Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2009

MÓN QUÀ ĐẦU NĂM

Bị hơi khói của hàng trăm cây nhang bủa vây, mùi trầm nức mũi, mùi thơm của nhiều loại nước hoa, mùi keo xịt tóc, mùi hơi người từ đàn ông lẫn đàn bà, rồi những tiếng lầm rầm cầu nguyện, tiếng lốc cốc phát ra từ những ống xăm tre được xốc lên xốc xuống, tất cả ngần ấy thứ bủa vây làm Thục muốn ngộp thở, ngất ngư. Để yên cho hai cô bạn đang cúi đầu với ống xăm, nàng thoát ra ngòai, nhưng cũng phải chen và lấn, vì người đứng chờ đến lượt xin xăm quá đông, làm nghẽn cả lối đi, đã vậy muốn tìm thấy đôi guốc cũng mất gần năm phút, vì mấy đứa bé đã lợi dụng thời cơ đem dấu chờ tiền chuộc
Xỏ được đôi dép vào chân, nàng bước vội ra phía bờ sông, lách qua khỏi đám người đang đứng lố nhố tìm phong cảnh để chụp hình, nàng ưỡn ngực hít lấy hít để luồng gió xuân từ duới sông thổi lên, những giọt mồ hôi trên trán, trên cổ và cái lưng đẫm ướt nhờ vậy cũng khô nhanh. Thục lững thững đi ngược về phía sau cổ tháp, nơi đây đã được đặt sẵn những cái bàn hình chữ nhật phủ khăn đỏ, phía trước là cái ghế dài, bên hông đặt thêm cái ghế nhỏ, trên bàn dăm ba tờ giấy đỏ và vàng được viết lối chữ Tàu, chen kẽ với dăm quyển sách tử vi, bói toán được xếp gọn gàng. Có bàn còn đặt thêm cái lư hương, trên cắm vài cây nhang cho thêm phần linh nghiệm. Dĩ nhiên đàng sau mỗi bàn đều được thống lĩnh bởi một chiêm tinh gia, bói toán gia gì gì đó, mà đa số là các Cụ ông, đầu đội khăn đóng, áo dài đen, quần dài trắng và chân xỏ đôi dép nhật. Nhiều bàn đã có khách chiếu cố, nhưng còn một số Cụ, vài Anh trẻ đang ngồi ngáp vặt chờ thời…

Thấy Thục đi chầm chậm, nhìn quanh quất, một Cụ lên tiếng:
-Cô được quẻ xăm số mấy? có cần đoán quẻ không ? lại đây tôi đoán xem nào!
Thục ranh mãnh:
-Thưa Cụ, thượng thượng ạ! tốt quá rồi còn đoán giải cái gì nữa.
Miệng nói, chân rảo bước trở lại phía cửa Tháp Bà, bỏ lại người vừa hỏi với sự tiếc rẻ trông theo.
“Tốt quá rồi còn đoán giải cái gì nữa!”Thục mỉm cười vu vơ. Nàng đâu có tin vào mấy cái vụ xin xăm, bói toán, “Bói ra ma, quét nhà ra rác” mà! Có điều bạn rủ đi Tháp Bà xin xăm thì cứ đi, chứ tết nhất mà ngồi nhà thì buồn chán chết. À mà không biết người ta từ đâu tới mà đông quá sức, dù hôm nay đã là mồng ba rồi, chắc bữa mồng một đông hết biết. Nhờ có những ngày lễ, tết mà có khối người làm ra tiền ở chỗ này đây: như mấy người giữ xe ở dưới đường quốc lộ, ngay lối vào cửa Tháp, rồi đám người hành khất ngồi xếp hàng từ bậc tam cấp thứ nhất đến bậc cuối cùng, cái đám nhóc tì chuyên môn dấu guốc, giày chờ tiền chuộc của khổ chủ, và cuối cùng quí Cụ quí Thầy chuyên đoán quẻ, giải xăm…, tha hồ mà hốt bạc.
Đang đứng lớ ngớ, chợt có tiếng nói từ sau lưng:
-Mệt muốn đứt hơi luôn, nhà ngươi xin được quẻ xăm số mấy? Quyên hỏi.
Thục quay lại, ngó bạn cười cười:
-Thượng thượng! còn nhỏ Bình Mai đâu?
-Chưa thấy hắn xuất đầu lộ diện.
-Bô hắn chết ngạt ở trỏng hay sao mà lâu quá vậy?
