Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

 Post lại bài viết cũ về cơn bão hãi hùng năm 2008.


VÌ AI (IKE),… AI(I-Tôi) CẦN AI (ICE).

            Mới tảng sáng thứ năm, ngày 12/8, chuông điện thoại nhà tôi reo vang từng chập, bạn bè gọi ơi ới khi thấy trên TV từng đoàn xe di chuyển chậm chạp nhưng trật tự trên những xa lộ xuyên bang đi về hướng Bắc, hướng Tây.

Đi hay ở? Đó là lời hỏi nhau khi cơn bão IKE từ vùng vịnh Mễ tây Cơ càng lúc đựợc báo động đến gần đất liền hơn. Là người sống gần biển trong nhiều năm, từ những ngày còn ở quê nhà đến những ngày vượt biển sống trên hải đảo ở tận đất Phi, lại trải qua cơn bão ALISA đúng 25 năm về trước tại Houston này, Bão đối tôi thường để lại những ấn tượng hãi hùng, khủng khiếp. Những luồng gió thật mạnh đưa con nước thành nhiều đợt sóng vỗ vào bờ, gầm thét nghe ầm ầm vang dội cả một khoảng không gian, rồi từng cơn sóng dữ cao vòi vọi, sóng sau ruợt dồn con sóng trước cuồn cuộn thi nhau đổ chụp về phía trước, cuốn ra xa mọi vật trên đường rút lui của chúng, rồi chúng lại nhào vô trở lại, càng lúc càng dữ tợn hơn, cứ thế mà cuốn trôi tất cả những gì làm cản bước chân lui. Khi biển nổi cơn “thịnh nộ”, con người chỉ biết chạy trốn thật xa, cả nhà cửa, đồ vật nặng nề còn trôi nhanh như chiếc lá huống chi là con người.

Trưa ngày 11/9, những cửa hàng bán thưc phẩm hầu như trống trải, trạm bán nước đã đóng cửa từ lâu. Dù bình xăng xe còn hơn phân nửa, nhưng trước tình trạng lo âu chờ cơn bão tới, tôi cũng lái xe đi mua cho đầy bình xăng, đề phòng khi cấp bách, để rồi phải chạy vòng vòng tới trạm thứ tư mới xếp hàng vào chỗ được, vì 3 trạm xăng quen kia đã đóng cửa tự bao giờ. Buổi chiều, thành phố bắt đầu vắng vẻ, nhiều cửa hàng đã không còn nhân viên, dĩ nhiên qua sáng ngày thứ sáu 12, phố xá đã vắng hẳn bóng người, lịnh từ chính quyền luôn kêu gọi những vùng gia cư phải bắt buộc di tản, và nơi gia đình chúng tôi ở không nằm trong diện trên, nên ai muốn tự nguyện đi tìm chốn an toàn thì cứ tự nhiên, gia đình tôi và một vài gia đình bạn tạm thời cứ ở yên tại chỗ. Hai thùng mì gói, vài xấp bánh tráng, một bao gạo, chai nước mắm, một vài hộp đồ hộp phải có cái khui hộp, chủ yếu là bình nấu gas, trừ trường hợp điện không có. Dĩ nhiên nước uống, nước dùng phải chứa sẵn trong những nơi có thể chứa được. Cái đèn pin và một ít đèn cầy, cái radio xài Pin vẫn là những vật dụng rất cần phải có. Kinh nghiệm những lần tránh bão trước luôn ghi nhớ, nên chúng tôi cứ lặng lẽ ngồi dán mắt vào màn ảnh TV, mọi sinh hoạt hàng ngày xin tạm gác lại.

Thứ sáu 12 nhưng ngày 13 âm lịch, những hình ảnh di tản người và súc vật, những con mèo con chó cũng được đưa lên xe trong những cái chuồng nhỏ, làm chúng tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh bà Thị trưởng của thành phố Gaveston ra tận chỗ xe Bus đưa người đi, sao mà thân thương, ấm lòng chi lạ. Rồi những cuộc họp khẩn của thành phố Houston, từ Thị Trưởng Bill White, Judge Ed Emmett, cảnh sát trưởng, dân biểu Jacson Lee, dân biểu Al Green…, nhiều và rất nhiều những người có chức năng trong thành phố (hình như không thấy vị dân biểu của VN, hy vọng là tôi lầm) đều lần lượt lên tiếng điều động, để cuộc di tản không gặp trở ngại như từ cơn bão RITA khoảng 3 năm về trước. Đêm về, những phóng viên của những đài truyền hình địa phương rất can đảm, đi về nhiều thành phố gần vùng biển, họ đứng trước từng cơn gió mạnh, những cơn gió thổi giật, có thể đưa mình đi tới thật nhanh và giật lui cũng thật lẹ. Họ tường trình trong mưa lẫn gió và nước cứ từ từ dâng ngập dưới chân, vô vàn nguy hiểm. Họ làm vì bổn phận nhưng cũng vì lương tâm nghề nghiệp, muốn đưa những hình ảnh sống động, hiện thực nhất đến cho người xem. Từng cơn sóng dữ cứ tuôn vào bờ đá, để rồi từng đợt nước dâng cao dựng đứng như mái nhà, bỗng đổ ầm xuống, đem nước vào càng lúc càng ngập đường phố ở vùng biển. Hãi hùng và nguy hiểm khôn lường.

