Nơi tôi ở, bên này bờ Thái bình dương xa thẳm, một nơi chốn thật yên
bình, nơi mà người dân được quá nhiều tự do (vẫn có ít điều cần giới hạn) từ
trong nhà ra tới ngoài xã hội, một nơi rất đông người Việt tị nạn đang sinh sống,
nơi có quá nhiều phương tiện truyền thông, báo chí phục vụ “Free” cho đồng
hương. Bởi lẽ đó, mỗi năm nhân ngày “quốc hận tháng tư đen” ban chấp hành cộng
đồng (có ứng cử-bầu cử đàng hoàng), vẫn tổ chức tưởng niệm ngày đau buồn đó.
Nhưng bên cạnh những uất nghẹn thương đau,
cần và cần thiết phải thắp những nén hương, ngọn nến ngồi im lặng mà tưởng niệm,
thì các tổ chức, các hội cựu quân nhân muốn
qui tụ đồng hương lại càng đông càng tốt, nên hầu hết phải “mướn ca sĩ chuyên
nghiệp” ở các trung tâm băng nhạc lớn về. Có những ca sĩ hát rất hay, nội dung
bài hát nói lên đươc nỗi đau, hay tinh thần bất khuất của những chiến sĩ quân lực
VNCH ngày nào, dám hy sinh thân mình để bảo vệ
quê hương, đất nước. Nhưng có vài
ca sĩ lên sân khấu cũng không biết mình hát cho ngày gì? hát bài gì cho
thích hợp với nội dung ngày đau buồn, nên cứ tha hồ… “nhiều đêm chăn gối bên
người không quen biết?” hay “lâu đài tình ái”…. chẳng hạn. Thật hết ý.
Lại có quá nhiều chương trình trên truyền
thanh, truyền hình nhắc nhở nhiều kỷ niệm về tháng tư đen. Người ta kể đến những
trận di tản từ miền Trung, miền cao nguyên, những con đường kinh hoàng như tỉnh
lộ 7 ở Hiếu Xương-Phú Yên, xác chết chồng lên xác chết, những bãi biển xác người
trôi lềnh bềnh, phần tấp vô bờ thì ít, mà làm mồi cho cá chắc nhiều hơn. Đã bao
nhiêu năm qua rồi, người ta vẫn còn tìm gặp những bộ xương có mang những tấm thẻ
bài còn nguyên vẹn vùi nông nơi bãi cát (không hiểu anh linh của những chiến sĩ
bị hy sinh một cách oan uổng, tức tưởi này có sớm được siêu thăng, hay vẫn còn
vất vưởng đâu đó vì một nỗi uất hận chưa vơi? Một nén nhang thắp muộn vẫn là tấm
lòng của một nữ thường dân còn nợ ơn Người!)..
Người ta kể lại những trận đánh kinh hồn của
những chiến sĩ can đảm nhảy dù, địa phương quân, nghĩa quân…, quyết tâm gìn giữ
mảnh đất bao lâu nay đã tốn biết bao mồ hôi nước mắt, bao xương máu, ngay cả thân
xác của những người lính đã hy sinh. Cuối cùng thì vẫn phải chạy và lột bỏ quần
áo nhà binh và xin thường phục của người dân mặc vào để chạy!!!!. (?)
Người ta còn sưu tầm cả tiếng nói của vị
“Tổng Thống cuối cùng” ban lệnh đầu hàng, phát lại cho thính giả nghe. Có người
nặng lời “chửi bới” quan ngài đã dâng đất cho giặc. Phải chi ngày đó ông đừng
có …bàn giao chính thể quốc gia cho cộng sản ? Dù biết rằng ngài đại tướng cũng
chẳng làm được gì khi giặc đã vào …sát nách mà có một đám quan to, tướng lớn lại
yếu hèn đã cuốn gói chuồn êm tự lúc nào. Bao nhiêu năm tháng nắm quá nhiều chức
tước, binh quyền mà không làm gì được, để bọn giặc Hồ đem chủ nghĩa cộng sản
ngoại lai vào tuyên truyền áp đặt lên người dân miền Bắc bấy lâu nay, giờ đang
tràn xuống xâm chiếm miền Nam và cái đám mệnh danh “trí thức” miền Nam cũng
theo đóm ăn tàn, nối giáo cho giặc. Người
ta nhắc và nhắc những kỷ niệm buồn đau, kèm theo những chuyến vượt biên hãi hùng,
từ đường bộ đến đường biển, xác người vùi trong rừng sâu Campuchia, xác làm mồi
cho cá mập trên biển cả và nhiều trẻ em, phụ nữ đã là nạn nhân của bọn hải tặc
Thái lan dã man hung tợn… Hằng năm và hằng năm tiếp nối chắc không bao giờ kể hết
chuyện.
