Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024


TÂM SỰ NGƯỜI ĐI LỄ CHÙA.

                                                  

    Đây là tâm sự riêng lẻ của một người đi Lễ Chùa. Mà đã là tâm sự riêng thì có thể không phù hợp hoặc trùng ý tưởng của người ngoài cuộc. Một người đi dự lễ Chùa, vào Chùa thắp nhang trước bàn thờ Phật, tin vào thuyết nhà Phật, tôn kính đức Phật, đọc thuộc kinh Phật, nghe các vị Sư (Ni) thuyết giảng về đạo Phật, ăn chay theo định kỳ (hay trường kỳ), làm việc thiện, không sát sanh v..v… hầu như đều đã Qui Y để trở thành một Phật Tử, có Pháp danh rõ ràng bởi vị Tăng sĩ (hoặc Ni sư) làm lễ qui y cho để trở thành Phật tử thuần thành.. Nếu chưa qui y, chưa hẳn là …con của Phật (?).



    Và tôi chưa có thể là một Phật tử thuần thành, vì thỉnh thoảng còn vướng vào “tội lỗi”, dù không bao giờ có ý định làm hại một con chim con, chứ nói gì đến chuyện ..giết chóc con gì để nghe lạnh sống lưng. Nhưng khổ nỗi, cũng vì những người bạn thân của gia đình, đi đứng vẫn còn mạnh mẽ, mà hãng xưởng thì đã đúng kỳ phải nghỉ, nôm na là về hưu. Dù họ đã ghi danh vào “hội ACCC" được dịch ra là hội ĂN CHƠI CHỜ CHẾT, có đóng niêm liễm hẳn hòi, nhưng thật lòng chưa muốn có sự ..mời mọc của Ngọc Hoàng Thượng đế hay lời gọi thiêng liêng của Chúa, nói chung là còn “sợ chết” nên phải tìm cách kéo dài tuổi thọ bằng nhiều cách khác nhau.


    Một số thì tìm đến nhà tập thể dục, nếu không cử được tạ, đi bộ, đạp xe, hay vào một lớp nhảy nào đó..v.v thì cũng bơi lội thả lỏng trong nước cho nhẹ người, giảm bớt sì-trét, nhẹ cân, bớt mỡ, tiêu đường.


    Một số thì thích đi du lịch đây đó, biết thêm nhiều xứ lạ quê người, dù cuối cùng cũng phải…trở về cố quận, cũng sống với vườn rau, ao cá, anh còm cho qua ngày tháng.

    Một số dành nhiều thì giờ để ngồi thiền, yoga hay tạo một trạng thái thanh thản cho tâm hồn và sức khỏe.

 

    Còn một số thì thích nhìn cảnh trời mây nước bao la, nếu không tìm được “nguồn thơ” thì cũng có vài con cá làm bầu bạn. Thế là họ đi mua cần câu và các thứ cần để ra sông, ra biển ngồi câu. Không câu để chờ thời như Khương Tử Nha, mà chờ cá đớp mồi cho “dzui thú sông biển”. Mà đi câu thì phải có cá đem về để trình “bà nội tướng”, chẳng lẽ đi không rồi lại về không, phải câu cho được cá để minh chứng cho bà xã là mình còn công dụng, nếu không thì bà lại thắc mắc giống như trong bài hát “giăng câu: em hỏi anh giăng câu ra sao?”. Và khổ nỗi, họ đem cá về nhiều quá mà không đủ tủ lạnh để cất lại, nên phải…sớt chia bớt cho bạn bè, trong số đó có tôi. Nếu mình từ chối thì phụ lòng tốt của bạn, cùng lúc chạnh nghĩ đến hoàn cảnh của người thân ở bên Việt Nam, nhiều người muốn có con cá tươi để ăn mà không hy vọng có được, vì “con buôn” cứ bỏ hết chất độc này đến chất độc khác cho cá tươi xanh, lại bị cảnh “biển chết” vì chất độc hại từ những nhà máy công nghiệp thải ra vô tội vạ. Còn ở đây, có sẵn cá tươi sao lại bỏ?, dù gì mình cũng từng là con gái của biển, nói không biết “làm cá” là từ chối gốc gác của chính mình, nên cứ thế mà ra tay…sát sinh, dù cá đã …chết tự bao giờ. Đây là lý do tôi mang tội.



    Và tuy chưa là Phật tử ăn chay trường, niệm Phật đều đặn, nhưng tôi vẫn chọn một ngôi chùa trong thành phố để đi lễ Phật và tham dự những buổi lễ cầu siêu, cầu an, cầu nguyện do quí Sư trong chùa làm chủ lễ. Nếu có thì giờ rảnh rỗi, cũng làm công quả cho Chùa, và góp chút công mọn, tài mọn vào những ngày lễ lớn…

 

    Nếu nói về lễ Phật, thì ngài Phật Thích Ca mới là vị khai sáng ra đạo Phật. Nếu có làm lễ lớn thì phải là ngày “Đản sanh”(?). Phải mừng ngày Phật ra đời để người trần gian có được Pháp mà noi theo, có được Tăng mà soi đường dẫn lối. Nhưng Phật không là Thánh hiện sinh, Phật không là Thần hay vị chúa tể nào đó có quyền ban phép hay quở phạt người khác. Phật là người được sinh ra bình thường trong một gia đình hoàng tộc vua chúa. Phật là Thái tử. Thái tử Tất Đạt Đa đã có vợ con khi trưởng thành. Thái tử đi “tu” sau khi nhìn thấy cảnh “sinh-lão-bịnh-tử” trên cõi đời ô trọc này, nhất là ở đất nước của ngài, một đất nước theo đạo Bà la môn, mà lúc đó ngài cũng là một tín đồ, đẳng cấp quyền thế có quá nhiều.

     Nên khi ngài “đắc đạo” để trở thành Đức Phật Thích ca, ngài cũng đã nhắn nhủ cho người sau rằng: tất cả mọi người đều có thể thành Phật như ngài- nếu “biết tu”- là tu tâm dưỡng tánh đó.Nhưng khổ nỗi, đã hơn hai nghìn năm trăm năm ròng rã trôi qua, hình như chưa có vị Sư sãi, Tăng Ni nào đã là một vị Phật thành danh, đừng nói chi đến đám Phật tử đủ thành phần trong xã hội, ngoại trừ phật A Di Đà (?), và rất nhiều vị Bồ Tát...(?) như Quan Thế Âm Bồ Tát mà nhiều người đời nay hay cầu nguyện nhờ Bà.

    Đức Phật tuy có tầm nhìn xa thấy rộng và trí tuệ hơn người, nhưng Phật không có ra tay “cứu nhân độ thế”. Đức Phật không phải là "đấng cứu rỗi", và đạo Phật là một tôn giáo rất "dân chủ". Không có Phật-Tăng-Ni sư nào "bắt buộc" người khác phải tu theo mình, phải tin lời "phán" của Phật, nếu không sẽ bị "phạt", (Phật là Bụt mà, Bụt rất hiền từ, không nỡ làm hại con sâu, con kiến thì làm sao mà trừng phạt con người khi không nghe theo lời Phật? nên mới có câu ví "hiền như Bụt!"). Ngay cả trong vấn đề hôn nhân, người Phật tử vẫn có thể kết hôn với người khác tôn giáo, mà không bắt buộc người phối ngẫu phải đi học kinh, phải được Tăng-Ni làm phép hôn phối ở chùa, nếu không thì không được phép hỏi cưới.

 

Gần đây trong những nhà bác học tên tuổi lớn thì có lẽ Albert Einstein là người viết về Đạo Phật nhiều nhất, xin trích một đoạn văn ngắn của ông nói về Phật giáo:

 "Phật giáo không cần duyệt xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan niệm của mình để chấp nhận khoa học bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học và đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính nó và trong môi trường sống chung quanh nó. Phật giáo siêu việt vượt qua thời gian. (Buddhism requires no revision to keep it up today with recent scientific finding. Buddhism needs no surrender its view to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is a bridge between religious and scientific thoughts, that the stimulates man to discover the talent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless)(Nguyễn Mộng Khôi - trích từ internet)



    Có phải tất cả những người Phật tử đều thuộc nằm lòng tất cả những bài kinh kệ, khi mình có tâm tu?. Và dĩ nhiên đã tìm hiểu về vị chủ chăn khai sáng ra tôn giáo mình tu theo. Chính Phật Thích Ca là một Thái tử, giàu sang sung sướng, quyền thế cỡ nào, vậy mà Ngài từ bỏ tất cả để đi tu, đi tìm "chính đạo", để giúp nhân loại thoát vòng trầm luân, bể khổ. Có một lần ngài đi tìm sư học đạo, ngài đói lả, kiệt sức nằm gục bên đường, may nhờ có cô gái từ tâm mang đến cho ngài uống một chén sữa dê, ngài mới hồi sinh. Sau đó ngài mới có cơ hội ngồi kiết già dưới gốc Bồ Đề đến 49 ngày đêm (có vị Thầy thuyết giảng Đức Phật chỉ ngồi dưới gốc Bồ đề có 7 ngày), và cuối cùng Ngài đắc đạo sau khi thuyết giảng đến 84 ngàn bài Pháp!

    Vậy thì Ngài đâu có màng thứ chi chi. Vậy mà loài người dân gian, ngay cả những “kẻ tu hành hiện tại” hình như có vẻ “quí trọng bề ngoài”.?

 

    Tượng phật bằng sứ, bằng đồng hay bằng….đá, ngọc thạch, có gì khác đâu ?, vì đó cũng chỉ là hình tượng! Bao nhiêu năm tháng tôi đi vào chùa (nhiều chùa trong thành phố) vẫn thắp nhang khấn lạy dưới tượng Phật. Có tượng bằng sứ, có tượng mạ đồng, mà nhiều khi không có tượng trước mặt, người "tịnh tu" cũng có thể ngồi niệm Phật theo tâm của mình cũng vẫn được mà. Ngọc thạch hay kim cương hay đất sét thì cũng chỉ là …vật liệu để đúc tượng tùy theo giàu hay nghèo, hay sở thích của Chùa đó. (Có vị Phật tử bạn của tôi rất giàu tiền của, đã “thỉnh” hằng trăm tượng Phật bằng ngọc thạch an vị đầy trên bàn thờ- cúng bái hằng ngày, nhưng vợ chồng thỉnh thoảng cũng …choảng nhau chí chóe, chứ có hòa bình mãi đâu?).

    Hay mới đây, có chuyện bên CA, chỉ cần một tượng Phật rất nhỏ, được đặt ở một chùa nhỏ ở góc đường, mà cả khu phố trước kia mất an ninh, bây giờ được an toàn, yên ấm. Chẳng qua nhờ có tượng Phật hiền hòa, người đi lễ hiền hòa, chịu khó đọc kinh cầu nguyện, có lối xử sự hòa ái, thân thiện, giúp đỡ những người cần giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, khiến những người trước kia phá phách, giờ thấy nhột (?) nên lảng đi chỗ khác chơi, và có khi tâm tĩnh lại, trả lại sự bình an cho ngôi chùa có tượng Phật nhỏ và khu phố nhỏ hiền hòa.



    Vậy mà khi có người đúc tượng lớn bằng ngọc thạch, người ta lại xưng tụng là  “Tượng Phật Ngọc- hòa bình thế giới”(?) rồi được rước đi hết chùa này đến chùa khác.

    Không biết “tượng Phật Ngọc-hòa bình thế giới” có đem lại hòa bình cho xứ sở nào chưa? Vì lâu nay cứ thấy bom đạn gieo rắc kinh hoàng cho người dân lương thiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, người dân lành vô cùng khốn khổ. Tựợng Phật Ngọc không biết có được về …ngự ở những chùa đèo heo hút gió, nghèo khổ hay không? hay chỉ được rước về ở những ngôi chùa bề thế, người dân giàu có và khu vực yên bình. Nhưng có điều chắc chắn, là vị “chủ tượng Phật” sẽ là người …hòa bình, yên ổn nhất, vì …bán được quá nhiều viên ngọc nhỏ, giá cũng không rẻ, cỡ trăm lẻ tám đô la/cái, vậy mà phật tử phải sắp hàng từ 4 gìờ sáng để mua nó, cầu “bình an”(?). Cũng kỳ lạ là khi có tượng Phật Ngọc về, thiện nam tín nữ hầu như …quên mất ngôi tượng Phật hằng ngày mình vẫn bái lạy trong chánh điện, mà chỉ lạy tượng Phật…hoà bình thế giới!

    Ôi ! cái tên cũng là điều đáng phải quan tâm và chú ý!.!



