Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM TR/U PHI CÔNG: P.Đ.C.Phi đoàn Thần Tượng 215

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe ca khúc Hợp Đoàn Trực Thăng Nhạc và lời: Lê Thị Hoài Niệm




Anh ạ! Đã bao nhiêu năm qua rồi, em vẫn luôn cầu nguyện cho linh hồn anh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
Chắc anh không thể cảm nhận được mùi khói nhang em vừa đốt để tưởng niệm anh, dù hôm nay không phải là ngày 9 tháng 9, ngày mà hằng năm em vẫn thắp nén hương để tưởng nhớ về anh, đôi lần trong hoàn cảnh khó khăn phải tạm  đốt nén hương lòng.

 Nhưng,  một kỷ niệm chợt bùng lên, oà vỡ không thể nào tan biến được khi em đọc trên trang cánh thép, bài viết của  t/giả phi công VĨNH HIẾU:"....Ngày chim vỡ tổ", người đã nhắc lại những  hình ảnh đau thương về một cái chết “vô duyên”  tức tưởi khôn cùng.

 Trong số bảy người chết thảm khốc đó, bạc phần làm sao lại có cả anh, mà trong những giấc mơ sau thời gian đó, em vẫn thấy anh về trong bộ đồ bay, xô cửa buớc vô nhà, nhoẻn  miệng cười và bảo rằng:  “anh đâu có chết, anh chỉ bị thương thôi mà!”

Ngày đó, ngày đầu tuần thứ hai sau lễ khai giảng năm học mới. Em vẫn còn nhiệm sở ở Ninh hòa, trước khi bàn giao cho cô giáo mới để về lại Nha trang. Vẫn là những chuyến xe hàng đưa em đi đến nơi đó mỗi buổi sáng sớm, nhưng sao không có chuyến nào còn chỗ cho em đi, một chuyện xảy ra không bình thường. Mấy người tài xế và lơ xe vẫn dành riêng cho “cô giáo” một chỗ ngồi phía trước, nhưng  hôm đó xe nào vừa cập bến cũng vội chạy đi, để chú lơ xe thò đầu ra ngoài và nói…..xin lỗi cô giáo, chờ xe sau nghe!.

Trời nắng vội, đã hơn tám giờ rồi, giờ trống trường đã đổ để học sinh vào lớp học, vậy mà cô giáo vẫn còn ngồi tại bến xe NT. Ruột gan em như có lửa đốt, nó nóng bức một cách kỳ lạ, em cứ nghĩ là mình chờ xe không có, nên bức rức, bực mình. Cuối cùng thì một chiếc Da-hat-su trờ tới, và gọi em lên xe. Gần 9 giờ sáng, trễ lắm rồi, nhưng dù trễ em vẫn phải đi.

Một buổi  “bàn giao lớp học” đơn giản, em vừa nhận lớp lại giao lớp, tình cô trò chưa có nên không có cảnh chia ly, ấy vậy mà sao em thấy buồn nẫu ruột. Em đón xe trở về thành phố trong trạng thái bồn chồn, lo lắng.

Mọi bữa, đứa em trai của em vẫn đón em từ bến xe trở về nhà trong tiếng nói cười vui vẻ, nhưng hôm nay sao nó không nói , không cười. Linh cảm có điều gì không ổn, em nhìn nó hồi lâu không chịu ngồi lên yên sau chiếc Honda, em bảo nó: “nói đi, hình như có chuyện gì phải không? Hôm nay chị thấy nóng ruột quá, nên không ghé xuống đèo mua Ốc-Sò để về làm tiệc buổi tối như lời anh Công dặn”. Nó bỗng khóc oà và nói: “Sáng nay, lúc hơn tám giờ, anh Công đã bị rớt máy bay và chết rồi!”

Em bước vào nhà như kẻ vô hồn, mắt ráo hoảnh nhưng không nhìn thấy gì hết, đến khi Ba em lên tiếng: “con đi rửa mặt, rồi ra ngồi may mấy cái áo tang này, để mai liệm xác cho mấy anh!”Hình như em  thấy có mấy người mặc áo bay trong phi đoàn ngồi đó, những người bạn mà hằng ngày họ đến nơi đây nói cười vui vẻ, nhưng hôm nay họ lặng lẽ u buồn đến lạnh người  nên em chẳng chào hỏi được ai.

