Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

ÂN TÌNH

Tiếng điện thọai reo vang giữa đêm trường tĩnh mịch, đã đánh thức tôi trong trạng thái thất thần, giật thót người và hồn vía bay bổng, nên tiếng reo cứ reo và tôi thì cứ chần chừ chưa muốn nhấc phone vội, tôi sợ nhất là gặp phải giọng nói một người Mỹ nào đó rầu rầu và giới thiệu: “đây là sở cảnh sát gọi tới cho bà để báo tin..”, vì những đứa con tôi đang đi làm rất xa nhà. Cuối cùng thì tôi cũng phải cầm ống liên hợp và chậm rãi dò chừng:
-A lô! Ai đó?
Giọng người con gái reo vui:
-Cháu Tâm đây Dì, cháu chờ hoài không thấy Dì bắt phone, cháu định cúp máy, để tối nay gọi lại báo tin vui cho Dì.
-Tin vui? Mà tin vui gì cháu phải gọi Dì vào giờ khuya khoắc này vậy? Tôi hỏi lại mà đầu óc đang trống rỗng .
-Dì không nhớ chuyện hôm trước Dì gửi tiền về, nhờ cháu đi tìm cậu Nhơn , để trao tặng một số tiền sao?
-À Dì nhớ lại rồi, vậy cháu có tìm được không? Dì cũng nôn nóng muốn biết.
-Tìm được rồi, cho nên cháu mới gọi để báo tin vui, mà quên mất bây giờ ở bển là hơn nửa đêm rồi, Dì đừng giận nhe!
-Cậu Nhơn giờ ra sao, cuộc sống thế nào? Tôi cũng hỏi tới tấp. Hình như cơn ngái ngủ đã đi qua, và sự tỉnh táo đã trở về trong trí não.
-Dĩ nhiên là cuộc sống quá khổ sở, ông cậu giờ già lắm, mà cái nhà ở thì hư hao, mục nát, trông chẳng giống cái nhà, vả lại cái chân ông cậu không còn nên rất trở ngại, cháu…
Người cháu gái dừng lại, làm tôi thêm sốt ruột:
-Sao cháu không kể tiếp?
-Cháu đi loanh quanh hết một buổi chiều, hỏi không biết bao nhiêu người, hầu hết là người lạ mới đến ở, nên người ta không biết Cậu Nhơn, cuối cùng có bà cụ già lắm, bã dẫn cháu đến nhà một ông bị cụt cái chân tận cuối làng, bã kêu là “lính Nguỵ” hồi nẳm, rồi kêu cậu Nhơn ra, lần đầu tiên nhìn thấy hình dáng của cậu, đã làm cháu khóc quá chừng.
Im lặng, hình như sự xúc động đang chặn ngang giọng nói của cháu tôi, bên này đầu giây điện thoại, tôi thẫn thờ và cố gắng hình dung cảnh người cháu gái đang đưa tay lau vội dòng nước mắt, và tận cùng trong tim, tôi cũng đang thổn thức trước tin này.
-Cậu nhận tiền, Cậu khóc, gửi lời cảm ơn. Nhưng cứ thắc mắc về người gửi, cháu chỉ nói một người ở nước ngoài, biết cậu là Thương phế binh của quân đội VN Cộng hoà cũ, ở tại điạ phương này, nên nhờ cháu đi tìm để trao một số tiền, nhưng cậu vừa khóc vừa nói ...cậu đã đoán biết ai gửi rồi, vì từ mấy chục năm qua, cậu chưa hề xin xỏ một ai, làm sao người lạ biết mà gửi tiền cho cậu…


Cháu tôi, từ bên kia bờ đại dương xa tắp đã thay tôi đền đáp lại một chút ân tình. Có ai biết tại một làng quê hẻo lánh ở miền Trung nước Việt thân yêu, cháu đã đi tìm dùm tôi một mảnh tình thương ngõ hầu đã đánh mất trong ngần ấy năm dài. Cháu kể về người đàn ông đã sống với thân phận một phế nhân, bị chính quyền mới tới chèn ép, hất hủi, đuổi xua, lắm khi còn hành hạ không nương tay, nhưng người vẫn âm thầm sống sót, dù rằng trước đó, người may mắn cũng có một mái ấm gia đình nho nhỏ, nhưng người vợ không có con, rồi cũng từ giã mà đi, bỏ lại người đơn độc sống nhờ người chị chăm sóc với công việc đan thúng, rổ bằng tre, để người chị đem ra chợ bán, đắp đổi qua ngày. Nhưng những lúc sau này, người ta đã thay thế bằng những chiếc rổ nhựa, vừa nhẹ, lại bền, nên công việc của người làm bị ế ẩm, mà người thì càng lúc càng già yếu đi, cái chân cụt cứ bị hành hạ đau nhức hoài mà không có tiền mua thuốc uống. ..