    Những năm cuối thế kỷ trước (thế kỷ 20), những tượng Phật cả mấy trăm năm bên Afganistance đã bị đám Taliban phá sập, mãi đến khi người Mỹ đem quân vào giúp dân AF đánh đuổi quân Taliban đi, người ta mới có thể tu sửa lại những tượng Phật đó. Rõ ràng Phật đâu có…bảo vệ được chính những hình tượng của mình? Và Tăng Ni Phật tử có ngồi "cầu nguyện" cũng đâu có giữ cho tượng Phật được ở yên vị trí, vẫn bị bọn người ác tâm giựt sập như chơi. Nếu thật sự tượng Phật ngọc, đem lại được hòa bình cho thế giới, thì chắc các quốc gia Tây Tạng, Thiên trúc v.v.. đã thỉnh Ngài về, để cho dân tộc các nước đó được sống trong an bình thịnh trị. Và ngay cả những người dân Iraq, AFG hay bên Syria kia, những người theo ...thánh Allah, chắc cũng có rất nhiều người, không ngần ngại gì mà không đi thỉnh tượng Ngài về cho đất nước được bình an, chứ ngày nào cũng bị bọn khủng bố đặt bom nổ chết hằng hà sa số người dân lương thiện, vô can, tội quá chừng chừng. Thiện tai! Thiện tai!



    Đi lễ! đi lễ là để tìm cái bình an cho tâm hồn, đi để khai phá những vùng “vô minh” trong trí não, đi lễ để nghe kinh, đọc kinh để tránh đi phiền não, tránh “tham-sân-si-hỷ nộ ái ố-lục dục..” Nhưng vẫn thấy chung quanh mình sao có nhiều điều không như Phật dạy, vẫn còn bề ngoài che lấp bên trong. Bây giờ có quá nhiều “Sư-Ni” còn rất trẻ đứng ra “lập Chùa”. Nếu thật sự là những Vị “chân tu” thì quí hóa vô vàn.



    Nhưng sao Chùa bây giờ không có…tịnh như ngày xưa, Chùa làm lễ gì cũng   phải có hát hò, văn nghệ văn gừng ì xèo, “thiện nam tín nữ” mới đến viếng Chùa, lạy Phật? Có vị Sư ở chùa nọ còn bảo: nếu không có ca sĩ hát (ca sĩ của các trung tâm băng nhạc lớn càng tốt, dĩ nhiên Chùa phải trả tiền y như các ..club thương mại bên ngoài, nơi ca sĩ đến hát ban đêm.) thì phật tử không về chùa tham dự lễ đông, nên mỗi khi làm lễ phải có…ca sĩ. Vậy thì chẳng phải Phật tử đến Chùa vì ca sĩ chứ đâu phải vì lòng tin ở Đức Phật?

 

    Mỗi khi đi lễ chùa để cầu nguyện xong, thường được ngồi nghe quý Thầy …giảng pháp. Thường cuối buổi giảng, quý Thầy hay bảo hãy sống “an nhiên tự tại”. Nhưng nhiều lúc tôi cũng thấy mình bị “lùng bùng” vì những chữ này. Theo như lời giảng mà tôi tìm được từ những trang nhà về Phật pháp thì

 “An nhiên tự tại phản ánh một lối sống không cưỡng cầu, không tham vọng, lối sống này thường hướng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn để luôn có được sự thư thái từ chính bên trong con người mình. Chính điều này giúp con người ta cảm thấy lạc quan hơn, nhẹ nhàng hơn với cuộc sống của chính bản thân.

     Mà an nhiên tự tại là gì? Tìm đọc trên net:" Về bản chất, an nhiên là một từ Hán Việt. Theo đó, “an” chính là sự bình an, hàm ý về những điều “an lành, “an toàn”. Còn nhiên có ý nghĩa là “sự tự nhiên”, không hề cưỡng cầu. Chính vì thế mà an nhiên hàm ý cho một tâm hồn thư thái, vui vẻ và luôn được bình an trong cuộc sống. Mọi thứ xung quanh đều đến và đi một cách tự nhiên, không hề cưỡng cầu hay quá tham vọng. Thay vào đó chính là sự chấp nhận một cách thoải mái, không buồn phiền lo âu.

     Nói một cách hoa mỹ hơn thì an nhiên tự tại là lối sống mà các vị thiền sư vẫn thường nói: không tham sân si, không vướng bụi trần, không màng danh lợi, tham lam về tiền bạc công danh. Hãy sống một cách tự do tự tại từ chính tâm hồn để bạn có thể cảm nhận mọi sự chuyển động của thế giới chung quanh một cách rõ nét nhất, và từ đó trân trọng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống, xóa bỏ những chấp niệm của bản thân mà biết yêu qúy lấy mọi người” (ngưng trích )

