Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Chiếc cầu nối dễ thương







Như một thông lệ hằng năm, cứ sau ngày Thanksgiving, trong phòng khách nhà tôi phải có một cây thông được trang trí bằng những hoa đèn rực rỡ, những trái bóng đủ màu, những ngôi sao lóng lánh màu bạc, những  ngọn đèn xanh xanh đỏ đỏ chớp nháy liên hồi vui mắt, có cả hình ông già Noen  cỡi xe kéo bởi đàn tuần lộc băng qua cánh đồng tuyết trắng đi trao quà cho các em bé với những tiếng chuông reo vang làm sinh động căn phòng khách, điều mà các gia đình không theo đạo Chúa như chúng tôi ít khi thực hiện.
Nhưng đối với tôi, những hình ảnh dễ thương từ những ngày còn nhỏ dại đến khi khôn lớn, quang cảnh nhộn nhịp vào ngày Giáng sinh nơi thành phố biển vẫn là những hình ảnh sinh động vui tươi đẹp đẽ, nhất là những lúc về đêm, cùng một lũ bạn đi xem  những tư gia trang trí hình ảnh máng cỏ có Chúa hài đồng và những thiên thần rực rỡ dưới những vì sao, hay kéo nhau lên nhà thờ Núi nghe tiếng chuông ngân vang rộn rã từ gác chuông tận nóc giáo đường, những bài thánh ca thánh thót từ trong thánh đường, những cảnh chen lấn  giữa nam thanh nữ tú trên đường phố trong đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, mặc dầu nơi chúng tôi ở chẳng lạnh tí nào,  rồi sau đó là bữa tiệc rờ- quây- dông đông  vui cả gia đình và bè bạn sum họp  v…v, ngần ấy kỷ niệm vương mãi  trong  tôi cho đến bây giờ, nên mùa Giáng sinh đến ở đây mà thiếu cây thông, như thiêu thiếu một cái gì, mặc dầu các con tôi đã đi làm ăn xa, đúng ngày lễ mới  về nhà  thăm cha mẹ.
Hai vợ chồng tôi vừa trang trí cây thông xong, đang ngồi ngắm thành quả của mình với những ánh đèn chớp nháy đủ màu sáng rực, bỗng có tiếng chuông gọi cửa.
Chồng tôi ra mở cửa,  ông Phil vào nhà theo sau chồng tôi, miệng cười thật tươi và lên tiếng:
-Tôi đến báo cho hai bạn một tin vui, và ngày đó các bạn phải đến chung vui với gia đình chúng tôi nhé.
 Nhìn điệu bộ và nghe giọng nói, tôi cũng đoán được nửa phần tin ông báo, tôi lên tiếng:
-Có tin của Krista?
-Lê hay quá, bà đúng là bạn của gia đình tôi, chúng tôi được tin báo của Krista, gia đình cô ấy sẽ trở về thành phố và thăm chúng tôi trong mùa Christmas này, vợ tôi đang đếm từng ngày đó.
-Còn ông?
-Thì tôi cũng mong chứ, bao nhiêu năm rồi vắng bặt tin con, tôi buồn giận, nhưng cũng nhớ lắm chứ, dù sao thì cô ấy cũng là đứa con gái lớn mà chúng tôi rất yêu quí, như hai bạn từng biết đó, đâu khác gì hai bạn đối với  con gái lớn Laura đâu, vậy mà…
Ông Phil ngưng ngang câu nói, thở dài lắc đầu nhìn chúng tôi.
-Thôi, có tin cháu về là vui rồi, chúc cho gia đình Phil và Varga mùa Christmas này tràn đầy hạnh phúc, nhớ báo cho chúng tôi chính xác ngày Krista về để chúng tôi đến chung vui chúc mừng nhé.
Chồng tôi vừa dứt lời, ông Phil đã tiếp:
-Dĩ nhiên! dĩ nhiên rồi! đó là lý do tôi đến thẳng nhà hai bạn mà không gọi điện thoại báo trước. Tôi vui lắm nên lái xe chạy vòng vòng báo tin cho các gia đình thân quen, để các bạn chia xẻ niềm vui với gia đình  chúng tôi ấy mà. Các bạn nhớ nhé, nhớ đến tham dự buổi tiệc sum họp gia đình với chúng tôi nhé, nếu cháu Laura có về, xin chuyển lời mời của chúng tôi, Krista gặp lại Laura, chắc chúng nó  vui lắm.
