Vượt cả một đại dương mênh mông để trở về nhà.Về nhà! Nghe sao thương yêu trong từng kỷ niệm. Đi đâu rồi cũng phải trở về nhà, dù rằng cuộc ra đi với muôn ngàn điều kiện tốt đẹp như một cuộc du lịch xa, ở hotel hạng năm bảy sao, tới những toà biệt thự sang trọng, nhưng vẫn không phải của mình, vẫn mong trở về nhà. “No place like home”! người phương Tây cũng đã có cùng quan điểm đó.
Nhà nào bằng nơi chốn mình được sinh ra và lớn lên với muôn vàn kỷ niệm. Đi và về, cái vòng lẩn quẩn quấn quanh trong cuộc sống. Có những ngườì rất muốn quay về nhưng đã không còn cơ hội, không còn những thân tình để tìm lại chút thương yêu, và căn nhà xưa đã không phải của mình nữa rồi.
Và tôi đã trở về, về để thăm lại mẹ cha với thân xác đã nằm yên trong lòng đất lạnh, khi những đứa con đang ở xa ngút ngàn, cũng vì hoàn cảnh của thời thế. Thương cho ba má tôi, suốt cả một đời lo lắng, nuôi nấng, dạy dỗ cả một đàn con, khi đám con trưởng thành, lại cưu mang cơm nước cả một bầy bè bạn của con, những người trai mặc quần áo lính từ quân trường Lam sơn- Dục Mỹ, hy sinh tất cả cho con, nhưng những ngày cuối đời, đến cận kề bờ tử sinh, ngay khi trút hơi thở cuối cùng, bên cạnh chẳng còn ai
Buổi chiều, sau khi cúng cơm cho Ba tôi sau 49 ngày người mất, những nén nhang chưa tàn, và những người thân trong gia đình còn tụ tập bên bàn nói chuyện về người đã mất, thì có tiếng gõ cửa. Khách đến.
Người đàn ông buớc vào không có chút gì ngỡ ngàng, như có gì quen thuộc và biết trước mọi việc đang xảy ra, ông xin đưọc thắp nén nhang để cầu nguyện cho người đã khuất sớm được siêu thoát.
Chị tôi chào đón ông và ngỏ lời cảm ơn đã vì người quá cố mà đến. Không phải vì tò mò, nhưng lịch sự tối thiểu cũng phải biết tên để cảm ơn. Bỗng ông quay lại nhìn tôi cười cười và hỏi trổng: quên rồi sao?
Tôi khựng người- quên! Làm sao quên được. Người đó sao? Đã gần ba mươi lăm năm rồi, từ ngày tan đàn xẻ nghé, tôi gặp người lần cuối cùng trên bước đường di tản, người đi theo đoàn xe của trung tâm huấn luyện Lam Sơn, còn tôi, trên chiếc Honda 2 bánh chạy về trang trại trong Suối Dầu để trốn tránh những người tù vừa thoát khỏi những trại tù ở Nha trang. Gặp nhau trong bất ngờ, nên chỉ biết cầm tay, khóc chào từ giã, biết nói gì khi hoàn cảnh đẩy đưa, người đang làm nhiệm vụ người Lính chưa mất đơn vị , và Dục Mỹ-Nha trang quá cách trở trong những ngày chộn rộn, làm sao người có thể về thăm một lần cuối…
Và chúng tôi xa nhau từ đó, đến khi tôi vượt biển vẫn không có tin tức của nhau, mãi đến hôm nay.
Từ khi chọn nhiệm sở là trường Phong ấp- Ninh Hoà, tôi bỗng dưng thành một “tay chơi vũ cầu” thật xuất sắc. Thường thường mỗi buổi sáng, chúng tôi đến trường sớm hơn thường lệ, chỉ thỉnh thoảng xe đò bị hư gì đó mới đến trễ, tôi và Thầy M, dạy cùng trường, nguyên là một vận động viên thể thao của vùng hai duyên hải, Thầy rất giỏi các môn thể dục thể thao, thế là Thầy làm “huấn luyện viên” môn vũ cầu cho tôi, tôi chỉ có việc cột hai vạt áo dài lên, và với…chân đất tha hồ chạy đỡ banh, mặc cho mồ hôi đẫm ướt áo, tính sau. Có khi đến giờ học trò làm bài tập, chúng tôi cũng chạy được ngoài sân.
Ông Trời chơi khăm, buổi sáng đó, trong khi tôi đang cột vạt áo và đang chạy ướt đẫm mồ hôi, thì có mấy chiếc xe Honda chạy vào sân trường, và mang theo xe là những người Lính. Họ đến từ quân trường Lam sơn-Dục Mỹ và tìm cô giáo T, họ là bạn của anh trai tôi. Trời đất quỉ thần ơi! Cái cô giáo đang vắt ngang vạt áo dài, quần thì ống xăn ống xổ, người thì ướt đẫm mồ hôi mà đi tiếp khách sao trời? Nhưng đành phó mặc, ra sao thì ra.
Vậy mà người Lính đó đã để ý đến cô giáo quái gỡ, thích chơi thể thao kia mới chết chứ. Để rồi sau đó , hình như đoạn đường Dục Mỹ- Ninh Hoà được thâu ngắn hay sao đó, mà người cứ xuất hiện ở trường tôi hoài , đến nỗi thầy hiệu trường Ng. cứ than vui “trường mình có …lính Canh!”
