Mời click vào "Nhà Tôi" để nghe ca khúc Hợp Đoàn Trực Thăng
“Vô! Vô con! đông dzui mà hao!”
Đó là lời mời rất chí tình của ba tôi mỗi khi ngồi vào bàn ăn, dù là một cỗ bàn ngày giỗ, một bữa tiệc ăn mừng hoặc mâm cơm thường nhật nhưng lại có thêm cả một đám con hờ, gọi nôm na, văn hoa một tí cho đượm tình gia tộc là... con nuôi! Thật ra thì ba má tôi đâu cần phải nuôi thêm con làm gì, khi mà ông bà đã sản xuất ra hơn nửa tiểu đội cả trai lẫn gái, đang trong tuổi lớn, ăn uống cứ như là tằm ăn lên. Vả lại gia đình tôi đâu phải là nhà giàu có của ăn của để, hoặc thương gia mua may bán đắt, cũng chẳng phải quan to chức lớn có tiền vào nhiều cửa v.v... Chẳng qua là thành phần lánh nạn cộng sản từ quê lên tỉnh. Ba má tôi thường hay nhắc nhở những kỷ niệm hồi còn ở dưới quê.
Ông nội tôi cũng có nhà to năm gian bảy chái để đủ sức chứa đến những... ba bà nội và một tá cô, chú, bác, rất đông vui. Và cũng vì có nhà to, cửa lớn, ruộng rẫy bề bề, nên ông nội tôi mới bị Việt Minh ghép vào thành phần “địa chủ, phú nông” có tội với nhân dân, và chúng đã bắt ông tôi cùng với một số địa chủ khác, rồi lùa đi ra liên khu Bốn, để làm những con vật tế thần cho dân chúng đấu tố vào những năm “cải cách ruộng đất” do bọn chúng đề ra. Nhưng trên đường đi vừa tới Quảng Ngãi, chúng đã gian manh báo cho Tây đem máy bay đến thả bom giết sạch đoàn người. Đó là “Chuyện kể ngày giỗ nội” để cho đám con cháu biết thế nào là Cộng sản!
Tuổi thơ của chúng tôi được hưởng những năm tháng thanh bình, ngày hai bữa cắp sách đến trường làng, giữa trưa chạy ra ngồi gốc thị, hú thị rớt bị bà già, hy vọng được xem nàng Tấm hiện ra để còn gặp được mặt Hoàng tử trông đẹp xấu thế nào. Đêm xuống, trăng lên, bọn con nít tập trung trước đình làng để nghe người lớn kể chuyện ma, vừa sợ vừa run nhưng cứ thích nghe kể mãi, có đêm tối trời theo chú, theo anh xách đèn soi ếch, để lờ bắt cá đem về cho má nấu canh chua.