Ông cười vui giọng sang sảng, rồi bắt tay chúng tôi cáo biệt ra về vẫn không quên nhắc chúng tôi chờ ông báo tin chính xác ngày vợ chồng ông làm tiệc mừng hội ngộ, để chúng tôi đến chung vui với gia đình ông.
Ông Phil đi rồi, vợ chồng tôi lại bắt đầu đoán già đón non về chuyện gia đình ông trong những ngày sắp đến.
Ông Phil không phải người Mỹ chính gốc. Gia đình ông là người Ái nhĩ Lan mới di cư sang Mỹ từ đời cha ông. Nhưng nhìn nét mặt cương nghị, đôi mắt xanh, sóng mũi cao và mái tóc hung hung, cả vợ chồng ông đều có nét rất đẹp của giống người da trắng, nên khó phân biệt đâu là Mỹ đâu là Anh ngày chúng tôi mới đến. .
 Khi mới dọn đến ở xóm này, Ông Bà Tomy-Tifany, gốc người Cu Ba nhưng da trắng, có lẽ họ lai giống người Tây Ban Nha, rất cởi mở, thân tình, nhà đối diện với nhà tôi, đã sang làm quen trước, sau đó bà mới dắt vợ chồng tôi đi giới thiệu với những nhà hàng xóm lân cận. Khi đến nhà ông Phil thì bà Tifany kêu hai đứa con nhỏ của ông ra, chúng nó cũng cỡ tuổi hai đứa con chúng tôi, nên sau đó bọn trẻ dễ dàng chơi thân với nhau, và người lớn cũng qua lại thăm hỏi, chúng tôi biết nhau từ những ngày đó.
Qua vài lần thăm hỏi, ông Phil biết chồng tôi là một cựu Phi công QLVNCH, đã có lần bay chung với một đơn vị Trực thăng Hoa kỳ tại Đồng Bà Thìn gần Cam Ranh, ông mừng quá, và bắt đầu kể “chuyện này xưa”. Thì ra ông là một cựu xạ thủ trực thăng Mỹ đã từng tham chiến tại Việt nam trong thời gian một năm khoảng 1968, và ông trở về Mỹ trước khi chồng tôi về bay thực tập với các Pilot người Mỹ trong 3 tháng tại căn cứ đó. Có lần ông thao thao bất tuyệt về “mối tình” của ông với một cô “bồi phòng” người bản xứ, nhưng bị anh bạn cùng đơn vị phỏng tay trên vì ông …nhát gái quá, làm chúng tôi cười vui, vợ ông cũng cười theo, vì đó là chuyện xưa mà, chuyện lúc ông còn là cậu trai mới lớn. Nhưng nói gì thì nói, ông vẫn thương những người VN mà ông đã gặp qua, vì thế, khi quen biết được chúng tôi, ông quí lắm và rất muốn làm bạn. 
Đứa con gái lớn của ông bà cùng học một lớp với con gái lớn của tôi, con bé mới vào lớp 6 mà trông chẳng khác gì cô con gái 14-15 tuổi, nước da trắng như trứng gà bóc, lúc nào hai má cũng hồng lên, với đôi mắt như có viên ngọc bích chiếu rọi trong đó, trông con bé xinh quá là xinh.
 Ông bà Phil có tiệm buôn nhỏ bán thảm, gạch lót nhà, nên hai vợ chồng phải thay phiên đứng trông coi, dù có thêm người làm, nhưng nhiều lúc ông phải chạy đâu đó, bắt buộc bà phải có mặt, những lúc như vậy, bà thường gọi điện thoại cho tôi đón luôn dùm hai đứa nhỏ nhà bà, và coi chừng dùm chúng. Ông bà rất tin tưởng chúng tôi.
