Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013
Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013
đầu xuân hoa Đào nở
Thức dậy ra vườn lúc bình minh
Nhìn hoa tim tím gợi bao tình
Đón mừng Xuân đến hoa Đào nở
Rực rỡ tươi hồng dưới nắng xinh
Cắt nhánh hoa tươi cắm vào bình
Trước giờ chờ "tống cựu tân nghinh"
Giữa gian phòng khách hoa khoe sắc
Ngồi ngắm hoa, "chẳng uổng công mình" !!!!!!
Nhìn hoa tim tím gợi bao tình
Đón mừng Xuân đến hoa Đào nở
Rực rỡ tươi hồng dưới nắng xinh
Cắt nhánh hoa tươi cắm vào bình
Trước giờ chờ "tống cựu tân nghinh"
Giữa gian phòng khách hoa khoe sắc
Ngồi ngắm hoa, "chẳng uổng công mình" !!!!!!
Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013
MÌNH ƠI!
Ông Tá cầm cái vợt tenis lên, đi tới đi lui trong phòng, đi hoài cũng mỏi nên ông ngồi phịch xuống ghế, đưa cái vợt lên ngang tầm mắt, sờ sờ, vuốt vuốt rồi lại bỏ xuống bàn. Ông đến tựa cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thở dài thườn thượt. Cơn lạnh bất ngờ làm mọi thứ ngoài đường đông đá đã làm cản bước chân ông, buổi hẹn sáng nay coi như đi đứt. Ông cầm cái điện thoại, định gọi lại ông bạn già, nghĩ sao ông lại bỏ xuống rồi tự nhủ: “chắc hắn cũng nóng ruột như mình!” .
Thời tiết mấy năm gần đây có quá nhiều thay đổi, lúc cần nắng thì mưa, lúc hạn hán thì chờ hoài không thấy một giọt nước, và mấy bữa nay có lạnh thật, nhưng gần cuối mùa đông rồi, tự nhiên đêm qua trở lạnh ngang xương, xuống dưới mức đông đá, mấy cây cảnh ngoài vườn cứ như có nhũ thạch treo lơ lửng, lưng chừng, đẹp thì có đẹp thật, nhưng đường sá nguy hiểm vô cùng, xe chạy gặp nhằm vùng nước đông, cứ tự nhiên quay tít, không thắng nào giữ lại được, nên xe cộ đụng nhau lia chia, nhiều khi tài xế còn …đi thẳng mà không kịp có lời trăn trối, đài TV cũng có kêu gọi, nếu thấy không cần thiết, dân chúng cố gắng tránh đi ra đường.
Gọi đi đâu còn khó khăn, chứ rủ nhau ra sân Tenis, cứ y như rằng mấy ông khó từ chối, nơi “quần hùng tụ hội” mà! Ông nào ông nấy cứ giống như mấy anh thể tháo gia còn trẻ, cũng quần soọt, cũng áo thun có hiệu cá sấu, cũng giày “Nai-ki-e”, có ngài còn thượng lên cặp kính râm, dù rằng đôi mắt nhìn đời đã thấy... mờ mờ, ảo ảo.
Chính ông nhìn ông nhiều khi cũng bật cười hích hích, ha ha… Đã mang vào người hình ảnh thể tháo gia, mà thân hình lại không còn phát triển đều đặn, cái bụng cứ…chỉ huy cái ngực, cái ..mông thì teo, khổ người thì tóp lại, khằn xuống, trông chẳng oai vệ tí nào, đã vậy lâu lâu bị bà vợ già cầm hai cái muỗng gõ nhịp rồi hát oang oang: “ngày nao khi đất nước hết binh đao, giữa đoàn hùng binh có anh đi …cuối hàng, trở về thành đô dắt nhau đi ăn …mì tô!”…”
Nói nào ngay, từ ngày làm thân tị nạn, ngoài nỗi buồn xa xứ, nỗi nhục mất tất cả một cách ngang xương, sang xứ người phải làm quần quật để đủ tiền trả bill nhà, điện, nước, tiền nuôi con cái ăn học …, niềm vui còn lại của ông là mỗi cuối tuần được gặp lại bạn bè thân sơ đủ cỡ. Không giống như ngày xưa ở bên nhà, nơi “quán cốc bên đường” sẽ là chốn tụ hội của đủ mọi tầng lớp, nơi thu thập tin tức từ mọi nguồn, nơi mà đủ loại tin ..từ thành đến tỉnh đều có cả, tin chó cán xe, tin vợ chồng thiên hạ uýnh nhau chỉ vì ông chồng đi đêm không về, tin “bà lớn” đi uýnh ghen lộn người, may nhờ có …trực thăng vận đưa đi nên rước mau mới…thoát nạn, tin anh chàng trai mới lớn bị bồ bỏ, bèn nhảy xuống cầu Bình Lợi tự tử, nhưng không thể chết được, vì anh là …thợ lặn!