 Đêm đến, trên truyền hình chỉ còn hoạ đồ đường đi của cơn bão và những xướng ngôn viên liên tiếp truyền đi tin dữ của bão, những phóng viên chỉ nghe tiếng nói, vì hình ảnh chỉ còn là đêm đen với tiếng sóng rợn người. Chúng tôi vẫn tiếp tục đọc kinh cầu nguyện. Mười hai giờ 20 phút, bão đã đánh vào thành phố Gaveston, với sức gió trên110 dặm /một giờ, và rồi 2giờ 20 phút sáng ngày thứ Bảy 13/9 (lại cũng ngày 13), thành phố Houston hứng chịu trực tiếp trận cuồng phong với tên gọi dự đoán từ trước: Monster Hurricane IKE. Bão đã đánh vào thành phố. Tại khu vực nhà tôi, nhìn qua khung cửa kính, những cây cối chung quanh nhà biến thành những món đồ chơi của ông thần bão, đang cùng nhau “khiêu vũ” với những vũ điệu loạn cuồng, mà dàn nhạc là những cơn gió rít, gió thổi rào rào, gió hú thê lương. Một cơn gió ào qua, những nhánh cây to theo gió oằn xuống gần tới đất, rồi búng ngược trở lên, đến khi không chịu nổi nữa thì bắt đầu tróc gốc và đổ ngã nghiêng. Cây ngã, gió gào, vài miếng ngói nhà hàng xóm bung lên rồi rớt xuống kêu loảng xoảng cũng là lúc nghe một tiếng nổ “bùm”. Điện nhà tắt ngúm, 3 giờ 40 phút sáng thứ bảy. Hết nhìn được TV, nhưng nhờ có radio nên chúng tôi vẫn theo dõi đường đi của cơn bão, với cơn mưa như trút hết sự giận dữ từ thượng giới xuống loài người khốn khổ chốn trần gian.

 Ngọn nến leo lét bên trong nhà và mưa gió ầm ầm bên ngoài, cây cảnh trong vườn lăn long lóc càng làm tăng thêm nỗi sợ. Mười giờ sáng, trời dứt mưa và cơn gió cũng nhẹ dần, nhưng nước máy đã ngưng chảy, và điện thoại nhà đã theo dòng điện tắt tịt từ khuya. Thành phố bắt đầu sống trong âm thầm lặng lẽ, có cái cell phône thì đường dây luôn luôn hiện diện chữ “Call Failed- network busy”. Thế là hết đường liên lạc với bên ngoài, thôi thì nhà ai nấy ở, tạm thời lo sửa sang những thiệt hại nhẹ đêm qua. Gia đình tôi đi…cưa cây mà chẳng chút than phiền vì quá…may mắn, ai cũng bảo thế. Ba nhánh cây bằng thân người từ nhà hàng xóm, ngã nhào ngay trước cửa nhà tôi, nhưng đã tránh cả cái xe hơi lẫn cái mái nhà. Đường phố bỗng dưng đông người qua lại, người đi bộ cũng đông mà người lái xe chầm chậm cũng lắm. Thì ra trong nhà không điện nước, đi ra đường coi bộ mát mẻ hơn, lại nữa coi thử sự tàn phá của bão đến cỡ nào. Không có con đường nào là không có cây đổ, hàng rào bay, mái nhà tróc ngói…, nhưng chưa nghe tin có người mất mạng vì bão, lúc này thì chỉ còn tai nghe chứ không mắt thấy nữa. -“What’s done, Is done!” –Cái gì qua, đã qua! Câu trả lời rất đơn giản từ xướng ngôn viên của một đài phát thanh trả lời cho một thính giả …nóng ruột gọi vào đài để biết về tình trạng khu vực gia cư của ông ta như thế nào, khi ông đã đi tránh bão từ trước.