Gia đình ông Phil theo đạo Tin lành. Họ rất sùng đạo và tính tình rất vui vẻ. Hằng năm đến mùa Giáng Sinh, nhà ông bà Phil trang trí đèn trước sân đẹp nhất, nên có năm được lãnh giải thưởng của ban quản trị khu vực. Bà Varga thì rất khéo tay, những khi trong trường cần làm những gì để trang trí, kêu học sinh mang vào lớp, thì bà Varga tình nguyện làm dùm tôi, tôi chỉ  phải “trả công” cho ông bà bằng món ăn như chả giò, hay cơm chiên, mà bà cố gắng học để nói tên mấy món ăn bà thích đó, nghe rất ngộ nghĩnh, vui tai ( chắc cũng giống như người Việt nam mới học nói tiếng Mỹ là cùng).
Lần đó con gái tôi “biểu diễn” đờn guitar classic trong trường, đại diện cho người Việt nam tị nạn CS. Lúc viết tên học sinh, lớp, môn trình diễn và quốc gia đại diện, chồng tôi phải vẽ lá cờ nền vàng ba sọc đỏ trên tấm banner. Khi ông bà sang nhà chơi, thấy chồng tôi ngồi hì hục vẽ, chưa kịp giải thích cho bà hiểu thì ông Phil đã làm dùm chúng tôi việc đó, ông giành phần nói cho vợ hiểu về lá cờ mà ông đã biết khi tham chiến tại VN, nghe xong bà tình nguyện lãnh phần đi in một số lá cờ nhỏ để ngày các học sinh trình diễn, bà đem vào trường phân phối cho người đi xem.
Cuộc sống vẫn lần lữa trôi qua, khi đứa con lớn vào lớp mười một, thì ông bà Phil dọn nhà về khu vực Katy, vì shop của ông bà đã dọn về trên đó. Ngày đi, ông bà cũng buồn lắm, nhưng biết rồi chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc thăm hỏi nhau, nên bà bớt buồn, và cứ căn dặn tôi: thỉnh thoảng phải làm chả giò, cơm chiên, những món ăn VN mà ông bà “mê mẩn”, hễ bà xuống là phải có để mang về cho ông Phil và bọn nhỏ, bà vẫn gọi điện thoại và đùa với chúng tôi như thế.
Khi con gái lớn tôi vào Đại học ở OU, thì Krista vào học ở Texas A&M. Bọn trẻ đi xa nên chúng tôi cũng ít có cơ hội qua lại thăm hỏi, thỉnh thoảng có tiệc tùng lễ lạc gì thì mới mời ông bà đến chơi, chứ thật ra với cái tiệm buôn như vậy, họ đâu có nhiều thì giờ đi tới đi lui, chỉ còn nhịp cầu nối là cái điện thoại..
Ngày con gái tôi ra trường Navy, phải theo đơn vị hành quân trên chiến hạm USS GUNSTON HALL thuộc hải đội 5 duyên hải sang Trung đông, Bắc Phi thì cũng được tin ông Phil báo Krista sang Hawaii nhận việc bên đó, mặc dầu ông không thích cháu đi xa như vậy. Nhưng tôi đưa thí dụ về con tôi, tôi còn không ngại thì ông lo gì. Tuy nói thế nhưng tôi cũng không dám chắc con bé Krista có thể “an toàn trên xa lộ” khi đi quá xa nhà như vậy hay không? vì khi bắt đầu vào lớp mười hai, nghe bà Varga than thở có vẻ buồn lắm rằng con bé trổ hoang ra. “Mỹ con” mà, chúng đâu có chịu ngồi yên học hành chăm chỉ, chúng hẹn hò bạn trai, chúng đi night club cuối tuần, thậm chí còn uống rượu nữa. Bây giờ đã mấy năm sau rồi, đã tốt nghiệp  đại học, đã tìm được công việc làm, làm sao cô gái đó có thể “ngoan ngoãn” để mà nghe lời cha mẹ cản ngăn, tự do tìm chỗ ở thích hợp là chuyện đương nhiên. Và sau này ông bà càng buồn nhiều hơn vì Jeff,  thằng con thứ hai của bà rất đẹp trai, học cũng giỏi,  hình như đang đổi giới tính và chỉ thích …con trai thôi.