Nhưng tuổi thơ chưa hết mà cảnh thanh bình đã bị bọn người mệnh danh là “giải phóng miền Nam” lẻn về ban đêm cướp mất. Dù chỉ là một vài tên cắc ké lúc ban đầu, thỉnh thoảng mới lẻn về một lần, nhưng trong đêm trường thanh vắng, bốn phương thinh lặng như tờ, nhà nhà đóng kín cửa, người người đang trong giấc ngủ say, bỗng bị đánh thức bởi tiếng chó sủa râm ran, rồi kèm theo vài tiếng mõ tre, tiếng thùng thiếc với tiếng loa gọi: “Đồng bào thức dậy, mở cửa thắp đèn lên!” Trời đất quỉ thần ơi, họa may người có mình đồng da sắt mới không bị rợn tóc gáy, ớn lạnh sống lưng. Nhất là những người trong nhà tôi, từ lớn tới nhỏ, tới bà vú già đều run cầm cập. Bởi vì “cái nhà tôi” mấy lâu nay đã được trung đội dân vệ xã (sau đổi thành nghĩa quân) chọn làm bản doanh, ban ngày các chú các anh cứ ra vô hà rầm, nào súng carbine, súng ga-răng đem ra lau chùi, lên nòng rắc rắc, nào máy PRC-10 réo gọi râm ran, cứ: Anh-dũng, Bắc bình, Cải cách, Đống đa, Lê Lai, Tư tưởng, Vẻ vang, Non nước, v.v... oang oang ra tận đầu ngõ. Nhưng tối xuống, đêm về là họ lại đưa đơn vị đi... kích ở những vùng nào dân đâu có biết, mà bọn nằm vùng lại hay. Bởi vậy đã sợ càng thêm sợ, nhất là những đêm chúng kéo nhau vào nhà tôi lục soát, cái bồ lúa sau hè biến thành mật khu an toàn để ba má tôi cất giấu tất cả những vật dụng của các chú, các anh. Nhờ vậy cả nhà tôi thoát nạn, nhưng ba má tôi cũng phải “cúng” cả gạo lẫn tiền cho chúng mới được yên thân. Và rồi sáng hôm sau, bọn học trò nhỏ cắp sách đến trường làng, đã giật mình khi thấy trên tường nhà, hàng chữ viết bằng than nguệch ngoạc: “Mỹ thua rút về Mỹ, anh em binh sĩ thua rút về đâu?”
Cũng kỳ lạ thiệt, hồi đó làm gì người dân quê đã biết ông Mỹ mặt dài hay ngắn, tóc đỏ hay vàng, da nâu hay trắng thì làm gì có chuyện Mỹ... thắng hay thua? Ấy vậy mà bọn chúng đã tuyên truyền đầu độc và cũng tại bị như vậy nên ba tôi sợ quá mạng, sợ bị bắt như ông Nội tôi năm nào, nên bèn bán ruộng bỏ làng, giao nhà cho dân vệ xã và theo binh sĩ rút về thành phố sống cho yên và để cho bầy con được tiếp tục cắp sách đến trường, khỏi phải nghe mấy ông già làng lên lớp: “Chữ nghĩa pho pho không bằng dí dò no cái bụng!” Nhờ thế về sau chị em tôi mới có ít chữ nghĩa mà truyền dạy lại cho lớp trẻ.
Và kể từ khi ông anh cả của tôi tốt nghiệp trường “KBC bốn thằng một ca-rê” về làm huấn luyện viên ở cái trung tâm huấn luyện Lam Sơn ngoài Dục Mỹ, thì ba má tôi có thêm đám con nuôi bất đắc dĩ. Những người lính xa nhà rất cần một mái ấm gia đình để an ủi, để... lủi về tá túc sau những giờ hét khan cổ: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!” Và nhất là những khi cạn túi hết tiền lương (thường thì nửa tháng đã cạn sạch rồi). Bởi vậy cứ y như là “Cư xá SĨ QUAN VÃNG LAI!” Không giống như cư xá Vãng lại góc Lý Thánh Tôn - Bá Đa Lộc ngay ngả sáu Nha Trang, cư xá nhà tôi được thành lập mà không có trợ cấp của chính phủ, lại chẳng nỡ thu tiền cơm tháng của sĩ quan trú ngụ, ăn nhờ. Và cũng bởi nhà tôi bỗng dưng biến thành cư xá vãng lai, mà mấy chị em chúng tôi không thuộc loại cà nhỗng, lại chưa quá đát, nhưng lại bị ế ngang xương, ế chùm ế đụp, ế thảm thương. Chị em chúng tôi có xuống đường phản đối ông anh tôi, nhưng ba má tôi lại bênh vực cho “Tình quân dân cá nước”. Và má tôi, sau những giờ đấu tranh với khói lửa trong bếp để tạo những bữa cơm ngon, bà hay thắp hương khấn vái bốn phương, tụi tôi cứ ngỡ bà khấn nguyện Phật Trời phù hộ để có tên con trai nào đem trầu cau tới rước đám con gái của bà. Bà sẵn sàng tống xuất chứ giữ làm gì mấy trái bom nổ chậm. Nhưng hú vía, khi hỏi ra mới vỡ lẽ, má tôi khấn vái là xin Đất Trời, Phật, Chúa, Thánh Thần, Cô Năm, Chú Bảy, các oan hồn Tử Sĩ khuất mặt, khuất mày v.v... về phù hộ cho cái đám con lính tráng của bà, dù con ruột hay con hờ đều mãi mãi được bình an, vô sự, đừng để bị đạn... hun, hay lựu đạn xơi tái để rồi... phủi chân lên bàn thờ ngồi thì tội lắm.
