Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

CÂY HOA SỨ TRONG SÂN TRƯỜNG

đi cộng đồng với lớp nhị 7
















“Một đàn sư phạm đi qua chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tiền tiêu, ố tang tình tang , ồ tang tình tình” Đó là đoạn hát mở đầu được sửa lời từ một bài dân ca của n/s P.D. mà bọn tôi cứ nghêu ngao mỗi lúc đi rong chơi trước sân nội trú sau khi ăn cơm ở nhà bàn về, hễ đám này cất lên là nhóm khác hát hòa theo, vừa vỗ tay vừa đánh nhịp cười vui vẻ. Nhưng hôm nào có nhiều quân nhân, thân nhân đến viếng thăm người nhà, ngồi trong phòng đợi, thì cả đám im lặng thầm thì cứ như là những cô nữ giáo sinh hiền lành ngây thơ vô…số tội.  


Cuộc sống nội trú của  những giáo sinh sư phạm từ khi có được nội trú mới, (2 tháng sau khi bắt đầu niên học khóa 8) mỗi phòng 4 người với đủ giường nệm, bàn học, tủ đựng vật dụng riêng thì huy hoàng thoải mái không thể tưởng. Cứ bốn người hợp nhau thì chọn vào một phòng, và hai phòng kề thì chung vách thấp, nhìn nhau chung trần nhà, đám bên kia nhìn thấy người nằm giường tầng bên này, tha hồ nói chuyện tâm sự giải bày hay…đấu láo, nhất là phòng chúng tôi ở tầng lầu ba, nhìn thấy hết cả những người ra vô dưới hành lang nội trú, nhìn thấy cả bên “căng-tin”, nhìn thấy luôn căn phòng ở của quí Thầy bên  kia dãy phòng học. Và ở phòng chung vách với tôi, cô bạn X. là người đẹp nhất trong tám đứa, theo tôi. 

Chưa có khoảng thời gian nào vui thú như thời gian vào trường Sư phạm. Cứ như ta là những người đã lớn, sắp bước chân vào ngưỡng cửa đường đời, rời xa sự dắt dìu chỉ dạy của cha mẹ, sẽ một mình đứng vững được trên đôi chân truớc cuộc sống mới khi ra trường, nhưng bên trong vẫn còn một chút ngại ngần của đứa trẻ, vẫn còn những sợ sệt vu vơ. Sự mâu thuẫn vẫn ẩn hiện đâu đó, nhưng nhờ cuộc sống tập thể, bạn bè chung quanh, cuộc sống cứ đi tới, đẩy lùi qua nhanh những lo âu sợ hãi đang chờ trước mắt, nhất là nhờ cuộc sống nội trú, chung quanh là những người đồng trang lứa, dễ dàng xẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, và những nghịch ngợm, phá phách cũng được kết bè sinh sôi nảy nở. Vui nhất là những buổi “trực nội trú”, ngoài việc được chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa những thân tình gia đình rất cảm động, còn được cơ hội “chọc phá” những người trẻ mặc quân phục vào trường tìm nữ giáo sinh, mà không cần biết….bạn bè hay bồ bịch? hoặc nhìn thấy những giận hờn giữa những đôi tình nhân dự định “cộng chỉ số”, vừa mới cãi nhau chí chóe, sau đó lại lo lắng sợ mất nhau….  


 Thế rồi một buổi chiều gần cuối năm học nhị niên, thời gian sắp sửa thi bộ môn “thực hành” cho kỳ tốt nghiệp, kỳ thi vô cùng quan trọng cho đời làm thầy cô giáo. Trong lúc tôi, Tr.T và Y trở lại phòng từ nhà ăn, chưa đến cửa nội trú, đã nghe nhiều tiếng chộn rộn xôn xao, có những tiếng trao đổi từ các bạn ra vô nội trú ( nhiều người không ăn cơm nhà bàn), rằng có “người điên”! Ai điên và tại sao điên khi mà tiếng đồn phát ra từ căn phòng ở lầu ba của chúng tôi?. Cả mấy đứa chạy băng lên cầu thang, vào phòng mình, gặp ngay chị Ng.TT, chị nói X bị điên. Cái gì? Và chị chỉ sang căn phòng trống bên dãy đối diện, nơi X mới được đưa vào, sau khi mấy nam giáo sinh khiêng về một cái giường cho bạn nằm, chúng tôi bèn chạy ùa vào, phòng đầy người và đúng lúc bạn đang lên cơn(?):
-Chị Lan đó! chị rủ X đi với chị ấy! để X đi với chĩ.  
Hình như có ai đó lên tiếng hỏi:
- Chị Lan là ai? ở đâu và rủ X đi đâu?
-Chị ở trong cây hoa sứ trước sân trường đó, chị ấy ở đó đó, chị đang đi ra đó.. Tôi và đám bạn nhớn nhác, hoài nghi, chưa nghĩ đến chuyện ma quỉ gì, nhưng cũng nhìn theo tay X chỉ, may ra thấy người nào đó đi tới.

Lúc này thì chị H., giám thị nội trú, Thầy T. tổng giám thị bên trường, Thầy Lh. cố vấn, thầy H. ở phòng bên cũng đã có mặt, có mấy bạn đang ôm cứng giữ X lại không cho cô phóng lên nóc giuờng đôi mà không leo bình thường bằng cái thang, nhưng X mạnh lắm, cỡ 4 hay năm người níu chân tay nhưng cũng không níu nổi, và X cứ bung đạp đá những người chung quanh rồi làm thao tác leo lên nhảy xuống đến mấy lần, có lẽ các Thầy Cô sợ X té xuống gây thương tích, nên cứ xoay qua lại hỏi xem ai có cách gì giữ dùm X. lại, căn phòng ồn ào chộn rộn không thể tả,  lúc đó mấy anh bên nội trú nam cũng chạy qua đông lắm, đứng nửa ngoài nửa trong, nhưng chưa ai nghĩ ra cách gì giữ cho X ngồi yên, cứ  nhao nhao rồi bàn ra tán vào, nên căn phòng đã ồn ào càng thêm náo nhiệt.   Không biết có động cơ nào thúc đẩy, bỗng dưng tôi đi lại gần níu chân X. và lên tiếng nói:
-X ! có gì thì từ từ mà nói, đừng có leo lên trên đó nữa, té xuống gẫy chân tay đó.  
X. nghe xong quay lại nhìn tôi, lúc này tôi mới nhìn rõ bạn, nét mặt ngơ ngác, đôi mắt ngây dại, thất thần, X ngó tôi, rồi nhìn những người chung quanh, ngó người này rồi người khác, rồi nhoẻn miệng cười vu vơ thấy rất…sợ, tự nhiên X rụt người lại, làm ra vẻ sợ hãi, rồi lên tiếng:
- Phải mày là con T? T thấy chị Lan không? chị đang đi tới đó, có thấy chị đẹp không, chị từ trong cây hoa sứ đi đến với X đó.
Tôi thấy hơi gai gai lạnh ở sống lưng, nhưng chung quanh tôi có rất nhiều người, mà X lại nhận ra tôi, nên tôi đánh bạo hỏi lại để thử X: 
-Chị Lan nào ở trong cây sứ? cây sứ ở đâu? 
- Dưới sân trường đó, cây sứ có rất nhiều hoa thơm đó, chị Lan nói chị ở trong đó đó, chị rủ X. đi chơi với chị.

Thôi thì mọi người trong phòng mặc sức mà bàn tán, kẻ nói qua, người bàn lại rằng chắc chắn có… ma, mấy cô yếu bóng vía thì phản ứng rùng mình le lưỡi, lùi lại phía sau, quí Thầy Cô thì phân vân chưa biết giải quyết thế nào, nhưng thấy X không còn leo lên nhảy xuống thì coi bộ yên tâm, nhưng tôi lại là người …lãnh đủ khi X lên tiếng :
-T ơi! đi chơi với X với chị Lan nghe. 
Trời đất! tôi điếng hồn khi nghe cô bạn …điên lên tiếng rủ đi chơi với …ma. 