Nhưng bên này thì khác, đâu phải chỗ nào cũng có quán cốc để ngồi. Có những quán cà-phê, thì đèn mờ mờ- ảo ảo, con mắt kèm nhèm như quí ông mà nhìn mấy em bé ăn mặc… thiếu vải, cứ đi tới đi lui mang cà-phê-thức uống ra bàn, nhìn riết khỏi thấy đường luôn. Lại nữa, trong quán cà phê có nhạc xập xình, còn có máy game chạy xẹt xẹt, đâu phải nơi chốn để ngồi chuyện vãn. Chỉ có một chỗ sáng sủa, sạch sẽ, nói chuyện không bị ảnh hưởng đến âm thanh đối với ông từ lâu: đó là sân tenis.
Không biết những sân khác thì sao, chứ nơi ông thì vui đáo để, chuyện chi đâu cũng đem ra đó thông báo, kháo nhau, bàn tán xôn xao, thêm vào đó dạo này có nhiều nguồn tin chuyển rất mau từ những trang net, (những chuyện thời sự, tin tức đã có những đài THVN phổ biến thừa thãi nên khỏi bàn) từ chuyện “hoa hậu bà bà” vừa đi tu nghiệp bên Nhật bổn về để làm giám đốc công ty….bán vôi, chuyện bà Năm ròm ở vũ trường đang lả lướt những “bước tango lẻ loi” trượt chân té nguyên con, làm lệch ngay cái sóng mũi mới nâng cao tầm vóc, chuyện chị Helen mới đi về VN cắt mắt nâng mí sao đó, về lại Mỹ mà nằm ngủ cứ rên hừ hừ, ông chồng nghĩ vợ bị đau, nhìn sang thấy bà mở mắt thao láo, ông thất kinh hồn vía bò xuống giường nên té cái rầm, giờ đang nằm trong nhà thương. Chuyện chị Ét-sờ mới gắn thêm “nút ruồi di tản”, khi thì ở môi trên, khi ở cằm dưới, nghe đâu bị bè bạn chọc quê, nên đã lặn thầm theo điệp viên không không thấy. Nào là chuyện ông Ba Biệt ly chuyên môn chơi chó, nhưng lại bị chó …cắn rách túi quần, chuyện hai Hăng rết chuyên chơi đua ngựa, mà lại bị ngựa đá giò lái trúng nhằm hàm răng giả gãy mấy cái…, ôi thôi không thiếu chuyện gì từ thượng vàng hạ cám…
-Mình ơi , mình à!
Bị bà vợ gọi, ông Tá giật mình đứt ngang dòng hồi tưởng
-Lại chuyện gì nữa đây?
-Bữa nay là ngày đưa ông Táo về Trời, ông nhớ chuẩn bị bàn thờ đầy đủ để mình còn cúng đưa nhen ông!
-Táo đâu nữa mà bày đặt cúng kiếng!
Ông Tá lầm bầm trong miệng chứ chẳng …dám nói to. Lúc này ông coi mòi hơi lép vế, nhiều lúc cứ phải thầm nhủ chìu vợ một chút cũng chẳng sao. Dầu gì cái màn đưa Táo quân dzìa trời cũng chỉ là một phong tục từ xưa lắm rồi, bây giờ một số người vẫn còn giữ lại- trong số đó có bà vợ của ông, cũng chẳng thiệt hại gì nhiều, ngoài việc tốn một ít tiền cho bữa cúng và mua áo quần cho Táo... Dù sao bà vợ ông cũng chứng tỏ là một người vợ tốt, một người mẹ hiền. Có cúng có đưa, Táo quân mới giúp bà hoàn thành được bữa cơm ngon cho gia đình, mặc dù thời buổi này nấu cơm toàn bằng ..nồi điện, cái lò nấu cũng bằng điện đẹp như mơ, nhìn vào thấy thẳng băng, đến khi bật điện lên mới thấy lò đang đỏ, khỏi phải đổ dầu vào, hay đốt củi lên mới nấu được nồi cơm.