     Nhưng nhìn chung vào quãng đời của một con người bình thuờng từ lúc sinh ra đến khi …dừng chân ở nhà dưỡng lão rồi đi thẳng, có thời gian nào mà con người có thể sống “an nhiên tự tại” thật sự trừ lúc hết biết cái chi chi. Dĩ nhiên lúc còn nhỏ, chẳng biết gì ngoài việc theo mẹ vô chùa ngồi nghe Sư ông giảng, chẳng hiểu ổng…nói gì, ngồi ngáp lên ngáp xuống, cầu mong sao mẹ kêu đứng dậy, chạy u ra ngoài, khỏe quá. Khi trưởng thành, lo học hành để tìm một tương lai, có vào chùa thì cũng là ngày cuối tuần ghé ngang qua, chứ người trẻ ít khi có thì giờ ngồi nghe hết bài giảng (nếu ở Mỹ lại ít nữa vì đa số các người trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ ít hiểu hết tiếng Việt). Những ngày còn đi làm, cũng chạy vắt giò lên cổ. Vừa lo cho con mấy đứa với mọi sinh hoạt trong trường đã té khói, lo mọi thứ cho gia đình, lại còn công việc làm để có thêm tài chánh, nhiều khi không đủ thì giờ để ngủ, làm sao nói tới an nhiên tự tại như lời Thầy giảng? không phải là …lùng bùng sao?



“Buông bỏ” tất cả, chắc là lời dạy cũng dành cho những người ..già cả, đã về hưu, chứ những người còn trẻ, còn nặng nợ gia đình, mà cứ an nhiên tự tại, buông bỏ thì làm sao có tiền để thanh toán mọi thứ ? Mà những ai có nhà to cửa rộng chừng nào thì bill nhiều chừng đó, muốn có tiền thì phải đi làm, mà đi làm thì phải cố gắng làm cho tốt công việc, cũng phải...lo sốt vó, nghĩ nát óc ra, dùng hết sức mình, nhiều khi cũng phải "đụng chạm" những người chung quanh chứ "an nhiên tự tại" nỗi gì? Vả lại, nếu làm công nhân thì chỉ vừa đủ …chi phí, dư dả chút đỉnh làm sao “cúng chùa” được nhiều (?). Muốn có nhiều tiền thì phải có bằng cấp cao, có việc làm tốt, lương nhiều, hoặc làm thương mãi (phi thương bất phú, câu chữ Hán từ hồi năm nẳm vẫn có thể áp dụng đến bây giờ- dù đôi lúc đi buôn cũng thất bại, có quá nhiều “cơ sở thương mại” treo bảng tưng bừng khai trương mà …âm thầm dẹp tiệm lúc nào cũng chẳng ai hay), mà làm ăn thì phải biết tính lãi tính lời, phải có cách “tránh né” như chỉ nhận tiền mặt, nói có đóng thuế đàng hoàng nhưng ai biết được...?

 

    Thầy còn giảng thêm câu “đời là vô thường!” có đó rồi mất đó, nên không cần chú ý đến …của cải làm gì (?)(lại cũng dành cho người ...gần đất xa trời chắc?)

    Một số Sư Thầy, Ni cô thì có thể không làm hãng xưởng bên ngoài vì đang ở ...Chùa, có …chính phủ lo rồi? lại có “tiền bồi dưỡng” mỗi khi làm lễ cho gia đình có tang chế, hỉ sự. Mà lúc này có Thầy làm lễ cũng...tăng giá theo nạn lạm phát, Có bao nhiêu vị Tăng Ni cúng bái giúp không công, ngay cả cho những người nghèo?, nhất là bên Việt nam ngày nay, mỗi khi “mời” được Thầy tụng kinh khi có tang lễ, bì thư cho Thầy nhiều khi phải nhiều tờ trăm ngàn Thầy mới chịu, còn nhà nào có con cháu ở nước ngoài, thì làm ơn bỏ vào đó tiền…đô la nhé, tiền già Hồ Thầy không lấy đâu (bỏ tro cốt vào Chùa cũng tính tiền ngàn đô la Mỹ). Bây giờ bên trong nước thấy có quá nhiều chùa, mà chùa nào cũng to lớn, vĩ đại, sư thầy thì trẻ măng, đi đâu cũng bằng xe hơi sang cả, hiếm thấy có thầy đi…khất thực bằng chân đất như năm xưa ( Mới đây, thấy có vị Tu sĩ đi hành đạo theo 13 hạnh đầu đà, đi khất thực từ nam ra bắc, không chùa chiền, không nhận tiền của ai, vậy mà vẫn bị mấy ông Sư...quốc doanh lên án mới là lạ. người ta tu  theo đạo hạnh của Đức Phật, mắc chi tới mấy ông mà lên án?) Nhưng mà những người bình thường không chịu đi làm ra của cải, tiền bạc để chi dùng trong cuộc sống thì làm sao mà có đời sống đàng hoàng được nhỉ?, còn phải dự phòng cho lúc bịnh khi đau, không chịu mần ăn chắc phải mượn ...gầm cầu làm nhà như nhiều người vô gia cư? hay là đi giả bịnh …tâm thần để xin “house-xin” và ăn tiền trợ cấp của chính phủ?, mà tiền đó cũng là tiền "đóng thuế" của những người nai lưng ra đi làm cực khổ góp vào, chứ chính phủ làm gì có tiền mà trợ giúp cho ta, nếu theo nhà Phật, thì những người “ăn tiền” đó, sẽ mắc nợ ngập đầu, chắc kiếp sau ...không khá?




    Khổ nỗi, cuối bài giảng thì Thầy kêu gọi…"cúng dường?" là đóng góp tiền bạc để sửa cái này, xây cái nọ thêm cho chùa. Rồi thì chùa bạn chánh điện phải xây cho lớn để có chỗ Phật tử tịnh tu (?), hay xây dựng lớn cho …giống chùa nọ chùa kia. Rồi đóng góp sửa chùa bên ...trong nước VNCS vì bị dột, sập..v..v...(?) Ôi thôi nhiều thứ tiền phải đóng góp mới là có …tâm tu, là người nhân đức, hiền lành, kiếp sau mới được khá giả..v..và vv .vv?, mà cứ …an nhiên tự tại thì tiền đâu đóng góp hở Trời? nhất là những người đã về hưu, đồng tiền lãnh về có hạn, lại không có con cái giúp đỡ thêm, mà khi chỉ đóng góp vừa với túi tiền mình, thì được người nhận ...cười buồn, nếu có số tiền lớn, sẽ được xin những tràng pháo tay không dứt.....

    

    Ôi đi lễ Chùa! nhất là những ngày lễ, tết, nhiều khi ngồi nghe quí Tăng- Ni giảng mà....“đau cái điền”, thật mâu thuẫn. Phật ở trong tâm. Muốn “tịnh tu” đâu cần vào chùa lớn? Ở chùa nhỏ hay “giữa chợ” mà tâm tịnh, không bon chen, không tham-sân-si, không se sua, không so đo, không dòm ngó, không tranh hơn thua, không nịnh bợ, không gian lận, không dối trá, không trộm cắp, không luồn trên đạp dưới v.v…nhiều thứ không lắm lắm, thì tâm con người sẽ thanh thản. Cứ đi làm trả “bill”, đóng thuế đầy đủ cho chính phủ, sống cuộc sống bình thường, biết trên biết dưới, biết đủ là đủ,v..v... Đến ngày về hưu sẽ thảnh thơi, nhàn hạ, nhất là không “ăn gian làm dối”. Buôn bán thì “lấy công làm lời”, có văn phòng chuyên môn thì đừng có sắm dao bén..v..v…. Chứ cái kiểu có tiền thật nhiều, mà …tẩu tán đâu đó, rồi đi xin tiền “trợ cấp” của chánh phủ để xài chơi, có nhà cửa thì...chuyển nhượng cho con cái, đi xin "hao-xin" mà ở, dùng thẻ trợ cấp y tế đi lấy thuốc "free" về rồi bỏ, nói những thứ đó là của chùa, không lấy cũng uổng,v...v....thì có vào xin Phật…tha thứ, chắc là Phật cũng nhắm mắt ngồi thiền, vì Phật không có quyền phép gì để tha thứ cả, mà chính mỗi một cá nhân mình phải tự tu, làm lành lánh dữ, ăn ở cho có đức độ, giúp đỡ tha nhân thiếu thốn trong điều kiện có thể, cuộc sống người đó sẽ an bình, thanh thản, không dễ gì bị những "mâu thuẫn" trong cuộc sống ảnh hưởng đến bản thân, lúc đó tha hồ …an nhiên tự tại!



    Nếu mọi người đều biết tu tâm dưỡng tánh, sống thanh thản, làm đủ bổn phận công dân tốt, không cần phân biệt tôn giáo nào, lúc đó chắc xã hội không ồn ào, không còn…tệ nạn xã hội, cứ như là thiên đường hạ giới, dù không có nhiều chùa to, đền lớn, nhà thờ bự, vì ....."đời là vô thường " mà! có đó rồi mất đó. Không biết câu nói ngoài cửa miệng này có thực sự áp dụng được vào thực tế đời sống ???

Lê Thị Hoài Niệm.