Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

CỐ GẮNG!...RỒI CŨNG SẼ QUA THÔI



Đã là người sống ở thế gian, mỗi lần nghe tin một người thân hay bạn bè, hàng xóm, thậm chí không hề quen biết mà “ra đi” đột ngột trong bình an, không kịp chào từ  biệt một ai, ngay cả vợ-chồng-con-cháu của mình, nói theo kiểu thơ thẩn một chút là “người đang vui sống, chuyển sang từ trần”, thì sẽ xuýt xoa trầm trồ “sao mà sung sướng quá, chắc kiếp trước …khéo tu?” Chỉ buồn cho người còn ở lại, chưa kịp “vẫy tay, vẫy tay chào nhau một lần cuối và trọn cuộc đời!”.
          Nằm ngủ rồi…đi luôn về bên kia thế giới, chẳng đau đớn về thân xác chút nào, ai mà không muốn, nhất là những người tuổi tác cũng đã vào lúc “xế xế, chiều chiều” rồi (trẻ quá thì không nên đi sớm, uổng đời). Có ai thích bị …bệnh đau, nhất là những chứng bịnh ngặt nghèo, nhiều khi bị nó “hành hạ” tơi bời khói lửa.
            Dẫu biết rằng “sinh lão  bệnh tử” là chuyện thường tình trong đời của kiếp người sống cõi nhân gian. Nhưng mấy ai “thờ ơ” với căn bệnh của mình mà không có chút lo lắng, hay u sầu, nhiều khi sốt vó lên để chạy chữa ( thuốc tây chưa dứt liền tìm thuốc ta, thuốc… dược lá, cây cỏ mà uống) vì…sợ chết khó coi đã đành, còn tiếc nuối chưa “được hưởng” chút thảnh thơi nào sau những ngày làm việc vất vả, và để người “bạn đồng hành” ở lại (nếu còn có đôi) chẳng biết có được ai chăm sóc đàng hoàng hay là …dì nó, dượng nó vào hưởng ráo những gì mình kí cóp suốt cuộc sống bao nhiêu năm(?) mà không lo tròn phận sự người…kế tục?.(chúc mừng cho những người thực hiện được chữ “buông” trước khi “giã từ gác trọ”, nhưng chắc đa số khó mà thực hiện được ngoài mấy tiếng nói cho dzui?).
          Người viết bài tâm sự này tính đến ngày 17/2/2016 là đã một năm hai tháng và mười bảy ngày khi biết mình bị vướng vào căn bệnh “breast cancer”.
          Khi vị bác sĩ gia đình gọi đến báo tin cho biết bị bệnh sau khi đi chụp hình mammogram định kỳ hằng năm (năm nào cũng normal-bình thường), tôi đã bật cười thành tiếng, làm bác sĩ cũng rất ngạc nhiên. Dĩ nhiên tôi rất tin lời Bác sĩ, không ai dám đùa với bệnh nhận kiểu chết người như vậy, hoạ chăng là xét nghiệm có thể lầm, và hy vọng thử nghiệm lại cho chính xác là điều bệnh nhân mong mỏi (và đã làm lại). Tôi nói với B/S nếu bị bệnh thì lo chạy chữa, hãy giới thiệu dùm bác sĩ chuyên môn cho tôi, cứ “tỉnh bơ”, vì nếu có “buồn, lo, sợ, khóc” thì căn bệnh (nếu chắc chắn) cũng không…đi chỗ khác chơi, có đúng thế không?
          Cá nhân tôi thuộc lớp người năng động, chưa bao giờ ngồi một chỗ hay nằm dài xem phim. Có thể nói một ngày 24 tiếng, chỉ có mấy giờ đồng hồ để ngủ, còn thì tôi làm việc toàn thời gian, rồi săn sóc, dạy dỗ con cái, chăm lo vườn tược với nhiều hoa trái, làm bánh mứt, nấu ăn theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh “an toàn thực phẩm” cho gia đình, và tập thể dục đều đặn không bỏ sót bữa nào, nhất là các lớp nhảy zumba ở 24 hours fitness, và cũng không thuộc một “cao” nào trong những thứ bệnh mà B/S nhắc nhở bệnh nhân phải để ý ngăn chận. Về mặt tinh thần thì “hoàn toàn ổn định” với một gia đình trên dưới vui vẻ, (người con gái lớn đã phục vụ hơn mười năm trong quân đội, đã giải ngũ với cấp bực Đại úy và có việc làm tốt. Người con gái thứ hai luôn tâm niệm “giúp người” là chính nên cứ chọn những công việc thiện nguyện..) tôi còn ngồi gõ máy tính để…viết thơ, truyện vui cho người đời đọc nữa, chưa nói đến chuyện ca hát mình ên cho…nở phổi, lâu lâu có người bạn đưa lên youtube để “hù” bà con chơi, còn sinh hoạt ngoài cộng đồng nữa chứ.
          Nhưng tôi còn lo một chuyện như đã nói ở trên, vì lỡ mình đi thẳng, thì ai nấu nướng cho ông “chồng già” những bữa cơm nóng như lâu nay, ai san sẻ những buồn vui trong cuộc sống? khi những đứa con đã có đời sống riêng lại ở xa. Nhưng khi nói với ông chồng điều này, bị ổng phán một câu xanh dờn với giọng Nam kỳ cục chỉ vỏn vẹn bốn chữ: “bà sao dzô dziên”! Ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình …vô duyên thật nên phát cười hảhảhả…