Người
ta hát những bài Nhớ về Sài gòn, Sàigòn niềm nhớ không tên, Sài gòn vĩnh biệt,
nghe cũng buồn ray rứt dù nội dung lời ca thường là những cuộc vui chơi, ca hát
ở vũ trường, và dù hiện tại người về Sài gòn hằng năm đông như đi chợ (?). Nhưng sao người ta cứ vẫn nhớ về Sài gòn nhỉ? Sài gòn làm
gì có trọn tháng tư đen năm ấy? Nghe nhiều người di tản vào Sài gòn, sau ngày
"mất nước” trở về kể lại rằng cả tháng tư người dân Sài gòn vẫn còn chính phủ
VNCH, người dân vẫn tự do đi lại, vẫn hát vẫn hò, vẫn ngồi uống cà phê vỉa hè,
vẫn vào rạp REX xem xi-nê, có chộn rộn chăng là vì có một số người “lánh nạn cộng
sản” từ các miền đất nước chạy về, khiến những người có thân nhân đang ở nước
ngoài, những nhà giàu có, những người làm việc trực tiếp cho người Mỹ phải nôn
nao chạy đôn chạy đáo tìm đường thoát ra khỏi nước và họ đã ra đi rất sớm trước
ngày Tổng Thống (có quốc hội chuẩn nhuận)
tuyên bố đầu hàng.
Và nhiều người còn thấm thía nỗi đau khi
nghe được chính giọng nói của một người nhạc sĩ nổi danh (nay về bên kia thế giới
rồi), đã tỏ lộ nỗi mừng vui khôn xiết, đã “hồ hởi-phấn khởi” tuyên bố ăn mừng
trên đài phát thanh quốc gia vừa mới bị “tiếp quản”, và kêu gọi mọi người dân đừng
bỏ…cộng sản để ra đi, hãy ở lại dựng xây đất nước với bọn chúng, rồi hăng hái
hát suông bài “nối vòng tay lớn” của chính tác giả. Tiếc thay! “ Em ra đi nơi
này mất hết! ”. Sài gòn và cả nước mất hết, chứ không phải nơi này…vẫn thế mà “ngài
nhạc sĩ” đã bênh vực cho chế độ mới và một số ca sĩ vẫn ..lải nhải, tung hê!
Nhưng chắc chắn phải nhắc đến Sài gòn, vì
Sài gòn là Thủ đô của cả nước, nơi chính quyền đặt dinh cơ để điều hành guồng
máy lãnh đạo đất nước, nếu thủ đô mất vào tay giặc, có nghĩa là đất nước, chính
thể không còn nữa. Nhưng nếu nhắc đến tháng tư đen ngòm, phải nhắc đến những tỉnh,
những vùng đã bị quân cộng sản chiếm trọn tháng tư, như Nha trang, thành phố biển
thân yêu của chúng tôi, mới thấm thía được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của ba
chữ “tháng tư đen”.
Ngày đó.
(di tản ở Phú Bổn)
Người di tản tràn đến, từng đoàn người, từng
đoàn xe từ Ban mê Thuột, từ Phú bổn, các tỉnh miền Trung đổ về vào những ngày
giữa tháng ba. Trường Nam tiểu học, nơi cô trò chúng tôi gặp gỡ hằng ngày, đã
không còn bóng dáng học sinh, vì trường đã biến thành “trung tâm tiếp cư”. Các
thầy cô giáo chạy đôn chạy đáo tìm thức ăn, gạo muối, quần áo, vật dụng cần thiết
vv..vv để phân phối, giúp đỡ những người đang xơ bơ, xấc bấc, lếch thếch, hốt
hoảng buồn rầu đang ngồi ủ rủ trong các phòng học làm nơi tạm trú
Một buổi chiều, vừa từ trường về, người bạn
đã chạy ào vào nhà, và báo tin: cháu chị U đã chết cháy rồi. Tin thật buồn với
sự chết chóc đã đến gần sát. Người vừa ra đi là
một Pilot Trực thăng, và đơn vị
đang hành quân ở BMT. Tàu anh đã trúng đạn phòng không của địch quân, bùng cháy
như cột lửa ở trên không. Chạy đến nhà chị U, nhìn chị và bà con trong nhà khóc
than, cả bọn chúng tôi vừa đến cũng chụm
đầu lại khóc.
Về nhà lại gặp một người bạn không quân tìm
đến thăm, khi biệt đội của anh từ Cần Thơ, biệt phái ra để phụ giúp với các đơn
vị bạn. Đáng lẽ ở căn cứ Pleiku, nhưng vì đơn vị trên đó cũng đã di tản, nên
các anh lại kéo xuống phi trường Nha trang. Ngồi nghe anh kể những bữa đổ quân
khó khăn với quá nhiều phòng không địch, những chuyến hành quân tiếp tế, và đặc
biệt là cứu “dân chạy loạn”. Từng đoàn người, đoàn người từ các tỉnh cao nguyên
chạy về, phải đi bằng đường rừng, vì quốc
lộ đã bị VC chiếm mất. Họ băng rừng, vượt suối bồng bế gánh gồng mà đi, có người
đàn bà đã sanh rớt trên đường chạy loạn, may mà Trực thăng đã nhìn thấy nên
đáp xuống chở về nhà thương. Có hôm anh
phải bay thật thấp để hướng dẫn đoàn người đi lạc trong rừng sâu có thể đi ra
con đường mòn lớn hơn mà về được Khánh Dương.
(phi trường Nha Trang)Nhiều người đổ dồn về và cũng có lắm kẻ ra đi. Người Nha Trang cũng bắt đầu tìm đường tháo chạy, bằng máy bay, bằng xe hơi, xe hai bánh và chủ yếu là ghe thuyền đường biển.
Một vài ngày cuối tháng ba, trung tâm tiếp
cư đã vơi người, một phần người tị nạn có thân nhân đến đón về, một lớp nữa họ
tiếp tục xuôi Nam, những Thầy cô giáo cũng xôn xao nhiều vì người đi kẻ ở,
Từ làn sóng radio phát đi chương trình tiếng
Việt BBC Luân đôn, cho tin quân dân miền Nam đang …thua xiểng liểng, quá nhiều
nơí giặc chưa đến đã không còn người lãnh đạo? cơ sở bỏ tan hoang. Và đường phố
Nha trang đã có một lớp người mới đến, họ “hung hăng, dữ tợn” vô cùng. Với súng
đạn có sẵn trên tay, họ có quyền cướp xe, bắt phụ nữ và làm nhiều điều xấu, người
ta bảo “họ là toán lính” vừa đổ bộ lên bờ từ tàu hải quân cặp bến cảng Cầu Đá?
Chẳng ai dám ra đường thường xuyên nữa, trong số đó có tôi.
Tâm trạng hoang mang giữa đi và ở. Ở lại sẽ
như thế nào trước tin đồn quân giặc quá dã man. đàn bà con gái sẽ
bị “rút móng tay”, bị bắt đi làm “hộ lý” cho bộ đội, đàn ông con trai sẽ
bị bắt đi tải đạn, nếu lính tráng bị bắt, mạng sống sẽ không còn, nhiều tin rất
hãi hùng mà người thành phố phải để ý đến. Nhưng đi thì đi về đâu? bằng phương
tiện gì, nơi chốn nào để đến, hay cũng lang thang lếch thếch như những đoàn người
đang nối đuôi nhau trên quốc lộ số một kia. Cuối cùng Ba Má tôi chọn giải pháp
có chết thì cũng sẽ chết chung ở nhà mình, vì gia đình quá đông người, lại có
thêm mấy gia đình bà con ở vùng ngoài chạy vào tị nạn, mặc dù cá nhân tôi đã được người bạn sẵn dành
cho phương tiện để ra đi đêm cuối cùng của tháng ba khi đơn vị anh trở về căn cứ
ở miền Tây..