Tin họp báo khẩn cấp từ chính quyền, lệnh giới nghiêm đã ban ra, vậy mà cũng có những kẻ vẫn thừa cơ hội đập vỡ cửa kính những tiệm cầm đồ để lấy trộm của, may mà cảnh sát bắt được. “-What do you need? -I need some ice!” Tôi cứ ngỡ mình nghe lầm, vì vốn liếng tiếng Mỹ thường hay bỏ quên đâu đó. Nhưng không, hầu như tất cả những người được phỏng vấn sau khi cơn bão đi qua, rằng họ cần gì nhứt? họ đều trả lời: cần NƯỚC ĐÁ(ice). Đó là lý do hàng trăm xe vận tải chở đồ tiếp tế cứu trợ đến đầu tiên, đã có 30 xe dùng chở nước đá. Có phải vì người Mỹ bản xứ họ rất thực tế, thịt thà trong tủ lạnh còn quá nhiều mà không có điện, trước sau gì cũng bị hư, lấy ra đốt lò “BAR-B-Q” ăn cho hết, có thêm vài viên đá bỏ vào ly bia sủi bọt, ly nước ngọt, cho bớt cơn nóng nực vì không máy lạnh, còn lại bỏ vào tủ lạnh để giữ ít thức ăn khỏi hư, nên …nước đá cần thiết nhất trong lúc này(?) rồi chuyện gì đến sẽ từ từ tính đến?.

Hình ảnh những người lính “Nationguard” cầm từng bịch đá bỏ vào cóp xe cho những nạn nhân sau cơn bão, rồi những thiện nguyện viên từ những cơ quan từ thiện trao tay những hộp thức ăn nóng cho nạn nhân tránh bão trên những hàng xe hơi nối đuôi nhau, sao thắm thiết tình người!…Đó là những hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy trên màn ảnh TV khi vừa có điện lại sau 4 ngày, vẫn còn may mắn hơn hàng triệu người đang chờ đợi. Hình ảnh hoang tàn đổ nát từ thành phố Gaveston, thành phố ma- ghost city- lời của phóng viên đài 13, khi anh đứng trên một bãi đất trống của Crystal beach, không còn thấy bóng một căn nhà, vì tất cả đã bị cuốn trôi vào lòng biển cả. Thật là kinh hoàng và quá đỗi thương tâm…. Tiếng gà gáy buổi xế trưa từ bên nhà hàng xóm, con gà của một người…chạy bão mang theo, đã đưa tâm trí tôi trở về quê hương ngày cũ, nơi có tiếng gà gáy, bò rống mỗi sáng chiều, nơi mà “Trời làm cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương lan tràn....” nhưng mỗi lần bị bão lụt như thế, thì người dân nghèo cứ cam phận hứng chịu, muốn gặp một người có chức phận trong chính quyền để xin một sự giúp đỡ nhỏ nhặt, tìm đỏ con mắt cũng không ra, như trong trận bão có tên đẹp Trân Châu, đã hơn mấy năm rồi mà người dân cũng chưa nhận được sự giúp đỡ của “nhà nước”(?). Trong khi ở xứ Mỹ này, chính quyền hầu như túc trực ngày đêm, quên ăn, bỏ ngủ, họp báo, điều động nhân viên cứu trợ liên miên, lại còn bị chất vấn đủ điều. Than ôi! cũng mang thân phận con người, sao người dân của quê hương tôi lại chịu nhiều thiệt thòi như vậy dù đất nước đang hưởng cảnh “thanh bình” đã mấy chục năm qua! phải chăng vì những người nắm vận mệnh quốc gia đã đánh mất lương tâm? Biết đến bao giờ người dân nước Việt có được một chính quyền luôn biết bảo vệ cho dân, vì dân, lo lắng cho dân từ những lúc bình an cho đến khi mưa to bão lớn như chính quyền nơi tôi đang ở? Bão bùng chưa thổi tới thì các ngài cũng to mồm oang oang kêu dân, bắt dân đi …phòng chống bão(?). Bão tới rồi thì chỉ thấy có dân nghèo nai tấm lưng trần ra đứng …chống chỏi với thiên tai? Còn cán bộ nhà nước ta thì thản nhiên đi ăn chơi và bắt dân…chờ đấy!!!!

Xin Cầu nguyện cho những nạn nhân đã bị thiệt mạng vì cơn bão IKE sớm được về nơi hằng muốn đến. Cầu nguyện cho những gia đình bị mất người thân yêu, những người bị nhà tan cửa nát, hư hại nặng nề về mọi thứ, giữ vững được niềm tin, xây dựng lại cuộc sống mới. Thật ra… "I need some ice!" chỉ để làm mát lòng một số dân cư, tuy có “ảnh hưởng” vì cơn bão, nhưng nhà cửa vẫn còn, xe hơi vẫn chạy, chỉ có thiếu điện (điện có trở lại sớm hay muộn tùy vùng) và thiếu nước mà thôi. Còn với những gia đình nhà cửa, tài sản, xe hơi v.v..,bị nước biển làm hư hại hoặc cuốn đi về lòng biển, họ phải cần đến hãng Bảo hiểm, đến sự trợ giúp của chính phủ (Fema), và ngay cả của chúng ta, những người không bị bão viếng mà có tấm lòng Vàng..

Lê Thị Hoài Niệm- Houston 20/9/2008