Ở nội trú trong thời gian qua có quá nhiều chuyện làm đám nữ giáo sinh sợ xanh mặt, nhiều khi ban đêm, đến giờ cúp điện, thậm chí đi vào phòng vệ sinh chẳng dám đi một mình, phải rủ hai hay ba người cùng đi cho đỡ sợ, tối ngủ có  đứa lấy “dao” đặt dưới gối trên đầu giường để “trừ ma”. Cũng bắt nguồn từ khi một chị nhị niên năm trước, mặc dù chị ở bên ngoài, nhưng lại vào nội trú ở chơi với bạn cùng lớp, rồi sanh con ngay trong phòng vệ sinh, đứa bé bất hạnh bị chị bỏ vào cái bồn nước và định giựt cho ..trôi(?) . Trời đất quỉ thần ơi, lúc đó có một chị đi vào, thấy sao có nước màu đỏ tràn lan, chị  la lên…

Thế là từ đó, nội trú cứ bị ám ảnh những oan hồn uổng tử xuất hiện, khiến cho mấy nữ giáo sinh chẳng dám ra khỏi phòng lúc đêm về. Nhưng bữa nay lại có người “điên” vì có ma nhập?   Mọi người trong phòng hình như đã trút được gánh nặng khi có một tên bị lôi ra thế mạng, thế là họ cùng đồng thanh:
-Ừ con T nên ở với con X đi! T nói nó nghe, ở đây với nó là đúng rồi.
Hồn vía tôi lúc này đã lên gần tới chín từng mây, tự nhiên cô bạn phát điên, mạnh hơn …voi, mỗi khi lên cơn năm bảy người kéo còn không muốn lại, còn tôi, ốm tong teo nấu chưa ngọt nồi nước xúp, nó mà khùng lên cầm tôi quăng một cái chắc là toi mạng, nghĩ vậy tôi lên tiếng:
-Thưa chị H. Thưa quí Thầy Cô, làm sao em dám ở đây một mình với X?.                                                         

 Lúc này thầy Lh., Thầy cố vấn lớp chúng tôi, mới từ từ lên tiếng giọng Bắc thật rành rọt:
-Thầy thấy em ở lại đây với X  tối nay là hợp lý, vì X đã biết nghe lời em nói nên đã chịu ngồi yên, hình như X thích em, thôi thì em hãy vì bạn mà giúp bạn, không phải chỉ mình em đâu, sẽ có các bạn khác thỉnh thoảng vào đây canh chừng X với em.

Thiên địa quỉ thần ơi! cái đàn sư phạm đi qua, chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tiền tiêu  mà mỗi chiều vẫn nghêu ngao dưới sân chắc phải vắng bóng tôi rồi, nếu mà đêm nay có chuyện gì xảy ra chắc là tôi cũng đi thẳng, vì thân tôi đã bị bạn của ma chọn ở với nó.
Mà tôi cũng phải khen tôi đầy lòng …can đảm, một cô bạn bị…ma nhập, cả nội trú bàn tán xôn xao sợ sệt như vậy, nhưng tôi lại chẳng dám phản kháng mạnh khi được đề nghị ở lại, chẳng bù với những lúc có ngày nghỉ lễ, cả đám bạn cứ rủ nhau đi thăm tỉnh này, tỉnh khác, nào là Huế, Đà Nẵng rồi phố núi Pleiku đi dăm phút trở về chốn cũ…., trong khi tôi chẳng dám tháp tùng bọn chúng, chỉ ngại khi đang ngồi trên xe vượt quãng đường dài, tự nhiên có tiếng nổ cái bùm, chiếc xe tung lên rồi…tan xác, “thành tích diệt địch của quân giải phóng ta”.

 Cha mẹ ơi, chết thẳng cẳng thì buồn thật nhưng không sao, cái màn cụt tay, mù mắt thành phế nhân, để rồi “ ngày về! ngày về em đã chụt chân…” báo hại cha mẹ thì tội chết. Nhưng hôm nay thì khác, thôi thì một liều ba bảy cũng liều, mình có …oai nên ma mới cần đến, với lại chung quanh tôi cả một bầy con gái, ngoài giờ học là chúng kéo vào nói chuyện râm ran, bày đủ trò phá phách, có cô bạn H. còn dám ngồi trước quyển sách cộng đồng của Thầy B. mà viết thêm chữ …lừa vào đó để nói lái chơi, Thầy dạy kinh tế chúng cũng không chừa cứ viết thêm chữ ..lò vào sau chữ Tôn đó, nhưng khi bị Thầy vào bắt gặp, bọn chúng chối biến và nói vừa xem truyện con nít của nhà văn Duyên Anh nên thuận tay viết xuống. Cười, hết ý. 

Nhờ vậy tôi không thấy buồn, và bọn tôi  cứ gợi chuyện với X. cho bạn nói, vì khi bạn nói, bạn không muốn leo trèo nữa, mãi đến khi mọi người đi vào giấc ngủ. 

Đã mấy đêm như vậy trôi qua, căn phòng tạm của chúng tôi không ngớt các giáo sinh vào viếng, nhiều lúc nhìn X nằm ngủ, chúng tôi cứ đưa mắt nhìn nhau và hỏi không biết bạn bị bệnh gì, vì khi X ngủ, cả khuôn mặt trông ngây thơ, thánh thiện lắm. Vậy mà chỉ có cây hoa sứ trong sân trường, đã làm bạn lên cơn hung bạo, la hét và đòi đi theo chị Lan vào cây hoa sứ (?). 

 Câu chuyện “Tái ông mất ngựa” coi bộ cũng hơi đúng đúng với trường hợp của tôi. Cái hôm bị trúng số ở với “người điên trong nội trú”, tôi cứ ngỡ đời mình kỳ này tàn trong ngõ cụt, vì căn phòng lúc nào cũng ồn ào kẻ ra người vào thăm viếng, ban đêm không có chỗ riêng để soạn bài đi dạy môn thực hành, và cũng chẳng có thì giờ đi …mượn người vẽ tranh minh họa để dạy, cái mục ác ôn mà tôi sợ nhất.

Nhưng có lẽ vì cảm cái tình bạn gan lì của tôi dành cho X, thầy giáo cố vấn đã nhờ các bạn khác liên lạc bên trường Sư phạm thực hành bốc thăm lấy môn dạy, rồi mấy bạn nào đó đã soạn bài dùm, vẽ tranh minh hoạ và đem  sang chỗ tôi, tôi chỉ cần nhìn vào xem kỹ và đi thi. Những giờ tôi rời khỏi X để đi thi đứng lớp dạy, có nhiều bạn không có giờ học đến canh chừng, nên cũng đỡ, vì lúc sau X đã…..hiền lại rồi.

Không biết có phải nhờ “ma” phụ trợ hay không, mà kỳ thi thực hành tôi toàn có điểm tối đa tất cả các môn, nhất là lớp bốn của Thầy Cứ ở sư phạm thực hành, ông Thầy mà giáo sinh nào cũng… ngán. Bốc thăm trúng lớp của Thầy, xem như đi vào cửa tử! nên người nào cũng …xanh mặt, nhưng kỳ đó tôi đã dạy nhằm môn “hoạt động thanh niên” ngoài trời mà được điểm tối đa. Chuyện hiếm có mà vẫn xảy ra. Chắc Thầy đã nghe chuyện và cảm thông, hay nhờ …ma giúp sức mà tôi dạy hay vượt bực(?) Dù sao vẫn cảm ơn Thầy đã cho điểm tối đa!  Và cũng cảm ơn các bạn đã soạn dùm bài. 

 Rồi thì gia đình X cũng ra thăm. Ba của X lúc đó làm lớn ở ty tiểu học P.Y. , Bác là người văn minh, nhưng thấy con gái mình trong cảnh ngộ như vậy, Bác cũng đành tin theo bùa ngãi. Bác xin ở đâu một lố “lá bùa” và Bác lập bàn hương án, khấn vái tứ tung, cuối cùng bác đốt lấy nước cho X uống. Dù tôi không mấy tin, nhưng gặp cảnh ngộ nan giải, “còn nước còn tát”, đành nhìn cô bạn uống nước lá bùa và cầu mong bạn khỏi bệnh. Ba X muốn đem con về nhà chữa trị, nhưng X cứ vùng vằng không chịu theo, cuối cùng nhà trường để X ở lại chờ qua cơn bệnh.

Thời gian đi qua cỡ hơn hai tuần, dần dần X trở lại bình thường. Chiều chiều, Thầy Dz., quản đốc bên nội trú nam, cứ lấy xe hơi của nhà trường, chở X ra bến tàu, bãi biển …giải khuây, may ra nhìn phong cảnh hữu tình thơ mộng mà dứt hẳn cơn bệnh, và tôi có bổn phận theo sát nút để canh chừng bạn lỡ lên cơn trở lại, thế là tôi được ngồi xe hơi đi chơi khơi khơi cả mấy buổi chiều liền. Xui mà hên….

 Sau ngày mãn khóa tan trường về để chờ đợi kết quả, trước khi về lại nhà ở NT, tôi đã được gia đình X mời ghé lại T.H. thăm nhà một chuyến và chơi với bạn vài bữa, tôi được gia đình bạn “thết đãi” rất trọng thể, điều mà tôi chẳng muốn chút nào, nhưng dầu sao đó cũng là tấm lòng thành của gia đình bạn với người đã chịu chia sẻ sự khó khăn trước cơn đau ngặt nghèo của con mình. 