Buổi sáng ngày một tháng tư, sau khi đưa
người anh trai, nguyên là sĩ quan đang làm việc tại bộ Tổng Tham mưu, là một
trong những thành viên của phái đoàn về
Nha trang dự họp với tướng Ph. mấy hôm trước. Cuộc họp không đi đến đâu và cuối
cùng phải trở lại SG. Quang cảnh phi trường Nha trang hỗn loạn không thể tưởng
tượng nổi, cổng đóng, quân cảnh cầm súng lăm lăm, có thể nã đạn vào ai đó bất cứ
lúc nào, nếu không tuân thủ mệnh lệnh, người và người chen lấn nhau, người la kẻ
khóc, lớp trong lớp ngoài. May quá, anh tôi vào được bên trong vì còn “sự vụ lệnh”
và đang đi bên cạnh một ông quan lớn.
Tôi quay đầu xe trở về nhà mà lòng buồn
khôn xiết, chán nản tột cùng. Vừa về đến nhà, đã thấy người bạn phi công phản lực
vừa từ Phan Rang chạy về, anh hỏi tôi có muốn di tản theo anh không? vì không
còn nhiều thời gian nữa. Tôi từ chối và đang nói lời chúc Anh trên đường về Sài
Gòn được bình yên, thì người chị bà con xuất hiện, tôi đẩy chị lên yên sau xe
cùng đi với anh, và “tặng” chị chiếc khăn quàng Hướng đạo sinh tôi đang đeo
trên cổ để chị làm kỷ niệm. Tôi nhìn theo mà mắt cay cay, miệng vẫn lầm thầm cầu
nguyện cho hai chị em đến nơí an toàn,
dù gì, chị cũng từng là “chị kết nghĩa” của anh ấy.
Mới
tối qua, ngay phòng khách nhà tôi, vài ông Tá cấp cao, vài ông úy cùng ngồi “bàn
chiến sự”. Họ trấn an ba má và gia đình tôi rằng: cả nhà đừng có lo, nếu có
chuyện xấu xảy ra, thì “Đèo Cả” sẽ là lằn ranh quốc cộng, chia hai phần lãnh thổ
như Bến hải ngày xưa. Chúng tôi biết đó là những lời nói…vô thưởng vô phạt, nói
để có chuyện chứ họ cũng đâu biết gì hơn. Khi họ đi rồi, ruột gan tôi héo hon quặn
thắt, nhất là mỗi khi nghe tiếng máy bay cất cánh rời xa dần phi đạo xé nát không
gian, hay những tiếng trực thăng xành xạch rồi nhỏ dần về hướng biển…
Buổi xế chiều ngày một tháng tư, một người anh họ mặc đồ Lính đến gõ
cửa, anh vô nhà mà cánh tay đang quấn băng trắng dính đầy máu khô. Thì ra, lúc
di tản từ ngoài Tuy Hòa vào, cả đơn vị bị thất lạc hết, anh bị trúng đạn, tìm
đường về nhà tôi để buộc lại vết thương. Nhưng chưa ngồi yên chỗ, anh đã nhìn
dáo dác và bắt gặp mấy chị em tôi đang ngồi ủ rũ, anh hét toáng lên: "sao không
tìm đường đi đi, bấy giờ ở dưới phố đang hỗn loạn lắm, cả một đám tù nhân hung
dữ vừa phá cửa nhà tù và tràn ra đường cướp phá!"