          Thật ra tôi là người bình thường, không có gì đặc biệt, vậy mà khi bị vướng bệnh thì lại…đặc biệt, hiếm quí, trèo cao, nhảy vọt. Phải chi nó đi “từng bước từng bước thâm” thì dễ chữa. Vì căn bệnh Breast cancer, mà những người phụ nữ mắc phải, thường thì trải qua bốn giai đoạn, B/S cho biết đại khái như sau:
          -Giai đoạn một là chỉ có một bướu nhỏ trong ngực, B/S chỉ cắt bỏ là hy vọng khỏi, có thể uống thuốc trợ giúp.
          -Giai đoạn hai: những tế bào ung thư đã lan nhiều trong ngực, cắt bỏ nhưng phải chạy chữa, có thể chemo, hay radiation, uống thuốc….
          -Giai đoạn ba: là trường hợp đặc biệt, hiếm khi xảy ra khi mà những tế bào ung thư không tìm thấy trong ngực, nó đã nhảy xổ vào các huyệt đạo, gọi là “lymph node” (?), rất dễ lây lan.
          -Giai đoạn 4: tế bào ung thư đã phân tán đi khắp các vùng chiến thuật, có chạy chữa khỏi hay không là chuyện …hạ hồi phân giải….
          Bỗng dưng tôi phải làm thân với bệnh viện, cứ như chỗ “thân tình” tới lui thăm viếng thường xuyên. Ban đầu một tuần phải vào 3 lần là ít, không kể ngày lễ lạc gì ráo, bác sĩ bảo phải đi chụp hình, đi ultrasound, đi biopsy, chụp MRI, chụp và chụp từ đầu đến chân, rồi chụp xương v..v..Có bữa vừa ra khỏi cổng bệnh viện là bị gọi trở lại vì họ chụp hình bị …thiếu sót. Bác sĩ rất lo ngại vì bệnh cancer của tôi đã vào giai đoạn thứ Ba rồi. Đúng là “bước tiến nhảy vọt”! thiệt hết biết.
          Trước khi vào chữa bệnh, Bác sĩ mời vợ chồng tôi vào một căn phòng nhỏ, giải thích mọi nguy hiểm mà bệnh nhân đang gặp, an ủi và khuyến khích cũng như “cầu nguyện” cho bệnh tình của bệnh nhân được chữa khỏi. Ở bệnh viện, họ cho mình xem một DVD với đầy đủ những diễn biến của căn bệnh và cách chữa trị cũng như những điều mình cần phải tránh, những thức ăn cần và có, những khó khăn nguy hiểm mà bệnh nhân sẽ trải qua, họ còn chỉ chỗ để mua…tóc giả nữa kìa, vì hầu như mọi người khi chạy chemo đều bị rụng hết tóc.(có thể vào trang nhà của breast cancer để apply xin đầu tóc giả, hoặc tự mua lấy nếu mình chọn, và b/s sẽ cho giấy giới thiệu để được giảm giá).
          Những năm về trước, có lẽ căn bệnh ung thư làm nhiều người…rùng mình, nghĩ đến chuyện chữa chạy chắc khó khăn lắm, ngay ở nước Mỹ này. Nhưng bây giờ thì khác rồi, dễ dàng và thoải mái nữa. Trong một căn phòng, người ta đặt thành hàng dài những chiếc ghế dựa, có gắn TV để xem, một bên là cây cần để máng những bình thuốc. Bệnh nhân vào thuốc qua một cái “port” (B/S đã giải phẩu để đặt vào trước đó), rất thoải mái, khi chạy chemo thì lâu khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ, tùy loại bệnh, dĩ nhiên trước đó y tá đã lấy máu và thử ngay, để b/s “liệu” mà vào thuốc tùy từng cơ thể mỗi người.
          Sau vài ba ngày chạy chemo lần đầu tiên, bắt đầu bị thuốc hành, cơ thể mệt mỏi, không thể ăn uống gì được, ăn cái gì vào thì nó muốn ói ra, dù B/S đã cho uống thuốc ngăn ói. Lưỡi không còn vị giác, ăn cái gì cũng giống như …nhai cát, uống sữa như một cực hình, nhưng phải cố gắng, (nếu uống được sữa ensure plus, có nhiều protein thì đỡ hơn) vì bạch huyết cầu và hồng huyết cầu sắp bị diệt. Nếu không đủ các tiêu chuẩn của máu, b/s sẽ không cho chạy thuốc tiếp (sợ bệnh nhân yếu quá, bị thuốc giật…chết?), mà ngưng lại một kỳ là kéo dài thêm ba tuần lễ… đau khổ (cô người Mỹ trẻ tuổi ngồi ghế bên, đã bị b/s ngưng cho chạy thuốc, vì cô nói ăn không được, nên cứ uống nước juice, làm sao có đủ máu?).
          Phải nói là khi chạy chemo, thuốc nó hành liểng xiểng ( nếu chạy thuốc nhẹ chắc khỏe hơn), chừng hơn một tuần lễ đầu tiên, lấy tay sờ vào sợi tóc nào là nó theo tay nắm của mình mà ra đi không luyến tiếc. Và khoảng vài tuần sau, khi gội đầu là cả mái tóc rụng ráo, nó quện vào nhau mà không cách chi…gỡ nổi. Cái đầu “trọc lóc” kể từ đây khỏi cần cạo, cắt. 
Bài thơ “Tự trào về MÁI TÓC” (Lthn)
Một sớm mùa Đông biết thân mang bịnh                                                                                    Chứng “ung thư” người nghe cũng hỡi ôi                                                                          
 Cứ như là đời sắp chấm than thôi                                                                          
Sẽ …đi thẳng khi lòng không mong đợi!

