ nhất ở Trường Võ Tánh Nha Trang, tôi rất quý Thầy Bùi Ngoạn Lạc vì Thầy là giáo sư Toán rất nổi tiếng ở miền Trung, dạy rất nhiều thế hệ học trò và đã từng ra sách toán đệ nhất cho các học sinh trung học. Cái may là tôi được học với Thầy (Đệ nhất B2). Lúc đó tôi chỉ biết có Thầy vì tôi là một trong số học trò Thầy thương nhất và có nhiều kỷ niệm với Thầy nhất.

Hết năm đệ nhất xong Tú Tài 2 thì tôi xa Thầy để đi Saigon học nên không có dịp ở gần Thầy nữa. Về sau, khi tốt nghiệp Học Viện QGHC và được đổi về làm Phụ tá trông coi Ty Thuế Vụ Nha Trang năm 1973, tôi có dịp gặp lại Thầy. Ngày nọ, Thầy có dịp bán nhà nên cần đóng thuế trước bạ. Bất thần tôi gặp Thầy ở Ty tôi. Lúc đó trông Thầy xanh xao lắm, đi đứng chậm chạp khó khăn, không còn sắc diện như hồi xưa nữa. Tôi nghĩ chắc Thầy bệnh nặng. Tôi đón Thầy vào văn phòng làm việc của tôi. Sau khi cho nhân viên trước bạ làm xong thủ tục đóng thuế cho Thầy, Thầy vui vẻ ngồi lại nói chuyện với tôi thật lâu và cho biết Thầy vừa trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh! May có người học trò giỏi đã cứu Thầy!

Qua cuộc nói chuyện, tôi thấy Thầy rất tin khoa tử vi và địa lý. Thầy kể cho tôi nghe mấy tháng trước, Thầy còn ở bệnh viện Grall Sài gòn để chữa trị một căn bệnh ngặt nghèo. Qua một thời gian khá lâu nằm tại bệnh viện nổi tiếng này, các bác sĩ nơi đây đành chịu bó tay không chữa nổi căn bệnh của Thầy nên khuyên Thầy về lại quê nhà là Nha Trang để tỉnh duỡng và chờ ngày... ra đi chớ không còn cách nào khác. Ngày còn lại Thầy nằm trong bệnh viện với nỗi tuyệt vọng tận cùng, không biết cách nào hơn đành chọn giải pháp về lại quê nhà dù sao cũng có vợ con bên cạnh. Hiền thê của Thầy là Cô BNL - Hiệu trưởng lâu đời của Trường Nữ Trung học Nha Trang yêu quý thân thương của hầu hết các nữ sinh Trung học.

Ngày nọ, đột nhiên Thầy thấy một cậu thanh niên trông rất khôi ngô tuấn tú bước lên cầu thang cạnh giường Thầy nằm để họp mặt với các bác sĩ chi đó, nơi đây anh chưa một lần bước qua. Bỗng dưng cậu thanh niên ấy dừng lại và nhận ra một gương mặt thật đặc biệt dường như anh đã quen ở đâu từ lâu lắm… Anh chợt nhớ ra bước lại gần ngước nhìn bệnh nhân và hỏi:

- “Thưa Thầy, Thầy có phải là Thầy Bùi Ngoạn Lạc?”

Thầy mệt mỏi gật đầu và hỏi:

- “Cậu là ai? Sao lại biết tôi?”

Người thanh niên sững sờ nhìn Thầy và nói:

- “Thưa Thầy, con là học trò cũ của Thầy đây!”

Thầy hỏi:

- “Chớ cậu làm gì ở đây?”

Người thanh niên đáp:

- “Thưa Thầy, con là Hoá - Lê Văn Hoá. Con là học trò cũ của Thầy ở Trường Quốc Học Huế, hiện là bác sĩ du học ở Mỹ về, con giúp các bác sĩ ở đây học hỏi cách chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo trong thời gian ngắn trước khi con về lại Mỹ”.

Thầy hỏi:

- “Bao lâu anh về lại Mỹ?”
- “Dạ khoảng 2 tuần nữa. Mà Thầy bị bệnh gì mà trông Thầy ốm o xanh xao quá vậy? Xin Thầy cho con biết!”

Lúc đó Thầy BNL mới nhận ra người học trò cũ của mình năm xưa ở Huế và Thầy cho biết sơ bệnh tình của Thầy. Nghe qua căn bệnh, anh mời Thầy tiếp tục ở lại bệnh viện để chính anh chữa trị cho Thầy.