-Làm gì mà rủa người ta dữ thế? mầy thằng quỉ nhỏ dấu mất tiêu đôi giày, phải đưa bọn hắn mấy đồng mới có giày mà đi, thiệt bực hết sức! Mai đã đến sau lưng hai cô bạn than phiền.
- Tết nhứt mà! một năm mới có một lần cho mấy đứa bé kiếm tiền quà, thông cảm đi.Thục nói vuốt.
Chợt Quyên chồm tới ôm vai cả hai cô bạn:
-Hai đứa bay được quẻ tốt, xấu đưa đây ta coi!
Bình Mai mặt buồn buồn hững hờ trả lời bạn:
-Hạ hạ!
-Còn Thục?
-Thượng thượng!
-Xạo! tờ giấy vàng đâu?
Thục chọc bạn:
-Giải xong rồi nuốt luôn vô bụng cho linh thiêng. Quẻ xăm nói kẻ tiện dân này năm nay có cơ duyên gặp được …ý trung nhân, còn nói số tao “không giàu thì nghèo, ba mươi tết có thịt heo trong nhà” y chang!
-Con khỉ! Thục bị hai bạn rượt đấm thình thịch vào lưng kêu oai oái.
-Bộ nhà ngươi không xin xăm sao? Quyên làm bộ sừng sộ hỏi bạn.
-Không! xin làm gì, đã nói trước, chỉ đi theo tụi mày chơi thôi.
-Ừ! Thà không xin xăm, chứ như ta xin ra quẻ hạ hạ, rầu quá, Mai góp lời.
Thục khuyên bạn:
-Dẹp đi! tin làm gì ba cái chuyện xin xăm, bói toán. Lỡ ông Thầy giải cho bạn quẻ xăm thật tốt, năm nay bạn thi đậu, nhưng hổng chịu học, đi chơi hoài thì làm sao có tên trên bảng vàng, họa may có đứa đi thi …dùm. Cứ tin ta đi, cố mở lồng ngực hít làn gió trong lành cho thoải mái rồi về!
-Tự nhiên ta cũng muốn nghe ông Thầy giải cái xăm này đã, chờ ta nghe! Quyên lên tiếng rồi dợm bước đi..
-Về đi, mai mốt trở lại, bữa nay mấy Cụ giải xăm mà không chém đẹp là không …ăn tiền!
Thục vừa nói vừa kéo hai bạn rời khỏi khu Cổ tháp, nàng biết hai bạn đang còn ấm ức vì chưa giải được nỗi thắc mắc trong những câu thơ ẩn nghĩa trên những tờ giấy vàng vô tri kia, nhưng cũng đỡ hơn là đầu năm đầu tháng mà được biết chuyện không hên, xui xẻo. Ba chiếc xe đạp mi-ni từ từ chạy qua cầu xóm Bóng, vì gió ngược nên các cô phải gò lưng mà đạp cái bánh xe mới chạy đều. Thoát được quãng đường xe cộ tấp nập, đến khi qua hết cầu Hà-Ra vào được đầu khu phố, họ mới bắt đầu trao đổi câu chuyện: -Hai bồ có để ý chiếc xe zeep theo sau lưng tụi mình không?
Quyên rà ngang giữa xe Thục và Mai rồi lên tiếng hỏi.
-Thì họ đi đường của họ, mình đi đường mình, để ý làm chi. Thục cố nói lớn cho hai bạn cùng nghe.
-Không phải, họ rề xe theo bọn mình đó, rẽ qua đường Phan bội Châu rồi ra biển.
Bình Mai nói xong liền đạp xe thật nhanh lướt tới trước, Thục theo bạn và thỉnh thoảng bỏ tay lái ngóai nhìn ra sau, và chiếc zeep nhà binh vẫn lái tà tà theo sau ba cô gái nhỏ.
Đường Duy Tân ngày thường có lúc vắng vẻ, nhưng hôm nay còn trong vòng tết nhất nên thiên hạ rủ nhau chạy lên chạy xuống dập dìu, dưới bãi cát, tuy nước biển động nhẹ, tiếng sóng gầm cũng vang vọng ra xa, nhưng người ngồi chơi, đùa với sóng cũng không phải là ít. Ba cô gái chẳng lạ gì quang cảnh bãi biển nổi tiếng đẹp của thành phố này, chỉ thắc mắc một điều: chiếc xe zeep nhà binh.
Ba chiếc xe đạp dựng ngã vào nhau trên một bờ tường thấp cạnh lối đi tráng xi măng ngắn, và chiếc xe nhà binh cũng đậu lại phía sau, trên xe có hai người lính ngồi băng ghế trước.
Bỗng Quyên choàng vai hai cô bạn và cất giọng ngâm thật lớn:
“Thiếu uý nhìn em Thiếu uý cười,
Bồ em Trung uý, Thiếu uý ơi!”
chưa kịp hết câu đã bị Thục cằn nhằn: :
-Phá người ta chi vậy?
Không ngờ người lính trên xe bước xuống và tiến lại gần các cô.
-Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm đường nào về Cửu Long?
-Quốc lộ Bốn! Thục ngẩng mặt trả lời dấu nụ cười hóm hỉnh.
-Thưa không. Tôi muốn hỏi lối nào về đường Cửu Long ở thành phố này?
-Tại vì ông nói không rõ, nên tôi cứ tưởng…, Thục bỏ lửng câu nói, thình lình xoay lại nói thật lớn cho người ngồi ngay tay lái nghe: -Hình như các ông theo chúng tôi từ Tháp bà về đến tận đây?
Người Lính đang đứng định trả lời gì đó, nhưng rồi anh ta cười cười và lảng sang câu hỏi khác.
-Chúng tôi có người bạn nhà ở đường Cửu Long, các cô làm ơn chỉ rõ lối đi đến đó.
-Thục! vẽ đường cho ông ta, nhà ngươi cũng ở trên con đường đó mà! Bình Mai hối bạn.
Sau khi được Thục vẽ đường trên cát, hai người lính cảm ơn rồi de xe đi mất, nhưng là đề tài cho ba cô gái bàn tán mãi không thôi:
-Mấy ông lính này coi bộ đàng hoàng tụi bay nhỉ? Nhưng Mai cứ thắc mắc là sao họ không đi thẳng ra phố, gặp bất kỳ người nào mà hỏi tên đường, cớ chi phải theo tụi mình ra tới biển? À mà mấy chàng vừa rồi trông …kháu khỉnh quá, cũng cao ráo, lại nói giọng Nam kỳ cục nữa, nhưng cái phù hiệu trên vai áo trông lạ hoắc à, chắc là Lính miền xa mới về thành phố. Mai bỏ lửng câu nói ngó mông lung ra biển. -Ha ha ha! bộ đầu năm bị tiếng sét ái tình đập trúng rồi sao con ? để ý người ta chi dữ dzậy hả? Thục vừa cười vừa nheo mắt nhìn bạn.
-Yên chí đi, nếu mấy người lính đó còn lỏng vỏng lòng vòng trong thành phố, thì thế nào nhà ngươi cũng có cơ may tái ngộ, lúc đó nhớ hỏi KBC để viết thư cho chàng xin làm…em gái hậu phương. Quyên nói xong cười hích hich.
-Rõ vô duyên! Mai làm bộ mắng bạn.
-Kể ra cái quẻ xăm hạ hạ coi mòi bắt đầu linh ứng rồi đó nghe, đầu năm đầu tháng mà bị thất tình, coi chừng xui quẩy lắm nghe con! Quyên tiếp tục phá bạn nên bị Mai rượt chạy vòng vòng.
Thục nhìn hai bạn rượt đuổi nhau, nàng bật cười và nảy sanh ý kiến:
-Hai tên nghe ta nói đây: cứ theo ta về đường Cửu Long nhà ta, biết đâu chừng lại gặp được người xưa: “người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?” Thục chọc bạn rồi leo lên xe đạp, cùng hai bạn trở về.
Từ đầu đường, ba cô gái giật mình ngó nhau, khi thấy chiếc xe nhà binh đậu lù lù trước cổng nhà Thục. Vừa dừng xe lại, Thục hỏi bạn nhưng cũng hỏi chính mình:
-Chết cha! Có khi nào hai ông Lính hồi nãy là bạn của anh Long nhà ta?
Thấy cổng nhà mở sẵn,Thục ra dấu cho hai bạn dắt xe vào lối cửa sau, nhưng vì âm thanh sột soạt của những viên sỏi trên lối đi, làm cho con mi-mi đang nằm lim dim dưới gốc cây vú sữa giật mình cất tiếng sủa gâu gâu mừng cô chủ nhỏ. Và tiếng chó sủa cũng khiến anh Long từ trong phòng khách chạy ra:
-Thục! em vừa về tới hả? có cả Quyên và Bình Mai nữa, vào đây mau, để anh giới thiệu những người bạn của anh, những người lính trận miền xa vừa về thành phố.
Chẳng đặng đừng, ba cô gái ngó nhau, le lưỡi nhưng líu ríu theo anh Long bước chân vào nhà.

-Hello! Thục đó hả, có đánh thức bồ dậy không đó?
-Chưa ngủ, nhưng có chuyện gì mà Quyên gọi mình khuya vậy?
-Còn nhớ anh Thành bạn của anh Long nhà ngươi và người yêu của nhỏ Mai ngày đó không?
-Làm sao mà quên được ông Lính lái xe zeep hỏi đường về nhà ta đó mà!
-Anh Thành đã sang Mỹ theo diện H.O.
-Sao ngày đó Bình Mai bảo anh ấy bị mất tích rồi. Ủa mà làm sao nhà ngươi có tin, và từ bao giờ?
-Rất tình cờ, một người bạn cũ của ông xã mình ở tù chung trại với ảnh, người bạn đã cho số phôn và tụi này vừa nói chuyện với anh ấy xong.
-Anh ấy có biết chuyện nhỏ Mai…?
-Chuyện đó dài dòng lắm giờ chưa thể nói hết được, gọi bồ có chuyện gấp cần sự giúp đỡ của bồ.
-Giúp đỡ ai và giúp cái gì?
Tiếng nói từ đầu giây bên kia có vẻ bực dọc:
-Chả lẽ ta lại cần nhà ngươi giúp? Rõ là đồ vô duyên. Bộ ngái ngủ hả, hồi nãy giờ nhà ngươi nghĩ ta đang nói chuyện chi đây?
-Thì chuyện của anh Thành ngày xưa, không biết bây giờ đã lên chức gì rồi để cho nhà ngươi phá nữa đây?
-Nói chuyện đứng đắn, không đùa! Nghe cho rõ đây, Ta chỉ nói vắn tắt thôi, mai mốt gặp nhau sẽ nói rõ ràng: Anh Thành sang đây có cả vợ và hai con, nhưng gặp hoàn cảnh hơi ngặt nghèo, vợ anh bị đau tim nặng, phải mổ, hai đứa con còn nhỏ, nên khó tìm việc full time, tiền trợ cấp của chính phủ thì sắp hết rồi, ngày hết tết đến, sợ không đủ tiền trả “bill”, nên anh ấy rất cần một việc làm không bắt buộc giờ giấc nhất định, chỉ có bồ mới có điều kiện giúp đỡ được anh ấy, bồ hiểu chưa?
Thục cầm ống liên hợp sững sờ một lúc lâu, chờ bạn giục mấy lần mới buồn buồn lên tiếng:
-Bồ chỉ đường cho anh ấy ngày mai đến chỗ mình.
-Nè! nhớ đừng để anh Thành nhận ra bồ nghe chưa? Cố giúp cho anh ấy qua cơn ngặt nghèo, không chừng nhỏ Mai sẽ phù hộ cho bồ làm ăn khấm khá hơn nữa đó, hiểu chưa?
-Dạ thưa….,em hiểu rồi! Good night., ngày mai em còn phải dậy đi làm sớm chứ không sung sướng được ngủ nướng như…chị đâu ạ!

Gác máy, Thục muốn ngủ để ngày mai có sức đi làm, làm sáu ngày một tuần, 52 tuần một năm, chưa có một ngày nghỉ lễ. Hồi trước ở bên nhà, bà con thường hay than vãn: “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ..” ở đây làm hoài nhưng chẳng có ai than vãn, vì chẳng có ai bắt buộc, miễn có sức mà làm, cũng may, trời thương tình nên chưa để bịnh hoạn viếng thăm. Nhưng câu chuyện vô đầu không đuôi của Quyên vừa rồi đã đánh tan đi cơn buồn ngủ và làm lòng Thục chùng xuống, kỷ niệm xưa lại hiện về chập chờn ẩn hiện…

Mai hớt hơ hớt hải chạy đến gõ cửa nhà Thục vào buổi sáng giữa tháng ba năm ấy để nhờ anh Long liên lạc dùm với đơn vị của anh Thành sau khi có tin Pleiku di tản, triệt thoái khỏi cao nguyên. Nhưng anh Long cũng đành bó tay, không cách chi liên lạc được, chỉ biết rằng tất cả mọi đơn vị, tiểu khu đều đã di chuyển theo tỉnh lộ 7 để xuống Tuy hòa, nhưng đã bị địch chận đánh nhiều nơi, và tình trạng hỗn loạn, chết chóc đã xảy ra cùng khắp khó lòng phân biệt lính hay dân, nên mạnh ai nấy tìm đường thoát, không có cấp chỉ huy, không còn đơn vị nữa. Ngồi nghe anh Long nói mà Mai khóc ròng, Thục cũng không cầm được nước mắt trước tình cảnh của bạn, nhưng cũng cố an ủi bạn hãy cầu nguyện, may ra anh Thành sẽ vượt thóat về đến nơi an toàn, nếu chẳng may…?
Nhưng rồi mấy ngày sau, tại một trung tâm tiếp cư trong thành phố, anh Long đem tin về rằng một người lính cùng đơn vị của anh Thành đã chứng kiến cảnh anh ấy bị tử thương bởi một trái đạn pháo của địch rơi ngay giữa đoàn quân di tản. Tội nghiệp Bình Mai, trong nỗi đau khổ tột cùng, đã can đảm một thân một mình lội ngược một quãng đường dài trên con lộ máu đó, may ra tìm được chút vết tích của người yêu khi thành phố vừa đổi chủ, đổi quân, tất cả còn trong cơn hỗn lọan.
Thục tìm đến thăm Mai khi biết được tin bạn âm thầm đi tìm tung tích người yêu và đã tuyệt vọng thất thểu trở về, cũng là lúc Mai kéo Thục ra Tháp bà xin xăm, và kỳ lạ thay, mỗi khi Mai lắc ống xăm đều rơi ra quẻ xăm Hạ Hạ, Thục chỉ biết ái ngại nhìn bạn và thầm cầu nguyện cho bạn gặp được điều lành vì hơn ai hết, Thục biết bạn rất tin vào quẻ xăm, hay bói bài, bói toán.


Thế rồi từng đợt người vượt biển đã mang Quyên , Thục và nhiều người nữa đến bờ bến tự do, nhưng Mai đã vĩnh viễn vùi thây giữa lòng biển cả với một ước vọng mong manh khi còn sống: “Biết đâu sẽ tìm gặp được người yêu nơi xứ lạ, chắc chắn anh ấy không thể chết đâu, và nếu chẳng may ảnh còn ở trong tù, Mai sẽ cố gắng tìm cách đi thăm nuôi và chờ ngày…đoàn tụ.” Nhưng hôm nay, tin anh Thành đã đến được xứ Mỹ, mà người đi cùng không phải là Mai, và Mai…! Thục thấy mắt mình cay cay và bờ môi mằn mặn.
Người đàn ông cao và gầy, nước da hơi xanh, gương mặt dài với chiếc mũi thẳng, mở miệng ngập ngừng từ khi bước vào quán:
-Thưa bà chủ! tôi tên Thành, tôi muốn…., tôi có người bạn giới thiệu đến đây, tôi…
-Mời anh cứ ngồi tự nhiên, mình từ từ nói chuyện.
-Dạ!
Thục cố quan sát thật nhanh người đàn ông đối diện, nếu không phải là Quyên giới thiệu đến đây, nàng khó lòng mà nhận ra Thành, người lính pháo binh trẻ trung, oai hùng, vào một ngày xuân năm xưa bị bọn nàng chọc phá. Thục nhủ thầm: anh tàn tạ đến vậy sao? Nếu Mai mà biết được..! Cố gắng lấy giọng vui vẻ, Thục lên tiếng cho người đàn ông bớt e dè: -
-Xin lỗi anh qua bên này được bao lâu rồi?
-Được hơn một năm rồi bà ạ.
-Thế gia đình anh sang đầy đủ chứ? Chị và các cháu thế nào?
Người đàn ông ngập ngừng mãi hồi lâu mới ngước nhìn Thục trả lời:
-Tôi đi tù về, …gặp được nhà tôi bây giờ, cũng vì hoàn cảnh mà thôi, chúng tôi sinh được hai cháu, may mắn qua được bên này, nhưng gặp lúc vợ bịnh, con còn nhỏ quá, lại neo đơn, nên…,
Người đàn ông bỏ lửng câu nói, thở dài, khiến Thục cũng thấy lúng túng:
-Tôi hỏi thăm anh là vì…tò mò vậy thôi, chứ tôi cũng biết được hoàn cảnh của gia đình anh từ người bạn. anh đừng có lo quá, tôi sẽ cố giúp anh trong khả năng tôi có, dù gì mình cũng là…, suýt chút nữa Thục buột miệng nhận người quen, trong khi người đàn ông có vẻ mừng lộ hẳn ra nét mặt:
- Ồ! Như vậy là bà chủ đã chịu nhận tôi vào làm việc cho bà, thành thật cảm ơn, tôi có thể làm được tất cả mọi việc, bà cứ tin tôi đi.
Thục cười để làm yên lòng người đối diện: -Cũng không đến nỗi bắt anh làm hết mọi việc đâu, giờ nào thuận tiện anh cứ ghé qua quán, sẽ có người hướng dẫn cho anh lúc ban đầu, và tôi sẽ trả lương căn bản cho anh, về sau sẽ tùy vào công sức anh giúp cho, và bây giờ…,
Thục bỏ lửng câu nói, xoay người đi lấy một phong thư để sẵn trên bàn, lại đứng cạnh người đàn ông, nhỏ nhẹ:
-Tôi xin gửi tặng anh, trước tiên chào mừng anh là một nhân viên mới, sau là cho các cháu có thêm chút quà mừng xuân trên đất lạ, mong anh đừng từ chối.
Người đàn ông mở lớn đôi mắt, lộ hẳn vẻ ngạc nhiên. Nhìn phong thư hẳn ông đã đóan được những gì gói ghém bên trong. Vầng trán nhíu lại, ông đưa tay vuốt tóc từ trước ra sau, hình như ông đang suy nghĩ lung lắm, không lẽ nhận tiền của người lạ dù nhiều hay ít trong khi mình chưa có một giờ làm việc, không nên lợi dụng lòng tốt của người. Nhưng rõ ràng là mình đang rất cần tiền, vợ đau, con thiếu hụt đủ thứ, lại tứ cố vô thân, chỉ có vài người bạn trong đơn vị cũ, nhưng nhờ vả họ hoài sao đặng, bây giờ được người chủ tiệm tử tế nhận vào làm việc với những điều kiện dễ dàng, đã vậy còn tặng cho món quà.
Người đàn ông lắc đầu:
-Bà tốt quá, nhưng tôi không thể…
-Xin anh đừng ngại, tôi không có ý gì đâu, tại tôi lỡ biết được hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình anh. Nhưng thôi thì anh cứ coi như tôi cho mượn mà chưa cần ngày hoàn lại, biết đâu mai kia mốt nọ anh chị làm ăn khấm khá, các cháu học hành thành tài, lúc đó tôi sẽ…nhờ lại. Hôm nay gần tết rồi, ở đây tuy không náo nhiệt, rộn rịp như bên nhà, nhưng trong lòng mình vẫn có tết mà, nên anh cứ thong thả ở nhà lo cho chị và các cháu, ăn tết thoải mái, mồng ba đến làm việc cũng không muộn. Người đàn ông rơm rớm nước mắt, tay rụt rè cầm lấy phong thư, giọng nghẹn ngào:
-Tôi không biết nói thế nào để cảm ơn tấm lòng tốt của bà, hồi mới đặt chân đến xứ này, tôi thật sự hoang mang, nghi ngờ về tình người khi bà con mình đã sống lâu năm trên đất Mỹ, nhưng hôm nay, tôi đã biết mình lầm. Hình như những ngày tết đối với tôi đều có những chuyện lạ và đầy ý nghĩa…, nhưng thôi, ơn của bà tôi sẽ mãi mãi không quên.
-Chúc anh chị và các cháu hưởng một mùa xuân vui! Người đàn ông dợm bước đi, nhưng ngần ngừ đứng lại, giọng rầu rầu mở lời tâm sự:
-Mùa xuân vui nhất đời tôi đã qua lâu lắm rồi bà ạ! Dù tôi đã cố tìm đến mòn hơi cũng không cách chi tìm lại được, đành phải “cố yêu đời mà sống, lâu dần chuyện gì cũng qua” vậy thôi, thưa bà!, Cũng xin chúc bà và gia đình ăn tết vui vẻ.
Thục nhìn theo dáng nghiêng nghiêng của Thành xa dần ngoài khung cửa, vài giọt nước mắt từ từ lăn dài xuống má, nàng lấy tay chùi vội, và miệng cố nở nụ cười chào đón vài người khách vừa bước chân vào quán, lòng thầm khấn đến một người bạn đã nằm yên trong lòng biển cả: Bình Mai! Mình đã thay thế Mai lo lắng cho anh Thành, tuy không nhiều, nhưng theo như lời ước ngày nào của bạn, hãy mỉm cười, nếu bạn còn có thể nhé Mai, vì tình yêu của người ấy dành cho bạn hình như chưa bao giờ phai nhạt!!!

Không có nhận xét nào: