Chuyện từ căn nhà ngói đỏ
Buổi trưa, con đường làng quê không thấy một bóng người, không khí
thật oi bức, khó chịu, nắng thật gắt lại đứng gió, nên người tôi ướt đẫm mồ
hôi. Nhìn những căn nhà thấp cao lồi lõm, trồi ra thụt vào hai bên đường dường
như cũng uể oải thở hơi nặng nhọc che chắn cho chủ tìm giấc ngủ trưa hoặc tìm
nơi trú nắng, cơn nắng như những vạt lửa từ trời đổ chụp xuống trần, muốn đốt
cháy những hòn đất quê vung vãi rơi ra
từ những lỗ chân bò đang chực mỏ hứng chờ vài hạt mưa cho đỡ khát, mấy cọng cỏ
còn sót lại bên lề đường cũng đã vàng úa, héo queo, và mấy bụi tre gai hình như
cũng đang nín thở, sợ hít phải hơi nóng vào thân làm cây tre cằn thêm chút nữa.
Chỉ có thằng bé chăn bò với hai con bò trông thật gầy gò ốm yếu đang đứng trốn
nắng dưới tàn cây phía bên kia đường là những vật di động giữa buổi trưa làng.
Nắng cũng áp vào tấm lưng tôi như muốn
đốt bỏng, dù tôi cũng đã kỹ càng bịt kín khắp cơ thể, tay chân, và vì tôi đang
ngồi sau yên xe chiếc Honda do người em đang cầm tay lái nên đành chịu, đã vậy,
mỗi vệt bánh xe di chuyển là đất bụi lại bung lên theo, nên không khí đã nóng
lại càng thêm khó thở.
-Tới rồi chị, xuống đi!
-Chỗ nào đâu?
-Ngay chỗ chị đứng đó!
Không! không! tôi không thể tin vào đôi mắt mình,
bó nhang và chùm hoa Trang tôi đang cầm trên tay như muốn rớt xuống đất, tôi run người và xúc động
đến cùng cực với cảnh tượng đang hiện ra trước mắt, dù trời đang nắng chang
chang, nóng đổ lửa đổ củi mà người tôi như phát lãnh, và tôi đã òa lên khóc,
tôi cứ đứng mà khóc như chưa bao giờ được khóc, người em cầm lòng không đậu,
cũng thút thít khóc theo, cậu nói trong
tiếng khóc:
-Thằng Hai nó đập phá hết, nó gỡ từng miếng gạch,
hình của Dì Dượng nó cũng đập luôn, chỉ còn tấm hình anh Sáu mặc đồ Lính nên nó
sợ không dám đập, giờ chị đã thấy rõ ràng rồi, chớ em tả qua thơ không ai hình
dung nổi.
Đúng! Em họ tôi nói đúng. Làm sao tôi có thể tưởng
tượng nổi hình ảnh quá bi thương đang hiện ra trước mắt tôi, trên mảnh đất nhỏ
xíu nằm sát nách con đường mòn làm lối đi trong xóm, một khung xi măng hình chữ
nhật viền quanh ba ngôi mộ, bên trái Dượng tôi, chính giữa là người con trai,
và bên này là Dì với hình ảnh những hoa sen trang trí trên từng di ảnh người
quá cố, những tấm mộ bia được trang trọng xây kỹ lưỡng trên nền đá hoa với hàng
chữ ghi danh tánh người đã khuất ngày nào, giờ đã bị đập nát loang lở chỗ mất
chỗ còn, chỉ còn lại tấm mộ bia của một người thanh niên rất trẻ, quá đẹp trong
bộ quân phục oai hùng được ghi danh tánh ngày sanh ngày mất: sinh năm 19.. mất
năm 19.. là còn nguyên vẹn.
Trên nền đất ở góc mộ là
một manh chiếu rách bương, dơ bẩn nằm phủ lên một phần nắm mộ của Dì tôi, và
ngoài khuôn viên mộ, một hũng đất sâu như có ai vừa đào lên lấy đất đổ đi một
nơi nào khác, và bên này manh chiếu ngoài khung gạch, một cái nền xi măng nhỏ
xíu chỉ bằng mỗi cái giường nằm cũng là di tích về cuộc đời thảm thương của
những người trong cuộc.
-Chị thấy đó, đây là nền nhà của Dì về cư ngụ
trong những ngày cuối cuộc đời, tụi em dựng lên bằng mấy tấm phên tre, chỉ để
được một cái chõng tre cho Dì nằm, biết làm sao hơn! Còn manh chiếu rách trong
đó là chỗ thằng Hai nó ngủ.
-Thằng Hai nó đập phá, rồi gạch với xi
măng đâu?
-Nó bán !
-Trời đất! vật liệu đã xây mồ mả mà người
ta mua làm gì?
-Thời buổi bây giờ mà chị, người ta nghèo
quá mà, vài cục gạch cũng lót được cái ang nước cho bớt ngập.
-Nhưng nó bán được bao nhiêu tiền
-Tiền bạc gì, chỉ cần một chén cơm độn cho
đỡ đói, ai biểu gì nó không làm, may mà nó chưa đào hết mồ lên để lấy ván hòm đem
bán, chắc tại bà con mình ở đây cũng chưa cần, nên chưa đến nỗi phải mua ván
hòm, với lại mỗi ngày người ta còn đi ngang đây, còn nhìn thấy hình anh Sáu,
thằng Hai nó cũng sợ, nên nó không dám.
-Sao tự nhiên đất ở đây mất hết vậy?
-Thằng Hai nó cũng bán, họ mua rồi đào lên chở đi.
-Trời hỡi! Đất mồ mả mà mua làm gì,
-Thời buổi giờ đâu có ai để ý đất gì,
nghĩa địa cũng làm chỗ ở được mà!
-Chị đã dặn anh Ba và mấy đứa coi chừng mà
sao để đến nông nỗi này?
-Thì tụi em có coi ngó chớ sao không,
nhưng đâu có ở đây suốt ngày mà canh chừng, chỉ cần một đêm nó đói, là sáng hôm
sau mả bị đập mấy chỗ rồi. Hôm trước có một người, chắc là bạn Lính của anh Sáu
ngày xưa, ảnh nghe tin Dì mất, nên muốn đến thắp nén nhang, không ngờ về đây
thấy cảnh thương tâm như vậy, ảnh cũng đứng khóc ròng. Anh ấy tốt lắm, đã nhờ
người xây lại mộ rất đàng hoàng, rồi ra đi mà không để lại tên, nhưng chỉ mấy
bữa sau là nó bắt đầu đập tiếp chị ơi! Thiệt khổ quá, hồi còn sống Dì đã khổ,
giờ chết rồi mà mồ mả cũng không được trọn lành.
-Oan nghiệt! Thật là oan nghiệt! Sao mà
đến nông nỗi này hở trời!
Dì
là em kề má tôi, và là chị của hai Dì út. Nghe má tôi kể lại, vì ông bà ngoại
tôi chết quá sớm nên mấy chị em phải đùm bọc nhau mà sống, trong lúc má tôi
phải buôn tảo bán tần để tìm kế sinh nhai nuôi hai Dì nhỏ, thì Dì, nhờ vào sắc
đẹp trời cho, đã được Dượng cưới làm vợ rất sớm. Dì đẹp lắm, hồi đó dưới mắt
nhìn của một đứa con nít như tôi, Dì giống y hệt một bà Tiên trong truyện cổ
tích, dáng người cao, khuôn mặt đẹp với viền mắt to, sâu, mũi thẳng, miệng nhỏ,
suốt ngày dì mặc bộ đồ lụa trắng, ngồi trên ghế sai con Lành đi chợ nấu cơm. Dì
là bà tiên, có điều bà tiên không có thân tình với con nít. Bọn tôi lúc đó sợ
Dì lắm, chỉ lại gần mỗi khi Dì kêu lại viên “thuốc tể” phụ với Dì, đó là việc
làm duy nhất hàng ngày của Dì mà tôi biết. Những viên tể trị bá bịnh là những
món thuốc “gia truyền” của Dượng đặc chế ra, vì Dượng là một Đông Y Sĩ!
Ngày tôi còn học trường làng, nghe tin Ba
của Dượng qua đời, cả một làng đến phụ lo đám chết, và người ta đã giết bò,
giết đến mấy con heo để cúng kiếng, gia đình làm lễ thọ tang đến ba ngày, những
người học trò từng học thuốc với Dượng, và những người từng là “thân chủ” của
ông, khi ông còn làm nghề “Thầy”.
Ngày đó, tôi thấy ba tôi cứ đi vào rồi lại
đi ra, lâu lâu ông mở miệng nói một mình: “đám
chết mà giết bò giết heo để cúng kiếng làm chi, nghiệp chướng nặng lắm!”
Dì sinh rất nhiều con, nhưng đến người con thứ sáu mới nuôi được, đó là
người con trai rất đẹp, và sau đó là hai người con gái cũng giống hệt Dì, đẹp
có tiếng lúc trưởng thành. Đối với dân làng, hai người em họ tôi thuộc loại “Lá
ngọc cành vàng”, dễ gì ai bước chân qua ngạch cửa căn nhà ngói đỏ mà không được
phép.
Căn nhà Dì Dượng lớn lắm, xây cất trong
khuôn viên cả mẫu đất không chừng, nền nhà cao cả thước, tường xi măng gạch đúc
thẳng băng, mái lợp ngói đỏ rực trời, ai đi từ xa nhìn ngang qua cũng thấy, căn
nhà trên là nơi thờ phượng, căn nhà ngang cũng ván gỗ, bàn hương, nơi Dì ưa
ngồi trên cái ghế cao, nhưng dưới nền gạch phải bóng lộn, dù Dì luôn có đôi
guốc trong chân. Dì tôi sang cả lắm, nhưng mỗi lần nhắc đến Dì, Má tôi lại thở
dài, tội nghiệp cho Dì không thong thả được như Má tôi. Ngày ấy tôi nào biết
gì, mãi mới đây mới biết được rằng Dì được Dượng phát tiền chợ từng ngày. Thảm
thay!
Chiến cuộc lan tràn, người dân quê phải
tản cư về thành phố ở, chuyện đó đối với gia đình của Dì cũng chẳng có mấy đổi
thay, vì ba người con của Dì đã về thành phố học từ lâu, người con trai lớn đã
là “thần tượng” của nhiều cô gái trẻ trong trường: “đẹp trai, con nhà giàu, học
giỏi” cô nào mà không muốn được chàng kết thân. Và người con gái lớn của Dì, là
một trong những người đẹp có tiếng. Giữa con đường lớn thứ ba trong phố, Dì
Dượng lại xây lên căn nhà đúc hai tầng dài thòng, trước sân có giàn hoa tím, rõ
ràng là nơi đáng tìm đến của quí văn nhân, quân nhân cán chính độc thân tại địa
phương. Nhà Dì lúc nào cũng có khách đến chơi, nhưng Dì vẫn nghiêm nghị, giữ
một khoảng cách với tất cả, con cháu có ghé tạt qua nhà, Dì hỏi thăm vài ba câu
rồi không thấy Dì đâu nữa, trong khi Dượng vẫn ngày đêm xách túi thuốc đi trị
bịnh cho người.
Ngày người con trai lớn của Dì được lệnh
tòng quân nhập ngũ, Dì đã khóc hết nước mắt, nhưng biết làm sao hơn, tuy rằng
con trai một, nhưng Dì Dượng chưa đủ già để cậu em tôi được hoãn dịch vì lý do
gia cảnh. May quá! ngày mãn khóa cậu em tôi được về lại tỉnh nhà, Sĩ Quan Điạ
phương Quân! Dì Dượng tôi có đãi tiệc ăn mừng, vì dù gì đi nữa, một hai ngày
cậu ấy vẫn có thể ghé qua nhà thăm hỏi Dì tôi. Nhà Dì Dượng tôi lúc này còn
đông vui hơn nữa, vì bạn Lính của cậu em lui tới hà rầm, và cô em họ tôi lại
đậu vào trường Sư phạm Qui Nhơn. Dì tôi vui lắm, Dì thôi khóc với má tôi, vả
lại thời gian này đường Quốc lộ số Một cứ bị Việt Cộng đắp mô, gài mìn, sự đi
lại quá khó khăn, nên chúng tôi không còn cơ hội ghé thăm Dì thường xuyên.
Căn
phòng nội trú nữ giáo sinh trường Sư phạm, nơi tôi và cô em họ cùng ở chung,
chúng tôi đang ồn ào cười nói, đùa giỡn trước giờ đi ngủ, bỗng dưng từ cửa
phòng, mọi tiếng động đều ngưng bặt, tin buồn từ dưới phòng giám thị nội trú
được thông báo đến cho nữ giáo sinh rằng: “người anh trai Thiếu úy địa phương
quân của nữ giáo sinh…, trong lúc dẫn quân đi truy kích địch, cứu được một thằng bé đi lạc, và
chính thằng bé ấy đã mở chốt lựu đạn quăng ra, nên có nhiều quân nhân hy sinh
ngay tại chỗ, trong đó có cả người Sĩ quan nhân hậu!”
Đất
trời đảo lộn, Chị em tôi khóc suốt đêm, sưng cả mắt, chỉ chờ trời mau sáng, xin
nhà trường cho phép về nhà thọ tang. Dì tôi cứ ngồi yên như pho tượng gỗ, Dượng
thì như kẻ thất thần, may nhờ bà con dòng họ, và những người bạn của cậu em
tôi, đám tang có rất nhiều người đến thắp nhang cầu nguyện. Nhưng thay vì mai
táng ở nghĩa trang trong thành phố, Dì tôi nhất định không chịu, và buộc lòng
Dượng với một ít bà con lớn tuổi đưa quan tài về chôn ngay vạt đất sau vườn
nhà.
Ngày đó, vườn cây ăn trái cây quả sum suê,
ngôi vườn được rào kín trong ngoài khang trang đẹp đẽ, dù rằng tình hình an
ninh không có, cứ đêm về là những người mệnh danh “mặt trận giải phóng” về đào
đường, đắp mô, đặt mìn bẫy. Ấy vậy mà Dì tôi không hề sợ, Dì bỏ thành phố về
lại làng quê sống một mình, lo chăm nom săn sóc ngôi mộ người con, nghe má tôi
nói ngôi mộ lúc bấy giờ đẹp lắm, vì tấm mộ bia có hình người Sĩ Quan VNCH quá
đẹp, mà cả làng, người nào còn ở lại cũng xin đến viếng thăm, căn nhà ngói đỏ
nhờ vậy cũng đỡ quanh hiu, một người sống trong nhà, một ngôi mộ an táng sau
vườn, mẹ con có nhau tưởng chừng mãi mãi, nhưng không…
Dượng tôi bị bệnh! một căn bệnh ngặt
nghèo, người con gái út của Dì đã theo cha về tận Sài gòn để chữa bịnh, nhưng
cuối cùng nhà thương chê, Dượng phải trở về và trút hơi thở cuối cùng cạnh vợ
con. Dì cũng đưa về làng, căn nhà ngói đỏ lần nữa làm chỗ đặt quan tài của
Dượng, dù năm đó, giặc đã gần như tràn khắp mọi nơi, nhưng tôi và ba tôi cũng
bấm gan về dự đám tang Dượng cho trọn nghĩa trọn tình. Bà con đến đông lắm,
bịnh nhân ngày trước của Dượng cũng nhiều, hai ngày trôi qua trong êm ắng, Dì
tôi khóc gần cạn nước mắt cho con đã mấy năm ròng, giờ khóc chồng nên gần kiệt
lực. Sáng ngày thứ ba, đang làm lễ để đưa quan tài đi hạ huyệt, bỗng từ ngoài
sân, có nhiều tiếng nói lao xao, bà con dưới bếp cũng chạy bu quanh mấy người
vừa mới đến, rõ ràng là gây sự tò mò quá đỗi, tôi chạy vội ra sân, để thấy
người đàn bà trung niên, hai tay dắt thằng con trai cỡ năm tuổi, rụt rè từng
bước, bước lên bậc tam cấp trước hiên nhà, ba tôi và người cậu bước ra chào
hỏi.
-Tôi là…Vợ của Thầy Năm, và đứa này là con
của Ổng! bà ấy tự xưng như thế.
Mọi người đều ngạc nhiên đến cùng cực, cứ
há hốc mồm mà ngó nhau, sau đó Cậu tôi định mời bà vào nhà để hỏi rõ câu
chuyện, vì chưa có ai tin Dượng tôi lại có vợ khác bên ngoài, vì lâu nay dưới
mắt mọi người, Dượng là người chồng và người cha đàng hoàng, đứng đắn. Nhưng sự
ồn ào, chộn rộn đã đập đến tai Dì, Dì đã sững người và từ từ ngất xỉu ngay tại
chỗ.
Quang cảnh buổi tang lễ thật ồn ào, láo
nháo, kẻ chạy lên, người chạy vào, thò đầu, chen lấn để coi mặt người đàn bà lạ
với hai đứa nhỏ, thôi không còn tiếng khóc than dành cho người quá vãng, mà bây
giờ là những tiếng khóc ấm ức, hai cô em họ tôi cũng đi ra đi vào gạt người này
ra, xô người kia đi chỗ khác, không kềm chế được hành động của mình. Họ khó
chịu ra mặt, bực bội trông thấy, thỉnh thoảng hai người lại hét to lên: coi gì
mà coi! Thật là tội nghiệp.
Dì tôi tỉnh lại sau một hồi được đánh gió,
uống nước trà gừng, Dì vừa ngồi lên được
cũng là lúc Dì đứng bật dậy, Dì phóng lại bàn thờ, vứt bỏ áo tang, cầm lấy di
ảnh của Dượng tôi, đi te te ra cửa và đi luôn không hề quay trở lại. Dì đi đón
xe trở về thành phố, bỏ lại quan tài của Dượng nằm chình ình trong căn nhà ngói
đỏ, để mặc cho người đàn bà mới đến cứ tự do lạy lục thọ tang.
Trước đó, ba má tôi nhận tin người con gái
lớn cuả Dì đi lấy chồng, nhưng không thấy ai tỏ ý mừng vui, và cũng chẳng về dự
ngày lễ cưới, chỉ gửi quà chúc mừng, dù lúc đó Dượng còn tại thế. Người con rể
của Dì trở nên một thành phần thường
trực trong nhà: ở rể. Chuyện đèn nhà ai nấy sáng, người ngoài làm sao nhìn
xuyên suốt qua cánh cửa gia đình, dù là dòng họ, bà con. Chưa trọn một năm, ba
má tôi lại nhận được tin vợ chồng người con gái lớn của Dì mới xin con nuôi,
một đứa con rơi lai giống Đại hàn. Lần nữa ba má tôi lại kêu trời, mà trời thì
ở tận đâu đâu.
Theo làn sóng người di tản trở về sau
tháng tư đen, gặp lúc kinh tế khó khăn quá đỗi, Dì bán đi căn nhà ở phố, trở về
lại căn nhà ngói đỏ. Cuộc sống tưởng rằng an bình sau bao nhiêu thăng trầm,
biến đổi. Dì có thêm việc mới: lãnh nuôi thằng cháu hờ, vì mẹ nuôi của nó đã
sinh con. Bây giờ thằng bé đã ở hẳn trong căn nhà vẫn còn ngói đỏ với bà nuôi,
ngày càng lớn nhưng đã chậm mất trí khôn.
Người con gái út đẹp đẽ từ lúc có gia
đình, tổ chức làm ăn buôn bán lớn. Ăn sang, mặc đẹp, cuối cùng vỡ nợ đi vay
mượn lung tung rồi…khất nợ, mà nạn chân chính lại là má tôi. Dì thương cháu nên
giúp đỡ tận tình, nhưng chỉ nhận lại những lời nói chẳng chút tình người. Bà
giận, tức cho chính mình và khóc đến nỗi mắt mờ, mặc dù chúng tôi đã an ủi,
khuyên lơn má tôi nhiều lắm.
Dì
tôi buồn vì biết con bà làm bậy, mà không nói được nên lời, vì Dì nghĩ mình là
người vô dụng, ruộng đất đã bị hợp tác
xã lấy mất rồi, và căn nhà ngói đỏ đã bị thằng cháu nuôi khùng khịu cứ từ từ
đập phá, ăn cắp đồ đạc trong nhà đi bán nếu có người mua. Ban đầu Dì còn khuyên
răn, sau Dì giận la hét, thì bị nó đánh lại, Dì uất ức, trả về cho má nuôi nó,
thì không ai nhận lãnh. Nhiều lần Dì thắp nhang khấn vái hai ngôi mộ sau vườn,
Dì chực chờ một phép mầu nào đó nơi người con, người sĩ quan hy sinh rất trẻ,
lúc sinh tiền Dì thương yêu rất mực. Nhưng cuối cùng, Dì phải bán đi căn nhà
ngói đỏ mà tiếc ngẩn tiếc ngơ, chỉ giữ lại một mảnh đất nhỏ dành làm nơi an
nghỉ của hai người thân, dựng lên một căn nhà tranh để Dì và thằng cháu nuôi
trú ngụ, nhưng rồi nó cũng từ từ lấy từng miếng tranh đem bán.
Dì tôi buồn. Dì buồn lắm! Tin như sét đánh
ngang mày, không phải cho riêng Dì mà cả bà con dòng họ, người con gái lớn của
Dì đã bị vào tù: vì làm ăn thua lỗ, vay nợ ngân hàng nhiều mà không trả nổi, và
căn nhà mua được từ những đồng tiền Dì chia cho, đã bị tịch thu, chồng con phải
về phía nhà chồng ăn nhờ ở đậu.Trời hỡi! Dì kêu trời không thấu. Dì đã mất hẳn
sự bình thường.
Dì
tôi không còn bình thường nữa. Dì lơ ngơ láo ngáo, đi lang thang từ đầu trên
xóm dưới. Người chị họ thương cảm đem về nuôi, và rồi người em họ đã cất cho Dì
cái chòi chắn gió mưa cạnh hai ngôi mồ, bây giờ chỉ còn lại cái nền xi măng trơ
trọi. Ba má tôi giúp đỡ cho Dì tận tình, nhưng có đồng nào trong tay, cũng bị
thằng cháu nuôi khùng khịu tra khảo, đánh đập rồi lấy mất, cuối cùng, chỉ mỗi
ngày người em họ đem đến mấy bữa cơm.Thương thay!
Dì
tôi mất! phải khó khăn xin xỏ chính quyền tại địa phương mới được an táng cạnh
chồng con, ba má tôi cũng xây mộ cho Dì thật đàng hoàng, cũng là ngày người em
họ được giấy ra tù sau năm năm tù lao động vất vả. Mừng vui! Xúc động? vì nghe
tin Dì đã mất, người em bị “Strock” và bị bán thân bất toại, được người coi tù
thương tình đưa vào nằm trong bệnh viện…
Và nơi đây, bây giờ, ba ngôi mộ nằm ngang
hàng trên mảnh đất quê nghèo nàn, loang lở. Hai người con ít có cơ hội để chăm
nom săn sóc, chỉ còn mấy đứa cháu coi ngó canh chừng nhưng cũng vượt khỏi tầm
tay. Oan khiên, nghiệp chướng gì cứ bám lấy gia đình Dì tôi. Dù tôi hay bất kỳ
người cháu nào, có muốn xây đắp mồ mả lại cho gia đình Dì, cũng phải coi ngày
tháng, người em họ nói thế. Nhưng điều đáng sợ, ngày nào còn thằng cháu nuôi
điên điên, dại dại, lởn vởn nơi đây, ngày ấy, chắc mồ mả Dì Dượng tôi vẫn không
thể nào còn nguyên vẹn được.
Lê Thị Hoài Niệm