Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Nắng vẫn còn đây, chưa thấy Thu!


Xem trước

 

Trời đã vào Thu rồi đó sao?

 Nơi đây cơn nắng vẫn đổ nhào

 Áo thưa dáng mỏng đùa với nóng

Chẳng thấy thơ về nghiêng cánh chao

 

Vừa thoáng qua đây một dáng gầy

Hình như có lọn tóc bay bay

Nhưng sao trong tóc mùi ...khét nắng

Nắng hỡi! làm sao vuốt tóc đây?

 

Tháng chín- bình minh nắng đong đầy

Đang chờ mưa hạt mớm cho cây

Để cho cây giữ mầm xanh lá

Nhưng mưa không về trong ráng mây

 

Dù biết người chẳng về nơi đây

Vẫn nghe rộn rã tiếng ai cười

Vẫn nghe văng vẳng lời tâm sự
          "Nóng quá!" sao mình vẫn ...phây phây???
             lthn.


Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

TÌNH NỒNG


***Một đời ta nô lệ vợ nhà

Trọn đời ta phục vụ cho đàn con

Bao nhiêu năm “khẩu chiến” từng ngày

Gia tài của vợ để lại cho ta

Gia tài của vợ là một chuỗi... cằn nhằn.

 

Vợ sai ta rửa chén hằng ngày,

Vợ kêu ta nấu cơm cho đều tay

Ta phải nấu đồ chay, nêm thật cay.

 

Vợ sai ta cắt cỏ ngoài vườn,

Vợ nhắc ta nhớ đưa tiền lương

Ta phải đưa sach trơn cho nàng…thương!

 

Vợ kêu ta chở tới cửa hàng,

Vợ mua chi ta hổng có được can,

Em cứ mua hàng sang, không phàn nàn!

 

Trọn đời ta giam hãm bởi vợ nhà

Trọn đời ta bị nhốt trong tù xa,

 Bao nhiêu năm làm kiếp quần thần

Gia tài của vợ để lại cho ta

Gia tài của vợ là một đống việc làm.

 

Vợ chê ta sao chẳng nhiều tài

Vợ chê ta hát sao chẳng hay,

Ta hát bản “Tàn phai” nghe mệt tai.

 

Vợ chê ta không biết thờ bà!

Vợ chê ta không giống chàng A         

Ta cứ quên tặng hoa, khi nàng…ca.  

 

Vợ chê ta ngủ ngáy rầm rầm 

Vợ  chê ta chưa có thật tâm

            Chưa có luôn…dạ vâng, khi nàng cần.

           

            Một đời ta trao trọn cho vợ nhà

            Trọn đời ta lo dạy đàn con

            Bao nhiêu năm chung sống hàng ngày

            Mối tình của vợ để lại cho ta

            Mối tình của vợ là một khối...Tình Nồng”……

***Phỏng theo bài ca :gia tài của M ẹ-TCS

.

 

Ông Tá đi tới đi lui trong phòng, miệng cứ hát oang oang những lời ca trong bài “Gia Tài Của Mẹ” được ông cải biên mà chưa xin phép tác giả, hát một cách thích thú, hứng khởi. Vừa hát thật to, vừa vung tay đá chân, cứ y như đang giải tỏa được nỗi uất nghẹn trầm kha, u uẩn chất chứa tự bao ngày. Người ta cứ bảo “Vắng Chủ Nhà Gà Vọc Niêu Tôm”. Úi chu choa chẳng lẽ ông “xệ” thế sao? Ối Giời! Người ta lại còn “Nhất Vợ Nhì Trời, Tam...” tam cái gì nhỉ? Thôi ông hổng muốn thành người Hán rộng mần chi, cái kiểu Gáo Tra Dài Cán..., ủa nói lộn “Giáo Đa Thành Oán”, hổng lẽ ông đang thể hiện nỗi oán hờn bằng những lời ca, khi bà vừa...khuất nẻo. Đùa chút chơi vậy thôi chứ rõ ràng là bà nhà đang có mặt tại Sóp Ping hiện trường để sắm sửa y trang cho buổi tiếp tân của gia đình người bạn và ông đang thảnh thơi ở nhà ca hát cho đời lên hương. Ông không phải lót tót theo làm người phụ khuân vác, nhất là những lúc hàng “on sale”. Ông được tự do thoải mái, trí óc minh mẫn để sáng tác lời ca tiếng hát là phước đức nhiều đời của ông rồi, chẳng có điều chi than phiền khiếu nại cả.