“Không  dễ chết!!!” cuộc sống còn tiếp nối                                                                                 Cứ vững tin mà chạy chữa thuốc thang                                                                                           Bởi từ lâu tâm thanh thản an nhàn  
            Vui sống khỏe, tuần 6 ngày…Zumba-Fitness !

            Vốn biết …thân già sớm lo từ trước 
            Sức khỏe định kỳ chẳng họ …3 cao 
            “Mỡ -đường-máu” chỉ số vẫn tự hào 
            Thời gian nghỉ vun xới vườn xanh biếc
                                    *****
            Ngày đầu tiên chính thức vào bệnh viện
            Cứ ngỡ mình đang vào tiệm ..nail Salon
            Người bệnh cancer ngồi chật căn phòng 
            Chạy “chemo” mà tha hồ…hóng chuyện.
            
            Thời gian đầu bị “thuốc hành” xiểng liểng
             Miệng, mũi máu vờn, nóng đốt ruột gan 
            Người bần thần chẳng nuốt được thức ăn 
            Rồi từng lọn tóc vẫy tay chào …giã biệt!

            Tay sờ đầu miệng bỗng cười thành tiếng 
            “Khỏe vậy sao? khỏi tốn ..lover’s hair  luôn” 
             Khỏi cần nhìn  cũng đoán giống….Thiên Tôn*
            Đầu không tóc, mảng da đầu lạnh ngắt…
            
           Tôi dửng dưng khi chồng tôi nín lặng
              Rồi thở dài: -“Sao nhanh quá vậy em 
            Nhìn em cười, ruột anh xoắn quặn thêm   
             Dù nhắm mắt, lòng cũng buồn muốn khóc!
            
         Ngày xa xưa anh thường hay vuốt tóc 
             Thả lưng chừng hay ôm trọn tấm lưng 
            Mùi hương chanh, bồ kết gội thơm lừng 
            Để anh nhớ những lúc hành quân khó nhọc”
            
           -“Cười lên đi! Đó chỉ là ..mái tóc!   
            Dáng vẻ ngoài nhìn có chút…khó coi
            Không than phiền, không buồn nản buông xuôi  
            Đầu …trọc lóc, ta đội đầu ….tóc giả (hahhaha..) 
            
           Nhìn quanh ta nhiều mảnh đời nghiệt ngã 
            Trong cam go còn cố vuợt cơn nguy
            Sống vươn lên không nản chí thụt lùi
            Dù thiếu thốn vẫn thấy đời…hạnh phúc!

“Sinh-lão-bịnh-tử! loài người cõi tục 
            Cứ bình tâm mà chấp nhận phận đời
            Em bây giờ thấy ...khỏe quá đi thôi
            Khỏi tốn bạc đi…Hair Salon làm tóc !
            
           Nếu ai bảo giống… “Sư cô đầu trọc!” 
            Càng vui mừng vì mình được …dựa hơi     
            Những vị chân tu không tha thiết bề ngoài
            Nhiều người tóc đẹp chắc chi lòng đã đẹp? 
            
           Đầu… trọc lóc! vì thuốc men dồn ép 
             Bệnh chữa lành, tóc sẽ mọc lại thôi 
            Lại cười vui vì tranh..rẽ đường ngôi 
            Nếu không thể, hãy nguyện cầu… SỐNG SÓT!
            