Em ngồi vào bàn máy và cặm cụi may, em may những chiếc áo để liệm xác- một tập tục lâu đời, do ba em cắt vải sẵn, em may mà đôi mắt cay xé, những màng mỏng nước cứ giăng ngang, ruột gan quặn thắt, từng mũi kim lướt đi là ngần ấy giọt nước mắt chảy ngược vào lòng. Em đã may thật nhanh những chiếc áo trắng, tấm áo gói ghém  hình hài không lành lặn của  những người phi công và xạ thủ trẻ mà những tháng ngày qua, với nhiều trận chiến khốc liệt, máy bay trúng đạn thù không chết, lại chết tức tưởi trong một phi vụ “phi diễn” trong ngày đại lễ của phi đoàn.

 Bạn anh mang những tấm áo ra đi mà không cho em theo, còn có người ở lại để ..canh chừng em nữa.  Nhưng cuối cùng, trước sự năn nỉ của em, anh “Thành đen” đã đưa em đến nhà xác, nơi để những xác người trong hộc tủ lạnh, nơi có những đồng đội đang đứng lặng người, để “nghiêm chào” cũng như từ giã lần cuối trong đời với những người bạn  đồng ngũ vắn số.

Anh Thành và mấy người bạn anh nhất định cấm, không cho em nhìn anh lần cuối, các anh ấy bảo em nhìn thấy rồi sẽ “chết siếng”, nhưng em vẫn từ từ đi vào gian phòng lạnh lẽo, buộc anh Thành phải kéo hộc tủ ra. Không biết vô tình hay cố ý, mà anh kéo....nhầm, để hiện ra trước mắt em một người mặc quân phục Bộ binh, mặt mày bê bết máu, hình hài không nguyên vẹn. Em không còn cảm giác và từ từ quị xuống.

Dù không ai cho đi khỏi nhà, nhưng rồi em cũng thoát ra và một mình trên chiếc Honda, em đã chạy lòng vòng cùng thành phố, rồi ra nhìn biển cả mà đầu óc trống trơn.  Đến khi trở về nhà, được má em sai đi mua trà để liệm xác ngày mai. Bao nhiêu trà thơm ở mấy tiệm buôn em mua hết, như món quà lần cuối trong đời em được phép tặng cho anh.                                                                        



 Người ta đứng chung quanh chiếc hòm kẽm đông lắm, vài người níu giữ em lại bên ngoài. Ban chung sự đang tẩm liệm xác. Hình như có một sức mạnh vô hình nào đẩy em đi tới, không ai cản được em, để em nhìn thấy một dạng người cháy đen, co rút lại, hai chân cong lên, đến nỗi muốn đậy nắp áo quan, mấy người lính chung sự phải cố đè hai chân xuống, hèn chi họ bảo mua trà thật nhiều, trà …hút nước…! Em không còn thấy và biết gì nữa nên mấy cái bông mai em vừa thêu xong định tặng anh vừa vinh thăng trung uý, đã rời tay không biết có ai bỏ dùm theo anh vào cỗ áo quan?                                               

Đứng lặng nhìn anh trong áo quan
Hình hài cháy nát thật kinh hoàng.
Hồn anh nương gió về đâu nhỉ ,
Có thấu  người thân dạ nát tan?


Những người bạn thân của anh, đã đưa anh về trên …chiếc trực thăng sơn màu tang  trắng.  Hình như quan tài về đến nhà trước khi gia đình biết đứa con, người em, anh trai yêu quí của mình đã vĩnh viễn ra đi(?).

Thiếu tá V. đến nhà em thật sớm hai ngày sau đó, đón em vào phi đoàn để đi lên ĐL dự lễ di quan. Phi hành đoàn trên chiếc trực thăng đông lắm, họ nhắc nhiều kỷ niệm về anh, về những …“người yêu” của anh. Ối chà!  ông Pilot nào chẳng thế. Một thi sĩ nào đó đã viết:                            

Đời phi công không bao giờ chung thủy
Mỗi lần bay…thay một cánh hoa rơi..?”(nhiều thế?)