Cả nhà tôi thất kinh, chưa kịp có phản ứng
gì, thì một người hàng xóm chạy về la toáng lên: "nhà ai có con gái lớn phải tìm cách trốn
đi, cả một đám tù ở quân lao vừa mới tràn ra đường, họ đang tủa ra nhiều đường
phố cướp phá đó.."
Không còn chần chừ nữa, ba tôi vội vàng dắt
chiếc honda 50 phân khối của tôi ra cửa, chiếc xe tôi vừa đưa anh tôi đi buổi sáng,
vẫn còn đầy bình xăng, chị lớn tôi chạy đi xúc vài ký gạo, em tôi đi bốc vội
vài bộ quần áo, cái mền, thế là 3 chị em phóng lên xe chạy vô Suối dầu, nơi ba
má tôi có mảnh vườn trồng nhiều cây
trái, với căn nhà nhỏ.
Trong cơn hỗn loạn, muốn tìm con đường sống,
tiềm năng sức mạnh trong mỗi một con người đã thể hiện, vượt qua những sinh hoạt
thường ngày mà không ai ngờ tới. Với cái xe nhỏ xíu, mang đến ba con người,
thêm gối mền gạo mắm, vậy mà tôi phóng rất
nhanh khi không có vật cản trên xa lộ số Một, rồi len lỏi, luồn lách qua một đoạn
đường dài lên Thành với hằng hà sa số xe cộ từ xe GMC, xe Jeep, xe hàng, xe
nhà, xe hai bánh đủ loại..… và một đoàn người gồng gánh, vai mang, gậy chống,
võng khiêng… rồng rắn nối đuôi nhau. Họ âm thầm lặng lẽ lách qua đoàn xe đang
nghẹt cứng trên đường.
quốc lộ 1 |
Lách mãi, tôi cũng qua được đoạn đường
Thành, đang dáo dác tìm lối lách nữa, bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Thì ra,
nguyên cả một đoàn xe của Trung tâm huấn luyện Lam sơn cũng trong đoàn người di
tản, và đang di chuyển nhích nhích nơi đây vì kẹt cây cầu đàng trước.
Chia tay với quí anh, những người đã từng
đem mồ hôi và nước bọt để huấn luyện cho những tân binh trước khi ra chiến trường
chống địch, giờ này cũng đang tham gia
vào cuộc di tản vô trật tự, một cuộc “tháo chạy” mà không biết sẽ ra sao ngày
sau????
Xe chạy và chen lấn mà chạy, qua ngang cầu
Lùng, một cảnh tượng thương tâm xảy ra, một xe Honda 90 phân khối, hình như chở
đến 7 con người ta lớn nhỏ(?), người tài xế bị lạc tay lái và ngã cái rầm, người
văng tung ra, nhưng chẳng mấy ai chịu dừng lại để giúp đỡ người bị thương, có
thể chết không chừng(?).Đoàn người cứ tránh qua mà chạy, coi như chẳng thấy gì.
Tình nhân loại, lòng nhân ái đã “bị bỏ quên” khi chính mình cũng đang đi tìm lối
sống? Hoá ra hình ảnh mấy hôm trước trên TV còn chiếu cảnh những người…đạp đầu
nhau để tìm một chỗ ngồi trên tàu di tản là chính xác. “Mạnh được yếu thua” đang
diễn ra mọi nơi mọi chỗ trên quê hương tôi? Và trong đó có cả chính bản thân
tôi. Buồn thật!
Cơn mưa chiều hung bạo, xối xả tự nhiên đổ
ập xuống. Mưa và gió đập rầm rầm vào mấy bức vách của căn nhà nhỏ, nơi chúng
tôi vừa đến chẳng bao lâu. Những hạt nước mưa nặng nề rơi xuống như muốn cuốn
trôi dùm nỗi uất nghẹn trong tim của những con người bất lực, đang thua chạy mà
không biết tại sao mình bị thua? Nhìn ra đường, đoàn người ướt nhẹp vẫn lóp
ngóp đi hai bên lề dưới cơn mưa, xe cộ vẫn chen nhau mà chạy, đoạn đường này
ngoài những khu vườn trồng cây với căn nhà nhỏ để ở tạm, không có nhà cửa hai
bên đường, nên người đi bộ không thể nào có chỗ núp mưa, nên họ cứ lầm lũi mà
đi, như những đám ma trơi mùa tháng bảy…(?)