 Rồi thì ngày thực sự lìa ngôi trường Sư phạm thân yêu cũng đến, tất cả về lại trường để chọn nhiệm sở và lãnh sự vụ lệnh …đi làm Thầy cô giáo.  Vì tôi được xếp vị thứ chín, nên mới sáng tinh mơ đã từ giã sân trường, mừng rỡ lẫn nôn nóng giã từ tất cả mà ra bến xe trở lại nhà, chẳng có thời gian ngồi lại “chờ đợi” xem bạn nào chọn nhiệm sở nơi đâu, trong đó có X.

 Mãi đến mấy năm sau, một lần ghé lại Nha Trang thăm tôi từ Quảng Đức, một nơi đèo heo hút gió biên giới xa vời, nơi mà ngôi trường học X nhận làm cô giáo, học trò chỉ dăm bảy đứa lớn nhỏ không đều, bữa học bữa không, Thầy Cô giáo thì chỉ dạy dăm bữa nửa tháng, trở về thành phố phải đi nhờ …trực thăng của Lính, và từ đó X đã gặp người thương, quên đi qúa khứ đau buồn chỉ vì “thương Thầy” mà sinh bệnh, căn bệnh tâm thần quái ác. 
Thì ra, khi tình cảm bị đè nén lâu ngày, sự ẩn ức vì yêu không thể nói nên lời cũng dễ phát sinh cơn bệnh kinh khiếp thật.  

Chẳng có ma quỉ gì trong cây hoa sứ cả, cây hoa sứ thì muôn đời chỉ là cây hoa sứ, có phận sự làm đẹp, đem niềm vui đến cho người khi hoa nở và chờ đến một ngày hoa tàn, rũ chết. Không biết bây giờ cây hoa sứ trong sân trường sư phạm QN còn đó, hay đã bị bứng gốc quăng đi, như những giáo sinh năm nào đã bị …bứng ra xa nguồn cội mà chưa có cơ hội tìm về thăm chốn cũ, để tìm gặp lại Thầy Cô xưa mà nói lời cảm ơn chân thành, và ngôi trường thân yêu với vô vàn kỷ niệm……..

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

HOUSTON! THÀNH PHỐ ĐẾN ĐỂ MÀ THƯƠNG



Khi biết tôi có ý định dọn về sinh sống tại thành phố HOUSTON, những người bạn mới quen, những thuyền nhân tị nạn vừa mới được chính phủ Mỹ cho vào định cư tại thành phố gió Chicago vào thập niên 80 như tôi, ai ai cũng ngạc nhiên và lên tiếng ngăn cản, khuyên bảo tôi rằng: đừng có đi, về Houston sẽ bị cái nóng “nắng cháy da bò” thiêu đốt, nắng còn hơn cái nắng trên đất nước Việt nam thân yêu xa lắc xa lơ bên kia bờ biển Thái Bình, nơi mà chúng tôi đã từ giã ra đi, rằng nắng sẽ làm chết người, nhất là những người già cả và kẻ ốm yếu, biết đâu tôi cũng sẽ cùng chung số phận, vì lúc đó tôi còn quá “ốm đói” bởi ở trại tị nạn dài lâu. Và nhất là họ ngại tôi gặp phải những tên “cao bồi Tếch-xịt cỡi ngựa bắn súng bằng bằng”, bởi những cuốn phim mà họ xem được từ hồi còn ở quê nhà trước 75. Đó là những người đàn ông to lớn trông rất bụi, với con ngựa chiến, râu ria xồm xoàm, mặc cái quần jean thường rách nơi đầu gối, áo sơ-mi caro, hay jacket vải jean, chân đi đôi boot đóng đầy đinh mỗi lần bước đi kêu lẻng kẻng, trên đầu đội nón rộng vành, và nhất là vòng dây nịt quanh lưng, luôn có giắt hai cây súng lục hai bên hông, mà mỗi lần hai tay họ cùng lúc rút súng ra, là “khói súng” làm tiêu đời đối thủ ngay tức khắc, biết đâu chừng tôi cũng sẽ bị… tai bay họa gửi.


Nhưng đã bao nhiêu năm chọn Houston làm đất dung thân, và là nơi chôn nhau cắt rốn của những đứa con tôi, dù nắng có cháy da, có ngày lên đến hằng trăm độ F, dù mưa có lụt lội, ngập đường trôi xe, dù bão biển có thổi vào mỗi năm mấy bận, làm cây đổ nhà bay, dù không gặp những “cao bồi Tếch-xịt” thực tế ngoài đời, nhưng Houston đã cho chúng tôi những ngày vui sống thật đúng nghĩa.

Thật vậy; Thành phố Houston nằm ở phía Đông Nam của tiểu bang Texas, Các thành phố lớn chung quanh như: DALLAS-FORT-WORTH ở phía Bắc cách 240 dặm. AUSTIN, thủ phủ của TX nằm về hướng Tây Bắc cách 160 dặm. SAN ANTONIO nằm hơi chếch về hướng Tây Nam, cách 210 dặm.

Diện tích của vùng Houston rộng đến 8.778 dặm vuông, tương đương với 2,3 triệu hecta, lớn hơn cả tiểu bang New Jersey, nhỏ thua tiểu bang Massachusetts một chút thôi. Riêng thành phố rộng khoảng 540 dặm vuông, tương đương với 140.000 hecta, lớn hàng thứ tư của nước Mỹ, chỉ sau New York, Los Angeles và Chicago. Vì là vùng đồng bằng, nên Houston có tầm nhìn được rất xa.

Thành phố Houston được thành lập từ năm 1836, bởi hai anh em nhà họ Allen, mới đầu chỉ có khoảng 1500 dân với 100 ngôi nhà. Nhưng đến năm 1990, Houston đã trở thành thành phố đông dân hàng thứ tư của Liên bang Hoa kỳ với dân số xấp xỉ 1.600.000 người, năm 2009 đã lên tới hơn 2 triệu 242 ngàn người.

Thành phố này được đặt tên Houston để vinh danh vị Tổng Thống đầu tiên của Nước Cộng Hòa Texas .

Sau khi nước Mễ tây Cơ giành độc lập từ người Tây Ban Nha, Tướng Santa Anna lên làm tổng tư lệnh kiêm Tổng Thống, bắt đầu có ý thống lĩnh luôn vùng Texas, lúc này còn nằm trong vùng đất của Mễ tây Cơ. Ngày 23 tháng 2 năm 1836, ông ta mang quân sang đánh thành Alamo. Trong khi thành ALAMO (ở San Antonio) bị vây ngặt, các dân biểu họp đại hội và đồng thanh tuyên bố thành lập nước CỘNG HÒA TEXAS và chỉ định Sam Houston làm Tổng Tư Lệnh đoàn nghĩa quân khoảng 400 người! Còn đang chờ đợi để tới giải cứu thành Alamo, họ vẫn chưa biết rằng thành Alamo đã thất thủ. Chỉ vài giờ sau những người đươc thả ra từ Alamo đến báo tin, Tướng Sam Houston quyết định tất cả dân chúng, quân đội và chính phủ mới thành lập rút chạy về hướng đông. Mặc dầu thiệt hại nặng khi tấn công thành Alamo, quân Mễ vẫn đông hơn quân Texas gấp 6 lần!

Santa Anna nghĩ rằng sự tàn sát thành Alamo sẽ làm khiếp đảm đám quân ô hợp và nhỏ bé của Sam Houston và trước sau gì cũng tan rã. Nhưng ông đã lầm vì quá tự tin và kiêu ngạo.

Thành Alamo bị tàn sát làm nổi lên hào khí khắp nơi, thanh niên ào ạt đầu quân dưới quyền Sam Houston. Nếu Santa Anna không quá độc ác, chưa chắc Sam Houston đã có một số quân đông và lòng quyết chiến như vậy.

Buổi chiều ngày 21 tháng 4 năm 1836, Sam Houston ra lệnh tấn công quân Mễ bên bờ sông San Jacinto, nằm ở phía đông của thành phố Houston bây giờ. Trận chiến chỉ kéo dài 18 phút ngắn ngủi, dân quân luôn hô to khẩu hiệu trả thù cho thành Alamo !. Quân Mễ thiệt hại khoảng 630 người và hơn 700 bị bắt làm tù binh, trong khi chỉ có 9 dân quân Texas bị tử trận.

Cuối cùng Santa Anna bỏ chạy và bị bắt làm tù binh ngày hôm sau đó. Sam Houston tha mạng cho ông tướng kiêm Tổng Thống Mễ Tây Cơ và buộc ông ta ký hòa ước trả độc lập cho nước Cộng Hòa Texas. Sam Houston được bầu làm Tổng Thống đầu tiên.
Sau khi Texas xin sát nhập vào hiệp chủng quốc Mỹ Châu (USA), Sam Houston được bầu làm Thượng Nghị sỹ, rồi Governor của TEXAS.