            Cảm ơn Phật Trời độ trì cho trót lọt
            Cảm ơn chồng con, chị em, các cháu, bạn thân nhà 
            Cảm ơn Y-dược khoa của xứ sở Cờ hoa
            Cảm ơn ..tôi luôn vì mãi cười …hả hả hả!” 
            Mar-2015. 
 *Ca sĩ TN của TNBN.
           
Nếu có sức mạnh về tinh thần cũng là điều làm cho căn bệnh giảm nhẹ(?). Tôi là “con của Phật” nên mỗi lần vào thuốc hay là trước khi lên bàn mổ để lấy tế bào ung thư ra khỏi người, tôi đều niệm Quan thế Âm Bồ Tát. Dĩ nhiên không có Phật Trời nào sẵn sàng giúp mình dứt bệnh. Nhưng giữ cho phần tâm linh được vững vàng cũng là điều nên thực hiện. Nhất là chồng con và anh chị em, cháu chắt trong gia đình, cùng những bạn bè thân sơ, từ ngoài đời thường và trên những “diễn đàn ảo”, người nào cũng “phát tâm cầu nguyện” cho  mình, nên tôi càng vững tâm hơn nữa.
          Có đau bệnh mới hiểu thấu giá trị “sức khỏe là vàng”! Không ai có thể gánh dùm cái đau bệnh của mình được, nhất là những người gần gũi với mình. Nếu mình “than vãn” chỉ làm cho họ thêm buồn lo, nhưng không giúp gì được hết. Nên tôi cứ “không sao” là tốt nhất. Bạn bè đến nhà thăm, tôi vẫn cười hả hả, dù có lúc không còn hơi để thở. Thương lắm, cảm động lắm, ai cũng muốn đến thăm hỏi và đem thức ăn, sữa uống đến tặng,(những người cơ thể không được khỏe, xin miễn tiếp, vì trong người không còn kháng thể chống đỡ nên dễ bị nhiễm trùng), nhưng có sờ đến được chút nào đâu. Cảm ơn tấm thạnh tình của ACE nhưng phải nhờ chồng…thanh toán dùm, sợ bỏ phí mang tội. Thương chồng; con bao nhiêu, tôi tự nhủ phải cố gắng để vượt qua, dù rằng uống một lon sữa có khi kéo dài đến một tiếng đồng hồ chưa…xong. Vị Bác sĩ của tôi còn cẩn thận dặn đủ điều nào là phải “cữ ăn những trái cây sống mà có vỏ mỏng, sợ bị nhiễm trùng mà mình không thấy được, tất cả rau củ đều phải luộc chín, cữ ra đám đông vì dễ bị …lây bệnh của họ, nhất là không nên uống những loại ....nutrition (thuốc cao đơn hoàn tán), không giúp gì cho việc chữa bệnh. Thế là tôi cứ trùm mền nằm nhà xem phim vui cười của Mỹ, để đầu óc …thảnh thơi.
            Gia đình nào còn vợ chồng thuận thảo, những lúc bệnh đau mới thấy nó quí hiếm dường nào. Chồng tôi vẫn phải đi làm full time, vì phải giữ bảo hiểm quá tốt, chỉ phải trả tiền “co pay” và một số “out of pocket để được vô thuốc, nếu không có tiền để trả cho bệnh viện, mình…đi thẳng như chơi, (người có “trợ cấp bảo hiểm y tế của chính phủ xin không đề cập đến). Buổi sáng phải đưa vợ đi nhà thương, chiều đi làm cả đi lẫn về 10 tiếng, còn phải lo làm …y tá bất đắc dĩ khi tôi đi giải phẩu về, lại còn tự lo cho bao tử của mình. Nói chung là bao thầu mọi chuyện từ A đến Z, ở sở làm cứ hai tiếng gọi về nhà thăm vợ…có sao không? Ngần ấy chuyện, nếu bệnh nhân vợ còn “than thở” thì làm sao kham nổi. Câu  nói “không có gì” hay “không sao hết” rồi cố gắng cười hìhìhi…Chuyện gì cũng sẽ qua thôi. Thương chồng và cảm ơn biết dường nào.
          Tôi cũng có viết “Một ngày vui” sau khi chấm dứt những ngày Radiation.
          Một ngày đi qua mà mình còn mạnh khỏe là một ngày vui, nhất là trong thời gian "chữa bệnh". Không biết có bao nhiêu người đi đến bệnh viện mà phải "đếm" từng ngày như tôi không? Hôm nay là ngày cuối cùng trong 35 ngày chạy "radiation"(xạ trị), một trong 3 cách trị liệu bệnh "cancer" mà tôi đã chịu đựng trong suốt thời gian qua. (dĩ nhiên thời gian chữa trị bằng phương pháp chemo (hoá trị), giải phẩu đã qua rồi, nhưng không phải đi bệnh viện hằng ngày như đi "radiation")
          Vừa không phải dậy sớm đến bệnh viện, vừa không còn bị tiếp tục....thiêu đốt da thịt (một phần tư thân trên từ trước ngực ra đến sau lưng) đến phỏng nặng đen thui, ngứa rát quá trời đất, đến nằm ngửa cũng không được, nên hết đi là...khỏe vô cùng. Bây giờ chỉ còn chờ thời gian cho những vết bỏng trên da lành lặn trở lại, cũng không khó khăn gì mấy.
Vừa mừng vui cho cá nhân mình đã xong một thời gian và một phương cách trị liệu, còn vui hơn nữa khi văn phòng B/S ....trao tặng cho một mảnh "bằng chúc mừng" (Congratulation) với tất cả chữ ký của B/S + y tá, và  nhân viên trong phòng. Trước khi nhận "bằng chúc mừng", bệnh nhân còn phải đọc những lời ..giải thích về căn bệnh, (giống như đọc lời "tuyên thệ" để vào quốc tịch hoa kỳ? chắc chỉ có ở nơi này?), xong rồi kéo dây chuông  ba hồi vang vang, rộn rã, thế là tất cả mọi người đều vỗ tay, có nhiều bệnh nhân ngồi phòng chờ đợi bên ngoài cũng...chúc mừng theo. Vui thì thôi! .(bệnh nhân nào cũng được đối xử như vậy cả)
Cảm ơn Bác sĩ, y tá, và tất cả....,nhất là chồng tôi, người đã làm tài xế và lo lắng cho việc chữa trị bệnh tình của vợ suốt những ngày dài
Hy vọng và hy vọng những ngày sắp đến là những ngày mạnh khỏe, không còn mang trong người tế bào bệnh nan y thời kỳ thứ ba. Vẫn chờ đợi một ngày bác sĩ báo : "chúc mừng cancer free".Và đúng theo lịch trình chữa bệnh, vẫn phải 3 tuần một lần vào bệnh viện chạy thuốc, nhưng không còn là..."thuốc độc chemo”
*************
         Thật ra khi chữa trị bệnh cancer, chỉ có “khó khăn” trong lúc chạy chemo, còn giải phẩu và radiation chỉ là ngoài da. Đau đớn, khó chịu, bỏng rát chỉ là giai đoạn, nhưng phải chịu khó tập therapy cánh tay phía bên giải phẩu, nếu không chịu đau lúc ban đầu, cánh tay sẽ bị…cứng đơ, không cách chi giơ tay lên được, và những đầu ngón tay sẽ bị tê cứng, có hại về lâu về dài. Và tôi, đã chịu khó đến phòng tập hằng ngày khi sức khỏe vừa cho phép, cũng là cách tự giúp mình vượt qua cơn đau bệnh. Cố gắng và cố gắng.! lắm khi “tỉnh bơ” coi như mình chưa hề mắc bệnh.
          Và hôm nay, lại là những ngày dài vui mừng kế tiếp, khi vị Bác sĩ trị liệu  tuyên bố không còn chạy thuốc vào người nữa.( chỉ phải uống …mười năm dài, không biết có còn sống đến ngày…ngưng thuốc?) Tôi đã kéo một hồi chuông dài thật dài, mừng rơi nước mắt trong khi mọi người chung quanh đều cười vui, chúc mừng!..
          Ông bà xưa thường nói “ở hiền gặp lành”. Dù có gặp trắc trở bệnh hoạn gì rồi cũng sẽ qua thôi. Nhất là những người có ‘phước đức” được sống trên đất nước Tự do, giàu có Hoa Kỳ này (?), khi nhìn lại những bệnh nhân nằm la liệt trong những căn phòng chật hẹp, dơ bẩn ở bệnh viện tại đất nước VN mà xót xa thương cảm quá. Ở đây, đúng là “lương y như từ mẫu”! (Có bảo hiểm tốt mà!) Các Bác sĩ thì lo lắng cho bệnh nhân, các y tá làm việc nhẹ nhàng, hỏi han săn sóc vui cười tử tế, người bệnh cảm thấy được an ủi và yên tâm chữa trị, với những phương tiện đầy đủ, vệ sinh. Cảm ơn vô cùng đến những Bác sĩ, y tá, y công, những người mang đến cho tôi sự sống còn sau cơn bệnh cancer đã đến thời kỳ thứ ba..
                                              *********
Cứ ngỡ rằng căn bệnh đã dứt sau ba tháng nghỉ ngơi, nhưng không ngờ Bác sĩ gọi lại, vì trong hình chụp mới, còn những tế bào ung thư sót lại trong cổ, dù sau ba lần giải phẩu đã qua, thế là phải vào bệnh viện check, chụp đủ mọi loại hình, và bác sĩ chuyên môn riêng sẽ phụ trách cho uống thuốc …phóng xạ nguyên tử để diệt trừ những cancer cell (tế bào ung thư) còn sót lại.

            Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình trở thành một nhân vật quan trọng đến như thế. Có lối đi...dành riêng khi ra về, và có “director” cầm cell phone ..hướng dẫn tận tình cứ sợ mình...đi lạc (dù chỉ là đường trong bệnh viện). Trên con đường mình đi qua, có người treo ...băng vàng cản lối, sợ đi nhầm vào những cánh cửa vào phòng có người ngồi bên trong., có camera theo dõi, lỡ mình có ...quên lối về theo lời họ chỉ dẫn thì vẫy vẫy tay lên cho họ biết để họ hướng dẫn mà đi cho đúng đường. Xe thì có chỗ đậu dành riêng, lại có người làm...dàn chào chỉ lối cho mình đến chỗ đậu xe, tài xế đeo...khẩu trang ngồi ghế trước chờ sẵn, mà thông thường thì những con đường đặc biệt chỉ dành cho những nhân vật quan trọng, mà người ta gọi là VIP (very important person) như các chính khách, tài tử...., người thường thì đi du lịch mua vé loại thượng hạng thì cũng có lối đi riêng, nhưng bữa nay lại là …tôi!.

Hahaha...chắc bà con tưởng tôi làm gì mà được ưu đãi như thế? Mèn ơi, chỉ là một “cách trị bệnh” mà thôi. Tôi cũng chẳng tìm hiểu chi cho mệt óc khi mình cũng là người bình thường, không “danh gia vọng tộc”, cũng không “đất đai mầu mỡ”  lắm, mà cái bọn “trộm đạo” lại chun vô nhà với vũ khí độc hại chờ giết người khi có dịp. Đã mấy lần tôi nhờ Bác sĩ “mở cửa” (giải phẩu) tống xuất nó đi, nhưng chúng vẫn ...lì lợm nằm ăn vạ, Bữa nay ông Bác sĩ “tức quá” cho tôi nếm mùi “phóng xạ nguyên tử” cho bỏ ghét.

Trời ạ, thấy cô Y tá lấy viên thuốc mà ...hết hồn, cứ ngỡ cô mở thùng...lựu đạn, cũng cái thùng sắt to tổ chảng như thùng chứa đạn hồi năm nẳm bên xứ mình, bên trong thêm một ống i-nox nhỏ nữa, cô phải mặc áo chống phóng xạ, đeo găng tay và dùng kéo cắt sợi dây mới thấy...viên thuốc cũng ...to tổ chảng. (Tôi muốn ... chớp bô hình mà ngại phạm luật nhà thương, lỡ khi vừa cầm máy lên họ ngỡ mình có âm mưu gì thì khốn). Tận tay ông bác sĩ (cũng mặc áo chống nhiễm phóng xạ) phải bỏ thuốc vào...họng bệnh nhân, chờ thuốc xuống thực quản, vào bao tử, lúc này cô y tá mới cầm cái…kính rọi vào người bệnh nhân xem thuốc...xuống bao tử chưa? Họ kỹ càng, cẩn thận quá. Tôi có tò mò hỏi cô y tá: “Mỗi ngày bà phải trị bao nhiêu  bệnh nhân như thế này, bà không ngại sao”? Bà ấy bảo: “Thỉnh thoảng thôi, không phải ngày nào cũng có”. Thì ra, chắc tại “mấy con bệnh” của tôi cũng lại thuộc loại “Sì-Pơ-sồ” (Special) cứng đầu, nên bác sĩ phải dùng “bom nguyên tử” để diệt cho chúng chết tiệt.

            Thế kỷ trước người Mỹ tặng nước Nhật hai quả bom nguyên tử, chất phóng xạ quá trời mà ...không báo trước, nên nhiều người tiêu đời, kẻ còn lại bị...nhiễm bệnh vì ở gần. Bữa nay B/s tặng tôi chút đỉnh, nhưng theo…chỉ thị của Bác sĩ, người chung quanh không được bén mảng lại gần trong một tuần lễ. Nói rõ là có phòng riêng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như mấy ông Thầy Chùa Thiếu Lâm tự chun vô cốc...tịnh tu, bọn đệ tử không được bén mảng tới, và khỏi mang cơm cho Thầy vì Thầy...nhịn ăn. Luyện võ mà! Còn tôi thì người thường, nên mỗi bữa ông chồng già sẽ phải mang cơm để trước cửa phòng, gõ mấy tiếng báo hiệu rồi...đi chỗ khác chơi, tôi tự nhiên mở cửa ra mà lấy thức ăn, không phải làm gì cả, khỏe ru! Bác sĩ dặn dò kỹ càng như thế!