Chính cái duyên may gặp gỡ hiếm có và kỳ diệu này, chỉ thoáng qua trong một tích tắc ngay tại cầu thang bệnh viện đã cứu sống được Thầy. Người học trò bác sĩ ấy sau đó đã tận tâm, chính tay anh chữa trị căn bệnh nan y của Thầy và trước khi từ giã Thầy để về lại Mỹ theo như chương trình dự định, anh đã căn dặn các bác sĩ ở bệnh viện Grall tiếp tục chữa trị cho Thầy đến khi căn bệnh dứt hẳn. Kết quả Thầy BNL đã lành bệnh và xuất viện về lại Nha Trang tiếp tục nghề dạy học. Người học trò đó chính là Bác sĩ Lê Văn Hoá, cựu học sinh Trường Quốc học Huế. Ông có hai bằng Tiến sĩ: Tiến sĩ Y khoa và Specialist. Hiện đã về hưu và sống tại Hoa kỳ.

Trong những dịp du lịch sang Mỹ, mỗi lần ghé San Jose, chúng tôi đều có đến thăm Thầy Cô BNL. Cả hai hiện sống an vui khỏe mạnh với gia đình con cái Thầy và ái nữ của Thầy Cô là Bùi Trâm ở đây. Mỗi lần như vậy, Thầy thường hay nhắc đến câu chuyện này với lòng sung sướng mãn nguyện về người học trò giỏi dang đó. Cũng nhân dịp này, Thầy tặng cho tôi những thi tập Tư Nguyên (bút danh của Thầy lúc làm thơ) với những vần thơ Đường tuyệt tác mà giờ đây chúng tôi vẫn còn học hỏi rất nhiều về lề luật làm thơ Đường của Thầy cũng như ý tứ.




* Người Thầy Quê cũ (1973/74)

Một câu chuyện khác cũng khá cảm động của tôi về tình Thầy trò trong thời gian về làm việc tại Nha Trang năm 1973/74. Hôm ấy tôi có dịp đi giảng về sắc thuế mới Trị Giá Gia Tăng (Thuế VAT) cho các viên chức xã ấp và Hội đồng xã thuộc tỉnh Khánh Hòa tại Trung Tâm Tu Nghiệp NT. Các học viên hầu hết là những người lớn tuổi nay trở thành các viên chức xã trưởng, thôn trưởng, ấp trưởng, hội đồng xã v.v... từ các nơi trong tỉnh kéo về NT học. Họ chào đón tôi hết sức trịnh trọng như một vị khách quý mặc dù tôi còn khá trẻ! Trong lúc tôi đang thao thao bất tuyệt giảng về sắc thuế này, bỗng nhiên đôi mắt tôi dán chặt vào một cụ già ngồi ở cuối bàn. Tự nhiên tôi nhận ngay ra ông Thầy già dạy tôi hồi còn học lớp nhất ở Trường Tiểu học Vạn Ninh!

Tôi giật mình ngưng giảng bài và tiến đến cuối bàn hỏi han mới biết đó đúng là Thầy Phong - người Thầy cũ dạy tôi hồi còn tiểu học. Lúc đó Thầy đã về hưu không còn dạy học nữa nhưng được dân chúng tín nhiệm bầu Thầy làm Hội đồng xã ở ngoài Vạn Ninh. Thầy trò ôm chầm lấy nhau sau mấy chục năm xa cách. Tôi xúc động đến phát khóc và lật đật mời Thầy lên bục giảng để tôi giới thiệu Thầy với tất cả học viên. Tôi hãnh diện có Thầy, Thầy hãnh diện có tôi - người học trò nhỏ đã thành công trên trường đời và nay thì đứng ở bục giảng với vị trí ngược lại. Sau đó tôi bỏ buổi giảng nửa chừng vì quá xúc động nên không thể tiếp tục được nữa, đành hoãn lại bữa sau. Bây giờ chắc Thầy đã qui tiên rồi. Tôi không còn bao giờ có cơ hội gặp lại Thầy nữa!