Mưa tạnh bớt, một người nhà vườn bên cạnh
chạy sang, họ yêu cầu chúng tôi góp tiền mua chiếu để chôn hai người vừa bị xe
tông chết ở trên đường quốc lộ. Thương thay hai người Lính đèo nhau trên chiếc
xe Honda, và đã bị chiếc xe nào đó đụng phải, họ ngã xuống đường và chết liền tại
chỗ, máu loang đỏ cả mặt đường trộn lẫn nước mưa, Dù sao hai người Lính này vẫn
có được nén nhang cúng bái và nấm mồ dù chỉ đắp bằng đất, và cả tên tuổi ghi rõ
bằng những mảnh gỗ đóng trên đầu mộ.
Sáng ngày 3 tháng tư, ba tôi vào gọi các
con về vì “quân giải phóng” đã vào chiếm thành phố Nha trang hôm qua. Ba tôi nói
có một nhóm người đã ra tận đèo Rù Rì để đón mừng(?) và hú hồn vì chúng tôi
đã đi thoát đêm đó. Nếu ở lại nhà, không
biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi mà đám tù nhân hình sự, chuyên cướp của giết người,
lẫn những người tù “bất trị” ở quân lao họ túa ra đường phố, đến phá cửa những nhà
buôn nào họ nghĩ là có thể cướp được, nhà nào có con gái họ bắt để hãm hiếp. Về
sau có nhiều người kể lại, các cô gái phải chui trốn ở những nơi dơ bẩn nhất,
trên gác xép, dưới gầm giường, nhà xí v..v…Cũng hên là sau khi vơ vét được mớ
tiền của thì họ bỏ đi, cùng lúc, những căn cứ quân sự, những cơ sở chính quyền,
nhà dân bị bỏ trống, đã bị nhiều nhóm người khác nhau đến “hôi của” đốt phá.
Thành phố đã hỗn loạn giờ thêm cảnh điêu tàn, nhếch nhác..
Bấy giờ mới thật sự là những ngày hãi hùng
của “tháng tư đen” khi bộ đội miền Bắc đã đem xe tăng vào thành phố. Những chiếc
xe “molotova” kềnh càng, lù lù chạy ngang chạy dọc trên đường, trên xe chở đầy
những bộ đội mặc quần áo màu cứt ngựa và nón cối đội đầu, cả người và xe đều cắm
đầy lá như những “cánh rừng “ biết đi. Người dân bình thường đứng nhìn bọn “khỉ
rừng xanh” xuất hiện trong lo âu sợ hãi, trong khi những tên nằm vùng xuất đầu
lộ diện ăn mừng chiến thắng (?).
Giọng nói “chanh chua–chát chúa- the thé- sắc
lạnh” từ miền Bắc xa xôi nào đó truyền đi qua làn sóng đài phát thanh, với “bảy
điểm của ủy ban quân quản” cứ làm người nghe rờn rợn, nổi gai ốc cùng mình. Những
lúc ra đường gặp phải những bộ đồ màu cứt ngựa, đôi dép râu và cái nón cối mặt ngơ
ngơ ngáo ngáo, nhìn xiêng nhìn xéo trầm trồ, nói chuyện với nhau bằng thứ giọng
lơ lớ như người miền núi mà thở dài ngao ngán và tự hỏi: những người chiến thắng
đây sao?. Mặc dù người thành phố đã cải dạng, quần áo thường ngày đã đem giấu kỹ,
chỉ còn những bộ đồ đen đúa hoặc nâu đà, nhưng vẫn bị nhìn với cặp mắt soi mói,
ác cảm.