Như một cú trời giáng xuống gia đình ông bà Phil, ông buồn rầu bảo thế, khi ông biết tin Krista đang thay đổi bạn trai lần nữa, và lần này thì cô ấy “cặp kè” với một chàng da đen trong hải quân Mỹ, căn cứ đóng tại Hawaii. Ông bảo đã nhiều lần điện thoại ngăn cản, khuyên nhủ Krista rằng gia đình ông không “kỳ thị”, nhưng gốc gác ông còn đầy phía bên kia, họ không muốn nhìn thấy một người hoàn toàn khác màu da trong đại gia đình họ. Nhưng Krista vẫn cương quyết nói rằng cô yêu Christ- tên chàng trai từ tiểu bang Chicago, con của một “single mom”, nhưng cũng cố gắng học và đang ở trong quân đội phục vụ cho Tổ quốc. Và một mai giải ngũ trở về đời sống dân sự sẽ học tiếp để lấy bằng Master về thương mại.
Một lằn ranh vô hình đã xảy đến, ngăn cản tình cảm giữa cha mẹ và con gái, khi ông bà Phil nhất định không chấp nhận một người đàn ông da đen trong gia đình họ, còn Krista thì nhất quyết giữ lấy tình yêu của cô với Christ. Nhiều lần bà Varga gọi điện thoại than thở với tôi, có ý hỏi tôi tìm giải pháp nào để đưa Krista về với gia đình, xa hẳn người đàn ông đó. Thú thật tôi nào dám có ý kiến ý cò gì. Trong tình yêu, nhiều lúc người con gái không nhìn ra những đố kỵ chung quanh, và con tim có lý lẽ riêng, đâu có thể phân tích như bài toán học. Cô chỉ thấy hợp tính người đó, và người bạn kia đem đến cho cô niềm vui, hạnh phúc, cô đâu cần biết xuất xứ của bạn trai, dòng dõi thế nào, da đen hay da trắng, người ngoài ưa hay không ưa, thậm chí còn lớn tiếng cãi lại: “đâu phải người da đen nào cũng xấu”. Trong khi cha mẹ thì nhìn xa hơn, nhìn đủ mọi hướng, nhìn thấy nhiều điểm bất đồng bên ngoài, mà có thể chưa hiểu hết tâm ý con mình. Bởi vậy, ngay cả người VN, tôi vẫn thấy có vài gia đình có con gái lấy người bản xứ da đen, nhưng họ không dám công khai ra ngoài công chúng, có một nỗi khổ nào đó vướng víu chung quanh họ, ít ai can đảm dõng dạc giới thiệu cậu là con rể của tôi, đến “cháu” nội-ngoại họ còn không dám công nhận công khai. Và tôi cũng đã chứng kiến vài người đi bán hàng cho những tiệm tạp hoá, khách hàng chính của họ thường là người da đen, mà họ còn khinh thường người khách của mình, còn gọi “thằng lọ” này thằng lọ nọ, huống hồ mấy người Ăng lê bảo thủ này.
Mỗi lần bà Varga goi điện thoại thăm hỏi, nội dung câu chuyện cũng vẫn thường xoay quanh những đứa con. Hai đứa con tôi thì cũng yên bề, con bé nhỏ vẫn theo làm việc thiện nguyện, từ lúc ra khỏi group AMERICORPS. Nhưng hai đứa con bà vẫn làm bà buồn rầu không ít,  Krista vẫn ở với chàng thanh niên đó, lâu lắm rồi chưa về thăm nhà lần nào, và cũng không hề liên lạc, vì biết  ông bà tức giận không thèm hỏi tới. Lại nữa, cậu Jeff thì đã hoàn toàn trở thành một chàng thanh niên đồng tính, dù cậu đã ra trường Luật, và đang tập sự Luật sư cho một công ty lớn ở New York. Con như vậy ông bà không buồn sao được, nhưng tôi biết chia xẻ như thế nào đây? Khuyên nhủ nỗi gì, khi mình không có cùng hoàn cảnh,  tâm trạng với họ, dù rằng người Việt nam mình có câu “việc người thì sáng, việc mình thì quáng” nhưng trong trường hợp này sáng mấy cũng đành chịu thua, tôi đâu dám khuyên ông bà thôi thì hãy “chấp nhận” cho Krista lấy chàng thanh niên đó, dù tôi rất muốn, vì nhiều lần con tôi cũng có nói: “Krista tội nghiệp lắm, nó rất muốn về thăm ba má và em nó, nhưng ba má nó cấm cản người tình của nó, bảo nó bỏ Christ hẳn đi thì ông bà mới cho về, nên nó ở bên đó luôn!”