Mà thật, từ khi có mấy ông anh nuôi bất đắc dĩ, mấy cây si vừa mới trồng trước cửa xanh mơn mởn bỗng bị hạn hán chết queo, mấy cái cột đèn cũng bứng gốc đổi chỗ tự bao giờ, dù có lúc tụi tôi cũng có nghe lời than thở, tiếc nuối: “Lối đi qua nhà em, nghe nồng nàn mùi... thịt nướng thật thơm!” Tuy tiếc thì tiếc nhưng coi bộ chả có tên con trai dân sự nào dám bước qua cái đám “Kỳ đà cản mũi” cứ ra vô hà rầm, nhứt là vào những ngày cuối tuần với giày sô, đồ lính chỉ thiếu có súng ngắn, dao găm và cái ba lô buộc lỉnh kỉnh soong nồi.
Ngay cả cái đám bạn gái chúng tôi, có đứa cũng có ý ganh thầm, ngỡ rằng chị em chúng tôi là hoa đã có chủ!. Nhưng khổ nỗi “tình ngay mà lý gian”, rõ ràng là nhà tôi – “Cư xá Sĩ Quan vãng lai” tạm - một nơi không những có ba quân mà có khi lên cả chục quân. Rõ ràng là nơi chốn thuận lợi cho đám con gái mới lớn dễ dàng tìm ý trung nhân, nhất là khi các cô nào có quan niệm: “Thà chết cạnh rừng mai hơn là chết trên vai anh... cánh gà!” Ấy vậy mà bọn chị em tôi tưởng chừng như bị ế! Không phải vì câu răn đe của ông anh tôi: “Đứa nào léng phéng với em gái tao, coi chừng tao!” Và cũng chẳng phải mấy ông anh hờ của bọn tôi thuộc loại thánh thiện, hay theo môn thiền, hoặc thêm dấu sắc trên chữ thiên để thành hoạn quan gì cả, mà mấy anh cũng thuộc loại phàm phu tục tử, cũng tham sân si đầy người, có khi tình trong như đã mặt ngoài còn e. Nhưng vì quá biết về thân thế và sự nghiệp cũng như thói quen, gia cảnh, v.v..., nên bọn tôi bị dị ứng với hương vị tình yêu của các anh, nhất là những khi trái nắng trở trời, nắng gay nắng gắt mà phải tiếp nhận mùi tình yêu từ bộ đồ trận mấy ngày chưa giặt. Lại nữa, có mấy ai dại khờ nhắm mắt đưa chân vào vùng... tử địa, khi mà đã biết được lá bài tẩy của đối phương.
