Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

BỘ ĐỒ LÍNH


(Quân chủng Không quân diễn hành tại Houston)

Tự nhiên bà Tá trở thành một khán giả bất đắc dĩ. Ngồi trong góc nhà nhìn ông chồng già “súng sính” trong bộ đồ Lính cũ đi tới đi lui mà bà cảm thấy sao sao. Chính bộ quần áo đó mới ngày nào làm tăng thêm vẻ hào hùng, oai dũng, hiên ngang của một người “trai thời loạn”, đã làm xao xuyến tâm hồn người thiếu nữ trẻ, mỗi lần người Lính xuất hiện ở cổng rào.

Thời đó có ông nhạc sĩ(hay bà?) đã viết lên bài hát :
Sáng chủ nhật rồi Anh đi Lính không tới nhà thăm Em, chắc là Em mong lắm phải không khi vắng bóng người yêu. Rồi đây trong những ngày Anh vắng bóng Em có còn đi nữa không. Đường đông nhưng mà Anh đâu có để rồi Em khoe áo hồng..?”

Đối với bà và những người con gái sống trong thành phố này, bài hát bỗng trở thành…trật lất. Thành phố nơi bà ở là “Thành phố Lính” mà. Sáng chủ nhật mới chính là ngày của Lính. Lính đi đầy đường phố, lính trong nhà, lính ngoài ngõ. Lính trên trời, Lính dưới biển. Lính chuyên bắn súng cà nông. Lính chuyên tác chiến ở chốn sình lầy... Ôi thôi Lính ơi là Lính!

Thành phố sống hùng sống mạnh, thành phố đẹp đẽ nên thơ, tình tứ cũng nhờ những bộ Quân phục đủ mọi quân-binh chủng Lính góp phần. Ngoài việc tăng thêm an ninh cho thành phố, chính những bộ quân phục và những người mặc nó, dù bất cứ vì một lý do gì, đã nói lên được lòng dũng cảm, tính can đảm của một người trai thời loạn, biết xả thân góp sức để chống bọn cộng sản xâm lược từ miền Bắc, oai nghi và hùng tráng cỡ nào. Từ đó đã làm rung động biết bao con tim của những người con gái trẻ ( Chắc cũng có nhiều bà chị lớn tuổi?), họ đã hồi họp chờ đợi, chờ đợi một sáng chủ nhật đẹp trời, chàng oai nghi trong bộ quân phục quân trường, trên vai đeo dây biểu chương, dưới chân đôi giày…láng coóng. Hay bộ đồ xanh nước biển còn đượm mùi muối mặn sau một chuyến hải hành. Hoặc khi hoàng hôn xuống, người lính trở về trong bộ đồ bay còn vương mùi thuốc súng, mùi tử thi lẩn quất sau một ngày hành quân tiếp tế, tản thương….còn nhiều và nhiều lắm, nhưng tất cả đã xa rồi, và qua thật lâu rồi.

Với cuộc chiến kéo dài gần một phần tư thế kỷ, có biết bao nhiêu người trai khoác chiến bào ra ngoài mặt trận. Bà Tá đây thuộc thành phần lở dở lươn ươn, già chưa qua mà trẻ cũng không dừng lại, nên tuổi trưởng thành cũng phải …anh dũng hiên ngang mà làm quen với lính, và hãnh diện làm người tình của ..lính trận miền xa là ông Tá già đây. Nhìn ông lúc này bà nửa muốn cười to mà nửa muốn rơi nước mắt. Ai đời ông mặc bộ đồ lính, đội mũ lính trận mà đi vào chân đôi giày đi…ăn cưới, trông nó sao sao ấy. Bà không biết ở xứ sở này có thể nào tìm lại cho ông đôi “bốt -đờ-sô”?, chứ nếu xỏ vào đôi giày “boot” của chàng cao bồi Tếch-xịt lại càng thảm não, chẳng lẽ phải mang đôi giày thể thao hàng ngày? Có lẽ đó là điều mà ông chồng bà vẫn ngần ngại không muốn mặc lại bộ đồ lính trận để ra ngoài hay tham dự những buổi lễ ?


Càng nhìn ông, bà lại càng thương cảm, xót xa. Chính bộ đồ này bà đã sửa cho ông mặc thật vừa vặn ngày nào, bây giờ thì rộng trên, rộng dưới, đã rộng thì chiều dài càng dài thêm, hay là người ông đã rút ngắn lại?. Bộ đồ trận màu xanh còn lại dấu vết của những…chiếc lon trên vai áo, phản lại mái tóc màu muối tiêu. Ông Tá đã già thật rồi!




Bà Tá lặng lẽ thở dài cùng lúc ông cởi bộ đồ lính ra, xếp gọn gàng và đưa lên ngực ôm trọn trong đôi vòng tay. Ông nâng nui, vuốt ve như đang âu yếm một người tình. Phải! Ông âu yếm nâng niu bộ đồ là lẽ đương nhiên. Suốt bao nhiêu năm chinh chiến ông còn lại gì, ngoài bộ đồ lính mà chính tay bà đã hì hục đào một hố nhỏ sau vườn nhà, chôn dấu nó trong một thùng đựng dầu lửa vừa được khoét nắp.

Trong những ngày hỗn loạn đó, Bà đã đón ông về nhà trong trạng thái thất thần, hoảng loạn, hoang mang bức rứt, lẫn lo âu sợ sệt. Một thân xác tiều tụy với bộ đồ bà ba đen xin được của ai đó trên đường về….Bà nhìn ông thương cảm xót xa, vợ chồng thiếu điều ôm nhau mà khóc, may mà trong nhà còn giữ lại bộ đồ cũ ông để khi nào về thành phố bị kẹt thì có mà mặc, và bà đã đem chôn giấu.