Tuổi về già mà có hai vợ chồng để hủ hỉ là quá may mắn, tuy có con cái cháu chắt đầy đàn, nhưng mỗi người con khi đã trưởng thành đều có đời sống riêng, quan niệm sống riêng, đâu có thời gian “chia xẻ” hết những tâm tư tình cảm của cha hoặc mẹ. Nhưng có nhiều ông “ cắc cớ” ly dị bà vợ từng là đầu ắp tay gối bao nhiêu năm, để về bên nhà VN, cưới mấy đứa ..con nít choai choai, khi đem sang được bên này hiếm lắm mới có một cô ở với …ông ngoại, còn bao nhiêu cô dù chưa tới đủ hạn để ly hôn, chúng đã cao chạy xa bay theo người yêu trẻ, để quí ngài ngồi vuốt râu mà cất giọng ồ ồ, mệt mỏi: “Tôi đã lầm đưa em sang đây, để từng đêm cất tiếng thở dài…”
Ông Tá già ngồi nhìn lên bàn thờ khói nhang nghi ngút, trên bàn đã phủ tấm khăn trải màu đỏ (cho có vẻ gần…Tết), được bày biện một bình hoa, một mâm hoa quả và chè xôi để cúng, bên cạnh là một mớ giấy tiền, vàng bạc và y phục…Táo quân, để táo mặc đàng hoàng, trước khi đằng vân giá võ về Trời chầu Ngọc Hoàng thượng đế mà trình tấu các việc dưới trần gian.
Nhìn ánh nến lung linh, khói hương vương toả, ông Tá thấy cõi lòng có chút nhẹ nhàng, thanh thản. Đang ở xứ lạ, quê người, dù là ngày tư ngày tết, ngày giỗ quải hay đám tiệc, nếu lỡ rớt vào những ngày giữa tuần , người mình cũng phải chờ đến thứ bảy , chủ nhật mới là ngày NÊN. Nên: “tắm gội, xuất hành, đính hôn, gả cưới, khai trương, họp bạn, mua nhà, an táng, kiện cáo, giao dịch, tu sửa, động thổ, động quan, quét dọn nhà cửa…”còn mọi ngày khác coi mòi phải…Cữ.!
Nhưng hôm nay, ngày 23 đưa ông Táo về trời, Bà vợ già của Ông đã “tranh thủ”sắm sẵn mọi thứ cần thiết, cùng nhau đưa tiễn Táo quân về Trời cho kịp giờ trình tấu với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Làm gì thì làm chứ Táo đi về trển mà bị trễ là không được, chỗ của Trời không xài giờ cao su! Ngài mà đã thượng toạ lên “Long sit” rồi thì bá quan văn võ, Táo ông, Táo bà phải ứng hầu đủ mặt. Ngài xỉ tay vào vị nào là vị đó phải lập tức bẩm báo ngay.
Cái mục triệu tập Đại hội lúc 4 giờ mà đến 6 giờ mới khai mạc chắc chẳng xảy ra đâu “THÌ GIỜ LÀ VÀNG BẠC “ mà! Không giống đám cưới, đám tiệc dưới trần gian này, gia chủ gửi thiệp mời lúc 6 giờ chiều, mà đám nào đám nấy cũng hơn 8 giờ tối mới bắt đầu…diễn văn khai mạc, có đám còn phải có “Cha” làm lễ rồi mới “ban phép” nhập tiệc, dù thực khách bên dưới có nhiều Tôn giáo khác nhau, báo hại kẻ nào đi đúng giờ là cứ y như rằng “ngồi lâu tăng kể- khíu chọ” ( ngồi lâu tê cẳng-khó chịu), và cô dâu , chú rể, gia đình hai họ thì đứng mỏi cả chân, ngóng dài cả cổ, mà người đi trễ vẫn cứ ung dung đi trễ triền miên, thiệt là THIỆN TAI! THIỆN TAI.
Nhang gần tàn, tới màn đốt giấy tiễn đưa, nhìn chiếc áo Táo quân mà chẳng có…quần , ông gẫm cười mà chẳng hiểu vì sao? Thiệt tình người nào khởi thủy bày ra tục lệ đưa ông Táo về trời lại chơi cắc cớ, bắt Táo nhà ta khoác áo mà không cho …mặc quần, hổng hiểu lúc lơ lửng trên trời cao, Táo nhà ta có cảm thấy lạnh cẳng? Nhưng biết làm sao hơn, bây giờ nếu nhà nào tử tế, may thêm cho Táo cái quần, chưa chắc Táo đã thèm mặc, vì hổng …giống Táo, lại gây thêm thắc mắc cho Ngọc Hoàng thượng Đế.
Thấy mình đã hoàn thành công tác đưa ông Táo về trời, ông tá già ngã người ra ghế cất giọng hò ơ:
Hò ơ!
Một lo đất thấp hơn trời
Hai lo ông Dượng bà Dì lấy nhau
Ba lo Trăng sáng hơn sao
Bốn lo bà Vãi, Thầy Chùa đi tu
Năm lo đường có ruồi bu
Sáu lo trường có lu bu học trò
Bảy lo….
Bị bà vợ già cười lên ha hả nên ông Tá ngưng ngang.
-Mình ơi! Mình lo gì mà tức cười vậy? bà vừa cố nín cười, vừa hỏi.