 Nghĩ cũng tức cười thật, đám tiệc là đám tiệc của người ta, đâu phải của chính mình, hà cớ chi mà nôn na nôn nóng, chạy ngược chạy xuôi từ “sóp ping” này sang “sóp ping” khác tìm cái áo thật ưng ý. Nói nào ngay, áo quần người ta bày la liệt, đẹp không chỗ nào chê, nhưng chưa có Sale, sờ vào đứt hết mấy ngón tay ngay nên phải chạy là thế. (Dĩ nhiên những người nhiều tiền thì cần chi phải chờ đến “on-sale”, cứ đi ngang thấy cái nào vừa ý, thử vào mà vừa vặn, cầm ra quầy cà-cạc là xong ngay). Tìm được cái áo vừa đẹp vừa rẻ của những nhà may nổi tiếng như Versace, Tahari, St. John hay Anne Klein, Donna Karan, v. v... thì còn gì thú bằng, ai nhìn cũng phải sum xoe, suýt soa hít hà khen tặng. Vào phòng tiệc phải đi tới đi lui, tìm người bạn này hỏi han vài câu, gặp người kia cười một cái, chứng tỏ mình là người tử tế dzui dzẻ hòa nhã là đúng rồi, nhưng còn một duyên cớ khác: để cho người ta chiêm ngưỡng áo quần đẹp của mình; chả ai dại gì mà ngồi một chỗ cho nó phí!! Thiệt tình mà nói, đàn bà sở dĩ đẹp đẽ lộng lẫy hơn cũng một phần nhờ vào quần áo, y trang và son phấn bên ngoài kết hợp lại. Nhìn đàn bà đẹp hỏi ai mà không thích? Bởi vậy mấy đấng mày râu thấy vợ ta đẹp, ta phải khen. Vợ người thì chớ dại, coi chừng bị chồng người ta cho… ăn đòn đấy!.

 

Dù cù lần cách mấy đi nữa, ông Tá vẫn khuyến khích vợ đi sóp, không đợi bà phải nhỏ nhẹ vào tai “Mình ơi em đi sóp được không?” Đây là một cách thể hiện tình yêu nồng thắm bao la, miễn sao đừng cà cạc thái quá để rồi mang nợ trả hoài tiền lời cũng không xuể, nói chi tiền vốn, cuối cùng khai băng rúp xi thì khốn. Làm có tiền cũng nên cho nó luân lưu; có nhiều người bán phải có lắm kẻ mua. Nền kinh tế Mỹ có phát triển thì ta mới có dzóp thơm, mới có cơ hội để tậu nhà lớn, xe sang. Ở xứ Mỹ mà không mắc nợ là Mỹ dzỏm, nhưng nợ bù đầu bù cổ thì lại dzỏm hơn. Bởi vậy hễ thấy dzợ dzui thì mình cũng dzui lây, thể hiện lời thơ “dzợ buồn mình có dzui đâu bao giờ”. Người ta buồn người ta rầu thành nhạc sĩ thiệt (?...?) than thở nhạc tình chết, tình lỡ, tình xa, tình sầu, tình tan, tình lang thang dở dang dang dở. Còn ta dzui cũng phát tiết được lời ca nhưng “sáng tác viên” kiểu nhạc ngoại quốc lời Việt ấy mà. Cứ lấy sẵn bài nhạc của người ta rồi để lời hát vào, kể ra mình cũng hòa nhập được vào “trào lưu tiến hóa” của nhân loại. Ông Tá tự hào bảo thế.

