Cứ như là có “thần giao
cách cảm” khi chị Dương Tư gọi “rủ” tôi tham gia một chuyến …viễn du lên DC
để
thăm các bạn Tuy Hòa, mà chỉ một tuần trước đây, vị Bác sĩ từng trị bệnh cho tôi suốt hai
năm qua, đã phán một câu…đẹp nhất trong ngày: “ chị …Free to go, muốn đi đâu
thì đi!”
Ừ thì đi theo chị để gặp
lại bạn bè cho vui. Chị bảo: “Hồng Vân bên Cali và anh xã Bình đã lên chương
trình hấp dẫn lắm, sẽ đi nhiều nơi, em xem vé máy bay mua cho hai chị em”. Tôi
lục lọi may ra tìm vé…giá rẻ. Nhưng khi nói chị báo cho Hồng Vân biết ngày giờ
đi đến thì tôi dấu tên mình, vì muốn “giữ bí mật”, trước là thăm bạn Hải Đường,
và làm cho bạn ngạc nhiên chơi, vì tôi và bạn, là hai người được căn bệnh nan y
“Ung thư” chiếu cố kỹ, Hải Đường “bị” sau tôi một năm, bây giờ cũng đã ngưng uống
thuốc.
Chúng tôi được cả vợ chồng
Trang, cô em gái của Hải Đường đón về nhà bạn buổi tối, nhà ở trong một khu vực
xinh xắn, đồi thông chập chùng. Gặp Hồng Vân, anh Bình và Mỹ Tin ở đó rồi, tha
hồ nói chuyện và chuẩn bị sáng sớm mai cả bọn cùng nhau đi Canada thăm gia đình
cô bạn Mai Hương và Thầy Nhạc. Chúng tôi 5 người: vợ chồng Hồng Vân, chị Tư,
tôi và người chị họ của Hồng Vân từ Bỉ sang, là “đo đường” bằng xe hơi, còn Mỹ
Tin và Hải Đường đi máy bay, vì ngại không ngồi nổi đường dài. Thời tiết DC mấy
hôm đó thật bất thường, mưa bão, tuyết rơi, gió lạnh. Tin “thời tiết cho tàu chạy
ven biển” từ Canada do Thầy Nhạc cho biết là sẽ có tuyết rơi nhẹ, nhiệt độ xuống
thấp. Nghe tin thì ai cũng thấy nản chí, mấy bạn bàn với nhau nếu trời đổ tuyết,
sẽ hủy vé không đi. Nhưng bọn đi xe thì cứ thế mà tiến hành, tới đâu hay tới đó,
các chị bạn “ngại” cho sức khỏe của tôi, nhưng tôi “cam đoan” quí vị đừng “lo”
cho tôi nhiều, vì tôi chỉ có “đau tay” (đau bệnh mà cũng chọn, khỏi làm việc..),
chứ đôi chân thì khỏe, vì tập đi bộ hằng ngày đều đặn.
Trời thương cho người
xa về thủ đô hay sao đó, mà sáng hôm sau trời quang mây tạnh. Xe cứ chạy bon
bon trên đường, lâu lâu cũng thấy “nắng lên xóm nghèo”. Lần đầu tiên đi về miền
đông, chúng tôi cũng thấy lạ lẫm lắm, đi có mấy tiếng đồng hồ mà xuyên qua đến
mấy tiểu bang. Đường về hướng Montreal ngả này
sao…xa xôi mà hiu quạnh thật, hai bên đường
chẳng có căn nhà nào hiện hữu. Suốt mấy tiếng đồng hồ xe chạy mà chẳng
có mấy…bạn đồng hành, thỉnh thoảng mới thấy chiếc xe chạy vèo qua rồi mất hút, chúng
tôi tha hồ đo đường thênh thang rộng mở, và cũng nhờ chúng tôi “mần văn nghệ bỏ
túi” trên xe, khiến tài xế cười dzui nên lái xe không thấy mệt.
Nhưng thỉnh thoảng
phải…dừng lại cho hành khách xuống “chớp hình” với tuyết bên đường làm kỷ niệm.
May quá không có người nào muốn “xả nước
cứu thân”, nếu không, chắc phải mắc bệnh ‘tiểu đường”? mà nếu có, thì đó cũng là “có những niềm riêng làm ơn dấu
kín”! hahahha...