Này nhé; một anh Hải, người Bến Tre, leo dừa cứ như là sóc, tróc dừa cũng nhanh chẳng kém gì leo, chỉ cần ba nhát dao, xẹt qua, xẹt lại, phạt ngang, là mỏm trái dừa trọc lóc, lộ nguyên cơm dừa trắng trắng mềm mềm, chỉ cần chọc nhẹ mũi dao là có quyền đưa lên miệng... tu nước dừa tươi vừa trong vừa mát. Anh lại có tài nấu bếp, nếu thời đó có ai trao giải “Mr MOM!” chắc anh sẽ là người thắng cuộc. Bởi thế anh rất có tâm hồn đa sầu đa cảm kiểu... LÍNH CHÊ! Nên suốt ngày cứ nghe anh vào ra rên ư ử cài gì mà “Tôi vốn nghèo, em cũng nghèo như tôi, hai đứa từ lâu mơ ước một nhà lầu...”, lại có khi thấy anh ngồi sững nhìn vào vách mà than thở, ước ao: “Ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách hai đứa mình ... khoét vách chui qua!” thậm chí có lúc anh còn xuống câu xề ai oán, ta thán cảnh “Lương Sơn Bá... đá Anh Đài”. Nghe xong thì phải vỗ tay, nhưng mà lại ngán, sợ có ngày thành nghệ sĩ cải lương bất đắc dĩ! Nhưng anh là huấn luyện viên rất giỏi!
Anh Phương, bạn bè anh tặng cho anh danh hiệu “Dân chơi xứ Nẫu!” Nhìn anh rất giống tài tử phim võ hiệp Tàu Trần Quang Thái, mỗi lần về Nha Trang, anh hay đem theo một bộ đồ civil gồm quần xẹc, áo hoa (bộ đồ vía), nếu kết để đi phố với anh thì bắt mắt vô cùng. Nhưng khổ nỗi, nhờ có bộ mã đẹp trai, nói khéo mà anh đã thành con nợ của rất nhiều người. Má tôi biết, la rầy anh hoài nhưng chứng nào tật nấy. Đã bảo cặp kè đi rước đèn thì được, chứ về nâng khăn sửa tráp cho anh thì chắc chẳng có gì để nâng để sửa, vì suốt ngày chỉ nghe anh kể chuyện: “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời... xập xám, lại thấy tiền nó bay đâu mất, rồi tiếc nuối, rồi chịu đói...!” Bởi thế “tiền lính là tính liền, nhiều khi nghèo như điên", lại thêm “cờ bạc là bác thằng bần” mà lị.
Còn anh Thành, người dân Phan Thiết nên chọn đơn vị về Lam sơn cũng gần. Ai cũng phải công nhận anh có ngón đờn Classic Guitar tuyệt diệu. Vì anh là “đại đội trưởng khóa sinh” nên anh có nhiều cơ hội để trổ tài và luyện ngón đàn nhuần nhuyễn. Những đêm trăng sáng lung linh, gió đưa nhè nhẹ mà ngồi nghe anh ôm đàn vuốt phím bản “Hoài Cảm, Ngọc Lan, Nguyệt Cầm, Mắt Biếc, v.v...”. Những âm thanh réo rắt, du dương, dìu dặt dễ nối liền nỗi lòng người nghe đến với kẻ chơi đờn. Nhưng khổ nỗi, ngoài sở trường âm nhạc để trở thành thần tượng của những tâm hồn đa sầu đa cảm, thì giờ còn lại chỉ thấy anh: “Tay cầm điếu thuốc phì phèo hút. Tay bợ lon bia khề khà tu!” Còn mọi chuyện khác thì anh tỉnh bơ, phớt tỉnh như dân Ăng-lê. Nhờ vậy mà anh có nhiều bạn, kể cả ông anh tôi, nhưng con em tôi thì vẫn cứ hát đùa: “Đời nghệ sĩ lăn lóc xuống mương, ba ngày đêm vớt lên sình chương, sình thì sình em vẫn cứ thương, thương thì thương anh vẫn... sình chương!” Còn má tôi thì tuyên bố một câu xanh dzờn: “Mai mốt đứa nào lấy nó có nước... bốc mắm mà ăn!” (Mà thiệt, về sau chị H. làm vợ anh rất khổ vì máu nghệ sĩ của anh).