Hình như cháu tôi còn kể rất nhiều về hoàn cảnh bi đát của người thương phế binh ngày cũ, nhưng tôi nghe tiếng được tiếng mất, lẫn tiếng nấc thương tâm của cháu, và đường dây điện thoại đã tắt tự bao giờ. Đêm lại chìm sâu trong im lặng, cơn buồn ngủ đã đi qua, nhưng trong đầu tôi lại lởn vởn lờn vờn những hình ảnh hỗn loạn, quang cảnh hãi hùng của những ngày tháng cũ

Người ta ùn ùn dọn dẹp quang gánh, thúng mủng, hàng xén và kéo nhau bỏ chợ mà chạy, buổi họp chợ coi như tan sớm, vì sắp có lính đi tảo thanh, mà mỗi lần có lính đi tảo thanh thì chắc chắn có đụng độ, có súng nổ, có lạc đạn và có người chết là cái chắc. Tôi cũng phụ mẹ nhanh tay dọn gánh vải để gánh về.
Dù đi học ở thành phố, nhưng những ngày cận tết tôi đã vội về làng, để phụ mẹ tôi bày hàng vải bán ngoài chợ. Chợ Tết ở nhà quê đông vui và ồn ào náo nhiệt lắm, làm gì thì làm, nghèo khổ cách mấy, tới ngày tết cũng phải có cái quần áo mới, có mâm cơm, diã trái cây và ít bánh mứt để cúng trên bàn thờ, ấy vậy mà năm đó làng tôi coi như không có gì cả.

Lối chúng tôi chạy về, ngược với toán lính đang dàn binh bố trận tiến tới, nên bị họ kiểm soát rất gắt gao, cuối cùng, đám đàn bà con gái cũng được họ dồn ra phía sau và người Sĩ quan chỉ huy đã ra lệnh cho chúng tôi về, còn bảo nhanh chân chạy về ở yên trong nhà cho thật lẹ.. Họ mang súng ống đầy người theo sau 2 chiếc xe bọc thép, họ tiến dần về ngôi làng ven chân núi ngang qua khu họp chợ, nghe đâu có nhiều lính cộng sản bắc Việt đang có mặt tại đó.

Người dân sống trong vùng “xôi đậu” chẳng xa lạ với chuyện giặc giã. Ban ngày lính Quốc gia, ban đêm “bóng ma Cộng sản”. Họ cứ ẩn núp đâu đó rồi lẻn ra quăng lựu đạn vào đám đông như một buổi họp chợ, một buổi tối bà con tụ tập nói chuyện đời xưa, hay một buổi coi hát, để gây chết chóc, thương tật, hoặc vào nhà người nào mà họ không ưa, lôi vài người ra xử bắn trước khi đọc một “bản cáo trạng” thật dài, gây sợ hãi, kinh hoàng trong đêm vắng. (không khác chi hành động của những người KHỦNG BỐ bên các nước Trung đông bây giờ)
 
Hình như đêm qua dân làng trong đã bị “phía bên kia” đem ra toà án nhân dân xét xử và hành quyết mất ba người với tội danh “gọi máy bay địch đến tiêu diệt quân ta” Và sáng nay lính quốc gia được điều động đến.
Súng nổ nhiều lắm ở đó, những người từ làng trong chạy được ra bảo thế. Lâu lâu cũng nghe những tiếng đại bác nổ rền rĩ. Người dân xóm tôi dù sợ hãi vẫn cứ tụm năm tụm ba bàn tán và chờ đợi. Chờ đợi cái gì thì cũng chẳng ai biết, vì tết nhất gần kề, mà chợ thì không dám họp.

Ông xã trưởng đến nhà tôi sáng sớm ngày cận tết, kêu ba tôi đi đến trường học để giúp một tay, những người đàn ông trong làng đều được gọi đến, đám con nít, trẻ em tò mò chạy theo, trong số đó có tôi..
       Quang cảnh thật thương tâm, hãi hùng, vô cùng xúc động. Trên sân trường , nhiều người lính bị thương được quấn băng trắng đang nằm rải rác, có kẻ cười nói, người rên la. Trước cửa phòng học lớp năm, tôi đếm được 7 xác người lính nằm bất động, máu me thấm đầy nên tôi không thể nhìn thêm. Những người lính lành lặn thì bơ phờ, ba-lô vứt lăn lóc, ngổng ngang, nằm dựa nghiêng ngửa vào tường phòng học. Chỉ có những người chỉ huy là còn đi tới, đi lui, chăm sóc, hỏi han tình trạng của lính, và nói chuyện với đại diện chính quyền làng, xã. Trong đó có người sĩ quan hôm trước.