Khi vào cửa khẩu địa phận Canada, chỉ cần trình
“sổ thông hành”, và chỉ trả lời vài câu hỏi về hồ sơ lý lịch sơ sơ, thế là ông
cảnh sát hải quan ngồi trong lô cốt cho…vọt! Nhưng mà đoạn đường đi cứ phải “đóng
tiền mãi lộ” nhiều và nhiều lắm lắm…
Anh
“tài xế Bình” đã hay đáo để, mà chị “lít-đơ Hồng Vân” ngồi cạnh còn hay hơn nữa,
khi cả hai tìm lối chạy thẳng đến nhà Thầy Nhạc+Mai Hương trước khi Thầy đón
hai bạn HĐ, MT ở phi trường về đến. Phải nói nhà Thầy (Cô) quá xinh xắn, nhất
là quang cảnh bên ngoài không chê vào đâu được, chỉ cần một ly cà phê vào một
buổi mai hồng, ngồi nhìn xuống dòng sông, thấy thuyền trôi nhè nhẹ, sẽ thư thái
tâm hồn. Và khi mặt trời khuất nẻo, có ánh trăng lên, một cây đàn guitar với giọng
hát tuyệt vời của hai vị “gia chủ”, bảo đảm sẽ có nhiều thính giả không mời mà
đến .….
|
Thầy Nhạc&Mai Hương-Mỹ Tin-ÁnhTuyết-Hồng Vân-Hải Đường-chị Tư- HN-Phan Tuyết_
|
Mai
Hương không chỉ là người đẹp dễ mến, mà đối với bạn bè cũng tuyệt vời. Biết
chúng tôi đến thăm chơi, MH đã nấu sẵn một lô thức ăn từ phở gà, gỏi thập cẩm, chả giò, xôi xanh….nhiều và nhiều món lắm,
làm chúng tôi ..không thể ra tiệm ăn được, vì chưa “thưởng thức “ hết món ăn
ngon của gia chủ đã thức khuya dậy sớm chuẩn bị. Thương thì thôi.
Bởi thế, khi tôi liên lạc với chị bạn Văn của tôi là Tiểu
Thu cùng phu quân là anh B/S Thành,
|
Nhà văn TT&HN
|
cũng là bạn thân của Thầy Nhạc và Mai Hương,
nên họ cũng được mời đến nhà chơi luôn, dù trước đó, chị có nhã ý mời hết cả
nhà ra tiệm. Thôi thì hẹn khi khác TT nhé. Gặp được bạn là vui quá rồi.
Thầy Nhạc còn đưa chúng
tôi đi thăm khu nhà thờ Saint Joseph nổi tiếng của thành phố. Ở đây mọi người đều
có thể đốt nến cầu nguyện một điều gì đó vì nghe nói rất linh thiêng. Có rất
nhiều người khi đến đây với đôi nạng gỗ, nhưng khi cầu nguyện linh nghiệm rồi,
người ta có thể đi lại bình thường và những đôi nạng kia được đem trở lại treo
đầy trong nhà thờ làm..kỷ niệm. Anh Bình còn
mua cho chúng tôi mỗi đứa một đồng tiền vàng làm…“của hồi môn” bằng ba đồng
Gia nã Đại.
Ngày
hôm sau Thầy đưa chúng tôi đi thăm thành phố Quebec. Chụp hình tại công viên với
nhiều…súng cà nông. Nhưng tiếc quá, vì tuyết còn quá nhiều, nên không ai …mạo
hiểm trèo lên tuyết. Thôi thì hẹn khi trời quang mây tạnh sẽ trở lại, nếu có dịp..
Đã nói chúng tôi đi
“đo” xem xứ Cà na làm đường có tốt
không? bởi vậy khi trở về, xe của Thầy Nhạc gần như..cạn xăng. Thấy exit, Thầy
bèn rẽ vào may ra tìm trạm xăng(?). Nhưng trạm đâu không thấy, chỉ thấy Thầy chạy
…lòng vòng trong rừng cây. Ngồi trong xe chạy theo sau, mà hồn vía chúng
tôi…bay bổng lên mây, cứ lo với tình trạng đường càng ngày càng xa, rừng càng
nhiều cây lớn, trạm xăng thì mù khơi lỡ
có tên nào vác súng ra đứng giữa đường, mặt nghênh nghênh hắc ám, bắt mọi người…
bước ra khỏi xe, như trong phim “hành động”
của Mỹ, chắc…“thôi là hết đi chơi từ đây”, huhuhu. Cuối cùng thì có…tin vui giữa
giờ thất vọng, anh Bình và chị Vân…mò trên GPS tìm ra được trạm xăng gần đó, hú
hồn!.
Chân thành cảm ơn sự ưu ái đón tiếp chúng tôi,
và “lưu luyến” chia tay MH và Thầy Nhạc để lên đường đi về Toronto sáng hôm sau,
chủ yếu là đi xem “Niagara Falls”, vì nghe người ta tả “hấp dẫn quá”.
Nhưng
không biết cái GPS chỉ làm sao mà xe lại chạy u vào cổng biên giới Mỹ. “Người Mỹ
trở về Mỹ”, mà “bị mời” ra khỏi xe để cho họ khám xe, cả bọn ngồi …im lặng trong
phòng, cũng hơi…ớn lạnh.
Đâu
chừng hai mươi phút, họ cho đi, còn chỉ cho anh Bình lối nào đi thăm Thác, mà
chẳng cần cho biết lý do vì sao bị ...ngồi im mà buồn lâu thế?..
Bây giờ mới là lạnh cẳng
thật sự, khi tài xế Bình lái xe…trở vòng lại Canada, nhất định đi xem thác nước.
Mèn ơi, kỳ này mấy ông hải quan Cà ná làm dữ. Chắc họ tưởng cái đám ông bà già
người Á Châu này đang làm công việc…tội lỗi gì đây? mới đi “giao hàng cấm” không
chừng? Mà sao mới chạy qua “bên cầu biên giới” giờ chạy trở lại? Im lặng, hổng
dám nói chuyện lớn, cứ ngại họ…thu âm, lỡ mình nói gì sai, chắc con đường đi chơi
sẽ vào ngõ cụt, không chừng còn bị lùa vào…khám “ngồi chơi xơi nước”. Hơn nửa
giờ ngồi nghiêm chỉnh mà…lo, họ...thả cho đi, hú vía nữa!
Phải nói là đường dài thăm thẳm, chúng tôi “đo”
đến hơn nửa ngày mà vẫn xa tít mù khơi,
người ta còn chặn lối để sửa đường, bắt phải đi..detour, nên đã
xa càng xa hơn nữa. Đi ngang qua thành phố Toronto nhưng không vào được vì đã
chiều rồi. Đi hơn tiếng, khi thấy bảng chỉ lối
qua biên giới Mỹ, thì cả bọn lại nhao nhao phải tìm đường khác đi, nhất định
…không thèm qua “cầu biên giới”, vì chưa xem thác mà. Cuối cùng thì cũng đến nơi
muốn đến, thuê phòng ngủ cạnh con đường xuống thác nước.
Nhưng đêm lạnh teo,
khách du lịch cũng vắng, chỉ nhìn thấy những làn nước màu…xanh xanh, đỏ đỏ cho
trẻ nhỏ nó xem chơi, thác …không có gì hùng vĩ như mình nghĩ, tuy có rộng thật,
vì nó là nguồn thủy điện lớn nhất ở đây. Nhưng không có núi cao để nhìn nước từ trời đổ xuống như thác
Bản Giốc của Việt nam mình ngày trước. Thế là kéo vào casino xem bà con…kéo
máy, đi tìm nguồn cung cấp cho bao tử, nhưng phải nói thức ăn ở xứ này…dở tệ.
“Về lại Mỹ khi trời vừa
sáng”! Anh Bình đã lái xe vào …trạm kiểm soát rồi mà không hay biết, lại còn…leo
ra khỏi xe để tìm ticket, vì ngỡ là…trạm thu phí., hahaha…,
đến
khi ông cảnh sát hải quan xuất hiện hỏi to: “What are you doing?” Bình nhà ta và
cả bọn ngồi trên xe giựt mình, lo sốt vó. Chỉ sợ bất quá tam ba bận, bị gọi vào
trạm ngồi chơi thì đúng là…xui tận mạng. Nhưng may quá, ông HQ dễ chịu, chắc đêm
qua ngủ ngon, nên ông không hỏi gì nhiều, phất tay một cái cho xe chạy thẳng. Bây
giờ thì cả đám tự do …hát “đoàn người vượt
qua biên giới quyết tiến tới, quyết …go home từ đây!” đi về lại MỸ mà mừng
…hết lớn.
Đường về lối Bufalo vui
hơn nhiều, nhà cửa hai bên đường đông đúc, xe cộ qua lại tấp nập, Anh Bình lái
xe khoảng tám tiếng thì đến New york, chạy thẳng về nhà con gái chị Tư.
Đúng là chị Tư “number
one”! khi có cô con gái Như ngoan và chàng rể Trí quí hiếm. Cháu Trí thật là dễ
thương, sốt sắng với bạn bè của… mẹ vợ. Cháu đưa tất cả về khách sạn đã đặt sẵn
ngay trung tâm Time Square, rồi đưa đi ăn nhà hàng Tàu. Nghe ông chủ nhà hàng nói
tiền thuê hai mươi lăm ngàn một tháng mà ..hết hồn. Trời đất quỉ thần ơi, đúng
là NY có khác, nên chi nhà cửa toàn là cao tầng, nhà san sát, phòng thì..chút
chút, khiến cả bọn cứ…lo lắng dùm cho chủ
tiệm, làm sao họ bán có …tiền để trả tiền thuê chỗ? Đúng là vô duyên.
Buổi tối “ông bà sui” của
chị Tư đãi tiệc cho cả nhóm. Phải nói đây là một “hội Phú Yên” nho nhỏ. Mấy gia
đình anh em sống cùng trong một building thân tình, thật hiếm có. Từ người chị
gái, ông anh, đến mấy người cháu đều hài hòa, vui vẻ. Thức ăn thì đầy dẫy, ngon
vô cùng, nào bún bò, chả giò, cá nướng…ăn đến no nê. Lại chỉ biết ‘cảm ơn” tấm thạnh
tình của họ dành cho chị …Sui Gia và bạn của Sui Tư.
Sáng hôm
sau gia đình Trí đưa cả nhóm đi thăm khu trung tâm Nữu Ước dù trời mưa tầm tã.
Nhưng không sao, đoàn người vẫn …đội mưa mà đi, mà đi. Qwào! New York vui thật,
người sao mà đông thế, dù mưa, dù lạnh, nhưng thiên hạ vẫn tấp nập ngược xuôi
trên đường. Chúng tôi đi thăm hệ thống xe đường ngầm vĩ đại mới xây chừng hai
năm, lại…chớp hình kỷ niệm dù lạnh …teo gan. Đi vào nhà thờ đẹp quá, không nhớ
tên, nhưng tranh nhau chớp hình, vì bên trong ấm lắm, đúng lúc người đi xem lễ
vừa tan (tấm thảm đỏ bên trái là nơi “Đức Giáo hoàng” có lần đến làm lễ…).
|
Ba má của Trí và Như cùng các dì , cậu Bình (hình do Trí chụp) |
Đi
đến chỗ hồ nước ghi tên người tử nạn của hai tòa tháp đôi ngày 9-11. Cháu Như nói
có nhiều người đến đây họ bảo cảm thấy lạnh sống lưng, như có oan hồn của những
người chết oan vẫn còn lẩn quất đâu đây? Nhưng chúng tôi vẫn chen nhau chụp hình,
dù sao thì lạnh cũng đã…lạnh rồi, nếu có người nào cảm tình với mình muốn “đến
làm quen”, thì cũng là…duyên phận nên chấp nhận!..hì hì hì…
Lại leo lên xe cho Trí
chở đi giới thiệu nhiều nơi lắm, qua khu vực tòa nhà LHQ, nào central park dù
trời….mưa, đi vào viện bảo tàng nghệ thuật nhưng họ xếp hàng dài quá nên…chuồn.
Có qua khu vực Hotel của Mít-tờ Tổng Thống Trump. Tôi nói với mọi người muốn vào…thăm
ngài Tổng Thống, hỏi ổng làm việc nhiều quá có…mệt không? Vì ông cũng đã qua khỏi
tuổi…rì thai rồi, trong khi mọi người đến tuổi nghỉ để…enjoy cuộc đời như chúng
tôi đây, thì ông lại đi làm. Dù “có bầu” hay không bầu cho ông, thì ông vẫn là
TT đắc cử hợp pháp theo tinh thần dân chủ xứ này, thăm hỏi TT vẫn là “bổn phận”
của công dân…tốt (không phải đem súng vào để hỏi thăm sức phzẻ kiểu…khủng bố là
được).
Nhưng không có chỗ đậu xe (mỗi ngày parking xe tốn hơn trăm tì), lại thấy mấy ông
cảnh sát cầm súng đứng…mặt nghiêm mà buồn, nên tài xế đành đi thẳng.
Tiếc quá, trời mù sương
thấp nên không viếng được tượng Nữ thần Tự do.
Tôi được cơ hội thăm cô
con gái út đang làm việc ở đây, cháu cũng thuê nhà sát khu vực thị tứ này, nên
đến nhà con cũng tiện. Vào các cửa hàng trên đường số 5 cũng chỉ để…xem chơi, sờ
vô sợ đứt tay.
Buổi tối, đi “chen lấn” cũng vui đáo để, mấy anh "hề " mặc đủ loại quần áo Disney để chụp hình...lấy tiền.
ôi thôi người và người đi
lên đi xuống đông nghẹt, cũng …chẳng biết để làm gì, hình như chủ yếu là xem mấy hình quảng
cáo phim trên những màn ảnh thật lớn, với màu mè chớp nháy liên tục, Đêm sinh
hoạt hình như không ngưng nghỉ, giống…Sài Gòn không chừng?. Xe chạy suốt đêm và
người cũng …quên ngủ???
Từ giã gia đình Trí
& Như sáng hôm sau để về lại DC. Mấy Dì & Cậu cảm ơn Trí và gia đình không
hết lời, không phải vì được “bao” tất cả mọi thứ, mà vì cái tình cảm, sự sốt sắng
Trí dành cho tất cả. Người nào cũng “ước ao” mình có được chàng rể như thế (đúng
là nghèo mà ham!), chúc mừng và cảm ơn cả gia đình Sui Gia chị Tư và chị nhé.
Nhiều
năm trước cá nhân tôi đến DC với mục đích xem hoa Anh đào, nên hoa nở tưng bừng
chào đón, đẹp không tưởng.
Nhưng kỳ này, những cây Hoa đào ở DC đón chúng tôi bằng…
cành và lá. Hoa chỉ còn vài bông làm kiểu, vì hết hoa nên người đi xem cũng…hết.
|
Cô quỳnh Hoa,N/V Ngọc Nhung, N/V Hồng Thủy.HN.Phương Thuý |
Không
hiểu do đâu tôi lại có may mắn có mặt trong một diễn đàn Văn Chương có tên “CÔ
GÁI VIỆT”, một diễn đàn với sự góp mặt của hầu hết những văn thi sĩ nữ giới nổi
tiếng ở khắp mọi nơi trên đất nước Hoa Kỳ & thế giới này như Phương Lan,
Nguyễn Thị Thanh Dương, Hồng Thủy, Sương Lam, Đỗ Dung, Kiều Mộng Hà, Quỳnh Hoa,
Ngọc Hạnh, Miên Thuỵ…và nhiều đến hơn mấy chục người, mà người “đầu tàu” thật tài
giỏi, chúng tôi hay âu yếm gọi là “bà bầu Phương Thúy”, “bản doanh” đặt ở DC. Hôm đó nhờ cô Phương Thúy với phu quân
Khánh, đã sốt sắng tạo cơ hội cho cá nhân tôi gặp được Cô Quỳnh Hoa, chị Hồng
Thủy, chị Ngọc Hạnh và vài chị nhà văn nữa.
Thật quí hoá, thân tình khi tôi được các chị em đón chào thân mật, ấm cúng
trong nhà hàng Present. Vui quá khi được Chị Hồng Thủy tặng cho bó hoa hồng thắm,
cứ y như cô gái về…nhà chồng. Phương Thúy, cô Quỳnh Hoa, chị Ngọc Hạnh đều có
quà cho tôi mang về Texas làm kỷ niệm. Xin cảm ơn tất cả quí Chị Em.
Tôi
lại có cơ hội thăm viếng gia đình hai người anh họ, con người Cậu ruột, mà đã hơn…mấy
mươi năm qua, vì hoàn cảnh xã hội, mỗi người ở một nơi, không ai có cơ hội đi
thăm viếng ai. Khi được anh Kích đến đón ở nhà hàng Present sau buổi gặp gỡ các
chị em CGV, anh đưa tôi về nhà gặp mặt…chị dâu, chị thật dễ thương mà bây giờ tôi
mới…biết. Lại chớp hình cùng gia đình anh chị và cháu trai.
|
Thi Sĩ Phạm Cao Hoàng, phu nhân Cúc Hoa, hn, anh Kích. |
Anh
lại đưa tôi đi thăm gia đình người anh nữa, là nhà thơ nổi tiếng Phạm Cao Hoàng.
Anh chị sống với vợ chồng người con gái lớn trong căn nhà khá đẹp trên đồi, phiá
trước nhà là thảm cỏ xanh ngút ngàn, sau lưng nhà là con suối nhỏ, đúng là nhà
của “nhà thơ” ở có khác.
Qwào! thủ đô mà lị, nhà cửa nào cũng đẹp, cứ lên
đồi xuống dốc, hai bên đường xe chạy toàn là rừng, hèn chi anh Bình kể chuyện hôm
đầu tiên lái xe đi đón người chị, không biết cái GPS nó chỉ làm sao mà xe anh cứ
“đường vô núi rừng sao hãi hùng, ôi gió lộng,
không thấy người mà xe cứ bon bon...” một mình anh chạy vào rừng, giựt mình
quay đầu xe lại mới là lối về nhà, cũng hú viá.
Ở
DC có nhiều nơi để đi thăm, ngoạn cảnh, cả đám thay nhau chớp hình, từ hoa lá cỏ
cây tới hình người tạc tượng. Người nào cũng là “nhiếp ảnh gia” chuyên nghiệp,
vì chớp thì cứ chớp, hình có “đẹp” hay không là chuyện nhỏ, vì đâu có tốn tiền
mua phim như hồi năm nẳm đâu mà ngại..
Tôi
còn được anh chị Kích dắt vô thăm một vườn hoa với cảnh quang thật đẹp, lại chụp
hình làm kỷ niệm một lần đến DC. Cảm ơn quí Anh Chị, Cháu Thiên Kim nhiều lắm.
Những
ngày đi chơi vui thật là vui. Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, bữa cơm tối nhà Hải
Đường vẫn có nồi cơm nóng, ơ cá kho, diã rau luộc do Hồng Vân …phụ trách (bọn tôi
“đau tay” nên được miễn mần việc. Đau mà cũng…đau khôn).
Cả đám vừa ăn vừa giỡn như chưa bao giờ được giỡn. Tội nghiệp anh Bình, “gươm lạc
giữa rừng hoa…héo”, nên việc nặng nhẹ gì anh cũng “bao thầu” ráo , mà anh luôn
vui vẻ cười nói thân mật, không hề “than phiền” một câu. Cảm ơn anh Bình và chị
Hồng Vân, nếu không có chị …khởi xướng, không có anh Bình làm tài xế, còn lâu có
chuyến đi chơi vui vẻ như thế.
Tiễn
Mỹ Tin về trước, khi đưa ra phi trường, MT …không dám quay lại, vì không muốn
khóc, cô nàng bảo thế.
Buổi
chiều trước khi tôi và chị Tư về lại Houston, anh bạn Cống Huy
mang đến một…nồi phở(?), anh gom mua hết của một tiệm nào đó trong khu vực anh ở.
Phở… ngon thiệt, không phải ngon do chất lượng của tô phở, mà do tình cảm quí báu
của người mua mang đến. Bạn bè tốt như thế là cùng. Cảm ơn anh Cống Huy.
Giã
từ Hải Đường. Giã từ DC…Giã từ tất cả các bè bạn thân thương đã cho chúng tôi
những ngày vui hiếm quí. Còn hẹn nhau kỳ sau, có thể là hội ngộ CHSPY tại Atlanta nếu
có, nếu không sẽ một ngày ở Cali không xa.
Xin cảm ơn tất cả, Cảm ơn Trang, Cảm ơn Hải Đường
và cảm ơn chính.. tôi, đã cố gắng giữ gìn sức khỏe mà đi chu du, không bị bệnh
giữa đường làm phiền bạn hữu.!
LPT.tháng
4/2017