Chuỗi ngày tiếp theo thành phố bị tắt ngúm
đèn điện ban đêm, nhà nhà đóng kín cửa, leo lét ngọn đèn dầu. Tháng tư đen đúng
nghĩa. Thành phố trống vắng, hoang lạnh tiêu điều. Mới hôm nào những con đường
phố đông vui nhộn nhịp, những bộ quân phục từ các quân trường, từ nhiều đơn vị
về đây, trai thanh gái lịch dìu nhau đi trên phố, trên bãi biển những buổi chiều
lộng gió, phố xá sáng trưng, sinh hoạt tấp nập, giờ còn lại một thành phố chết,
vắng hoe. Đã vậy những tiếng súng phòng không được đặt khắp nơi cứ bắn lên nổ rền
trời, tiếng súng đại bác bay xé không trung, xé trời và xé cả lòng người. Buồn
đau và sợ hãi là tâm trạng của những người dân trong thành phố, dù mọi sách báo,
tài liệu, của cải hiếm quí đã đem dấu cất, phi tang.
Những tiếng máy bay ầm ĩ bay trở lại thả
bom vào mỗi đêm, nơi đã bị bắt buộc phải treo cờ “Mặt trận giải phóng miền Nam”.
Những tiếng nổ long trời lở đất cứ dội lại, rền ra xa, những giấc ngủ chập chờn,
khi trên đài phát thanh “quân giải phóng” ra rả loan tin “bọn Mỹ Ngụy” càng
ngày càng thất trận. Lệnh của “uỷ ban quân quản” ban ra: “cách mạng sẽ khoan hồng
nếu quân dân cán chính Mỹ Ngụy ra đầu thú”. Một người anh họ, chỉ là một “cán bộ
xây dựng nông thôn” của một xã ngoài Phú yên, chạy vào nhà tôi tạm trú, ba má
tôi lo sợ đã bảo trốn đi vào Nam, nhưng vì nghe lời gia đình của vợ bảo ra
trình diện sẽ được “khoan hồng”, bị “cách mạng dẫn độ” về T.Hoà và bị chặt đầu
không chút nương tay. Ngày liệm xác phải chờ xin lại.. cái đầu bị chặt để ráp lại cho nguyên vẹn hình hài. Có người
thanh niên ăn trộm vặt vì đói quá, bị “bộ đội” bắt đem ra bãi biển “xử tử” để
làm gương, dù người bị mất cắp năn nỉ van xin bộ đội khoan hồng đừng xử bắn.
Nhưng những con người vô cảm vẫn thi hành mệnh lệnh. Người dân thành phố cảm nhận
được nỗi mất mát tột cùng nhưng không biết làm gì hơn.
Những Thầy Cô giáo như chúng tôi, vào những
ngày sau đó, buổi sáng bị bắt buộc phải trở lại trường để “học tập chinh trị”. Nhưng buổi chiều, cứ khoảng
hai giờ là leo lên xe đạp, đèo theo chiếc mùng và vắt cơm nguội, đạp xe lên tận
trên Thành, hoặc khu Đại điền xin ngủ nhờ qua đêm, chọn những gia đình có “hầm
trú ẩn”. Vì cha mẹ già sợ bom đạn từ máy bay “Mỹ Nguỵ” của đám “giặc lái” trở về
thả bom, tai bay hoạ gửi chẳng biết đâu mà tránh.
Dù đã đi khỏi thành phố, nhưng nhiều khi
đang ngủ chập chờn, còi báo động rú lên liên hồi, dai dẳng đến rợn người, thế
là ba chân bốn cẳng phải chạy chui vội xuống hầm, ngồi bó gối chờ cho đến sáng,
khi biết chắc rằng “máy bay Nguỵ” không còn trở lại thăm viếng tặng bom.
Hỡi ơi! Khi “tháo chạy”, những người “có
thẩm quyền” đã không chịu hủy bỏ những gì cần hủy, như tài liệu văn phòng, những
hồ sơ cần thiết, hay những cây cầu chiến lược để xe giặc khỏi đi qua. Giờ đã lọt
vào tay giặc, họ ra lệnh đem bom về thả chính nơi họ vừa mới bỏ ra đi. Thành phố
như đã chết, giờ càng ghi đậm thêm nỗi chết, khi quá nhiều nơi “ăn” bom đạn của
chính quân mình, từ ngoài xóm Bóng, đến đường Tô hiến thành, và cả ngôi trường thân
thương của chúng tôi cũng lãnh nhiều quả đạn. Gia đình một người "chạy giặc" chưa
kịp tìm phương tiện trở về lại quê xưa, thì người vợ trẻ và đứa con trong bụng
đã chết tức tưởi ngay trong phòng học vì quả đạn trúng sập căn phòng .