Và anh Khanh, “...quê hương anh cái mùng mà kêu cái màn, trên đồng xanh, bên ruộng sâu, anh trồng toàn cây rau muống!” Nhưng khi di cư vào Nam, hình như gia đình anh đã định cư gần kho đạn Long Bình, bởi vậy anh nổ bạo. Anh nổi tiếng huấn luyện giỏi ở môn... vũ khí, viên đạn nào qua tay anh cũng không sợ hư, sợ thúi, anh nổ có khi không cần tiếp tế đạn, nhờ vậy mà cả nhà tôi có dịp cười bò lăn bò càng. Nổ cho... dzui mà! Nhưng đi cạnh kho thuốc nổ, không khéo có ngày bị trúng miểng.
Đó là ‘thân thế và sự nghiệp” của mấy ông anh hờ thường trực, mỗi anh đều có mặt nổi và mặt chìm mà chúng tôi am tường ráo trọi, chứ còn rất nhiều anh thuộc diện không mời mà đến luân phiên. Riết rồi nhà tôi hầu như từ cư xá vãng lại biến sang trại lính dã chiến vào cuối tuần. Từ lính thợ lặn, lính đi mây về gió, lính sát sát, lính con rùa, lính bắn súng cà nông, thậm chí có khi lính sư đoàn cũng về tìm bạn. Cho nên nhiều bữa ăn dù đạm bạc đơn sơ, ba tôi cũng cứ nâng chén: “VÔ! VÔ CON! ĐÔNG DZUI MÀ HAO!” Chị em tôi thì cứ biểu tình phản đối về cái nạn rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, và má tôi thì cứ xuề xòa: “Kệ tụi nó, con! Tụi nó lính tráng xa nhà mà! Mình nấu cho tụi nó những bữa cơm ngon, tụi nó ăn có sức mà dạy lính quánh giặc cho giỏi là mình yên bụng rồi!” Má tôi đúng là... bà Mẹ Việt Nam với tình thương bao la không ranh giới! bù lại anh nào cũng rất thương yêu và quí trọng bà.
Và từ ngưỡng cửa nhà tôi, chào đón thêm một người lính “áo liền quần” đóng quân tại sân bay, người nói giọng Nam kỳ cục rặc ròi còn hơn anh Hải, thế là bọn tôi có dịp ra quai (oai), dùng quyền quy (uy) ra lịnh cho mấy ông Lính bộ chại (chạy) có cờ, khiến mấy anh phải đưa hai... tai (tay) ra đầu hàng vô điều kiện, thật ra thì lối phát âm miền Nam của anh rất lạ tai, đó là đề tài cho chúng tôi tranh luận sôi nổi, chứ có bao giờ người ta lại đưa tai cho kẻ khác véo để xin đầu hàng .
Không hiểu tại làm sao má tôi lại lưu tâm đặc biệt tới anh chàng Nam kỳ cục đi mây về gió này mới lạ. Từ trước tới giờ tiếp xúc với cả bầy con lính đủ binh chủng, tuy có thương yêu săn sóc, nhưng bà cứ vẫn nói đùa: “... có con gái gả cho tụi bay, có khác nào xúi tụi nó... trao duyên lầm tướng cướp!” Ấy vậy mà lần này, bà lại tuyên bố cứ như là chiêm tinh gia “Huỳnh Liên” không bằng: “...thằng đó má coi được, nó hiền lành, không hút thuốc, uống rượu, lại chẳng... bay bướm như mấy thằng không quân khác. Đứa nào lấy nó coi bộ... tốt số đó!” Má tôi khen thì cứ khen, nhưng …gả con gái cho lính thì phải còn xét lại, có điều mỗi lần chàng ghé trạm thì bọn em tôi lại đồng ca: “ù-u-ù-u-u-u-ú, ôi Không quân... mang tiếng muôn đời. Nhìn ra phi trường Nha Trang, Không quân ra đi sá chi vợ nhà!”
Nhà tôi thì vẫn cứ “ĐÔNG DZUI MÀ HAO!” mặc dù em tôi đã lên xe hoa về nhà chồng! Ba má tôi chưa kịp hưởng trọn được niềm vui cùng con cái thì gió bụi mịt mù đã ùn ùn kéo đến phủ chập lấy thành phố Nha Trang thân yêu vào những ngày cuối tháng ba năm ấy.
Hình như không ai ngờ ngay cả những người Lính, những người con trai mặc đồ trận; mang bốt-đờ-sô, dù ở binh chủng nào, đơn vị nào, dù chiến đấu ngoài mặt trận hay ở tận quân trường, cũng đã một lòng kỳ vọng đem sức lực, mồ hôi, có khi máu và nước mắt của chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng giặc chưa đến sao các anh bị bắt buộc phải buông súng, cuốn gói chạy dài (?). Từng đoàn quân xa nối đuôi nhau từ bỏ quân trường, bỏ thành phố, bỏ lại sau lưng tất cả những kỷ niệm thân thương để xuôi chạy về Nam. Những người lính thành phố cũng hốt hoảng tìm đường bỏ chạy. Tiếng động cơ trực thăng mới hôm nào vẫn là niềm tin, là vị cứu tinh mỗi khi giặc cộng từ Đồng Bò pháo kích vào thành phố, bây giờ đã biến thành nỗi thất vọng, buồn phiền. Những tiếng máy bay vận tải, phản lực gầm rú trong đêm, và ngoài biển kia, từng đoàn tàu thuyền đã vội vàng tách bến ra khơi bỏ lại thành phố Nha Trang hoang vắng, tiêu điều, và người Nha Trang thất thần sợ hãi. Nhà tôi cũng chịu chung số phận, Ba Má tôi dù sợ vẫn không chịu lần nữa bỏ xứ ra đi. Thế là cảnh chia tay lâm ly, bi đát, buồn áo não diễn ra suốt mấy ngày liền. Chàng lính áo liền quần cũng bịn rịn chia tay. Trước giờ ly biệt kẻ ở người đi không có màn đưa tiễn, Má tôi đã làm cách mạng cho phép tôi... xách gói theo chàng. Nhưng với tôi, cái nhà tôi vẫn là điểm tựa an toàn, dù chưa biết ngày sau sẽ ra sao?
****
Sau gần ba mươi năm từ ngày quê hương đổi chủ, biển Nha Trang vẫn còn những con sóng bạc đầu lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ cát hẹp, nhưng đường sá thì đã lắm đổi thay, hàng cây rợp bóng của những con đường tình xưa giờ đã bị ũi tróc gốc mất rồi, và nhất là những người đã từng ở Nha Trang xưa, giờ đã tản lạc khắp mọi phương trời. Nhà tôi bây giờ chỉ còn lại Ba Má tôi, hai cụ già mắt nhòa sức yếu, suốt ngày chỉ ngồi nhìn qua khung cửa kính, để thấy ông đi qua, bà đi lại rồi ước ao có một lần tất cả những đứa con, dù con ruột hay con hờ, qui tụ bên bàn ăn để Ba tôi có cơ hội mời lại: “VÔ! VÔ CON! ĐÔNG VUI MÀ HAO!” Nhưng ước mơ vẫn chỉ hoài là mơ ước cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay (?) Mỗi lần về thăm nhà, Ba Má tôi cứ nhắc thằng này, thằng nọ giờ không biết chúng nó ở nơi đâu, có được sống sung sướng bình yên hay đã mồ xanh cỏ (?) Duy có điều an ủi cho Ba Má tôi, nhất là Bà cụ, vì một trong những đứa con hờ ngày xưa Bà lưu tâm, Bà ngợi khen không tiếc lời đã không phụ lòng Bà, dù bao năm lưu lạc xứ người, cuối cùng đã trở thành đứa con rể thân thương. Đó là người lính áo liền quần năm xưa. Chàng, không ai xa lạ chính là... NHÀ TÔI!
.