Vậy mà lần này ông vui vẻ đi báo tin cho bạn bè biết ngày con ông về thăm . Đúng là “biến cố trọng đại”. À thì ra đâu phải Krista “bỏ” người yêu của cô, mà gia đình nhỏ đó vừa cho chào đời một cậu bé trai- con lai rất kháu khỉnh. Từ lúc có con, Krista gửi thư về cho cha mẹ, gửi kèm bức hình thằng bé, bây giờ đã tám tháng tuổi. Có lẽ nhờ đứa trẻ làm cầu nối, mà ông bà đã nghĩ lại, và vì tình thương cháu? giống như đa số các ông bà Việt nam mình, mà ông bà Phil đã “tha thứ’ và gọi con gái với “con rể” về nhà?
Mùa Giáng sinh năm nay tự nhiên tôi có thêm cớ để đi shopping chọn một cái áo đẹp, chúng tôi sẽ lên thăm nhà ông bà Phil và gặp lại Krista, xem thử sau mấy năm xa cách, bây giờ đã là mẹ rồi, cô có còn đẹp như năm xưa không? sẽ “xem mắt” con rể ông bà Phil như thế nào, và sẽ bồng ké thằng bé “cháu ngọai” ông bà Phil, chắc thằng bé không đến nỗi “đen ngòm” như lời ông Phil  vẫn mô tả màu da của cậu con rể. Và biết đâu, thằng cháu ngoại của ông, đứa con lai hai màu da kia, mai kia mốt nọ trở thành “Tổng thống Mỹ” sẽ là người đứng đầu một quốc gia hùng mạnh  lãnh đạo cả thế giới, như ngài đương  kim TT bây giờ.
Chúng tôi đến nhà ông bà Phil chiều ngày 24/12. Với cây thông Giáng sinh rực rỡ trong phòng khách, quà cáp chất đầy đầy dưới gốc cây, chứng tỏ gia đình đang chuẩn bị đón một Giáng sinh thật đông vui, đầm ấm. Cùng lúc có nhiều tiếng chào hỏi, cười nói của một số bạn bè thân thích đã có mặt trong phòng. Buổi tiệc rất vui, khi chủ nhà "tuyên bố lý do" có buổi tiệc hôm nay và mang đứa cháu ra giới thiệu. Đúng như ý nghĩ của chúng tôi về thằng bé, nó là nhịp cầu nối dễ thương để ông bà- cha mẹ cháu xích lại với nhau. Thằng bé xinh  thật, nó không giống hoàn toàn màu da đen của bố, chỉ giống mái tóc quăn quăn một cách tự nhiên, nó có cặp mắt đẹp của mẹ và bà ngoại, và nụ cười thật tươi, chắc giống ông Phil. Mỗi lần ông bồng thằng bé thảy lên, cháu cười hăng hắc một cách vô tư, rồi rúc đầu vào  ngực ông ngoại trông dễ thương lắm, người bạn nào muốn bồng cháu, ông đều trao tay với niềm vui trong ánh mắt.
Bobby, tên thằng bé, đúng là chiếc cầu nối dễ thương, để ông bà Phil bồng ẵm nưng niu, mà quên đi ngoại hình của người cha cháu, để ông bà không còn mạnh miệng cản ngăn tình yêu của mẹ cháu dành cho cha cháu, người không cùng màu da với mẹ. Dù gì thì Christ cũng không đến nỗi “tệ”, nói chuyện rất có duyên, và cũng lễ phép nữa, một "quân nhân gương mẫu trong quân chủng Hải quân Hoa Kỳ" mà! có lẽ đó là những lý do mà Krista yêu thương chàng trai đó.
Cuối cùng rồi gia đình ông Phil được hưởng một Giáng sinh tràn đầy hạnh phúc, con cái sum họp, cha mẹ không còn buồn khi được bạn bè chúc tụng có rể quí, có cháu xinh trong ngày Chúa giáng trần. Mong rằng mối lương duyên không cùng màu da giữa những người trẻ, sẽ được kết hợp bền vững, con cái đầy đàn, gia đình hạnh phúc, không còn là cái cớ để cha mẹ cản ngăn, chia rẽ tình yêu của họ. Mong lắm!
Lê thị Hoài Niệm 


Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Thương cảm trước thảm nạn ở trường tiểu học Sandy Hook-Newtown, Connecticut



Suốt ngày hôm nay, ngày 14/12/12,  từ lúc 9giờ 30 sáng mãi đến bây giờ, trước mắt tôi cứ lởn vởn lờn vờn hình ảnh một đám nhỏ học sinh tiểu học được ba mẹ dắt chạy khỏi trường tiểu học Sandy Hook tại một thành phố nhỏ Newtown, ở tiểu bang Connecticut.


 

 

Một cậu thanh niên mới vừa buớc vào lứa tuổi hai mươi , cái tuổi rất đẹp của một Sinh viên Đại học , nếu còn ngồi ghế giảng đường. Tiếc thay, cậu đã không màng đến mạng sống của chính Mẹ ruột của mình, người đã mang nặng đẻ đau nuôi cậu cho đến hai mươi  năm ròng rã.Từ năm 2009, cha mẹ cậu đã ly dị nhau, không biết điều gì trong gia đình cậu đã xảy ra, trong thời gian cha bỏ đi nơi khác làm ăn, và cậu ở lại  với mẹ mình, người  đàn bà( chắc cũng còn trẻ) kia đã hành xử với con như thế nào , mà cậu con trai nỡ  cầm súng bóp cò giết Mẹ mình chết ngay tại chỗ? Nếu là một người đã trưởng thành , biết suy nghĩ và đầu óc "không bệnh hoạn" chắc cậu đã đi làm như người anh lớn , và mẹ cậu đã hãnh diện vì có hai cậu con trai ngoan, dù phần đời không tròn hạnh phúc với chồng. Hình như mẹ cậu chỉ làm"việc thiện nguyện" trong trường học chứ không phải là cô giáo.

Nếu câu chuyện dừng lại ở đó, thì chỉ là một thảm kịch gia đình , khi mà trong nhà thiếu vắng tình thương và sự dạy dỗ của cha( hoặc mẹ) vì họ đã ly dị nhau. Nhưng thảm thương thay, hãi hùng thay , cậu ta đã xách một lúc 3 khẩu súng dài có ngắn có, lái xe vào trường học, và ngang nhiên vào lớp học ngay ngoài cửa, và bóp cò súng giết trọn hai mươi em bé, các em còn quá ngây thơ, trong trắng dễ thương biết chừng nào,. Không biết lúc nghe tiếng súng nổ, các em đã có phản ứng gì: la khóc gọi bố mẹ, dụi đầu vào món đồ chơi đang có trên tay, hay há hốc mồm cứng đơ đầu lưỡi không còn gọi được tiếng Mẹ ơi, hay không khóc được một tiếng, các em nào biết chạy đi đâu để trốn? hay dồn lại một đám để rồi chết chung với nhau? , các em có biết mình đang đi vào cõi chết?  Tội quá là tội đi Trời ạ! Tôi đã ứa nước mắt , rùng mình và chỉ biết cầu nguyện cho linh hồn các em sớm được siêu thoát.

Các cháu bé ơi! Không biết lúc hồn lìa khỏi  xác, hồn bay lơ lửng , các  cháu có biết mình đã chết rồì không? Chỉ nghĩ đến đây là không cầm được nước mắt. Những gia đình có cháu bé bị chết tức tưởi , chết không toàn mạng , chết với máu me đầy người, làm sao họ vượt  qua được nỗi đau  kinh hoàng này?

Người trai trẻ đi giết người không gớm tay kia, không biết cậu đã nghĩ gì khi bóp cò súng và nhìn những thiên thần nhỏ gục chết tại chỗ? Hay là cậu đã hối hận việc mình làm  sau những phút giây nhìn thấy máu và máu, và rồi cậu quay đầu  súng lại bắn ngay vào người mình, sau khi giết thêm 6 thầy cô giáo khác. Cậu chết đi là hết, Mẹ cậu chết đi cũng an phận , đỡ phải tủi hổ và lương tâm đau khổ vì hành động dã man của con mình , dù không cha mẹ nào dạy con mình đi làm những điều khủng khiếp đó. Nhưng bà chết cũng thảm quá. chết bằng viên đạn của chính con trai mình bắn vào người. Thời thế loạn hay ma quỉ hiện hình làm người?


Xin chắp tay cầu nguyện cho linh hồn những thiên thần nhỏ và những Thầy cô giáo sớm được về miền miên viễn. Cầu nguyện cho linh hồn người mẹ hung thủ cũng được siêu thăng. Nhưng còn người gây ra thảm nạn? không lẽ cũng cầu nguyện cho cậu được đi lên thiên đường? nếu không cầu nguyện , hoá ra mình " hẹp hòi, ích kỷ"? vì theo người VN thường hay nói" nghĩa tử là nghĩa tận?" Không! người có tội dù nhiều hay ít , cũng phải đền tội , để người sống trên cõi đời , dù luật đời hay luật " lương tâm" cũng phải phân minh, trắng đen minh bạch .
Nhưng dù gì, phạm nhân cũng chỉ là một người trẻ tuổi, những suy nghĩ không theo lẽ bình thường, sống trong môi trường cha mẹ ly hôn, rồi không bạn bè bên cạnh, những buồn vui không ai chia xẻ, có thể người mẹ lại không san sẻ tình cảm cho con..v..v...., từ những suy nghĩ bệnh hoạn đó, cậu trai phát khùng lên và gây ra thảm nạn. Người bình thường có suy nghĩ và phải làm cách nào cho đúng?
 Sắp đến ngày Chúa giáng trần, xin chắp tay cầu nguyện:
"Vinh danh thiên chúa trên trời
 Bình an dưới thế cho người thiện tâm!"


Giọt nước mắt rơi, con tim đau nhói 
 Trước cảnh hãi hùng ở thành phố Newtown  
Người chạy tới lui, tiếng khóc , thét gào         
 Xe cứu thương chạy ào ào cứu nạn

Người Mẹ đáng thương là nạn nhân đầu bảng  
 Bởi đứa con mình nuôi dạy hai mươi năm  
Adam Lanza sao mang nặng hờn căm    
Đến Mẹ đẻ cũng nhẫn tâm bắn chết?

Mẹ gục xuống, nỗi hận thù chưa hết 
Xách súng vô trường bắn giết kẻ vô can   
Những em bé thơ sửng sốt ngỡ ngàng   
Một tiếng đạn nổ một thân người ngã gục

Những thiên thần nhỏ đang sống đời  hạnh phúc  
Được Ông Bà yêu, Mẹ quí, Bố nâng niu                        
Những sáng, những trưa em luôn được nuông chìu 
Đôi mắt sáng, đôi môi cười rạng vỡ

Tội tình chi em đứt ngang hơi thở   
Trước lúc lìa trần em có thét, có la 
Có run rấy, có khóc gọi Mẹ-Cha  
Hay đớ lưỡi, mắt trợn trừng sợ hãi?

Tên cuồng điên em có nhìn thấy rõ   
Hay chụm đầu che mặt chẳng nhìn lên  
Có ôm chặt người bạn nhỏ kề bên      
Hay chết điếng trước khi hồn thoát xác?

Thương  em tôi tuổi  lên 5, lên 7 
Quá ngây thơ tương lai rộng đón chờ 
Đợi Giáng sinh sẽ nhận được nhiều quà 
Trong tích tắc là nạn nhân nghiệt ngã.

Bố mẹ em đang khóc than vật vã  
Thân quyến Thầy- Cô, người cùng chết với em tôi 
Giọt lệ rơi tiếc thương cho những con Người,
Chết tức tưởi bởi “kẻ khùng? ” vô cảm.

Bao tiếng cầu kinh trong chiều tà ảm đạm 
Giữa nguyện đường hai mươi xác em thơ 
Bên cạnh em , xác lạnh của Thầy Cô  
Những người can đảm đem thân che lằn đạn

Tôi người không quen nhưng tim gan quặn nát         
Chắp tay nguyện cầu hồn lên chốn thiên đàng                  
Các em ra đi cả thế giới bàng hoàng                                    
Và oán trách “kẻ điên “ gây nên tội!

Người thanh niên dù hủy mình sám hối?                      
Nhưng hà cớ gì lại giết kẻ vô can?                             
Nhiều câu hỏi, tìm nguyên cớ rõ ràng                                           
Xã hội, gia đình đâu là người trách nhiệm?

Ngày này hằng năm sẽ là ngày tưởng niệm.                           
Cho cư dân thành phố nhỏ Newtown                                 
Xin Thiên chúa trên trời  xoa dịu nỗi đau      
 Và ban phước: Người bình an dưới thế!
LT Hoài Niệm
 

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

"Thơ Bút tre" tặng hội VNTD

 

Tối nay mới ngồi vô bàn
máy  nhìn thơ thẩn đăng đàn sao vui
g nên cũng góp phần tui
Dù trời khuya khoắc tối thui lại còn
lạnh, phải khen Tuyết Nga đon
đả lanh tay viết  thơ  ngon quá trời
đất làm nức dạ đến Người
Xứ Vạn bên Úc tức cười đến rung
tay chàng chẳng có ngại ngùng
Họa thơ tặng lại quần hồng đến hai
bài anh hội trưởng ra oai
“Bút tre kiểu mới” thật tài tặng Thương
Anh, Tố Anh là chuyện đương
nhiên vì sao sáng thơ đường hội Văn  
Nghệ lại có nhiều tài năng
Giúp hội qua mấy con trăng huy hoàng
Hoài Niệm cảm tạ vô vàn
Ở đây đã gặp muôn ngàn niềm vui,
hì hì hì

 

TÌNH QUÊ HƯƠNG


                           
Gặp gỡ  trao nhau những uẩn tình
                                       Mưa chiều chợt đến, nến lung linh
                                 Chuyện xưa nhắc lại đau lòng muội
                                    Kỷ niệm gợi về xót dạ huynh
                                  Góp sức đấu tranh xua bóng tối
                                  Chung lòng xây dựng đợi bình minh
                                  Việt nam cẩm tú quê hương đó
                                  Mãi mãi trong tâm khắc đậm hình

                                            Lê thị Hoài Niệm

Đón người về



Cửa mở, Người vô dáng yếu gầy

Ôm chầm, ghịt chặt, xiết đôi tay

Lau khô mắt ướt rưng rưng tủi

Uống cạn môi mềm loạng choạng say

Dấu chặt niềm đau xua mối hận

Chôn sâu nỗi nhục nén men ngây

Đau thương Lính chiến thân tù tội

Thoát ngục mừng vui nhớ lấy ngày!
Hoài Niệm