Đối với nhiều người dân Houston, Sam Houston là một tấm gương lớn cho họ noi theo. Ông sinh ra ở tiểu bang Vỉginia nhưng lớn lên ở tiểu bang Tennessee. Sống ở nông trại và chơi rất thân với đám người da đỏ Cherokee. Khi cuộc chiến giữa Hoa kỳ và Anh Quốc lần thứ nhì bắt đầu, ông đầu quân làm lính binh nhì. Về sau lên dần đến chức Trung Úy rồi giải ngũ đi học luật và hành nghề luật sư. Đắc cử dân biểu liên bang 2 lần đại diện cho tiểu bang Tennessee, sau đó đắc cử Thống Đốc Tennessee. Chưa hết nhiệm kỳ ông xin từ chức về sống với bộ lạc da đỏ Cherokee sau đó dọn về Texas cùng với một số bạn bè thân thiết….

Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ, ông chống đối việc rút Texas ra khỏi liên bang Hoa Kỳ, nhưng sau đó phải chiều theo đa số. Trong khi đó, chính phủ phía Bắc yêu cầu ông gia nhập Bắc quân nhưng ông từ chối vì không muốn bàn tay mình nhuốm máu người miền Nam. Cuối cùng ông về hưu và chết ở Huntsville, đó là một thành phố nhỏ phía bắc của Houston bây giờ.

Nếu lái xe từ Dallas về Houston, sẽ nhìn thấy bức tượng một ông già chống gậy màu trắng khổng lồ bên trái xa lộ I 45. Đó chính là Sam Houston.



Ngày nay thành phố Houston gồm có hằng trăm sắc dân khác nhau đang sinh sống chen lẫn với nhau. Thành phần người da trắng gần đây giảm rất nhiều, chỉ có người Mễ và châu Mỹ La tinh là đông nhất, khoảng gần 40 phần trăm, và sắc dân châu Á khoảng 5 phần trăm, trong đó Việt nam khoảng một trăm năm mươi ngàn người (?).
Nói đến Houston phải nói đến hệ thống xa lộ thật rộng lớn, thành phố không có sông mà có quá nhiều …cầu (đường), bao gồm khoảng 400 dặm đường lớn nhỏ. Nhìn trên bản đồ, sẽ thấy hơi giống hình bánh xe có 3 vòng (3 loop) và 10 cái nan xe toả ra từ trung tâm của thành phố theo hướng chính của địa bàn.
Xa lộ 610

Bao vòng trung tâm thành phố là vòng đai 610, hay còn gọi là Loop 610, rất nhiều cầu cao đan qua chéo lại, trực thuộc hệ thống xa lộ xuyên bang (Interstate highway). Bên trong vòng đai này là những khu phố, khu nhà cửa lâu đời nhất của Houston.
Tiếp đến là vòng đai belt 8, hay còn gọi là Sam Houston Tollway, chạy trên đường này phải ..nạp tiền mãi lộ, mỗi lần là 1đô la rưỡi. Vòng đai này đi ngang qua hai phi trường lớn của Houston là phi trường quốc tế Bush Intercontinental (G.BUSH) phía Bắc và William P. Hobby ở phía Tây Nam. Hằng năm có khoảng 42 triệu lượt người đến và đi từ hai phi trường này, hành khách có thể bay đến 178 thành phố của hơn 28 quốc gia trên thế giới.

Phi trường Bush cách trung tâm thành phố 23 dặm, và cách khu trung tâm thương mại Việt Nam khoảng 40 dặm. Phi trường Hobby cách thành phố 7 dặm, và khu VN khoảng hơn 30 dặm.

Và ngoài cùng là bán vòng đai xa lộ tiểu bang số 6 hay còn gọi là Highway 6, xa lộ này chạy lên hướng Bắc thì chếch sang đông bắc và đổi tên là FM 1960.
Ngoài 3 vòng đai trên, có những xa lộ xuyên bang khác như xa lộ 45, chạy từ hướng chính Bắc (Dallas) xuống, xuyên qua trung tâm thành phố rồi rẽ xuống phía Đông Nam, đoạn đường này được gọi là Gulf Freeway, chạy thẳng xuống biển Gaveston và chấm dứt tại đó.
Từ phía Tây Bắc (Austin) chạy về hướng trung tâm thành phố là xa lộ liên bang 290 (US Highway), đoạn cuối nhập vào góc Tây Bắc của vòng đai 610.
Từ hướng Đông Bắc, chạy xuyên qua trung tâm thành phố, rồi đi thẳng xuống Tây Nam là xa lộ 59, đoạn qua khỏi thành phố thường được gọi là Southwest Freeway. Xa lộ này là con đường huyết mạch chạy thẳng xuống biên giới Mễ Tây Cơ và tha hồ đi qua Mexico du lịch.
Từ hướng Đông đi sang Tây là xa lộ liên bang số 10. Xa lộ này chạy từ biên giới Đông sang Tây của nước Mỹ. Qua khỏi thành phố, có một đoạn được gọi là Katy Freeway. Lái xe đi trên đoạn đường từ Đông sang Tây này, sẽ gặp những “sòng bài giải trí lớn” như BILOXI ở MISSISSIPI hay LAKE CHARGE ở LA, ai muốn thử “thời vận” chắc không bỏ lỡ cơ hội ghé vào.

Tại trung tâm thành phố có một hệ thống đường hầm nối liền các cao ốc với nhau, dài khoảng 11 km, như một thành phố chìm sâu trong lòng đất, những hành lang dài để người đi bộ đỡ phải băng qua đường, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều quán ăn, trong đó chẳng thiếu thứ gì, có cả quán ăn Việt nam bán nhiều món như phở, bún.., ngoài ra còn có các tiệm tạp hóa, văn phòng Bác Sĩ, Nha Sĩ, tiệm hớt tóc, làm móng tay, nhà băng …
Houston có một “Vùng hý viện” rất rộng lớn đến 17 khu phố nằm về phía Bắc của trung tâm thành phố. Gồm 8 tổ chức khác nhau với 12 ngàn chỗ ngồi cho các buổi trình diện đại nhạc hội, vũ Ba-lê, kịch nói hay kịch hát (opera)v…v… Những hý viện lớn đáng kể như: Wortham Theater Center, Alley Theater, Jones Hall, Aerial Center và Hobby Center of Performing Arts, bên cạnh các tổ chức như Houston Symphony, Theater Under the Stars, Houston Operav…vv..
Houston cũng có rất nhiều viện bảo tàng như : Viện bảo tàng Mỹ thuật-Museum of Fine Arts, Museum of Natural Science, Children’s Museum, Contemporary Arts Museum và Houston Zoo


Houston có hơn 40 trường Đại học lớn nhỏ khác nhau, nhưng lớn nhất là hệ thống đại học Houston, gồm nhiều chi nhánh rải rác trên toàn thành phố. Có trường đại học Rice là một trường tư rất nổi tiếng, bên cạnh những trường đạo như Baptist University. University St Thomas….
Houston có một trung tâm Y Tế ( Texas Medical Center ) lớn nhất thế giới nằm ở phía Nam thành phố, rất nổi tiếng về giải phẫu Tim và trị bệnh Ung Thư. Hằng năm có khoảng 5 triệu bệnh nhân trong nước Mỹ và khắp các nơi trên thế giới về chữa bệnh tại trung tâm này, trong đó không thiếu các Ông Hoàng bà Chúa Ả Rập giàu có. . .
Houston còn có trung tâm không gian nổi tiếng của nước Mỹ (National Aeronautics and Space Administration-NASA), nằm phía đông nam, nơi điều khiển Phi Thuyền Con Thoi, Trạm Không Gian (Space Station), cũng như huấn luyện Phi Hành đoàn. Thập niên 80, khi chương trình phi thuyền Con Thoi đang phát triển mạnh, rất nhiều kỹ sư, chuyên gia gốc Việt đã đóng góp một phần đáng kể cho trung tâm này, có cả một ông Tiến Sĩ Phi Hành Gia người Việt nữa.
Về thể thao, thành phố Houston hầu như đều có đủ cả: Về football thì trước kia có đội Houston Oilers, nay thì có đội Texans, năm nay là lần đầu tiên được vào trận bán kết vòng 8, nhưng đã bị “hạ” bởi đội Raven. Về bóng rổ thì có đội Houston Rocket, đã hai lần đọat giải “quán quân” trong NBA. Và trước đây có đội bóng nữ Comets, đã liên tục 4 lần đọat giải quán quân. Về Baseball thì có đội bóng The Astros, về túc cầu thì có đội Houston Dynamo, cũng đã mấy lần đoạt giải quán quân cả nước. Hy hữu hơn cả cho một thành phố “nóng cháy da bò”, lại có cả một đội khúc côn cầu-hockey chuyên trượt trên băng mang tên The Aeros. Mỗi một đội banh đều có một vận động trường lớn cho đội banh của họ.


Muốn biết Houston có “cao bồi cỡi ngựa” hay không thì hãy đến vào tháng hai mỗi năm. Houston Livestock Show và Rodeo là 2 chương trình lớn để người TX thi tài cưỡi ngựa, chăn bò, thi chạy đua cho heo, lừa….
Màn trình diễn văn nghệ đồng quê lớn nhất thế giới kéo dài đến hai tuần lễ, qui tụ hầu hết những ca sĩ “Country music” nổi tiếng nhất trên nước Mỹ. Hàng năm có gần hai triệu lượt khán giả đi xem, vừa xem đủ loại như đua ngựa, cưỡi bò, ngay cả bọn con nít cũng có những mục thi riêng về tài nuôi heo, lừa, gà vịt chóng lớn với những học bổng thật giá trị, lại vừa thưởng thức những món BBQ- thịt nướng thật xuất sắc của những người dân miền Nam nước Mỹ.
Houston được mệnh danh là Thủ Đô của năng lượng trên toàn thế giới bởi vì hầu hết các công ty lớn ( khoảng 500) đặt trụ sở chính tại đây. Ngoài ra còn có khoảng 5 ngàn hãng xưởng kinh doanh liên quan đến dầu hỏa đều tập trung ở đây, gồm có kỹ nghệ khoan mỏ dầu, tìm kiếm mỏ dầu, chế tạo dụng cụ khoan dầu, xưởng lọc dầu, chuyên chở dầu bằng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt khắp hang cùng ngõ hẻm. Ban đêm đi trên cầu cao bắc ngang Houston Ship Channel bạn nhìn về phía đông, sẽ ngạc nhiên thấy hai bên đèn điện sáng rực, còn hơn kinh đô ánh sáng Paris.
Hải cảng Houston vẫn đứng đầu về số lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển và thứ nhì về tổng số hàng chuyên chở trên đất và trên biển. Houston cũng đứng hàng thứ nhì chỉ sau New York về số hãng được xếp vào bảng danh sách 500 hãng hàng đầu (Fortune 500) trong nước Mỹ. Tổng sản lượng của Quốc Gia Houston và vùng phụ cận lên đến 440 tỷ Mỹ kim, xếp hàng thứ 22 trên thế giới trong các nước kỹ nghệ gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp.... Thành phố được xếp hạng nhất về ba tiêu chuẩn Tiềm năng kinh tế, khả năng kiếm việc, và giá sinh hoạt. Cho nên mặc dầu nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Houston cũng thấp so với toàn quốc.


Khi đến Houston, những người Việt nam chắc chắn phải đến thăm chơi khu thương mại Việt nam và China nằm dọc theo đại lộ Bellaire, suốt nhiều cây số từ lúc rời south 59 rẽ vào exit Bellaire, chạy mãi đến vòng đai highway 6. Tại đây có “Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ” rất uy nghiêm, là nơi những người Lính VNCH cũ vẫn đến để làm lễ tưởng niệm ngày Quân lực v..v, Khu thương mại VN thật lớn nhưng có tên “Hong Kong City Mall”, có đủ mọi dịch vụ từ chợ, quán ăn, tiệm vàng, quần áo, quán nhạc, văn phòng Bác sĩ v..v..và bên góc trái là nhà hàng lớn Ocean Palace, trước cửa vào là một hồ sen rộng nở hoa thơm ngát vào mùa Xuân. …Đối diện là tiệm Lee’s Sandwiches, nơi hội tụ của hầu hết những người VN đang cần tìm nơi hẹn bạn bè, tán gẫu. Khu nhà hàng “Kim Sơn” rộng rãi chứa cả hàng ngàn người mỗi khi có đám tiệc, đặc biệt là “all you can eat” với đủ món ăn thuần túy Việt nam từ các loại bánh như bánh xèo , bánh bèo, bánh hỏi…, đến dưa mắm cá mặn, thịt kho tàu… ..Còn có khu Việt Hoa trên belt 8…, nhiều và nhiều lắm….
Tượng đài Chiến sĩ trên đường Bellaire








Khu thương mại VN còn gồm vài con đường nữa cũng bao chung quanh, nhà hàng ăn nhiều đến nỗi đi vòng cả tháng cũng chưa chắc có thì giờ trở lại, ăn nhiều bội thực thì có văn phòng Bác sĩ chữa đủ mọi chứng bịnh trên đời, có cả vũ trường lớn, nhỏ để nhảy đầm cho người tiêu cơm, nhẹ bớt, có cả khách sạn để đi lại dễ dàng, khỏi mất thì giờ, có cả hý viện để trình diễn đại nhạc hội chứa cả ngàn người…. Nếu chẳng may bị đột quị thì nhà thương cũng gần, nếu xui xẻo có…đi thẳng cũng có “nhà quàn” sát nách sẵn sàng “tếch-ke”.
Nếu muốn di du ngoạn, thăm quang cảnh cho biết, nên đến Trung Tâm Không Gian ở Clear Lake, để xem những hình ảnh, sinh hoạt của những phi thuyền con thoi của một thời…quá khứ. Đến khu giải trí Kemah bên bờ vịnh Gaveston, Moody Gardens có cả một vườn cây cảnh xanh ngát một màu, đủ các loại hải sản đẹp nhất nuôi trong hồ kiếng v…vv…, hay qua phà sang Cristal island, hòn đảo pha lê nước trong xanh thăm thẳm.


Đến thăm Downtown Houston và Tunnel, Downtown aquadrium, Woodland Waterway, Houston museum of Fine Art, Houston Zoo. Hay leo lên xe điện, chạy một vòng qua Texas Medical Center.
Và cuối cùng, dù là thành phố nóng, nhưng cây xanh được trồng khắp nơi. Khách du lịch ngồi trên máy bay nhìn xuống, sẽ thấy những tấm thảm cây xanh bao quanh phi trường, thành phố trông thật mát mắt, thơ mộng…

Thành phố Houston tuy lớn, mạch sống nhộn nhịp nhưng không hối hả, tất bật, giá cả không đắt đỏ mấy, nhất là nhà cửa, chỉ cần vài trăm ngàn US, là có căn nhà rộng thênh thang, tha hồ hát ..karaoke mà không sợ làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi, nên người Việt sinh sống ở đây rất đông, chỉ sau Nam Cali.
Thành phố có nóng bức vào mùa hè, có bão đến bất ngờ, có “flat flood” ngập đường sau mỗi cơn mưa lớn, nhưng Houston thật “hữu tâm” đối với những người đến đây sinh sống, nhất là những người Việt nam xa quê tị nạn. Thành phố luôn mở rộng vòng tay để cưu mang và nuôi sống mọi người, không phân biệt một ai, nhất là những người luôn chịu khó làm việc để vươn lên trong cuộc sống.


Người Houston khi viết về nơi mình sinh sống, dù cố gắng mấy, cũng chưa có thể ghi hết những nét đặc thù của thành phố thân thương, nhưng mong rằng người đọc sẽ có một khái niệm tổng quát về Houston, nơi mà người dân địa phương âu yếm gọi là thành phố kênh đào (the Bayou City), nơi mà người viết đã nhận làm quê hương thứ hai, khó lòng mà dời đi nơi khác, ngoại trừ một ngày…….. .
Lê Thị Hoài Niệm, Houston 2012

Tài liệu tham khảo:
Trần Đại Tân: Đ/SNHKH năm 2005
Internet, hình ảnh, bài viết.
Trang nhà của City of Houston
Minh Đạo-Nguyễn Thạch Hãn:Houston có gì lạ không em?
(Xin cảm ơn những tác giả được nêu tên)

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

CON CHIM NHỎ ĐÁNG THƯƠNG





Nhìn con chim nhỏ xinh xinh
Như muốn tìm lại chút tình thân yêu
Chim cố tập bay sớm chiều
Bay lên rớt xuống tiếng kêu não nề
Cha mẹ ơi! hãy quay về
Sao đành bỏ lại con thơ một mình



Thất vọng, chim đứng lặng thinh
Như đang tự hỏi sao mình bơ vơ?
Chim cần cha mẹ nương nhờ
Cho qua tuổi dại ngây thơ kém tài
Nhìn con chim nhỏ lạc loài
Nỗi niềm thương cảm bi ai khó kìm
Dẫu rằng chỉ một cánh chim
Cũng dòng máu chuyển trong tim đỏ màu
Biết buồn khi lạc mất nhau
Biết ngóng cha mẹ ở đâu không về?
Chiều buồn chim đứng ủ ê
Rồi chim gục xuống bên bờ tường hoa
Chim không còn thấy mẹ cha
Hồn chim chắc đã bay xa chốn nào
Đứng nhìn chim quặp cánh vào
Thân chim bé nhỏ thương sao quặn lòng
Chim ơi ! hãy ngủ giấc nồng
Đời chim đã thoát khỏi vòng trầm luân
Cứu chim ta chẳng thể làm
Xác chim sẽ vĩnh viễn nằm cạnh hoa.

MÓN QUÀ ĐẦU NĂM

Bị hơi khói của hàng trăm cây nhang bủa vây, mùi trầm nức mũi, mùi thơm của nhiều loại nước hoa, mùi keo xịt tóc, mùi hơi người từ đàn ông lẫn đàn bà, rồi những tiếng lầm rầm cầu nguyện, tiếng lốc cốc phát ra từ những ống xăm tre được xốc lên xốc xuống, tất cả ngần ấy thứ bủa vây làm Thục muốn ngộp thở, ngất ngư.

Để yên cho hai cô bạn đang cúi đầu với ống xăm, nàng thoát ra ngòai, nhưng cũng phải chen và lấn, vì người đứng chờ đến lượt xin xăm quá đông, làm nghẽn cả lối đi, đã vậy muốn tìm thấy đôi guốc cũng mất gần năm phút, vì mấy đứa bé đã lợi dụng thời cơ đem dấu chờ tiền chuộc
Xỏ được đôi dép vào chân, nàng bước vội ra phía bờ sông, lách qua khỏi đám người đang đứng lố nhố tìm phong cảnh để chụp hình, nàng ưỡn ngực hít lấy hít để luồng gió xuân từ duới sông thổi lên, những giọt mồ hôi trên trán, trên cổ và cái lưng đẫm ướt nhờ vậy cũng khô nhanh. Thục lững thững đi ngược về phía sau cổ tháp, nơi đây đã được đặt sẵn những cái bàn hình chữ nhật phủ khăn đỏ, phía trước là cái ghế dài, bên hông đặt thêm cái ghế nhỏ, trên bàn dăm ba tờ giấy đỏ và vàng được viết lối chữ Tàu, chen kẽ với dăm quyển sách tử vi, bói toán được xếp gọn gàng. Có bàn còn đặt thêm cái lư hương, trên cắm vài cây nhang cho thêm phần linh nghiệm. Dĩ nhiên đàng sau mỗi bàn đều được thống lĩnh bởi một chiêm tinh gia, bói toán gia gì gì đó, mà đa số là các Cụ ông, đầu đội khăn đóng, áo dài đen, quần dài trắng và chân xỏ đôi dép nhật.
Nhiều bàn đã có khách chiếu cố, nhưng còn một số Cụ, vài Anh trẻ đang ngồi ngáp vặt chờ thời…
Thấy Thục đi chầm chậm, nhìn quanh quất, một Cụ lên tiếng:
-Cô được quẻ xăm số mấy? có cần đoán quẻ không ? lại đây tôi đoán xem nào!
Thục ranh mãnh:
-Thưa Cụ, thượng thượng ạ! tốt quá rồi còn đoán giải cái gì nữa.
Miệng nói, chân rảo bước trở lại phía cửa Tháp Bà, bỏ lại người vừa hỏi với sự tiếc rẻ trông theo.
“Tốt quá rồi còn đoán giải cái gì nữa!”Thục mỉm cười vu vơ. Nàng đâu có tin vào mấy cái vụ xin xăm, bói toán, “Bói ra ma, quét nhà ra rác” mà! Có điều bạn rủ đi Tháp Bà xin xăm thì cứ đi, chứ tết nhất mà ngồi nhà thì buồn chán chết. À mà không biết người ta từ đâu tới mà đông quá sức, dù hôm nay đã là mồng ba rồi, chắc bữa mồng một đông hết biết. Nhờ có những ngày lễ, tết mà có khối người làm ra tiền ở chỗ này đây: như mấy người giữ xe ở dưới đường quốc lộ, ngay lối vào cửa Tháp, rồi đám người hành khất ngồi xếp hàng từ bậc tam cấp thứ nhất đến bậc cuối cùng, cái đám nhóc tì chuyên môn dấu guốc, giày chờ tiền chuộc của khổ chủ, và cuối cùng quí Cụ quí Thầy chuyên đoán quẻ, giải xăm…, tha hồ mà hốt bạc.

Đang đứng lớ ngớ, chợt có tiếng nói từ sau lưng:
-Mệt muốn đứt hơi luôn, nhà ngươi xin được quẻ xăm số mấy? Quyên hỏi.
Thục quay lại, ngó bạn cười cười:
-Thượng thượng! còn nhỏ Bình Mai đâu?
-Chưa thấy hắn xuất đầu lộ diện.
-Bô hắn chết ngạt ở trỏng hay sao mà lâu quá vậy?
-Làm gì mà rủa người ta dữ thế? mầy thằng quỉ nhỏ dấu mất tiêu đôi giày, phải đưa bọn hắn mấy đồng mới có giày mà đi, thiệt bực hết sức!
Mai đã đến sau lưng hai cô bạn than phiền.
- Tết nhứt mà! một năm mới có một lần cho mấy đứa bé kiếm tiền quà, thông cảm đi.Thục nói vuốt.
Chợt Quyên chồm tới ôm vai cả hai cô bạn:
-Hai đứa bay được quẻ tốt, xấu đưa đây ta coi!
Bình Mai mặt buồn buồn hững hờ trả lời bạn:
-Hạ hạ!
-Còn Thục?
-Thượng thượng!
-Xạo! tờ giấy vàng đâu?
Thục chọc bạn:
-Giải xong rồi nuốt luôn vô bụng cho linh thiêng. Quẻ xăm nói kẻ tiện dân này năm nay có cơ duyên gặp được …ý trung nhân, còn nói số tao “không giàu thì nghèo, ba mươi tết có thịt heo trong nhà” y chang!
-Con khỉ!
Thục bị hai bạn rượt đấm thình thịch vào lưng kêu oai oái.
-Bộ nhà ngươi không xin xăm sao? Quyên làm bộ sừng sộ hỏi bạn.
-Không! xin làm gì, đã nói trước, chỉ đi theo tụi mày chơi thôi.
-Ừ! Thà không xin xăm, chứ như ta xin ra quẻ hạ hạ, rầu quá, Mai góp lời.
Thục khuyên bạn:
-Dẹp đi! tin làm gì ba cái chuyện xin xăm, bói toán. Lỡ ông Thầy giải cho bạn quẻ xăm thật tốt, năm nay bạn thi đậu, nhưng hổng chịu học, đi chơi hoài thì làm sao có tên trên bảng vàng, họa may có đứa đi thi …dùm. Cứ tin ta đi, cố mở lồng ngực hít làn gió trong lành cho thoải mái rồi về!
-Tự nhiên ta cũng muốn nghe ông Thầy giải cái xăm này đã, chờ ta nghe! Quyên lên tiếng rồi dợm bước đi..
-Về đi, mai mốt trở lại, bữa nay mấy Cụ giải xăm mà không chém đẹp là không …ăn tiền!

Thục vừa nói vừa kéo hai bạn rời khỏi khu Cổ tháp, nàng biết hai bạn đang còn ấm ức vì chưa giải được nỗi thắc mắc trong những câu thơ ẩn nghĩa trên những tờ giấy vàng vô tri kia, nhưng cũng đỡ hơn là đầu năm đầu tháng mà được biết chuyện không hên, xui xẻo.
Ba chiếc xe đạp mi-ni từ từ chạy qua cầu xóm Bóng, vì gió ngược nên các cô phải gò lưng mà đạp cái bánh xe mới chạy đều. Thoát được quãng đường xe cộ tấp nập, đến khi qua hết cầu Hà-Ra vào được đầu khu phố, họ mới bắt đầu trao đổi câu chuyện:

-Hai bồ có để ý chiếc xe zeep theo sau lưng tụi mình không? Quyên rà ngang giữa xe Thục và Mai rồi lên tiếng hỏi.
-Thì họ đi đường của họ, mình đi đường mình, để ý làm chi. Thục cố nói lớn cho hai bạn cùng nghe.
-Không phải, họ rề xe theo bọn mình đó, rẽ qua đường Phan bội Châu rồi ra biển.

Bình Mai nói xong liền đạp xe thật nhanh lướt tới trước, Thục theo bạn và thỉnh thoảng bỏ tay lái ngóai nhìn ra sau, và chiếc zeep nhà binh vẫn lái tà tà theo sau ba cô gái nhỏ.
Đường Duy Tân ngày thường có lúc vắng vẻ, nhưng hôm nay còn trong vòng tết nhất nên thiên hạ rủ nhau chạy lên chạy xuống dập dìu, dưới bãi cát, tuy nước biển động nhẹ, tiếng sóng gầm cũng vang vọng ra xa, nhưng người ngồi chơi, đùa với sóng cũng không phải là ít. Ba cô gái chẳng lạ gì quang cảnh bãi biển nổi tiếng đẹp của thành phố này, chỉ thắc mắc một điều: chiếc xe zeep nhà binh.

Ba chiếc xe đạp dựng ngã vào nhau trên một bờ tường thấp cạnh lối đi tráng xi măng ngắn, và chiếc xe nhà binh cũng đậu lại phía sau, trên xe có hai người lính ngồi băng ghế trước.
Bỗng Quyên choàng vai hai cô bạn và cất giọng ngâm thật lớn:
“Thiếu uý nhìn em Thiếu uý cười,
Bồ em Trung uý, Thiếu uý ơi!”

chưa kịp hết câu đã bị Thục cằn nhằn: :
-Phá người ta chi vậy?
Không ngờ người lính trên xe bước xuống và tiến lại gần các cô.
-Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm đường nào về Cửu Long?
-Quốc lộ Bốn! Thục ngẩng mặt trả lời dấu nụ cười hóm hỉnh.
-Thưa không. Tôi muốn hỏi lối nào về đường Cửu Long ở thành phố này?
-Tại vì ông nói không rõ, nên tôi cứ tưởng…,
Thục bỏ lửng câu nói, thình lình xoay lại nói thật lớn cho người ngồi ngay tay lái nghe:
-Hình như các ông theo chúng tôi từ Tháp bà về đến tận đây?
Người Lính đang đứng định trả lời gì đó, nhưng rồi anh ta cười cười và lảng sang câu hỏi khác.
-Chúng tôi có người bạn nhà ở đường Cửu Long, các cô làm ơn chỉ rõ lối đi đến đó.
-Thục! vẽ đường cho ông ta, nhà ngươi cũng ở trên con đường đó mà! Bình Mai hối bạn.

Sau khi được Thục vẽ đường trên cát, hai người lính cảm ơn rồi de xe đi mất, nhưng là đề tài cho ba cô gái bàn tán mãi không thôi:
-Mấy ông lính này coi bộ đàng hoàng tụi bay nhỉ? Nhưng Mai cứ thắc mắc là sao họ không đi thẳng ra phố, gặp bất kỳ người nào mà hỏi tên đường, cớ chi phải theo tụi mình ra tới biển? À mà mấy chàng vừa rồi trông …kháu khỉnh quá, cũng cao ráo, lại nói giọng Nam kỳ cục nữa, nhưng cái phù hiệu trên vai áo trông lạ hoắc à, chắc là Lính miền xa mới về thành phố. Mai bỏ lửng câu nói ngó mông lung ra biển.

-Ha ha ha! bộ đầu năm bị tiếng sét ái tình đập trúng rồi sao con ? để ý người ta chi dữ dzậy hả? Thục vừa cười vừa nheo mắt nhìn bạn.
-Yên chí đi, nếu mấy người lính đó còn lỏng vỏng lòng vòng trong thành phố, thì thế nào nhà ngươi cũng có cơ may tái ngộ, lúc đó nhớ hỏi KBC để viết thư cho chàng xin làm…em gái hậu phương. Quyên nói xong cười hích hich.
-Rõ vô duyên! Mai làm bộ mắng bạn.
-Kể ra cái quẻ xăm hạ hạ coi mòi bắt đầu linh ứng rồi đó nghe, đầu năm đầu tháng mà bị thất tình, coi chừng xui quẩy lắm nghe con! Quyên tiếp tục phá bạn nên bị Mai rượt chạy vòng vòng.

Thục nhìn hai bạn rượt đuổi nhau, nàng bật cười và nảy sanh ý kiến:
-Hai tên nghe ta nói đây: cứ theo ta về đường Cửu Long nhà ta, biết đâu chừng lại gặp được người xưa: “người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?” Thục chọc bạn rồi leo lên xe đạp, cùng hai bạn trở về.

Từ đầu đường, ba cô gái giật mình ngó nhau, khi thấy chiếc xe nhà binh đậu lù lù trước cổng nhà Thục. Vừa dừng xe lại, Thục hỏi bạn nhưng cũng hỏi chính mình:
-Chết cha! Có khi nào hai ông Lính hồi nãy là bạn của anh Long nhà ta?
Thấy cổng nhà mở sẵn,Thục ra dấu cho hai bạn dắt xe vào lối cửa sau, nhưng vì âm thanh sột soạt của những viên sỏi trên lối đi, làm cho con mi-mi đang nằm lim dim dưới gốc cây vú sữa giật mình cất tiếng sủa gâu gâu mừng cô chủ nhỏ. Và tiếng chó sủa cũng khiến anh Long từ trong phòng khách chạy ra:
-Thục! em vừa về tới hả? có cả Quyên và Bình Mai nữa, vào đây mau, để anh giới thiệu những người bạn của anh, những người lính trận miền xa vừa về thành phố.
Chẳng đặng đừng, ba cô gái ngó nhau, le lưỡi nhưng líu ríu theo anh Long bước chân vào nhà...


-Hello! Thục đó hả, có đánh thức bồ dậy không đó?
-Chưa ngủ, nhưng có chuyện gì mà Quyên gọi mình khuya vậy?
-Còn nhớ anh Thành bạn của anh Long nhà ngươi và người yêu của nhỏ Mai ngày đó không?
-Làm sao mà quên được ông Lính lái xe zeep hỏi đường về nhà ta đó mà!
-Anh Thành đã sang Mỹ theo diện H.O.
-Sao ngày đó Bình Mai bảo anh ấy bị mất tích rồi. Ủa mà làm sao nhà ngươi có tin, và từ bao giờ?
-Rất tình cờ, một người bạn cũ của ông xã mình ở tù chung trại với ảnh, người bạn đã cho số phôn và tụi này vừa nói chuyện với anh ấy xong.
-Anh ấy có biết chuyện nhỏ Mai…?
-Chuyện đó dài dòng lắm giờ chưa thể nói hết được, gọi bồ có chuyện gấp cần sự giúp đỡ của bồ.
-Giúp đỡ ai và giúp cái gì?
Tiếng nói từ đầu giây bên kia có vẻ bực dọc:
-Chả lẽ ta lại cần nhà ngươi giúp? Rõ là đồ vô duyên. Bộ ngái ngủ hả, hồi nãy giờ nhà ngươi nghĩ ta đang nói chuyện chi đây?
-Thì chuyện của anh Thành ngày xưa, không biết bây giờ đã lên chức gì rồi để cho nhà ngươi phá nữa đây?
-Nói chuyện đứng đắn, không đùa! Nghe cho rõ đây, Ta chỉ nói vắn tắt thôi, mai mốt gặp nhau sẽ nói rõ ràng: Anh Thành sang đây có cả vợ và hai con, nhưng gặp hoàn cảnh hơi ngặt nghèo, vợ anh bị đau tim nặng, phải mổ, hai đứa con còn nhỏ, nên khó tìm việc full time, tiền trợ cấp của chính phủ thì sắp hết rồi, ngày hết tết đến, sợ không đủ tiền trả “bill”, nên anh ấy rất cần một việc làm không bắt buộc giờ giấc nhất định, chỉ có bồ mới có điều kiện giúp đỡ được anh ấy, bồ hiểu chưa?

Thục cầm ống liên hợp sững sờ một lúc lâu, chờ bạn giục mấy lần mới buồn buồn lên tiếng:
-Bồ chỉ đường cho anh ấy ngày mai đến chỗ mình.
-Nè! nhớ đừng để anh Thành nhận ra bồ nghe chưa? Cố giúp cho anh ấy qua cơn ngặt nghèo, không chừng nhỏ Mai sẽ phù hộ cho bồ làm ăn khấm khá hơn nữa đó, hiểu chưa?
-Dạ thưa….,em hiểu rồi! Good night., ngày mai em còn phải dậy đi làm sớm chứ không sung sướng được ngủ nướng như…chị đâu ạ!

Gác máy, Thục muốn ngủ để ngày mai có sức đi làm, làm sáu ngày một tuần, 52 tuần một năm, chưa có một ngày nghỉ lễ. Hồi trước ở bên nhà, bà con thường hay than vãn: “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ..” ở đây làm hoài nhưng chẳng có ai than vãn, vì chẳng có ai bắt buộc, miễn có sức mà làm, cũng may, trời thương tình nên chưa để bịnh hoạn viếng thăm. Nhưng câu chuyện vô đầu không đuôi của Quyên vừa rồi đã đánh tan đi cơn buồn ngủ và làm lòng Thục chùng xuống, kỷ niệm xưa lại hiện về chập chờn ẩn hiện…

Mai hớt hơ hớt hải chạy đến gõ cửa nhà Thục vào buổi sáng giữa tháng ba năm ấy để nhờ anh Long liên lạc dùm với đơn vị của anh Thành sau khi có tin Pleiku di tản, triệt thoái khỏi cao nguyên. Nhưng anh Long cũng đành bó tay, không cách chi liên lạc được, chỉ biết rằng tất cả mọi đơn vị, tiểu khu đều đã di chuyển theo tỉnh lộ 7 để xuống Tuy hòa, nhưng đã bị địch chận đánh nhiều nơi, và tình trạng hỗn loạn, chết chóc đã xảy ra cùng khắp khó lòng phân biệt lính hay dân, nên mạnh ai nấy tìm đường thoát, không có cấp chỉ huy, không còn đơn vị nữa. Ngồi nghe anh Long nói mà Mai khóc ròng, Thục cũng không cầm được nước mắt trước tình cảnh của bạn, nhưng cũng cố an ủi bạn hãy cầu nguyện, may ra anh Thành sẽ vượt thóat về đến nơi an toàn, nếu chẳng may…?
Nhưng rồi mấy ngày sau, tại một trung tâm tiếp cư trong thành phố, anh Long đem tin về rằng một người lính cùng đơn vị của anh Thành đã chứng kiến cảnh anh ấy bị tử thương bởi một trái đạn pháo của địch rơi ngay giữa đoàn quân di tản. Tội nghiệp Bình Mai, trong nỗi đau khổ tột cùng, đã can đảm một thân một mình lội ngược một quãng đường dài trên con lộ máu đó, may ra tìm được chút vết tích của người yêu khi thành phố vừa đổi chủ, đổi quân, tất cả còn trong cơn hỗn lọan.

Thục tìm đến thăm Mai khi biết được tin bạn âm thầm đi tìm tung tích người yêu và đã tuyệt vọng thất thểu trở về, cũng là lúc Mai kéo Thục ra Tháp bà xin xăm, và kỳ lạ thay, mỗi khi Mai lắc ống xăm đều rơi ra quẻ xăm Hạ Hạ, Thục chỉ biết ái ngại nhìn bạn và thầm cầu nguyện cho bạn gặp được điều lành vì hơn ai hết, Thục biết bạn rất tin vào quẻ xăm, hay bói bài, bói toán.

Thế rồi từng đợt người vượt biển đã mang Quyên, Thục và nhiều người nữa đến bờ bến tự do, nhưng Mai đã vĩnh viễn vùi thây giữa lòng biển cả với một ước vọng mong manh khi còn sống: “Biết đâu sẽ tìm gặp được người yêu nơi xứ lạ, chắc chắn anh ấy không thể chết đâu, và nếu chẳng may ảnh còn ở trong tù, Mai sẽ cố gắng tìm cách đi thăm nuôi và chờ ngày…đoàn tụ.” Nhưng hôm nay, tin anh Thành đã đến được xứ Mỹ, mà người đi cùng không phải là Mai, và Mai…! Thục thấy mắt mình cay cay và bờ môi mằn mặn.

Người đàn ông cao và gầy, nước da hơi xanh, gương mặt dài với chiếc mũi thẳng, mở miệng ngập ngừng từ khi bước vào quán:
-Thưa bà chủ! tôi tên Thành, tôi muốn…., tôi có người bạn giới thiệu đến đây, tôi…
-Mời anh cứ ngồi tự nhiên, mình từ từ nói chuyện.
-Dạ!
Thục cố quan sát thật nhanh người đàn ông đối diện, nếu không phải là Quyên giới thiệu đến đây, nàng khó lòng mà nhận ra Thành, người lính pháo binh trẻ trung, oai hùng, vào một ngày xuân năm xưa bị bọn nàng chọc phá. Thục nhủ thầm: anh tàn tạ đến vậy sao? Nếu Mai mà biết được..! Cố gắng lấy giọng vui vẻ, Thục lên tiếng cho người đàn ông bớt e dè: - -Xin lỗi anh qua bên này được bao lâu rồi?
-Được hơn một năm rồi bà ạ.
-Thế gia đình anh sang đầy đủ chứ? Chị và các cháu thế nào? Người đàn ông ngập ngừng mãi hồi lâu mới ngước nhìn Thục trả lời:
-Tôi đi tù về, …gặp được nhà tôi bây giờ, cũng vì hoàn cảnh mà thôi, chúng tôi sinh được hai cháu, may mắn qua được bên này, nhưng gặp lúc vợ bịnh, con còn nhỏ quá, lại neo đơn, nên…,
Người đàn ông bỏ lửng câu nói, thở dài, khiến Thục cũng thấy lúng túng:
-Tôi hỏi thăm anh là vì…tò mò vậy thôi, chứ tôi cũng biết được hoàn cảnh của gia đình anh từ người bạn. anh đừng có lo quá, tôi sẽ cố giúp anh trong khả năng tôi có, dù gì mình cũng là…, suýt chút nữa Thục buột miệng nhận người quen, trong khi người đàn ông có vẻ mừng lộ hẳn ra nét mặt - ---Ồ! Như vậy là bà chủ đã chịu nhận tôi vào làm việc cho bà, thành thật cảm ơn, tôi có thể làm được tất cả mọi việc, bà cứ tin tôi đi.
Thục cười để làm yên lòng người đối diện: -Cũng không đến nỗi bắt anh làm hết mọi việc đâu, giờ nào thuận tiện anh cứ ghé qua quán, sẽ có người hướng dẫn cho anh lúc ban đầu, và tôi sẽ trả lương căn bản cho anh, về sau sẽ tùy vào công sức anh giúp cho, và bây giờ…,

Thục bỏ lửng câu nói, xoay người đi lấy một phong thư để sẵn trên bàn, lại đứng cạnh người đàn ông, nhỏ nhẹ:
-Tôi xin gửi tặng anh, trước tiên chào mừng anh là một nhân viên mới, sau là cho các cháu có thêm chút quà mừng xuân trên đất lạ, mong anh đừng từ chối.
Người đàn ông mở lớn đôi mắt, lộ hẳn vẻ ngạc nhiên. Nhìn phong thư hẳn ông đã đóan được những gì gói ghém bên trong. Vầng trán nhíu lại, ông đưa tay vuốt tóc từ trước ra sau, hình như ông đang suy nghĩ lung lắm, không lẽ nhận tiền của người lạ dù nhiều hay ít trong khi mình chưa có một giờ làm việc, không nên lợi dụng lòng tốt của người. Nhưng rõ ràng là mình đang rất cần tiền, vợ đau, con thiếu hụt đủ thứ, lại tứ cố vô thân, chỉ có vài người bạn trong đơn vị cũ, nhưng nhờ vả họ hoài sao đặng, bây giờ được người chủ tiệm tử tế nhận vào làm việc với những điều kiện dễ dàng, đã vậy còn tặng cho món quà.
Người đàn ông lắc đầu:
-Bà tốt quá, nhưng tôi không thể…
-Xin anh đừng ngại, tôi không có ý gì đâu, tại tôi lỡ biết được hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình anh. Nhưng thôi thì anh cứ coi như tôi cho mượn mà chưa cần ngày hoàn lại, biết đâu mai kia mốt nọ anh chị làm ăn khấm khá, các cháu học hành thành tài, lúc đó tôi sẽ…nhờ lại. Hôm nay gần tết rồi, ở đây tuy không náo nhiệt, rộn rịp như bên nhà, nhưng trong lòng mình vẫn có tết mà, nên anh cứ thong thả ở nhà lo cho chị và các cháu, ăn tết thoải mái, mồng ba đến làm việc cũng không muộn.
Người đàn ông rơm rớm nước mắt, tay rụt rè cầm lấy phong thư, giọng nghẹn ngào:
-Tôi không biết nói thế nào để cảm ơn tấm lòng tốt của bà, hồi mới đặt chân đến xứ này, tôi thật sự hoang mang, nghi ngờ về tình người khi bà con mình đã sống lâu năm trên đất Mỹ, nhưng hôm nay, tôi đã biết mình lầm. Hình như những ngày tết đối với tôi đều có những chuyện lạ và đầy ý nghĩa…, nhưng thôi, ơn của bà tôi sẽ mãi mãi không quên.
-Chúc anh chị và các cháu hưởng một mùa xuân vui!
Người đàn ông dợm bước đi, nhưng ngần ngừ đứng lại, giọng rầu rầu mở lời tâm sự:
-Mùa xuân vui nhất đời tôi đã qua lâu lắm rồi bà ạ! Dù tôi đã cố tìm đến mòn hơi cũng không cách chi tìm lại được, đành phải “cố yêu đời mà sống, lâu dần chuyện gì cũng qua” vậy thôi, thưa bà!, Cũng xin chúc bà và gia đình ăn tết vui vẻ.

Thục nhìn theo dáng nghiêng nghiêng của Thành xa dần ngoài khung cửa, vài giọt nước mắt từ từ lăn dài xuống má, nàng lấy tay chùi vội, và miệng cố nở nụ cười chào đón vài người khách vừa bước chân vào quán, lòng thầm khấn đến một người bạn đã nằm yên trong lòng biển cả: Bình Mai! Mình đã thay thế Mai lo lắng cho anh Thành, tuy không nhiều, nhưng theo như lời ước ngày nào của bạn, hãy mỉm cười, nếu bạn còn có thể nhé Mai, vì tình yêu của người ấy dành cho bạn hình như chưa bao giờ phai nhạt!!!