* Người Thầy Hoạ sĩ (1973/74)

Những năm dưới mái trường Võ Tánh NT, tôi thích nhất là môn vẽ. Vẽ cảnh thì tôi thích tranh hoạ sĩ Văn An ở đường Độc Lập, vẽ tài tử xi nê thì tôi thích tranh quảng cáo ở Rạp Tân Tân và Minh Châu, còn tranh chân dung thì không ai qua mặt Thầy Võ Thành Điểm (thân phụ của hoạ sĩ Vy Vy). Cứ mỗi lần từ quê lên tỉnh học là tôi phải băng ngang nhà Thầy ở đường quốc lộ 1 (cạnh góc đường Trần Quý Cáp) xéo xéo với Ty Thông Tin để coi tranh của Thầy cho bằng được. Căn phòng khách của Thầy chứa đầy tranh ảnh mà tôi thích nhất là những tranh vẽ chân dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đây là những bức chân dung tuyệt tác vẫn được các cơ quan chính phủ mua về treo ở công sở. Đặc biệt ở Ty Thông Tin NT có tấm hình thật to của TT Ngô Đ Diệm treo ở phía trước trông thật uy nghi trang trọng.

Một tối nọ (1973/74) tôi cũng có nhiệm vụ đi giảng thuế VAT cho dân ở khu vực Trường Tàu cũng ở quốc lộ 1. Chỗ này rất gần nhà Thầy Điểm. Vừa giảng xong thì cũng đã quá 9 giờ rưỡi tối, trong khi dân chúng ra về thì tôi thấy một người lớn tuổi tiến đến gần ôm chầm lấy tôi mà nói với ‘xếp’ thuế vụ của tôi lúc bấy giờ là ông TTy MXKiếm. Ông nói (xin ghi lại nguyên văn):

- "Cậu nhỏ này là ai mà có tài hùng biện và nói năng ngon lành quá vậy? Kiểu này tôi phải nói với (thằng Thiệu) cất nhắc cậu này lên tới nơi tới chốn mới được!"

Tôi hoảng hồn nhìn kỹ mới biết đó là Thầy VTĐiểm. Lúc đó Thầy mới cho biết Thầy cũng là Thầy của TT NVThiệu thời ông còn dạy học ở Bá Ninh. Lúc đó tôi hoảng quá đành phải thú thật với Thầy:

- "Dạ, con là học trò cũ của Thầy ở Trường Võ Tánh đây!"

Thầy Điểm khoái quá cười ha hả và khoe với ‘xếp’ của tôi:

- "Đó anh thấy chưa? Học trò Võ Tánh cậu nào cũng giỏi cả. Rán mà cất nhắc nó lên nhé!".

Chút tâm tình Thầy trò ngắn ngủi như vậy nhưng tình cảm thật sâu đậm. Nay thì Thầy đã qua đời rồi để lại bao luyến tiếc trong lòng học trò.




* Người Thầy - Kẻ sĩ thời đại (sau 4/1975)

Một trong những vị Thầy mà tôi hằng kính phục và ngưỡng mộ cái cung cách của Thầy như một kẻ sĩ thời đại sau khi đất nước tang hoang năm 1975, đó là Thầy Ngô Đức Diễm. Tôi học Thầy Diễm không chỉ ở Võ Tánh mà còn ở Trường Văn Hoá nữa (1965). Tôi vẫn còn nhớ Thầy có khuôn mặt đẹp trai, cái miệng cười chúm chím trông thật có duyên, tóc chải óng mượt với dáng dấp tầm thước, nước da trắng hồng trông bạch diện thư sinh với chiếc xe Suzuki màu đen là những nét quen thuộc.

Câu chuyện đời Thầy sau 1975 cũng đã nhiều lần chính Thầy nói ra rồi nên chúng tôi xin ghi lại đây như một bài học cho những người sa cơ thất thế mà vẫn còn giữ được tấm lòng trung trinh của một kẻ sĩ đối với đất nước. Trong lúc thời cuộc nhiễu nhương sau cơn quốc nạn 30/04/75 đã làm cho bao giá trị và đạo đức phải gục ngã, trò cũng như Thầy đều thấy mình lạc lõng trên chính đất nước là núm ruột mình, nhưng bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh. Ấy vậy mà từ nơi tăm tối, Thầy vẫn hiên ngang đứng lên như một tấm gương sáng cho người học trò mạt vận này noi theo. Thật hào hùng hết chỗ nói!