Chuyện đời không suông sẻ như mình tưởng, chỉ có nửa ngày sau khi uống thuốc phóng xạ, tôi bị dị ứng và bắt đầu khó nuốt nước miếng, bắt đầu ho khan và khó thở về đêm .
Tôi gọi đến bác sĩ thì bà bảo không sao, cứ ngậm vào viên kẹo chanh thì khỏe.

Nhưng càng lúc cổ họng tôi càng thấy sưng to lên, thế là mới 5 giờ sáng, vị Bác sĩ chữa bệnh cho tôi bảo đi gấp vào phòng cấp cứu của bệnh viện.
Người ta cho tôi nằm để theo dõi, nhưng càng lúc cổ tôi càng sưng phồng lên, khoảng vài giờ sau, họ báo cho biết là bệnh viện không…chữa được chứng dị ứng của tôi, dù bệnh viện rất lớn, họ sẽ chuyển tôi về bệnh viện trung ương (Texas Medical center) và bằng phương tiện… Trực thăng, vì đi xe cứu thương e rằng không cứu kịp.
Trước khi đưa ra trực thăng, họ chích cho tôi một mũi thuốc trợ giúp để kéo dài thời gian trong lúc phải di chuyển, nhưng tôi không còn thở dễ dàng được nữa (dù họ đã cho thở oxygen), hình như tim muốn ngưng đập. Hai người y tá ER luân phiên cố giúp tôi giữ hơi thở và miệng cứ liên tục nói lớn: “Keep Breath! Keep Breath! Don’t stop! Don’t Stop!”,“Open your eyes!” Họ nói liên tục, nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy lạnh chân, lạnh tay hết rồi. Tuy nhiên trí óc tôi đang cố làm việc, tôi cố la thật lớn: “I don’t want to die!” La nhiều lần như vậy (nhưng sau mới biết là tiếng la của tôi đã không còn phát ra tiếng, vì bị nghẽn rồi). Tôi mơ hồ nghe họ bảo phải cố giữ hơi thở, nếu để tim ngừng đập là tôi sẽ chết chắc. Ý nghĩ thoáng qua đầu nếu tôi “buông” chắc là tôi chết ngắt, mà nếu Bác sĩ cố gắng cứu chữa chắc cũng khó khăn, tôi mà khóc, không thở được sẽ…hui nhị tì ngay thôi, nên cố gắng hết sức lực để giữ hơi thở dù rất yếu ớt. Tôi đã thấy một khoảng mênh mông bao la trước tầm mắt, thấy đang đứng chơ vơ một mình ở đó, nhưng bên tai lại nghe tiếng các con tôi la thật lớn: “Mom! Try!” (Má ơi cố gắng lên! ), rồi tiếng con tôi khóc (dù các con không ở nhà thương lúc đó). Rồi tôi lại nghe có lời văng vẳng bên tai: “Pray! hãy cầu nguyện đi!”. Thế là tôi còn biết để cầu xin: “Phật bà phù hộ cho con, con không muốn chết!”. Tôi cố mở mắt theo lời gọi của những người cấp cứu dù gần như kiệt sức rồi, tôi thấy lờ mờ ngoài cửa phòng quá nhiều người mặc đồ xanh bệnh viện đứng chen chúc (sau này chồng tôi cho biết là B/S trưởng bệnh viện cũng có mặt và ông gọi đìện thoại liên tục về bệnh viện lớn, và có khoảng gần hai mươi người vừa bác sĩ vừa y tá đứng chung quanh). Sau đó thì họ đẩy băng ca đưa vội tôi ra trực thăng. Thời gian khoảng chừng hơn mươi phút (chồng tôi cho biết).
Tôi chỉ mơ hồ thấy người ta đẩy tôi vào một căn phòng, loáng thoáng có tiếng nói của nhiều người, và tôi không còn biết gì nữa.

Tôi cố mở mắt nhưng không thể cựa quậy được, vì họ đã cột cứng tay chân tôi vào thành giường, mồm miệng họ bịt băng keo, họ đút ống thở vào miệng tôi nên cổ họng đau rát, và khi từ từ tỉnh lại thấy có cô y tá người Mỹ ngồi canh. Thấy tôi tỉnh cô mừng và bảo rằng tôi đã…ngủ gần hai ngày một đêm, thời gian dài thật dài chờ tôi tỉnh lại. Rồi bác sĩ bắt đầu vào hỏi thăm, tay chân tôi vẫn bị cột, họ nói tôi nghe và nếu hiểu chỉ cần gật đầu. Tôi không mở miệng được cứ ngỡ mình…câm luôn.
Sau tám ngày nằm trong ICU (Intensive care unit), mà mỗi một y tá chỉ “săn sóc” có hai bệnh nhân, suốt ngày đêm họ ra vào lấy máu, thử máu, chụp hình liên miên không cách chi bệnh nhân chợp mắt được. Khi tôi được về nhà, tuy đi xiên xẹo, người teo như con mắm nhưng đã sống sót…Nếu ở thành phố nhỏ, hoặc một xứ sở nào ngoài nước Mỹ này, và không có sự “cố gắng” của chính bản thân, chắc tôi đã đi thẳng lâu rồi, làm sao có bài viết này…
(Ba tháng sau, nghe có trường hợp tương tự như bệnh tình của tôi, mà bệnh nhân là cô gái 17 tuổi ở Michigan, cô đã tử vong, có lẽ do cô sợ quá mà không cố gắng được, và nếu khóc thì sẽ chết chắc, vì không còn đường để thở nữa. thương và cầu nguyện cho cô gái trẻ.).