Và anh, một phi công  cao ráo, đẹp người chắc cũng không khác mấy với họ? Anh có một chị Th., một chị H. vẫn đến nhà em để tìm anh mỗi khi họ đến NT, từ lúc anh rời nhà anh S. để về ở trong cư xá phi đoàn. Em vẫn thắc mắc tại sao chị ấy lại đi tìm sai chỗ vậy?  anh chỉ cười và nhún vai: mặc kệ! để ý làm gì?. Có phải vì anh vẫn đến nhà em hằng ngày, ngoại trừ những tuần biệt phái, anh vẫn hay đứng chờ trước cửa trường trung học tư thục V.H. ban đêm, nơi em có giờ dạy thêm buổi tối. Thậm chí có hôm anh làm em giật nẩy người , khi đang ngồi lớp tận Ninh hoà, vừa nhìn ra cửa sổ, thấy một người trong bộ đồ bay lù lù đứng đó.

Nhiều lần anh đến nhà em, và vui vẻ chuyện trò với “bạn” của em ở đó. Anh đã biết nhưng vẫn gặng hỏi nhiều điều. Trong gia đình, anh vẫn là Anh mà, người lớn quen nhau, thì con cái không là người xa lạ, do đó, mỗi khi gặp bạn bè trong phi đoàn, anh vẫn tươi cười giới thiệu với họ em là “con Bà Dì” bên Mẹ!.

Anh đau nặng sau những ngày hành quân biệt phái. Anh “Sơn 5” ra nhà em, đưa em vào cư xá sĩ quan vì anh muốn gặp. Không có phận sự và người bảo lãnh làm sao vào cư xá được? Anh cảm nặng, Bác sĩ cho thật nhiều thuốc, nhưng anh không hề uống viên nào. Nhìn cà-mên cháo vịt, do anh bạn nào đó mua ngoài chợ mang vô, em nghe mùi đã ớn, huống chi người bịnh. Thế là em đã thành cô “y tá” bất đắc dĩ, mỗi ngày được bạn anh ra cổng đón vào, nhờ đó những “bụm thuốc” của B/sĩ cho, anh uống vào mà không còn nhăn mặt, và những chén cháo trắng  ăn với thịt kho mặn không còn lạt lưỡi đắng môi. Anh dần dần bình phục. …Vậy mà anh lại ra đi thật tức tuởi.

Đêm hôm trước, anh đến nhà, còn dặn dò em rằng tối mai anh sẽ không dự tiệc vui trong phi đoàn, anh sẽ ra nhà chơi, thôi thì lần cuối rời khỏi Ninh hòa, hãy mua một số ốc, sò huyết đem về làm …món nhậu, tối mấy anh ra…chúc mừng “người về lại thành phố”!.

Đúng là người về lại thành phố!  mà thành phố Đà lạt thân thương. Em đi sau quan tài trong đoàn người đưa tiễn.Những tiếng khóc than não nuột của mẹ anh, của Hiền- em gái anh, và những bà con thân thuộc như  xoáy vào làm quặn nát ruột gan em, nhưng  em cố giữ  không buông tiếng khóc. Những người bạn già của mẹ anh, không biết vô tình hay cố ý, họ đến  an ủỉ, hỏi han em, họ “săn sóc” em rất kỹ. Thì ra, trong những ngày về phép trước đó, anh đã xin phép cha mẹ anh sẽ về Nha trang hỏi xin....cô giáo về làm vợ!. Một sự “chọn lựa” từ tình cảm của riêng anh. Từ lâu em vẫn thường nghe anh tâm sự: “ bồ bịch thì sao cũng được, chứ lấy vợ phải chọn đàng hoàng, khỏi có cảnh chén bay, diã bay…!”

Anh đã nằm yên trong nghiã trang trên ngọn đồi cuối con đường dốc đó. Trời Đà lạt mù sương đã ấp ủ nấm mồ anh trong ngần ấy năm dài. Người sống vẫn hướng về phía trước., nhưng kỷ niệm thì vẫn hoài là kỷ niệm. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, những người chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, vẫn chiếm ngự một chỗ trong tim những thân tình.... Mãi mãi và mãi mãi……                                    

  Xin cảm ơn T/G VH đã gợi lại kỷ niệm năm nào

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

MƯA RƠI


Ngồi buồn nhìn giọt mưa rơi
Giọt thương giọt nhớ giọt khơi nỗi sầu
Mưa ơi! mưa rớt về đâu?
Đèn vàng hắt ngọn đêm thâu lạnh lùng
Lá vàng lả ngọn rưng rưng
Mưa ơi! thương lá xin đừng cuốn đi!!!