 

Nhan nhản ngoài tiệm nhạc, hay nghe từ la-dzô phát thanh, nhiều bài nhạc thể điệu xập xình thậm chí cà giựt nữa; nhưng lời ca thì từ chết tới bị thương; chẳng hợp tình hợp cảnh hợp kim thủy mộc hỏa thổ tí nào..., nhưng người ta vẫn là nhạc sĩ. Mình đây không ham nhạc ngoại thì chơi nhạc Việt, bỏ lời Giao-Chỉ. Mấy ông nhạc sĩ đừng phiền nghe, tui cũng có hỏi qua chớ không có âm thầm tự động lấy nhạc quí ngài sửa lời ca rồi bỏ tên ta vào đâu ạ! Ông Tá nhủ thầm đôi lời xin phép coi như xong bổn phận công dân. Thiệt ra lời hát vừa rồi ông đặt cho vui chứ làm gì có tên đàn ông nào tệ vậy. Ông hát để tặng cho vợ chồng người bạn già sắp sửa tổ chức buổi lễ “an- ni -vượt- sa- ri”( anniversary) mà bà vợ ông còn mang đầu óc “chống Mỹ cứu nước”, suốt ngày cứ lẩm bẩm “ăn no mec- xi đi”. Bã còn cố giải thích: người ta mời mình tới đãi thức ăn, thì mình cứ ăn, no nê rồi chẳng lẽ không cảm ơn người ta, cảm ơn rồi thì...dzọt, đơn giản như đang giỡn vậy. Nhiều đám tiệc vẫn xảy ra như vậy mà, cả đám cưới cũng vậy nữa, hễ ăn đến món tráng miệng cuối cùng, cô dâu-chú rể chưa kịp đi cắt bánh, là bà con đã lục tục đứng dậy ra về, còn lại những cái bàn trống trơn chứng giám đôi trẻ chia vui bánh cưới……

An ni hay ăn no gì đều tốt cả. Một sự gợi nhớ, một kỷ niệm đẹp, một “Ôn cố tri tân” của cặp vợ chồng đã từng chia xẻ ngọt bùi, cũng có lắm khi đấm thọt nhau (bằng mồm hay chân tay) nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” nhưng có loại nhà tù người ta muốn ở thiên thu ấy mà (ở tù hổng ớn mà còn hẹn nhau đến kiếp lai sinh), bằng chứng là thứ bảy hay chủ nhật nào những nhà hàng lớn đều không còn chỗ trống. Những chiếc “Li-Mui-sin” kết hoa lủng lẳng đậu hiên ngang trước cửa để chờ đón cô dâu và đưa chú rể về “nhà tù” (?), rồi bà con cô bác có khi một tháng bốn tuần đều có mặt trong những buổi chúc mừng, chia vui đó, họ chúc tụng “Sống bên nhau đến trăm năm đầu bạc răng long” chớ bộ giỡn chơi sao.

 

Thấy người mà chạnh nghĩ đến ta, ông Tá cũng muốn tổ chức một buổi an-ni, gọi nôm na là kỷ niệm tân hôn, hay thêm nghĩa nữa là “hấp hôn”, là “hâm nóng(?) lại cuộc tình, mời bà con cô bác đến chung vui. Trước là trình diện bà vợ già với đám con cháu bầu đoàn thê tử, nhưng khổ nỗi ông vô tình quên béng mình cưới vợ ngày nào, muốn hỏi bà vợ thì ngại bà la toáng lên trách cứ người sao vô tâm, đoảng trí. Thật ra ông chỉ nhớ cái năm tháng nghỉ hành quân, chạy tọt về nhà kêu ông bà già đi cưới vợ phương xa. Thiệt tình hồi đó mỗi lần đi phép về nhà, cha mẹ ông đã từng năn nỉ ỷ ôi rằng ông hãy cưới “cô hàng xén” ở dưới chợ Đầm mà cũng là “cô hàng xóm” của ông. “Nhà nàng ở cạnh nhà ông, cách nhau có một đám đất không sau hè” (khu Phước Hải hồi đó đất rộng người thưa, chứ không có chật cứng như bây giờ), hai bà già đã ăn ý với nhau lắm lắm. Mẹ của nàng không hiểu có phải vì thấy ông hiền hậu dễ bảo, hay lo sợ con gái bà ế độ, muốn tìm cho nàng một bến đậu an toàn nên đã chấm ông. Bà đưa điều kiện nếu ông chịu, bà sẽ chạy chọt cho ông về làm huấn luyện viên ở quân trường gần thành phố để… đêm ngày nghe sóng vỗ. Ông có vợ, bà có rể quí, hai bên đều có lợi. Ông khỏi phải chịu cảnh đi hành quân lặn lội nơi đồng lầy phèn chua nước mặn, khỏi hứng chịu cảnh đêm đêm mưa rơi tầm tã, mưa ào ào, mưa rào rào trên tấm Poncho mà đã nhiều lần vuốt nước mưa trên mặt, ông cứ ngỡ nước mắt của chính mình, và cả những ngày nắng nữa. Nắng đổ lửa đổ củi, nắng cháy da bò, nắng nung người mà trận địa thì còn loang máu tươi. Bà cụ đã vẽ cho ông chữ Thọ ngay trước trán, tránh được nguy cơ phủi chân ngồi xếp bằng trên bàn thờ. Ấy vậy mà ông lại khăng khăng từ chối, khiến mẹ ông buồn và bà cụ hàng xóm chửi quá mạng.