Phải nói là mỗi người có một lá số để...vượt qua biên giới đi về trển hay xuống dưới. May quá, tôi đều bị cả hai nơi "từ chối" nhập cảnh vì chưa thực hiện đủ "thâm niên công vụ" chốn dương trần?, hay là tại “trời kêu tôi cứ…giả điếc không thèm…dạ” khỏi thực hành câu “trời kêu ai nấy dạ!” nên còn đây.
Thường thì mỗi người khi thoát được cơn bệnh ngặt nghèo, họ hay ghi lại những kinh nghiệm quí báu cho người nào thấy cần thì “nghiên cứu” để có thể vượt qua khó khăn khi gặp phải...
Đối với cá nhân tôi, hình như mọi việc cũng…bình thường thôi, mỗi cơ thể con người đều có cấu tạo khác nhau, không người nào giống người nào đâu. Bệnh hoạn  thì có thể cùng một chứng, Bác sĩ chữa cùng một loại thuốc nhưng liều lượng có khác nhau. Cơ thể ngườì này hợp với thuốc này, người nọ thì không, nên cũng khó nói lắm, nhất là những loại thuốc “cao đơn hoàn tán” người ta quảng cáo liên tục ở nhiều nơi, đối với cá nhân tôi thì tuyệt đối không đụng tới. Nhiều lúc “đọc báo” thấy người ta viết về bệnh cancer phải làm thế này thế nọ, phải cữ món này món kia, nhưng cũng đâu hẳn như vậy, mình cũng ăn uống bình thường, cả ngọt mặn chua cay nhưng đừng ăn ..nhiều quá, cố gắng sinh hoạt một ngày như mọi ngày, vui vẻ, thoải mái tinh thần xem như chưa hề …bị bệnh và tập thể  dục đều đặn cũng là điều chính yếu.

Bây giờ, hơn bốn năm trôi qua, Bác sĩ tuyên bố căn bệnh tôi “free”!. Nghe thì nghe vậy cũng mừng, nhưng cũng chẳng biết sẽ…ra sao ngày sau.? Thôi thì cứ được ngày nào vui vẻ lạc quan sống ngày đó. Làm những gì có thể trong điều kiện cho phép như đi du ngoạn, thăm viếng bạn bè, giúp đỡ những ai cần giúp nếu được..…

Cảm ơn Trời Phật. Cảm ơn những ân tình của chồng con, anh chị em, cháu chắt, bạn bè thân hữu chung quanh từ hội đồng hương, trường học, hội đoàn và trên nhiều trang mạng “ảo”, đã dành thật nhiều tình cảm, thăm viếng, hỏi han, săn  sóc, và góp lời cầu nguyện. Nhất là chồng tôi, người “bạn đời” đúng nghĩa, một người suốt những năm tháng dài chỉ biết lo cho gia đình và vợ con, người đã chăm lo từng chút một giúp cho vợ đang trị bệnh, lúc nửa đêm về sáng cùng vợ vào emergency ở nhà thương, những lúc gió mưa tầm tã chở vợ đi vào thuốc, những nửa khuya vợ lên cơn đau chuyển mình không được, và những miếng cháo ân tình dù vợ không cách chi…nuốt nổi vì bị thuốc hành.v..v… Nhiều và nhiều lắm lời cảm ơn chân thành đến với tất cả, còn sống đến ngày nào là ngày ấy mãi mãi biết ơn.
Nhìn thấy sự quan tâm lo lắng hỏi han cầu nguyện của tất cả mọi người thân trong gia đình, bạn bè thân hữu, mới thấm thía được câu “danh ngôn” tôi đọc từ lâu, dù không nhớ của ai và cũng chưa hoàn toàn đúng hẳn với trường hợp của mình nhưng vẫn “tâm đắc: “Thấy bạn mình…té ngã thì hãy đưa tay nâng đỡ, đừng đợi khi…nín thở mới đến thắp nén nhang” …
Mong rằng những ngày tháng tới đều là những......ngày vui.
Lê thị hoài Niệm.(8/2018)