Cũng bởi tôi có máu văn nghệ trong người, từ năm học đệ thất, má tôi đã cho tôi học đờn măng-đô-lin, rồi sau đó lại học ghi-tar, nhưng cứ bị ..thầy gõ tay hoài, nên tôi đã bỏ ngang xương, dù mới biết có chút chút. Nhưng máu văn nghệ vẫn còn tiềm ẩn, khó mà dứt bỏ, nên chi khi người Lính biểu diễn ngón đàn thật lả lướt, với giọng hát thật truyền cảm, truyền qua ánh mắt biết cười, chỉ có …nữ tu may ra không xao xuyến, chứ đứa con gái mới lớn bình thường như tôi bị …hút là chuyện đương nhiên..
Tôi có dịp đi Dục Mỹ nhiều lần sau đó, con đường bỗng nên thơ, trữ tình chi lạ. Với đám đông các người sĩ quan huấn luyện viên quân trường, có cả anh tôi, tôi đã là “hành khách” trên chiếc xe Lambretta của người Lính, nên dù nắng có gắt, gió có thổi hắt vào người từ những đám bụi của cơn trốt buổi xế trưa vừa cuốn qua, tôi vẫn không cảm thấy phiền hà, khó chịu vì tình cảm dành cho người Lính đã vượt qua những gió cát của đoạn đường.
Má tôi thương bạn của con thật đó, nhưng để cho con gái bà về “nâng khăn sửa túi” cho mấy ..chàng lãng tử, coi bộ bà không vừa ý mấy. Bà vẫn dạy rằng “ con mà lấy nó, cái thằng ăn chơi, đờn địch ca hát kia, mai mốt có đường…bốc mắm mà ăn con ạ!”…
Từ khi đổi về lại Nha trang, con đường Ninh hoà - Dục Mỹ đã không còn thường xuyên đón bước chân tôi, hoạ hoằn lắm mới cùng các bạn tôi đổ đường về thăm lại, khi phải làm “hướng dẫn viên” cho một cô bạn nào đó đi thăm chàng “Sĩ quan huấn luyện” mới quen. Con đường có xa hun hút nhưng tình cảm của tôi dành cho người Lính năm nào vẫn níu chặt bên đời, dù má tôi có ý cản ngăn, mãi đến khi ….
Bây giờ người xuất hiện nơi đây , vẫn ánh mắt biết cười dù thời gian và hoàn cảnh sống có làm người già đi, nhưng không đến nỗi. Đã có một bức màn vô hình ngăn cản, nên chúng tôi chỉ nhìn nhau và hỏi chuyện bâng quơ về đời sống của mỗi người sau ngần ấy năm dài không gặp lại, và lý do người đến hôm nay.
-Đã có lần anh trở lại Dục Mỹ, muốn về thăm lại căn nhà trọ năm xưa, quân trường thì đã xóa sổ rồi, muốn nhìn con suối nhỏ chảy róc rách sau hiên nhà…, nơi có quá nhiều kỷ niệm của cả một đám bạn, và em.., nhưng tất cả đã không còn nữa. Anh về qua đó thấy buồn đến nẫu người ra. Không còn một người quen, không có căn nhà nhỏ, dĩ nhiên không có cả tiếng cười, tiếng đàn, giọng hát. Bây giờ tất cả đều xa lạ, có cả những căn nhà lầu chắn ngang tầm mắt, dòng suối thì xác xơ, dơ bẩn, cuộc sống ồn ào, người người hối hả….Lần đó anh đã ngồi ngang cầu mà khóc, thiên hạ nhìn chắc nghĩ anh là “ông già điên”. Anh giở bức hình mình chụp với nhau năm xưa, bức hình anh mang theo mãi bên cạnh cuộc đời anh, anh ngắm nhìn mãi và cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ, nhưng biết là chẳng bao giờ mình có lại được những ngày vui ấy nữa….
Anh ngồi kể chuyện đời anh sau những tháng ngày nghiệt ngã, khiến chị em tôi cứ mãi sụt sùi. Bỗng chị tôi phán một câu làm chúng tôi chưng hửng: “À cậu Ph. đây phải không? May quá, hồi xưa má chị hay la: con T. mà lấy nó chỉ có nước bốc mắm mà ăn! T à , em …may lắm, nên không phải ăn mắm đều đều!” khiến cả nhà cười vang, chắc Ba tôi cũng đang nhìn xuống chúng tôi ngạc nhiên tự hỏi: sao chúng nó vừa khóc vừa cười?
Người Lính năm xưa chào từ giã ra về, không quên cho tôi xem lại bức hình năm cũ. Dù tôi có ngỏ ý xin làm kỷ niệm, nhưng người Lính đã ngần ngừ và cuối cùng từ chối thẳng: anh đã giữ nó trong ngần ấy năm dài, hãy để anh giữ mãi bên đời , đến khi xuôi tay nhắm mắt. Em còn có một gia đình êm ấm, hãy giữ lấy gia đình của mình, đừng nghĩ gì đến bức hình cũ năm xưa…..