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

CHÚC XUÂN

                       


KÍNH CHÚC QUÍ ĐỘC GIẢ, QUÍ ANH CHỊ EM BẠN HỮU MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG

Chạnh lòng

Phố xá thênh thang dưới nắng vàng
Gặp nhau người chúc: phúc an khang!
Trẻ thơ đón Tết lòng hăm hở
Thanh nữ chờ Xuân dạ rộn ràng
Bánh mứt trưng bày khoe tết tới
Đào mai rộn nở đợi xuân sang
Chạnh lòng nghĩ đến quê nhà cũ
Thương nhớ vơi đầy lệ chứa chan.

Lê thị Hoài Niệm

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

CHUYỆN TRÊN TRỜI





-Chị Tâm à! Cho tôi khen chị một tiếng: Chị nói tiếng Việt giỏi quá!
Tôi nghiêng hẳn người lại, nhìn cho rõ người đàn bà ngồi bên cạnh, người mà đã cùng tôi trao đổi vô số đề tài, từ chuyện cơm áo, nhà cửa, con cái, thời sự …trên suốt quãng đường dài của chuyến máy bay xuyên đại dương khởi hành từ tối hôm qua, mà như vừa nghe lầm câu nói.-Chị có đùa không? tôi cười cười hỏi cho chắc ăn, vì thời buổi bây giờ, có  những lời khen tặng làm cho người được khen rất bối rối, ngượng ngùng.

Người đàn bà tên Sa- đã nhìn thẳng vào mắt tôi, từ tốn chậm rãi từng tiếng:.
-Thưa chị, tôi nói với lòng thành, tôi không nịnh chị đâu, vì sau chuyến bay này, chắc gì tôi với chị có cơ duyên gặp lại, nịnh chị để làm gì?
-Nhưng tôi đâu phải đứa bé năm bảy tuổi, hoặc những người tuổi trẻ lớn lên ở xứ Mỹ, tôi thuộc tuýp người già mà.
-Tôi biết chứ! Tôi cũng biết chị đã ở Mỹ nhiều năm, qua câu chuyện mình nói từ tối qua đến giờ, nên tôi mới có lời khen chị.
-Nhưng tôi vẫn cón ấm ức, thắc mắc vì lời khen của chị!
Người đàn bà lại cười, tiếng cười rất thoải mái như đang ngồi ở nhà, làm vài người ghế bên ghé mắt nhìn qua:
-Chị à! Thú thật với chị, từ ngày qua Mỹ nuôi cháu ngoại đã sáu tháng qua, nhiều lúc tôi nói chuyện với người Việt nam  chung quanh mà cứ phải đoán già đoán non,  phải dòm vào…họng  người ta, để mong hiểu trọn ý người ta muốn nói gì, vì tôi đâu biết tiếng Mỹ.
-Chị làm tôi rối lung tung lên, chị nói chuyện với người Việt nam, mà không hiểu họ nói gì, lại liên can gì đến tiếng Mỹ tiếng Anh?
-Thiệt đó, ngay cả đứa con gáì của tôi,  nó qua Mỹ cũng đâu có lâu lắc gì, chỉ làm nghề "thẩm mỹ" thôi, nhưng nó nói một câu, cũng chêm vào hai–ba tiếng Mỹ, cả những người bạn lớn tuổi của nó đến nhà chơi, cũng một câu lại có vài tiếng Mỹ, nếu tôi không phải đoán thì làm sao hiểu hết.

Tôi cười thông cảm với chị, nhưng cũng phải lên tiếng để đánh tan cái nhìn phiếm diện của chị ấy
-Chắc là do thói quen đó mà, vả lại khi đi làm, giao tiếp với người bản xứ, họ phải dùng tiếng xứ người, riết rồi quen đi, đến khi nói với người mình, thì không tìm ra từ ngữ để xử dụng, thành ra phải…mượn tạm mà xài, mới làm phiền đến chị. Nhưng không phải tất cả mọi người như vậy cả đâu, rất nhiều người giữ được tiếng Việt trong sáng của mình, nhưng tiếc quá, chị đã không có cơ hội được gặp họ, nên chị đã có kết luận không mấy chính xác.