Một buổi sáng nọ tại bến xe đò Nha Trang/Ninh Hoà cạnh quốc lộ 1 ở phường Sinh Trung, trong khi dáo dác tìm đường về quê xứ Vạn, bỗng dưng trước mắt một hình ảnh lạ lùng đập vào mắt người viết như một tia lửa xẹt: Thầy Diễm đang đứng chất từng gánh hàng cho khách trên một chiếc xe đò chuẩn bị lăn bánh chạy ra Ninh Hoà! Thầy đang đóng vai của một 'lơ xe' Trời ạ!

Tôi không tin ở mắt mình (!) Có phải là Thầy Diễm đây sao (?). Tôi vội rảo bước đến chiếc xe khác để tránh đôi mắt Thầy bắt gặp mà ngượng ngùng (tôi nghĩ vậy). Thầy đứng trên mui xe, cao như tầm cao của một kẻ sĩ "uy vũ bất năng khuất"! Về sau tôi nghe tin Thầy đã vượt biển ra đi ở ngoài Lương Sơn. Chắc có lẽ tháng năm làm 'phu xe đò' bất đắc dĩ để Thầy tìm đường vượt biển. Tôi hết sức phục Thầy và sẵn sàng chịu đựng những tai ách đổ xuống cuộc đời "Gặp thời thế thế thời phải thế!". Bởi Thầy mà còn chịu những khổ đau như thế thì thân mình là học trò có làm Hàn Tín cũng đành cam. Qua đây, tôi biết Thầy không chịu đành lòng nhìn quê hương khổ đau nên vẫn tiếp tục dấn thân vào giấc mơ mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Nhờ đó tôi biết Thầy qua bút danh Ngô Q Sĩ. Thầy quả đúng là một kẻ sĩ của đất nước!




* Người Thầy giáo "quèn" (1985)

Cuối cùng là cuộc hội ngộ bất ngờ với người Thầy già kính yêu thời đại học ở đất khách quê người năm 1985. Khi tôi qua Úc được mấy năm, một hôm nọ đi chợ ở shop Thanh Thế tại Brisbane mua ít đồ, bỗng nhiên tôi thấy một người lớn tuổi trông thật quen quen ăn mặc rất đơn sơ cũng đang đi shop mà tôi đã biết chắc ông là vị Thầy cũ của tôi. Nhưng để cho chắc ăn, tôi phải nhìn kỹ mặt ông cái đã. Tôi đi vòng bên phải để nhìn rồi vòng qua bên trái. Cuối cùng thì chắc cú 100% đó là ông Thầy của mình nên bước tới gần lên tiếng hỏi khẽ:

- “Thưa Thầy, Thầy có phải là Giáo sư NKNhân ở Học Viện QGHC?”

Ông già vẫn tỉnh bơ và có vẻ ‘joking’ như những ngày còn ở Học Viện. Ông đáp:

- “Không! không phải! Chắc cậu nhầm người!”.

Với giọng Bắc quen thuộc. tôi nghĩ Thầy qua bao nhiêu cơn biến động, nhất là sau 75, có lẽ Thầy khá thận trọng trong viêc thố lộ tông tích của mình. Nhưng tôi vẫn bám sát lấy ông và hỏi tiếp. Ông vẫn trả lời theo kiểu nhát gừng:

- ”Ừ, hồi xưa thì tôi có làm nghề thầy giáo quèn, bây giờ thì về hưu rồi”

Lúc đó tôi không chịu được nữa đành phải thú thật:

- “Thưa Thầy, con là học trò cũ của Thầy ở Học viện QGHC qua môn Luật HC. Xin Thầy nhận ra con”.

Lúc đó ông Thầy già mới chịu nhận mình là cựu Giáo sư Học Viện QGHC. Hiện giờ chúng tôi chỉ còn một ân sư HC duy nhất còn sống tại Úc: Đó chính là Giáo sư NKN. Ông hiện đang ở Sydney mà gia đình tôi đã nhiều lần đến kính viếng thăm Thầy Cô mỗi khi có dịp ghé ngang thành phố này. Bây giờ thì Thầy Cô đã vào sống ở viện dưỡng lão với tuổi quá bát tuần - một nơi tuy vẫn còn gần gũi với gia đình con cháu nhưng cũng là chỗ gần đất xa trời, bắt đầu cách biệt với thế giới bên ngoài khi bóng hoàng hôn của cuộc đời sắp tắt ở cuối trời Tây...




Giờ đây, ghi lại những dòng này như một cảm nhận những điều kỳ diệu giữa Thầy và trò mà mấy câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. “Không Thầy đố mầy làm nên”, vẫn còn vang vọng trong trí óc, vẫn còn ăn sâu vào trong tâm khảm một cách thật xúc động, thân thương!

Nhân mùa Hội ngộ anh chị em Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang năm nay, chúng con xin kính dâng lên Quý Thầy Cô lòng biết ơn chân thành của chúng con trước ân nghĩa bao la mà Quý Thầy Cô đã dạy cho chúng con trong những tháng năm xa xưa lúc còn là cậu học trò nhỏ ở quê nhà. Đối với Quý Thầy Cô đã qua đời, chúng con xin được thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ. Bây giờ tuy đã lớn rồi, mỗi khi gặp lại quý Thầy Cô vẫn còn thấy mình như bé bỏng, nhỏ dại... hết sức nhỏ dại...

Thời gian có thể xoá đi rất nhiều điều trong ký ức, vậy nếu trong bài viết có những gì sơ sót hay không hoàn toàn đúng với cuộc đời, kính mong quý Thầy Cô vui lòng lượng thứ bỏ qua cho./-


* Nguyen Si Nam (VT68)

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

THƠ HỌA-MỪNG XUÂN CANH DẦN




BÀI XƯỚNG -Thi sĩ VINH HỒ              

MỪNG XUÂN CANH DẦN


Tống cựu, nghinh tân, đón Cọp vàng 
Bài thơ khai bút chữ an khang
 Giao Thừa tiếng pháo nghe vang vọng 
Mồng Một đoàn lân múa rộn ràng
Vạn vật tưng bừng khoe sức sống 
Muôn người hớn hở đón xuân sang
Mở lòng, quên hết u buồn cũ
Bay bổng tình thơ nhạc chứa chan.

II 
Tết đến đào mai nở đỏ vàng 
Chúc mừng cả thế giới an khang
Chúc anh lính chiến mau đoàn tụ 
Mừng chú lao công sớm rộn ràng
Chúc hết mọi nhà luôn hạnh phúc
Mừng cho muôn họ được giàu sang
Và không quên chúc văn thi sĩ
Ý trúc, tâm sen, hồn chứa chan.





III
Đứng trước thềm năm mới Cọp vàng 
Chúc mừng Hội một tuổi an khang
Chúc bao nhạc sĩ cung trầm bổng 
Mừng các thi nhân ý rộn ràng
Chúc chú nghệ nhân tìm dáng đẹp
Mừng cô họa sĩ tạo màu sang
Nắng Xuân ấm lại hồn băng giá 
Ngắm cảnh Xuân sang tình chứa chan.    
 VINH HỒ 21/1/10






BÀI HỌA- Thi sĩ NGƯỜI XỨ VẠN 


NHỚ BÓNG CỜ XƯA



 Nhớ bóng Cờ xưa rợp ánh vàng
Những mùa Xuân cũ phúc trường khang
Đào mai đua nở lòng nao nức
Đàn nhạc hoà ca phím rộn ràng        
 Chúc quý Đệ huynh luôn khoẻ mạnh
Mừng chư Tỉ muội được giàu sang
Hổ vờn hãnh tiến hơn trâu cột
Quang phục quê nhà mộng chứa chan.
NXV (người xứ Vạn)










BÀI HỌA

CHẠNH LÒNG




Phố xá thênh thang dưới nắng vàng
Gặp nhau người chúc: phúc an khang!
Trẻ thơ đón Tết lòng hăm hở
Thanh nữ chờ Xuân dạ rộn ràng
Bánh mứt trưng bày khoe tết tới
Đào mai rộn nở đợi xuân sang
Chạnh lòng nghĩ đến quê nhà cũ
Thương nhớ vơi đầy lệ chứa chan.                              


 Lê thị Hoài Niệm



Ăn Tết hàm thụ

(Để nhớ lại những ngày Tết trong tù)

Đón Tết năm nay chậu cúc vàng
Đôi câu đối đỏ chữ an khang
Dưa hành Phú Lộc đôi ba hũ
Bánh tráng Bình Cang bảy tám ràng
Thịt mỡ Lò Heo chờ bạn đến
Tôm càng Xóm Bóng đợi người sang
Quê nhà cứ nhớ mùi hương cũ
Hàm thụ ăn rồi lệ chứa chan
Thanh Ty