-Thì bắt chước ông bà đi trước lo vậy mà, đâu phải tui sáng tác ra đâu.
-Bộ quỡn lắm sao mà lo chuyện đất thấp hơn trời?
-Thì lo chuyện đáng lo nhiều quá rồi, bây giờ quỡn quỡn một chút thả hồn đi lo chuyện …thiên hạ cũng là chuyện nên làm thôi mà.
-Thôi đi ông già ơi! Hãy cứ lo chuyện sống vui, sống khỏe, sống sao cho đàng hoàng, tử tế để làm gương tốt cho con cháu trong nhà, và đóng góp việc làm tốt cho xã hội mình đang sống là điều đáng quí rồi, con người coi vậy mà cũng rất nhỏ bé trước thiên nhiên, trời đất đó nhé. Mấy chuyện ông lo đúng là lo cho bò trắng răng. Thôi làm ơn đi lo… lui đèn trên bàn thờ cúng, phụ tui một tay lo bàn ăn để mấy đứa nhỏ chút ghé về ăn cúng, coi bộ có lý hơn..
-Vậy ngày mai bà có nấu cơm không ? đưa ông Táo dzề Trời rồi. còn ai lo …bếp núc?
-Ông đừng có chọc quê tui à nha, cúng đưa thì cúng cho có lệ chứ …nấu thì vẫn nấu như thường, trừ trường hợp ông …chê cơm, thích ăn phở ngoài tiệm, lúc đó tui đây mới khỏi vào bếp…
Thơ vui tặng NXV, HN, TN
"Một người đi giữa hai người"
Lái qua lái lại trúng người nào đây?
Hoài Niệm "may cắt" mắt cay
Tuyết Nga "cầy đất" cất đầy trong tim
Một năm sau chửa hết tìm
Chuyện xưa còn nhắc chi thêm nhớ người!
Người từ Xứ Vạn xa xôi?
Mùa xuân con Rắn vẫn ngồi chép thơ
Chiều trên xứ Úc xa mờ
Bạc đầu sóng vỗ biết mô mà mò?
Mai về thăm lại Mỹ Tho
"Tô đây" xin gởi Tây Đô chút tình
"Xá như" biết Xứ Nha mình
"Vịnh Nan" cùng với Vạn Ninh một nhà
Thì vào Châu Đốc "Cầu Ma"
Cà Mau "bìa rạ" đến Bà Rịa chơi
"Một người đi giữa hai người
Disney lộng gió tơi bời chiều nay"
Củ Chi chỉ hướng đi này
Hốc Môn hôn gió vẫy tay giã từ
Mai về Đà Lạt sương mù
Nha thành có Tuyết Phan dù vài đêm
Cầu mong chân cứng đá mềm
Đi hoài đi mãi đi lên xứ Phà-
Ca ra Hà Nội, Sapa
Rồi vô xứ Huế, Ninh Hòa, Hà Tiên
Sửa sang nấm mộ mẹ hiền
Thăm anh, thăm chị, thăm em dãi dầu
Con đường vạn lý về đâu?
Đi hoài bạc cả mái đầu chưa xong
Nghìn năm còn đó bềnh bồng
Mây trời phiêu bạt long đong giữa trời
Một người đi giữa hai người
Con đường thiên lý tơi bời bụi bay...
Vinh Hồ
Cảm ơn thi sĩ Vô Hình
Vinh Hồ hợp với Văn Thinh tuyệt vời
"Một người đi với hai người"
Tây đui cũng nhớ luôn cười.. tui đây
Đốc-Thinh đúng là Bậc Thầy
Lờ tham tuyệt bút từ ngày làm thơ
Cho chúng tôi chuyện bất ngờ
Cười thôi quên mệt, trong ...mơ còn cười
NXV, Tuyết Nga ơi!
Một người đi với mấy người bạn tôi?
Bi chừ người ở mỗi nơi
Nhắc lại chuyện cũ chơi vơi tiếc hoài
Vẫn mong có một ngày mai
Không phải là một mà hai ba người
Trào phúng trùng pháo nổ chơi
Mần thơ pháo tống viết lời phá nhau
Dù mai tuổi hạc héo nhàu
Nhắc chuyện "lái gió" hôm nào do đâu?
Bi chừ cũng lái,.....phát rầu
Hai vế đều lái chắc.... đâu cái điền
Hỡi ai đang ở non tiên
Làm ơn xuống thế tới miền Flo-Đa
Tặng cho thi sĩ nhà ta
Câu đối thật chỉnh, món quà đầu năm
Rồng đi Rắn đến chơi khăm
Khánh Yên chơi đố khiến anh cạo đầu
Anh Sơn chẳng chịu..cạo đâu
Cậu đao cao đậu chào nhau ...chạy dài
hoài niệm...
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)