Người đàn bà nhíu cặp lông mày, có vẻ suy nghĩ,  xong rồi chị ngó sững vào tôi đặt lại câu hỏi:
-Nhưng chị cũng đi làm sở …Mỹ, mà tôi có nghe chị nói tiếng Mỹ nào đâu, tôi nghi mấy người kia muốn làm dóc với tôi, họ làm như họ giỏi(?)
-Ngay cả con của chị?
-Ừ! Tôi cũng có hỏi nó, nó cứ cười cười, nó nói phải như dzậy đó, là làm sao?
-Thì thôi, biết dzậy là được rồi, đàng nào chị đã không còn phải đoán già đoán non để biết người ta nói cái gì nữa rồi, bây giờ chị tha hồ nói tiếng Việt. Nhưng tôi cũng thành thật khen lại chị một câu, từ tối đến giờ, tôi không hề nghe chị nói một từ ngữ nào nghe mệt lỗ tai như “bức xúc, sự cố..” chẳng hạn.

Người đàn bà xì một tiếng thật kêu rồi lên tiếng:
-Chị nhận xét đúng, tôi ở trong nước, nhưng tôi cũng ghét mấy cái chữ đó lắm, tiếng Việt của miền Nam mình hồi trước nó hay ho cỡ nào, tự nhiên mấy ổng dzô rồi đổi tùm lum tà la, nghe sao không giống ai, mà chị nói chị đi vượt biển phải không? đột nhiên người đàn bà hỏi ngược lại tôi.
-Tôi đi vượt biển, nhưng có ảnh hưởng gì đến tiếng Việt trước sau?
-Có chớ! chị đi vượt biển là có ở một thời gian với “mấy ổng”. Chị nhớ hồi mới dzô “tiếp thu” miền Nam mình,  mấy ông bắt mình đi học tập, “chửi”  mình sao dùng chi tiếng Hán?  như  “hàng không mẫu hạm” mấy ổng bắt đổi thành “tàu sân bay”, rồi nào là “máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ..” nghe mà ớn. Nhưng rồi mấy ổng lại cứ kêu mình đi “đăng ký, nghiêm túc,khẩn trương”  lên, mà không chịu nói đi ghi tên, đàng hoàng, hay mau lên một chút, riết rồi tôi cũng không hiểu mấy ổng muốn cái gì?
-Trời! chị ở đó mấy chục năm mà không hiểu, chị hỏi rồi ai trả lời.
-Cũng đâu phải ở trong nước tôi mới nghe, ra ngoài này mấy tháng tôi lại cũng có nghe nữa, suốt ngày tôi cứ nghe họ nói có “sự cố nọ sự cố kia”, rồi lại nghe nói bà con “bức xúc”, không biết họ có hiểu bức xúc là gì không?
-Thật sao? Nghe ở đâu? Tôi làm bộ hỏi lại để chị nói hết ý của chị.
-Thì mấy cái đài phát thanh, đài truyền hình tiếng Việt đó, tôi nghe mà phát giận, có ai hỏi thì họ nói  “phát thanh cho người trong nước nghe”, thiệt tào lao hết sức. Nếu cái tiếng hay ho thì nên bắt chước, để làm phong phú thêm cho tiếng Việt mình, đằng này,  nói cái chữ vô nghiã,  mà cứ bắt chước nói theo, có người còn bào chữa  là  “nhạo báng”,  nhạo báng cái gì? nói riết rồi quen miệng thôi. Như ở trong nước bây giờ đi đâu cũng nghe “vô tư”, mà giọng người Bắc bây giờ họ nói nghe …xốc óc lắm, đâu có êm ái như ngày xưa. Mà vô tư là gì, là ..không đắn đo suy nghĩ? tại sao có chữ tự nhiên từ trước đến giờ không chịu nói, như mình mời người ta cứ tự nhiên ăn uống, đừng ngại, lại nói chị cứ “vô tư” nghe làm sao sao, vậy mà nhiều người cứ bắt chước, nói riết rồi vô hình chung là đi “phát tán” cái chữ đó thôi,  tụi tôi ở trỏng nên phải chịu,  còn ở ngoài này mắc mớ chi ?
-Chị có nhận xét thật chính xác. Hằng ngày chúng tôi cứ phải nghe ba cái từ ngữ đó, thật không biết nói sao, nhiều khi nó vô nghiã, như đài truyền hình có nhiều băng tần, từ trước giờ mình nói vậy, bây giờ mấy ông bà bắt chước cứ gọi “kênh”. Kênh truyền hình là cái gì, chữ kênh hay kinh hồi nào đến giờ mình dùng để chỉ những con sông đào, có khi rộng lớn, có khi nhỏ hẹp, như miền Nam mình có kênh hay kinh Vĩnh tế, ở  xứ Trung Mỹ có kênh đào Panama chẳng hạn.

-Ối chị ơi, mình mà nói từ ngữ của mấy ổng dùng trong nước bây giờ, sợ tới mai cũng chưa hết đâu. Tôi nghĩ là họ cố ý dùng cho khác với tiếng Việt của miền Nam mình lúc trước, họ ghép tầm bậy tầm bạ, họ cắt đầu bỏ đuôi, họ làm bất cứ kiểu gì cho khác là được, vì họ thấy họ đã  bị đồng hoá quá nhiều rồi. Tôi nhớ có ông nhạc sĩ  gì đó làm bài hát “Anh giải phóng tôi , hay tôi giải phóng anh?” , rõ ràng là miền Nam mình đã  giải phóng miền Bắc nhiều thứ lắm đó, từ cách ăn mặc, nghe nhạc, phong cách ăn uống, lối đi đứng…, ôi tụi tôi ở trong nước chứng kiến không  biết bao nhiêu mà kể cho hết đâu chị ơi! Ủa mà sao tôi ở chỗ nào rồi cũng bị ba cái thứ tiếng nói làm phiền dzậy trời, riết rồi ở đâu mới ổn?

Chị tự hỏi rồi cất tiếng cười ha hả làm tôi cũng phải bắt chước cười theo, hơi làm phiền mấy người bên cạnh, nên tôi nhắc chị phải nói nhỏ lại.
Xong rồi chị xoay đề tài:
-Chị Tâm nè, nói gì thì nói chớ tôi nhận thấy ở Mỹ sướng thiệt! .
-Thật không đó? có nhiều người qua đây lâu rồi mà chê dữ lắm kià, nhưng bảo họ về sống luôn trong nước thì họ lại ..chưa muốn về, chờ đến khi bỏ xác vào hòm.
-Bộ mấy người đó mắc bịnh hả? Ở Mỹ ngoài việc đi làm cật lực, khổ cái mục đó thật, với lại mới qua hơi nhớ nhà và buồn.  Nhưng nếu đi làm có tiền thì có đủ hết. “Làm theo sức, hưởng theo cầu”,  ngay cả người nghèo cũng được chính phủ nuôi, cho nhà ở. Cái gì cũng có thừa, tôi thích nhất là cái được hoàn toàn tự do, nhà chị chị ở chẳng có ai dòm ngó, miễn có đủ tiền đóng tiền nhà. Bất cứ chỗ nào  muốn đem ông Tổng thống ra chửi cũng chẳng thấy ai lên tiếng đòi bắt bỏ tù, muốn chửi hay tẩy chay thức ăn Tàu cũng chẳng có ai kết tội mình. Đi đâu thì đi, mà một bước là lên xe không lấm tới gót chân, từ người nghèo đến kẻ khó. Ra đường, xe đường ai nấy chạy, có luật lệ giao thông rõ ràng, không có nạn xe mình đang chạy, lù lù chiếc xe hai bánh đâm sầm vào, ngã cái rầm, nằm thẳng cẳng, đi thẳng. Chị biết không đến tận bây giờ mà cũng có nhiều người muốn đi qua Mỹ lắm, dù họ rất giàu có, nếu không sao người ta phải bỏ đến mấy chục ngàn để nhờ người đem sang Mỹ, mà nhiều trường hợp tréo cẳng ngỗng cười ra nước mắt chớ chẳng chơi.

Tôi làm bộ hỏi để chị nói tiếp:
-Bộ có câu chuyện hấp dẫn sao?
-Sao không, ngay trong xóm tôi nè, có bà kia cũng lứa tuổi sồn sồn, giàu lắm, có sập vải ở chợ BT, vậy mà cũng cố tìm mối để được đi Mỹ, vì có gia đình người chị ở bển.  Lành chớ có người giới thiệu  ông già kia, ban đầu ổng dzià hai người coi bộ cũng tương đắc lắm, nghe đâu bà đưa trước cho ông một mớ tiền, chờ khi sang Mỹ đưa hết. Sau đó, ông dzià Việt nam hai lần nữa để lo thủ tục, lần trước có bà ở nhà, không việc gì xảy ra, lần sau ông dzìa, bà phải lo bán ngoài chợ, nên thỉnh thoảng ổng ở nhà vớí cô người làm, dĩ nhiên trẻ hơn bà chủ, dù đã có gia đình nhưng còn mát nước, thế là  hai người tù ti tút tít với nhau sao đó, bao nhiêu tiền bà chủ đưa, ông già nộp lại cho cô. Nghe đâu khi sang Mỹ, ông già chịu chơi viết thư cho bà chủ chỉ vài câu, mà cho cô người làm mùi mẫn lắm, cổ đòi bao nhiêu tiền, ông già cũng chạy gửi dzià, mèn đéc ơi, tới khi bà chủ kia có giấy gọi đi phỏng vấn, gần tới ngày lên máy bay với ông già, thì người chồng cô người làm xuất hiện, đòi ông già một mớ tiền lớn về cái tội tù ti với vợ hắn. Bà chủ lúc đầu không tin, nhưng chàng ta đưa ra một lô thư tình để làm chứng.  Bà ngã ngửa ra, nhưng tức quá không dại gì bỏ tiền ra nữa, thế là vụ việc cãi vả nổ ầm lên, bà con trong xóm tui nhào tới coi màn kịch hấp dẫn, công an phường cũng tới tóm luôn về cái tội làm mất trị an.

-Rồi kết quả ra sao? tôi tò mò hỏi lẹ.
Chị Sa đánh một tiếng thở dài:
-Sao nữa! tiền mất tật mang, may mà mất ít. Cả hai người đã già đầu mà dại. Nghe đâu sau khi ra toà phân xử, bà chủ kia bị phạt một mớ tiền về cái tội gian lận,làm giấy tờ giả mạo, từ nay bị cấm không được đi ra nước ngoài. Còn ông già thì không được cấp chiếu khán vào Việt nam nữa, tuyệt đường luôn. Chỉ có cặp vợ chồng người làm  là được lợi, chúng biết mánh làm ăn, toa rập lừa ông già, kiếm được mớ tiền ngon ơ từ ông già dại gái. Thiệt tình!.
Chị kéo dài câu kết và chúng tôi cũng kết luôn màn nói chuyện trên trời để đi vào giấc ngủ muộn.....

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

TƯƠNG TƯ.... XÓM NHỎ LÁ ME



Réo rắt vào tim những giọt sầu
Tương tư giòng lệ thức canh thâu
Mộng về phương ấy người năm cũ
Mới đó thời gian vụt quá mau...

Tự hỏi lòng mình ai nhớ ai?
Tình xưa càng đậm chứ không phai
Vẫn nhớ ngày xưa lòng đã hứa
Xây đắp tình em những lâu đài...

Nay ước mơ xưa lại trở về
Tìm mùa hạ cũ tiếng sầu ve
Tìm trong nhung nhớ hình bóng ấy
Nỗi nhớ ngập tràn những lá me...

Giờ ở phương trời đứa mỗi nơi
Đêm về thêm buốt cõi lòng thôi
Đốt lên ngọn lửa tình miên viễn
Sưởi ấm lòng ai đã rã rời...
 

Người Xứ Vạn( Úc châu)



AI NHỚ THƯƠNG AI?

Từ thưở người đi biệt đến nay
Bao nhiêu mùa hạ lá me bay
Tìm trong nhung nhớ ngày vui cũ
Sao chỉ riêng em dáng hao gầy?

Người ở phương trời người có hay
Nỗi niềm khắc khoải nhớ thương ai?
Tình xưa anh nỡ đành lỗi hẹn
Em biết tìm đâu những lâu đài?

Ẩn hiện trong mơ dáng anh về
Cầm tay, em hỏi nhỏ anh nè:
Cớ sao quên hết lời thề thốt
Giữa buổi trưa hè, dưới hàng me?

Giật mình, em bừng tỉnh cơn mơ,
Thì ra ve gọi tiếng vào hè
Tiếng ve aó não buồn da diết
Quặn thắt lòng em nỗi tái tê.....


Lê thị Hoài Niệm