Họ nhờ ba tôi và những người làng chuẩn bị “tẩm liệm” cho những người lính tử trận. Và người làng tôi sẽ tự nguyện đóng áo quan (quan tài của chính phủ không có sẵn). Họ muốn xe đưa những tử sĩ trở về quận lỵ trong những chiếc quan tài có phủ lá quốc kỳ Quốc gia hẳn hòi. Dù đơn vị lính có bị thiệt hại, nhưng họ đã đánh dẹp được một đại đội địch quân Bắc cộng và một số du kích trong xã, cái đám du kích vẫn hay về làng lùa con nít, trẻ em lại để tập hát, tuyên truyền cái gì mà “chiến thắng vừa qua C3 ta đánh một đại đội địch tan xác tan hồn…” mà hễ có ai la lớn “lính lên” là họ bỏ cái đám con nít ngơ ngơ ngáo ngáo ở lại rồi nhanh chân chạy mất.

Ba tôi ngỏ ý sẽ may tặng cho những người lính bộ áo liệm xác bằng vải trắng, phong tục của người làng. Người sĩ quan bằng lòng, và họ đến nhà tôi nghỉ chân trong khi chờ đợi. Tôi là người phải may ngần ấy bộ áo do Ba tôi cắt vải, tôi vừa đạp bằng chân mà tay thì dụi mắt liên hồi, vì những giọt mắt tiếc thương không ngừng chảy.

Những ngày tháng sau đó, đơn vị Lính đã đóng quân luôn ở làng trong, nên người dân xóm tôi được yên bình họp chợ, được ngủ đêm với giấc ngủ bình yên, ước mộng đơn sơ sống trong cảnh thanh bình, vui vẻ dường như đã có. Nhờ những người chiến sĩ ấy.

Người sĩ quan đó tên Nhơn. Và là người thân trong gia đình tôi từ đó. Sau mỗi bận hành quân, dù sau này anh có đổi đi tận đâu đâu, vẫn tìm ngày phép về thành phố thăm gia đình tôi, khi ba tôi nhất định bỏ quê vào thành ở. Với tôi, anh vẫn có những buổi đón đợi trước cổng trường, dù biết rằng hai đường thẳng song song không thể nào tìm ra điểm hội tụ….

Những ngày cuối cùng của tháng tư năm đó thật đau buồn. Người chạy giặc đã “hồi cư”, ai ở nơi nào trở về chốn ấy. Chính quyền mới vào thống trị thật nghiệt ngã. Nhà nhà im vắng chịu thêm cảnh ly tan. Người người ngơ ngáo, câm nín để sống còn, không ai còn tâm trí đễ nghĩ đến người không cùng huyết thống. Gia đình tôi cùng chịu chung số phận, và anh, mất liên lạc từ đó, nhưng không ai nghĩ đến chuyện … tìm ai!

Bao nhiêu dâu biển, đổi dời cứ như bàn tay chơi trò sắp ngửa. Ai được ngửa thì có tất cả, kẻ bị lật sấp thì không còn gì. Đã vậy Anh lại còn bị cưa mất một cái chân trong những ngày gần cuối cùng của cuộc chiến, sự mất mát quá phẫn hận, bi thương.
Lê tấm thân tật nguyện trở về làng cũ quê xưa với hai bàn tay trắng không nghề nghiệp chuyên môn. Căn nhà cũ của cha mẹ để lại nơi mặt tiền con hương lộ, nơi chốn có địa chỉ hẳn hòi ngày trước chúng tôi biết, đã được bán đi để có chút tiền sinh sống trong những ngày tàn, đất đai ruộng vườn đã bị tịch thu đưa vào“hợp tác xã”, căn nhà hư nát là chốn dung thân nương náu trong ngần ấy năm dài, vậy mà người thương binh xưa vẫn sống còn.

Một nỗi vui khôn xiết, một may mắn tình cờ, tôi biết được tin về cuộc sống và nơi ở của Anh từ một người lính cùng đơn vị cũ, dù sau bao nhiêu năm thoát được ra xứ người chúng tôi vẫn hoài tìm kiếm. Ân tình ngày xưa cũ thúc giục tôi phải tìm mọi cách để đền đáp lại, dù trong muộn màng, ít ỏi.

Và đêm nay, đêm đã bớt dài nếu tôi không thể ngủ tiếp, một an ủi đắp bù, khi tôi đã làm được một chuyện phải làm qua sự tiếp tay của người cháu.
Nếu Ba tôi còn sống, có lẽ ông Cụ đã tìm đến tận nơi thăm anh và tìm cách giúp đỡ cho anh, như ông vẫn thường làm khi hay tin một người thương binh quen đang gặp khốn
khó, và ông hay đùa: chừng nào ..mất để ông may áo liệm cho. Người lính hy sinh ngòai mặt trận, để lại cho người thân nhiều buồn thương tiếc nuối, nhưng thân xác không còn biết đau đớn. Chứ sống với hình hài tật nguyền mà không có đủ điều kiện, phương tiện và niềm tin để sống thì khổ biết chừng nào????!!!

Không có nhận xét nào: