Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025


Houston mà cũng...tuyết rơi

Nhìn thì đẹp lắm, chính trời vào đông

Nhưng mãi than...khổ trong lòng

Bao nhiêu cây cảnh đi ...đong hết rồi.

huhuhu....








 

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

ÔI THỜI GIAN.

Mùa đông …buồn, lạnh. Người có…tuổi phải trú trong nhà, không có việc cần thì không đi ra ngoài, chỉ gặp một cơn gió lạnh quét qua là cơn ho sẽ chụp lấy và cảm lạnh là chuyện khó tránh, nhất là lúc này cơn dịch …cúm cũng đang ẩn núp đâu đây.

Nằm gác tay lên trán, gẫm lại…chuyện cuộc đời, nhất là những ngày tết Tây đã qua và Tết ta sắp đến. Chuyện buồn, chuyện vui, chuyện ngày còn bé đến tuổi về hưu, nhớ nhất là những ngày còn long nhong cắp sách đến trường…và ngày được gặp lại Thầy Cô và các bạn học năm xưa trên xứ Cờ Hoa này, mới đó mà đã mười lăm năm trôi qua như…cơn gió.


Nhìn lại tấm hình ngày họp mặt lần đầu tiên, giọt nước mắt từ đâu giăng ngang tầm mắt, hình ảnh còn đó mà bao nhiêu người đã …ra đi về miền miên viễn, Thầy giáo lẫn học trò….


                                       Thầy Nguyễn Khoa Đằng, Thầy Lê Quang Khanh,Thầy..., Thầy Lê Ngọc Thiều, Thầy Nguyễn Đức Giang.





*Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang, có tám năm làm hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ-Tuy Hòa, Thầy bị tù cộng sản và vượt biên, rồi được xứ Đan mạch cưu mang. Chuyện ngày xưa còn bé, chẳng có …cơ hội gặp Thầy, ngoài những tên học trò có…lỗi, bị kêu lên văn phòng để Thầy khiển phạt. Nhưng bây giờ, Thầy rất gần gũi và thân tình với học trò xưa. Thầy cùng đứng trên sân khấu, cùng “hợp ca” với học trò mà vô cùng thích thú. Thầy đã hai lần sang…trú ngụ tại nhà chúng tôi khi đến Houston. Nhưng rồi Thầy đã ra đi năm rồi, để lại bao tiếc thương cho đám học trò năm cũ, khi hẹn với thầy sang Đan mạch thăm Thầy, nhưng mãi hoài không thực hiện được.

*Thầy Lê Ngọc Thiều, người đứng cạnh thầy Giang, Thầy cũng gắn bó với học trò năm xưa, lần nào hội ngộ cũng có Thầy Cô tham dự. Nhưng rồi Thầy yếu, phải vào viện dưỡng lão, tôi cũng đã đến thăm Thầy, Thầy trò kể chuyện cũ rất thân tình. Nhưng sinh lão bệnh tử chẳng bỏ sót ai. Thầy cũng đã ra đi chỉ còn Cô ở lại.

* Thầy Lê Quang Khanh, Tuy dạy ít năm, nhưng học trò xưa cũng quý Thầy lắm. Phu nhân của Thầy là chị…bạn, học trước tôi một khóa tại trường SPQN. Thầy bị bệnh đã hai năm và Thầy cũng đã ra đi vài tháng trước.

*Chỉ còn lại Thầy Nguyễn Khoa Đằng (cao nhất trong hình) Thầy và Cô vẫn khỏe và minh mẫn dù tuổi đã cao. Kỳ hè rồi tôi cũng đến thăm Thầy và Thầy trò nói chuyện cười vui…thoải mái, tôi nhắc lại những PPS mà Thầy đã bỏ công thực hiện nhiều hình ảnh cho cá nhân tôi. Học trò cảm ơn Thầy lắm lắm.

*Người đứng cạnh tôi bên trái là Lê Thị Hải Đường, bạn đã bỏ bạn bè ra đi mới đó mà gần 5 năm rồi. Ngày bạn bị bệnh, từ DC về Houston chữa trị, có thời gian ngắn bạn đến trú nhà tôi, vì hai đứa “đồng bệnh tương lân”. Những ngày được tôi tận tình “chăm sóc”, bạn vui và thật cố gắng để hy vọng vượt qua cơn bệnh ngặt nghèo. Nhưng rồi khi bạn về lại DC, chỉ tuần lễ sau, tin buồn đưa tới vào đúng ngày mồng một Tết. Buồn!

Ôi Thời gian! Cứ trôi đi ngày qua ngày …Nào ai biết được ngày sau sẽ …ra sao! Thôi thì được vui ngày nào hay ngày đó. Chuyện…nhớ thì đã nhớ, nhưng rồi cũng phải qua thôi. Tâm sự vẫn là…tâm sự, Mong cho khí Trời bớt lạnh, đi ra ngoài sống với cỏ cây, khỏi ngồi đây …nhớ hoài chuyện cũ.
Gửi kèm bài viết “Niềm vui trong ngấn lệ” hồi đó cho bạn NH nào …quỡn quỡn đọc lại chơi nhen..
Lê Thị Hoài Niệm.


NIỀM VUI TRONG NGẤN LỆ
Tôi rời xa thành phố Tuy hòa và trường trung học Nguyễn Huệ từ những năm giữa thập niên 1960. Vì hoàn cảnh chiến tranh thời đó, và với sự sinh động của một người tuổi trẻ luôn hướng tới tương lai, nên chưa có cơ hội tìm về trường cũ để thăm lại Thầy, gặp lại bạn cũ.

Rồi cuộc thế xoay vần đưa đẩy, bao nhiêu năm sống trên đất nước người, những sinh hoạt ngày còn nhỏ, thời gian cắp sách đến trường, với nhiều kỷ niệm của Thầy xưa, bạn cũ cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trong tâm tưởng, triệu chứng của những người có…tuổi, muốn tìm về quá khứ, những lúc đó cười vui hay buồn bã cũng chỉ mình ta biết, mình ta hay. May thay trong mấy năm gần đây, tôi đã bắt liên lạc được một vài bạn học cũ. Hy vọng, ước ao, nôn nóng có một ngày tất cả thầy trò hân hoan mừng rỡ tay bắt, mặt mừng trong một ngày Đại Hội, và ngày đó đã đến.

Chúng tôi đến Nam Cali bằng chuyến bay trưa ngày Thứ Sáu ngày 10 tháng 7 năm 2009. Anh Sang, người bạn cùng trường năm xưa, và tôi trực chỉ đến khách sạn đã được quí anh chị trong ban tổ chức sắp xếp (đến trước đó đã có quí anh chị Chi-Thịnh, Trúc- Ký cũng đi từ Houston). Nếu có thì giờ đặt sẵn một …camera thu hình, chắc chắn sẽ có được những hình ảnh trung thực, cảm động vô vàn. Vì ngôn từ, chữ nghĩa tiếng Việt dù có phong phú đến đâu, cũng không lột tả được những “niềm vui trong ngấn lệ”. Ở đó, nơi phòng tiếp tân đã có thầy Nhạc, anh Hiền, chị Chương, anh Nết , anh Bổng…., vui quá là vui, vui mà trong mắt người nào cũng long lanh giọt nước mắt. May quá không ai khóc thành tiếng để lấn át những tiếng cười dòn.

Cả một khu vực khách sạn, hình như chỉ dành riêng cho cựu Giáo sư và cựu học sinh Nguyễn Huệ mọi nơi đổ về. Đúng là một ngày hội! Xe cộ tấp nập, người chạy lên lầu, kẻ chạy xuống. Quí Thầy thì ở dãy phòng ngang, réo gọi, kêu nhau chuẩn bị đi đến nhà hàng để tham dự buổi tiền đại hội. Người ở địa phương Nam Cali có…bổn phận làm …tài xế Tắc xi (anh Đặng Ngọc Bổng bữa đó là người có đông hành khách nhất, vì chiếc xe MiniVan mới toanh, thật đẹp, to đùng, chở được nhiều người). Trước cổng nhà hàng đã có tấm băng-rôn: ĐẠI HỘI CỰU HOC SINH NGUYỄN HUỆ PHÚ YÊN 2009 sáng rực, làm người xa về thấy xao xuyến, rộn ràng.

Một Ban Tiếp Tân hùng hậu, toàn là những …“đẹp lão bà bà” muôn màu muôn sắc chẳng thua ai. Mọi người đi tìm lẫn nhau, trò tìm Thầy, Thầy tìm …trò? bạn cũ đi tìm nhau. Chụp hình, mục này là ồn ào hấp dẫn nhất, bao nhiêu là máy hình bấm lia bấm lịa, kèm theo tiếng cười, tiếng gọi. Ở nhà, ngoài xã hội, đa số đã là ông bà Nội Ngoại, nhưng ở đây cứ …mày tao, mi tớ ồn cả lên, hết chạy qua đầu này chụp hình, lại chạy qua chỗ khác như…con nít. Cứ cười lên, dù nếp nhăn có hằn trên trán, nụ cười có nhăn nheo một tí, nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Bạn tôi, hơn bốn mươi năm gặp lại, nhận ra nhau nhờ cái …bảng tên gắn trên bâu áo. Một chị Thu Cẩm, người đẹp kiêu sa dưới con mắt bọn con nít chúng tôi thời đó, bây giờ vẫn nhỏ nhắn xinh xinh. Anh bạn Khánh, khoẻ người tráng kiện nhờ đi bộ nhiều dặm đường mỗi ngày, đem tin vui và cả bill… đòi nợ đến cho bao người. Anh Xu, vẫn còn ốm tong teo vì mới sang Mỹ, có cả anh bạn Khóa. Chị Hoàng Mai vẫn yêu đời. Anh Lê Từ Như Lâm vẫn còn những bước nhảy điệu đàng thuở nọ….Ở đó, chúng tôi đã gặp lại quá nhiều Thầy cô giáo. Dù Thầy Thiều đang có bệnh, nhưng Thầy Cô vẫn theo học trò để ủng hộ tinh thần, đổ đường bằng xe đò từ miền bắc xuống miền Nam. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức.Giang đến từ Đan mạch, Thầy Cô Đằng-Phương, Thầy Quỹ-Cô giáo Hiền (Việt nam sang), Thầy Cô Nhạc-Mai Hương(Canada), Thầy Cô Khanh-Thuỷ, Thầy Tùng, Thầy Luận….

Ban tổ chức thật chu đáo trong hai đêm họp mặt. Thật ra thì tiền đại hội mới là “đêm vui’ nhất, vì chỉ toàn Thầy giáo và học trò, khi giờ khai mạc mở màn, “ban hợp ca” cũng hay đáo để, “Nguyễn Huệ Hành Khúc” hùng tráng trong tiếng hát của cựu học trò…già (Cùng Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang)
, cũng làm nức lòng những đồng môn có mặt.
Một chương trình văn nghệ sống động, toàn những tiếng hát chưa bao giờ…nổi lên, nên không lo chuyện…xuống (cả Thầy lẫn trò). Ấy vậy mà thính giả cũng vỗ tay vang dội khắp phòng. Món ăn tinh thần đã hay, mà ẩm thực trông qua thấy cũng ngon quá chừng chừng (nhưng người viết lo …chạy nhiều quá nên bị …đói) chưa nói đến những slideshow, ghi lại hình ảnh thời trẻ dại của cựu học trò gửi về, ngay cả thông tín bạ một thời trên lớp. Công khó của thầy Huỳnh Bá Củng, anh Phạm đức Hiền và vài anh chị khác.

Đêm Đại hội chính thức, những học trò và quan khách đều được ban tổ chức tặng món quà lưu niệm thật có ý nghiã: chiếc tách trà có hình vua Quang Trung, và hình trường Nguyễn Huệ với nhiều người đẹp đứng trước cổng trường. Trong khi quí Thầy Cô giáo được học trò kính biếu tấm plaque ghi nhớ công ơn. Xúc động làm sao khi quí Thầy cầm trên tay nâng niu hàng chữ : “Học sinh Nguyễn Huệ ghi nhớ công ơn Thầy…” Đã bao nhiêu năm rồi, các học trò xưa mới có dịp thể hiện tấm lòng biết ơn Thầy Cô giáo, dù có muộn màng, và không có mặt đầy đủ nhiều Thầy Cô giáo khác. Nhưng….! Sáng Thứ Bảy hôm đó, một nhóm nhỏ của chúng tôi, gồm có anh chị Chương-Nết, chị Hoàng Mai, chị Phương Vân, đã được “thổ địa” Ngọc Bổng đưa đi viếng cảnh biển tình. Biển đẹp, người xinh khí hậu mát mẻ, đã tăng thêm lực cho những trận cười của chúng tôi không dứt, cười đến nỗi “tài xế Bổng” chảy cả nước mắt trong lúc lái xe phải chầm chậm lại.

Cười nhiều hơn khi tôi bảo …“dừng xe, để tôi vào xem lại bên trong Hotel đã thiết kế theo đúng ý chủ nhân chưa, để tối nay tôi mời một số Giáo chức và cựu học sinh Nguyễn Huệ đến ở, và rằng đáng lẽ tôi đã đưa chiếc du thuyền lớn nhất thế giới vừa mới hoàn chỉnh vào đây, để cựu học sinh Nguyễn Huệ lên tàu làm tiệc khánh thành, mà cửa biển …hẹp quá nên không vào được, đành khất lại kỳ sau..” Đúng là Nổ banh xác, may mà chưa ai bị gì, chỉ bị cười đến chảy nước mắt.

Buổi tối Chủ Nhật, trước khi tan hàng: cố gắng, “nẫu dià xứ nẫu bỏ mình bơ vơ”. Chủ nhân Đặng Ngọc Bổng đã có hảo ý mời bà con về nhà ăn tối. Lại một trận cười “vô tiền khoáng hậu” xảy ra, cười đến chảy cả nước mắt. Đã bảo “niềm vui trong ngấn lệ” mà! Khi có một người khách “không mời mà đến”, bạn của chị Vân, cô ta đã “chấm” trúng vị chủ nhà, và thao thao bất tuyệt khen chủ nhà “đẹp giai, nói khéo” và không chịu…rời xa, chị Ngọc Chi còn xem tướng số, bảo rằng cô ta có...liên hệ với “người cõi âm”, coi chừng không khéo cả đám trong nhà bị vạ lây, trong khi chị Định từ từ tường thuật lại cuộc đối thoại ly kỳ, hấp dẫn giữa gia chủ và cô khách, mà chúng tôi vì ngồi xa không nghe được, thì anh Định và anh Thịnh từ bên ngoài chạy ùa vào, làm cho Mai Hương tăng thêm phần sợ hãi, lo cho Thầy Nhạc. Chị Thu Thuỷ thì lo cho Thầy Khanh, chỉ có Thầy Hiệu Trưởng Giang là không cần ai lo, vì ai cũng biết Thầy rất vững vàng trong mọi tình huống, báo hại bà chủ nhà phải …khóa cửa đi theo xe, khi gia chủ tình nguyện đi trước dẫn đường cho cô ta ra xa lộ.…hì hì hì…. Ngày vui qua mau, dù đã một tuần lễ trôi qua, nhưng trong tôi vẫn còn vọng mãi những tiếng cười , tiếng nói, tiếng gọi mừng rỡ của những người bạn đã từ lâu mới có cơ hội gặp lại. Và cũng từ ngày hội ngộ, chúng tôi lại có thêm những người bạn mới .

Dù cũ hay mới, tất cả đều đã có một thời gian ngồi dưới mái trường mang tên NGUYỄN HUỆ, vị anh hùng dân tộc bách chiến bách thắng, thần tốc đại phá quân nhà Thanh tan xác tan hồn trong thời gian ngắn kỷ lục.

Xin chân thành cảm ơn quí anh chị trong Ban Tổ Chức, quí Thầy Cô và các anh chị em bạn cũ-mới, đã cho cá nhân chúng tôi những ngày cuối tuần vui thật là vui, cười mỏi cả miệng.

Mong rằng, năm tới và nhiều năm kế tiếp, nếu có cơ hội, và nhiều anh chị em Nguyễn Huệ chịu …vác sừng voi, sẽ có những ngày đại hội thật huy hoàng, đông đảo hơn nữa, để những người ở xa thật xa cũng sẽ tìm về tham dự. “Tương lai gần, quá khứ xa”! nay còn –mai mất. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Mong rằng kỳ tới sẽ gặp được nhiều anh chị em hơn nữa. Chừng đó, dù có vui mấy, chắc chẳng dám cười nhiều, sợ khóe miệng sẽ chạy tới mang tai!!!

Xin gửi tặng quí đọc giả Nguyễn Huệ một phần bài dân ca xứ Nẫu:
“Con Qvuịt (vịt) đua dứ (dưới) nước, Chớ con cá lậu (lội) bầu sen,
Hầu (hồi) rày mong gặp bạn qvuen (quen) quá chừng
Bầu (bồi) hầu (hồi) mà thương Phượng chớ nhớ Lon (Loan)
Thức thời thương nhớ chớ ngủ thời chim (chiêm) bao
Đặt mình trên tấm qvuán (ván) sao
Giựt mình thức dzậy chớ nước mắt trào như mưa…….”

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

 

LỜI CẢM ƠN MUỘN MÀNG

Lê Thị Hoài Niệm.









Tuyết rơi từ đêm qua đến sáng nay vẫn còn tiếp tục, những hạt tuyết mỏng manh bay bay trong nắng nhẹ, vậy mà vẫn ngập kín đường, ngập gần như nửa tấc, con tôi phải ba lần đi cào tuyết mà con đường trước cửa vẫn đầy sau chừng nửa tiếng đồng hồ tuyết rơi.

 

Nhìn ra đường vắng tanh không một chiếc xe qua lại, đừng nói chi người đi bộ. Thành phố này nằm ở độ cao hơn 7 ngàn bộ so với mặt nước biển nên rất lạnh về mùa đông. Vậy mà chiều nay, trước giờ gia đình tôi chuẩn bị bữa tiệc ăn mừng “Lễ Thanksgiving” thì ông bà Dawson đã đến, đúng như lời hứa với con tôi từ hai tuần trước, khi ông biết chúng tôi sẽ sang thăm con trong ngày lễ.

 

Con gái tôi gặp ông lần đầu ở bữa tiệc sinh hoạt của cư dân trong “subdivision”. Ông nhìn cháu một hồi lâu rồi đến gần hỏi cháu là “người nước nào “?. Ban đầu cháu ngạc nhiên, không biết tại sao ông  hỏi thế, nhưng cháu vẫn trả lời là người Việt Nam, và ông tự giới thiệu ông là “Việt Nam Vet” đã từng tham chiến ở VN đến hai lần. Sau khi biết cháu cũng là “cựu chiến binh Mỹ” nên ông rất vui và bắt chuyện hỏi han đủ điều. Và ngạc nhiên hơn nữa khi biết ba cháu từng là một Pilot trực thăng của quân đội VNCH, ông ta vui ra mặt và hỏi cháu rất nhiều chuyện sau đó, để biết rằng Tuy Hòa, quê hương của mẹ cháu cũng là nơi ông thường lui tới từ những chuyến hành quân. Có lẽ những gì có nơi chúng tôi có gợi cho ông nhiều kỷ niệm, nên ông rất muốn gặp chúng tôi. Và hôm nay ông đến nhà thăm chúng tôi đúng như lời đã hứa với cháu.

 

Ông dọn về thành phố Santa fe mới hơn ba tháng và thuê ngay căn chung cư gần nhà con gái tôi, đó là cơ hội cho ông gặp cháu và hỏi thăm về quê quán gốc nguồn. 

Cháu sinh ra trên xứ Mỹ, chưa biết gì về Tuy Hòa quê mẹ, chưa một lần đặt chân đến nơi đó, thế mà khi ông nhắc đến Tuy Hòa, cháu cũng tò mò muốn biết ông đã đi đến những nơi đâu. Thế là một già, một trẻ, cùng là “cựu quân nhân” trong quân đội Hoa Kỳ, một là đại tá Không quân, một là đại úy Hải quân, vào độ tuổi “cha con” nên ông không ngần ngại gọi cháu là con gái nuôi, vì ông bà chưa từng có tiếng khóc con nít trong nhà trong suốt mấy chục năm qua.

 

 

Trời bên ngoài lạnh lắm, nhưng trong căn phòng khách thật ấm cúng, ấm cúng vì có tiếng lách tách của ngọn lửa nhỏ từ trong lò sưởi lan tỏa khắp căn phòng, ấm hơn vì sự cởi mở trong câu chuyện trao đổi giữa hai người đàn ông, một Việt tóc muối tiêu, một Mỹ tóc bạch kim, hơn nhau vài tuổi đời cùng bên trời lận đận những tháng năm xa xưa đó, nên câu chuyện họ xoay quanh là những kỷ niệm chinh chiến, những con đường, những chuyến bay mà họ đã từng bay qua trên vùng lửa đạn tuy kẻ truớc người sau,... Đúng họ là hai người Lính cũ, cùng là những phi công trực thăng, từng phục vụ trong binh chủng không quân dưới bầu trời nước Việt từ những ngày xa xưa cũ. 

 

Ngày đó đơn vị ông đóng quân ở gần Tuy Hòa, đó là lý do tại sao ông tìm đến với chúng tôi, vì Tuy Hòa là một phần quê hương trong tuổi nhỏ của tôi, một quê hương bỏ lại vì chiến tranh giặc giã lan tràn, nhưng ở đó vẫn có quá nhiều kỷ niệm, Một con đường quê ngày ngày tôi đi học về, phải qua một cây cầu sắt dài có lề cho người đi bộ, mà mỗi lần xe hơi chạy qua là nó muốn hút mình theo. Ở đó có con sông rộng bốn mùa nước trải mênh mộng, chạy ôm luồn ngọn núi nhỏ mà trên đó có ngôi Tháp Nhạn của người Chăm xây dựng nên từ bao thế kỷ trước, đang đứng uy nghi sừng sững cho người lên cúng bái. Và nơí đó người đàn ông Mỹ đã mấy lần lượn vòng lên đó, để khi ông nhắc đến, chúng tôi cũng góp tiếng vào khiến ông vô cùng thích thú. Ông kể chuyện rất vui và ông cũng nhớ nhiều về kỷ niệm hơn một năm trời ông đóng quân gần thành phố đó. Vì dù gì cũng đã hơn năm mươi năm ông mới có dịp ngồi  gợi nhớ lại kỷ niệm, mà tưởng chừng như không bao giờ ông có cơ hội nhắc lại.

 

Phi trường Đông tác cát bụi mịt mù, phi đạo kép chỉ là những rỉ sắt kết lại mà thành. Nó nằm giữa một khu đồng không mông quạnh chỉ có toàn cây dương và dương, xa xa là vùng biển bao la xa ngút mắt. Nơi ông ở nguời ta cũng làm những căn nhà tiền chế, nên cũng đầy đủ tiện nghi, và vùng hành quân của những chiếc trực thăng thuộc đơn vị của ông và những người bạn khắp miền Trung và vùng rừng núi chập chùng, trùng điệp.

 

Có lẽ chúng tôi là người khơi dậy trong tiềm thức của ông về những chuyện hành quân gian khổ trên vùng đất xa lạ, vùng đất có những cơn gió nồm mát mẻ dễ chịu, nhưng cũng có những trận gió …nam lào nóng rát cả thân. Mùa hè đã nóng bức mà khi có những trận gió xoáy từ vùng núi đổ xuống, trên những đồi cát nóng, thật khó mà tả được nỗi vất vả chống trả khí hậu khắc nghiệt này.

 

Ngày ông sang Việt nam phục vụ, chồng tôi chưa vào lính. Nhưng những địa phương ông kể, sau này chồng tôi cũng bay trên những vùng trời đó, nên họ hiểu rất rõ những khó khăn, gian khổ. Ông nói ông thích nhất là vùng biển đẹp Vũng Rô, có nhiều khi ông bay ngang qua đó, dẫu biết nguy hiểm, nhưng ông cứ muốn bay vòng vòng và muốn đáp trực thăng và nhảy ùm xuống tắm vì nước trong xanh và phẳng lặng vô cùng. Những bãi biển ở Mỹ này, ngay cả bên vùng vịnh Mexico không thể nào so sánh được (?).

 

Tự nhiên chồng tôi lên tiếng nhắc:

-Ông hứa sẽ kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của ông và người con gái Đông tác khi ông đóng quân ở đó.

Ông liếc ngang bà vợ, rồi làm bộ le lưỡi như không muốn nói, tự dưng ông cười thật sảng khoái và hỏi con gái tôi:

-Laura, ba cháu có kể chuyện tình của ông trong những ngày ông đi lính lúc chưa gặp mẹ cháu cho cháu nghe không?

Thế là câu chuyện xoay quanh những chuyện vui từ hồi xa lắc xa lơ, thuở mà ông mới bập bẹ học vài tiếng Việt để trao đổi với những người vào dọn dẹp phòng ốc cho những người Lính Mỹ xa nhà. May quá, ông không để lại mối tình lớn nào nơi đó, nên không có cảnh con lai đi tìm cha như những đứa trẻ cứ xuất hiện trên báo sau này.

 

Bữa “tiệc” chiều do mẹ con tôi dọn sẵn, không phải con gà tây nướng và những thực phẩm đi kèm như trong những bữa tiệc Tạ ơn của người Mỹ, mà chỉ là những món ăn Việt nam, nhất là chả giò và …nồi phở bốc khói. Vì ông Dawson thích hai món ăn đó nhất.

Ông vừa ăn xong vừa hít hà vì hơi nóng của tô phở bốc lên làm mờ đôi kính cận, ông tháo cặp mắt kính ra để lau và định nói câu gì đó, Nhưng chồng tôi đã lanh miệng hơn, chàng bắt đầu lời nói rất trịnh trọng khiến chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên, nên ngừng lại chờ đợi.

-Chúng tôi vô cùng cảm ơn ông! Ông và bà Dawson. Lời cảm ơn rất chân tình tuy có muộn màng sau hơn năm mươi năm của một người Việt nam tị nạn cộng sản trên đất nước Cờ hoa này.

Ông Dawson hơi bỡ ngỡ khi nghe lời cảm ơn của chồng tôi, ông hơi ngập ngừng một chút rồi phá lên cười thật lớn.

-Le, ông nói gì vậy? Sao ông cảm ơn chúng tôi? Chúng tôi phải cảm ơn ông bà và cháu về bữa ăn “Happy Thanksgiving” chiều nay chứ!

-Không! Mỗi lần tôi gặp một người Việt Nam Vet nào, là tôi rất quý trọng và cảm ơn họ. Tôi cảm ơn ông và nhiều người Mỹ trai trẻ thời đó đã đến phục vụ trên quê hương chúng tôi, quý ông đã hy sinh quá nhiều, đôi khi cả tính mạng nữa, mà có người còn không hiểu rõ hết vì sao phải hy sinh ở một đất nước hoàn toàn xa lạ? Tôi cũng là Lính như ông, nhưng tôi vì bổn phận phải phục vụ tổ quốc mình, còn quý ông…! Làm sao chúng tôi quên ơn những người Lính như quý ông được.

 

Ông Dawson nín lặng không cười nữa, có một sự xúc cảm hiện lên khuôn mặt ông, ông nắm tay bà vợ và bằng một cử chỉ rất thân mật, họ đứng dậy bước sang phía chúng tôi, đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay của chúng tôi. Những cú siết tay không lời và vòng tay ôm thân mật mà vợ chồng ông Dawson thể hiện, là những lời nói tốt đẹp nhất trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay đối với gia đình chúng tôi.

Lê Thị Hoài Niệm.

 

 

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024





Lê Thị Hoài Niệm và Gia đình thân chúc quý Cô, Chú, Bác, qúy Anh Chị Em và tất cả Bạn hữu một mùa LỄ TẠ ƠN thật đầm ấm bên gia đình.

THANKS GIVING! LỄ TẠ ƠN.


TẠ ƠN Cha Mẹ sinh con
TẠ ƠN Thủy tổ giang sơn quê mình
TẠ ƠN bạn hữu chí tình
TẠ ƠN Cô Bác, Thân sinh Ông Bà
TẠ ƠN Chính phủ Cờ Hoa
TẠ ƠN Bảo trợ, cho nhà, cho cơm.
TẠ ƠN Nhà giáo, Nông thôn.
TẠ ƠN Người biết bảo tồn quê hương
TẠ ƠN Chiến sĩ can trường
TẠ ƠN Con(của) Mẹ nêu gương đáp đền
TẠ ƠN Các Đấng Bề trên
TẠ ƠN cuộc sống vuông tròn chung quanh
TẠ ƠN mầm sống màu xanh
TẠ ƠN không khí trong lành ban mai
TẠ ƠN Ta vẫn còn đây
TẠ ƠN sức khỏe tràn đầy, an vui.
TẠ ƠN Người mãi bên đời
TẠ ƠN nắng sớm, chiều rơi nhẹ nhàng
TẠ ƠN nhưng dạ xốn xang
Thổ dân bản xứ không màng …Tạ ơn.
Ngày xưa tị nạn Pilgrims
Đói ăn, rét lạnh, héo tim đông về
Người Mỹ bản xứ cận kề
Mang thực phẩm giúp không hề “ta đây”!
Không nhờ bí, đậu, gà tây
Làm sao có được ngày này: TẠ ƠN !
Lê thị Hoài Niệm.