Buổi sáng trên đường đi đến trường để dọn
xác chết và gạch ngói ngổn ngang, chiếc xe đạp cà tàng của chị bạn bị đứt dây
sên, hai chị em vừa dắt xe chạy mà vừa khóc vì đường vắng đến lạnh người, lại tủi
thân, xót phận của người bỗng chốc thành kẻ thua cuộc, lại phải đi ngang qua
khúc quanh trước cửa trường Nữ trung học, nơi có ba xác chết nằm sấp đó thật
hôi thối, mà chưa có người dọn dẹp khiêng đi mai táng….
Thú thật hồi đó cứ mỗi một đống gạch vụn
khiêng đi đổ, là khiêng đổ cả mồ hôi và nước mắt, nhưng đã giữ lại trong tôi nỗi
đau và sự tức giận đối với những người vừa là bạn, là phe mình mới hôm qua. Những
quán ăn Thọ Lộc, Hoài Linh còn ấm cái ghế ngồi, chẳng lẽ hôm nay đã trở thành…thù
địch?. Thương và giận luôn giằng co theo từng bước chân đi. Bao nhiêu ngày của
tháng tư đen, là ngần ấy ngày chúng tôi sống trong lo âu sợ hãi, khủng hoảng
tinh thần. “Cách mạng” luôn đưa người đến tận nhà “bắt buộc” các thầy cô giáo phải
đến trường, nhưng có lúc mới đi đến giữa đường đã phải chạy về vì tiếng súng
phòng không nổ đụp đụp liên hồi. Mãi đến khi trên làn sóng đài phát thanh chát
chúa oang oang “Mặt trận lâm thời giải phóng miền Nam thông báo là quân dân ta
đã chọc thủng chốt cản của Mỹ Ngụy tại phi trường Phan Rang và đang tiến nhanh
theo gót bọn chúng đang tháo chạy…” thì không còn nghe tiếng ù ù của “những
chuyến bay đêm!. Nhưng ngoài nỗi đau, sự hoang mang sợ hãi giờ mang thêm niềm
thất vọng tột cùng.
Ôi
tháng tư đen! đời đen như cục than đen bắt đầu từ những ngày tháng đó. Cho đến
một ngày cuối tháng tư cả nước cùng nghe chung một tiếng loa của “phe thắng trận”
với “đại thắng mùa Xuân”! Những ngày mà “đôi
dép râu dẫm nát đời son trẻ, nón tai béo che khuất nẻo tương lai ” bắt đầu
một chế độ mới. Tiếp theo là những ngày ăn cơm độn với gạo mục, bo bo, mì sợi,
với mỗi tháng một cái tem phiếu đi cửa hàng lương thực chờ chực cả ngày mới mua
được vài ký rau muống….. Người thì bị đi tù mút chỉ không biết ngày ra, quá nhiều
gia đình ly tán. Người tuổi trẻ bị bắt vào đội “thanh niên xung phong” lên rừng
chặt cây lồ ô, đi lao động khổ sai tiếp diễn, chịu bao nỗi khổ ảỉ đắng cay. Đã
vậy thêm lớp người mới mang băng đỏ, chuyên đi lùng sục bắt bớ những người “chưa
chịu tuân thủ” lệnh của chính quyền mới, vào nhà vơ vét tài sản của dân lấy cớ tịch
thu “sản phẩm đồi trụy của Mỹ Nguỵ” đã tạo thêm nỗi kinh hoàng cho những người dân
vừa bị đổi chủ…, những tháng ngày không thể nào quên, và mãi mãi không dễ gì
quên….
Lê Thị Hoài Niệm