Rồi có một ngày , có một này chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao. Xin trả lại đây, trả lại đây thép gai giăng với luỹ hào sâu, lỗ châu mai với những địa lôi,… có con trâu, có nương dâu…. thiên đường này mơ ước bao lâu…”.

Những lời trong bài ca: “Một mai giã từ vũ khí” của nh/sĩ Nhật Ngân vẫn được phát đều đều trên làn sóng của đài phát thanh. Lời hát đẹp đẽ, thơ mộng biết bao, và là điều ao ước của mọi người, bỗng chốc biến thành cơn ác mộng. Bao nhiêu tháng ngày đi chinh chiến, cái chết luôn kề cận, vậy mà ngày…giã từ vũ khí lại là ngày thảm hại nhất.. Sự thật quá phũ phàng. Người lính trở về nhà phải trốn chui, trốn nhủi lầm lũi mà đi. Người lính chịu biết bao nỗi uất ức, ngậm ngùi, cay đắng lẫn xót xa, tủi nhục. Kèm thêm nỗi sợ hãi cho chính mình và liên luỵ đến gia đình người thân, đến “bộ đồ Lính” đang mặc trên người cũng không thể giữ. Ôi còn đau đớn nào hơn!

Bộ đồ Lính đâu phải ai cũng có thể mua về để mặc, (ngoại trừ những người làm nghệ thuật trình diễn sân khấu). Muốn mặc vào người, ít nhất phải có 3 tháng quân trường cho một người binh sĩ, và tối thiểu chín tháng cho một cấp chỉ huy. Cũng có những người phải chịu tập luyện dằng dặc suốt 4 năm trời với bộ đồ lính mới được ra trường đi chiến đấu. Và rồi bộ đồ lính đã gắn chặt với cái nón sắt, đôi giày sô cùng cái ba-lô, cây súng trận cho người lính bộ từ năm này qua tháng khác. Dù màu áo có khác nhau, kiểu quần áo có khác nhau, cái nón có đổi màu vì khác quân-binh chủng, bộ đồ lính vẫn đi theo người lính trên khắp 4 vùng chiến thuật, có khi cái “quần” người lính bộ vùng 4 không thể nào khô nổi một ngày vì phải hành quân vùng nước nổi. Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nghỉ phép dài hạn tận vùng...năm chiến thuật, hay gửi lại những phần máu thịt ngoài chiến trường, bộ đồ lính mới chịu rời xa người mặc nó. Vậy mà đùng một cái, họ phải trút bỏ tất cả, trút bỏ như phủi sạch một món nợ trần? Ngay cả những người vượt thoát đến được vịnh Subic của nước Phi luật Tân ngày đó, cũng đã bị ông TT nước này ra lệnh…lột bỏ hết, vì họ không muốn sự hiện hữu của bộ đồ lính (VNCH) trên quê hương của họ. Thảm thương thay !

Bà Tá lại gần đặt tay lên vai chồng, làm ông giật mình ngó lại:
-Mình đang nghĩ gì vậy?
-Hồi tưởng lại những ngày được hiên ngang mặc bộ đồ Lính.
-Ở đây em vẫn thấy nhiều người mặc trong những dịp lễ lạc, hội hè.., nếu mình muốn…
Trầm ngâm một lát, ông thở dài:
-Nhiều lúc ngắm nhìn lại, tôi thấy rộn ràng, xao xuyến lắm, cũng muốn mặc vào để đi dự lễ lạc với anh em đồng đội năm xưa, ít ra cũng góp phần nói lên được tinh thần Quốc gia còn sót lại (trong khi những đồng đội trong nước rất muốn mà không thể nào thực hiện được). Nhưng nghĩ đến những ngày tháng năm xưa, mình đã tụt bỏ nó để chạy, mà bây giờ lại hiên ngang mặc vào để đi chỗ nọ chỗ kia, tôi thấy nó làm sao sao ấy bà à!
-Thì đó là ý riêng của mình. Nhưng theo em, xét cho cùng đâu phải lỗi tại mình. Có chăng là lệnh trên ban xuống, người lính chỉ có bổn phận thi hành trước,…khiếu nại sau. Nhưng khiếu nại ai bây giờ ? Chẳng lẽ tìm tới mấy ông Tướng lãnh đạo để hỏi.
-Bà nói cũng chưa đúng. Tướng cũng có người hèn, kẻ dũng! Có những ông tướng thà chết chớ không chịu khuất phục trước kẻ thù. Họ đã tuẫn tiết hy sinh trước khi cộng quân tiến chiếm doanh trại! Anh dũng thay!
-Bởi vậy nên hằng năm, những người Việt Quốc gia tị nạn CS vẫn làm lễ tưởng niệm những người “Chiến sĩ Bất Tử” đó. Và mới đây đã có điêu khắc gia Phạm thế Trung ở CANADA đã khắc tượng những ông Tướng đó đặt ở đài tưởng niệm bên đó.
-Có mặc đồ lính không?
-Có đủ quân phục, cấp bực, mũ nón và huy hiệu quân binh chủng nữa đó. Ông ấy khắc rất tinh xảo từng nét đặc thù trên khuôn mặt, trên màu áo… của mỗi vị Tướng.
-Chút nữa bà chỉ cho tôi xem, không chừng nay mai tôi đi tìm đôi giày, rồi tôi cũng sẽ mặc lại bộ đồ Lính này trong dịp lễ tới. Cảm ơn “người yêu của Lính năm xưa!” nhờ bà gìn giữ kín đáo mà tôi còn lại bộ đồ Lính này, phải mặc lại nó, dù sao thì mình cũng từng là …NGƯỜI LÍNH!!

!