 

Chẳng phải vì ông yêu đời sống lính trận miền xa gì (tên nào không muốn làm lính thành phố?) mà tại vì ông đã lỡ yêu hoa trinh nữ nơi ông tạm dừng quân,  và cuối cùng thì “đám cưới nhà binh em ơi” cũng dzui dzẻ rộn ràng, rình rang rộn rịp lắm chớ có thua ai đâu. Và vì “tiền lính tính liền” nên ông bèn đưa vợ theo nâng khăn sửa túi, sống tạm ở “trại gia binh” vậy, và hàng năm ông bà vẫn đều đều sản xuất những “thiếu nhi quân”, quân đội VNCH bỗng dưng có thêm nửa tiểu đội lính con mà không phải bỏ công tuyển mộ. Mỗi tháng chính quyền chỉ phải phát lương tính theo đầu người 2,000 đồng một đứa. Những đứa con của ông đặt tên theo kiểu 12 con giáp cho dễ nhớ, khỏi lẫn lộn về sau, nếu phải làm khai sinh kiểu thế vì, vì bản chính đã bị thất lạc hủy liệt. Bởi vậy đám con ông được mang tên thằng Chuột, con Mèo, thằng Thìn, thằng Tỵ, con Tỵ, thằng Dê...sồn sồn năm một ra lò cũng dzui đáo để, rồi thì những năm dài tù tội.

Thật sự cái mục nầy miễn bàn tới ở đây nó sẽ mất dzui, bây giờ cả “bà chúa ngục” cả đám tù tự nguyện đều có mặt ở cái xứ tự do này, muốn hâm nóng một cuộc tình là điều nên làm lắm lắm. Bên cạnh đó, hễ đôi uyên ương nào tổ chức tiệc “Anniversary”, mà mời ông bà là không bao giờ ông từ chối, luôn đến để chúc mừng.

 

“Tình nồng thắm xuyên qua bao tháng năm” mà lị. Dù suốt trong chiều dài chung sống, có lắm ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh (chưa kể vô số cái lang thang) có đúng một phần nào trong những lời ca ông vừa...phóng tác, âu đó cũng là thể hiện tình yêu, tính...nể vợ, hay nói một cách khác: một sự nhịn chín sự lành, một nét đặc thù dễ thương từ truyền thống của ông cha dưới chế độ mẫu hệ ngàn xưa - quí vị đàn ông chìu vợ đáng được tuyên dương! phải được phát bằng tưởng lục. Kỳ này đi dự tiệc “anniversary” của người bạn ông phải hát tặng họ bản nhạc này, chúc họ sống mãi bên nhau. Tình yêu muôn năm, vợ chồng vạn tuế!!.

 

“Một đời ta trao trọn cho vợ nhà

Trọn đời ta lo dạy đàn con

Bao nhiêu năm chung sống hàng ngày

Mối tình của vợ để lại cho ta

Mối tình của vợ là một khối...Tình Nồng”……

           

            Lê Thị HoàiNiệm