Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

THỜI GIAN

Hằng đêm, chàng vẫn thủ thỉ thì thầm qua đường dây điện thoại viễn liên rằng tôi, chính tôi chứ không phải ai khác, người bạn tình hồi năm xửa năm xưa, đã là niềm vui, niềm hy vọng lớn lao trong cuộc sống hiện tại của chàng, nếu không nhờ chuyến đi về Việt nam thăm nhà kỳ rồi, dò hỏi thăm gia cảnh và biết được số điện thoại của tôi, không biết bây giờ chàng sống ra sao(?). Thế là tôi nghĩ mình thành nhân vật quan trọng, quên béng mọi u uẩn buồn phiền, mọi tự ái, xót xa hồi năm xửa năm xưa và thảnh thơi hằng đêm chờ điện thoại của chàng. Nếu nhiều năm về trước, những cuộc gọi viễn liên, những buổi nói chuyện mãi hoài không dứt như chàng đã gọi cho tôi, chắc chắn tiền lương tháng chàng kiếm được, sẽ không đủ trả cho hãng điện thoại.

Nhưng thời buổi bây giờ khác rồi, chỉ cần chờ sau 9 giờ tối, thời gian sẵn sàng để nghỉ ngơi sau một ngày trời làm việc vất vả, đường dây điện thoại “cầm tay” của chàng sẽ có những giờ phút tự do (free), nói chuyện bất cứ nơi đâu trong xứ Mỹ mà chẳng phải trả xu nào, nếu sợ mỏi tay, chàng chỉ cần gắn cái nút vào lỗ tai, hoặc bấm vào cổ áo, có thể vừa…quét nhà vừa nói chuyện bình thường đừng nói chi nằm dài trên giường thoải mái.

Bởi điện thoại bây giờ tiện dụng như thế, nên bữa kia tôi đi vào chợ, gặp được người quen, từ xa thấy người cười cười, vừa cười vừa nói, mình lầm tưởng người thân ái chào mình, bèn lớn tiếng chào lại, rồi lịch sự đưa tay cho người nắm lấy. Nhưng niềm vui chưa đến thì nỗi buồn tiu nghỉu nhào theo, vì người đang nói chuyện với ai đó trên điện thoại, họ cười với nhau mà mình ngỡ vui vẻ với mình. Ôi cái điện thoại cầm tay hay “di động” chắc cũng đã làm tẽn tò nhiều kẻ như tôi?
Không biết chuyện ở đâu ra, nhưng chuyện vẫn bắt đầu từ chàng:

-Nhớ quá!
-Nhớ gì?
-Nhớ chuyện chúng mình nhiều năm về trước.
-Buồn nhiều hơn vui.
-Không hiểu tại sao hồi đó mình lại…xa nhau? Bây giờ nhớ lại vẫn thấy luyến tiếc.(?)
-Tất cả đã thành dĩ vãng rồi.
-Không đâu! Tụi mình bây giờ là nhân vật chính trong “tình già” của cụ Phan Khôi ấy mà.
-Nếu gặp lại nhau, sợ rằng không đủ can đảm để nhìn…
-Người già trời đã cho mắt kém, mình đừng đeo kính, khỏi sợ!
-Nhưng mà..,
-Không nhưn nhị gì hết, hãy tưởng tượng mình còn trẻ, và sống lại những ngày xa xưa cũ.
Ngày ấy …

Chàng là Sinh viên sĩ quan không quân đang thụ huấn tại quân trường Nha trang, vượt tiêu chuẩn để được tuyển dụng, nên rất “bắt mắt”. Chàng đến từ vùng đất Nam kỳ lục tỉnh và từng là “Tráng sinh” trong gia đình Hướng đạo, và tôi lúc đó là một “Sói già” (nhưng còn rất trẻ) hướng dẫn một bầy “sói con…trai” loi nhoi, lóc nhóc.
Hai ngày cuối tuần là thời gian sinh hoạt của Đạo Kh.H chúng tôi, cũng là ngày chàng được nghỉ, nên đã là cơ hội cho chàng tìm lại không khí sinh hoạt lửa trại, trò chơi ngoài trời của một thời làm “Tráng”. Chàng đã “thổ lộ tâm tình” khi đang giúp tôi đóng cọc dựng lều cho bầy sói con trong một buổi lửa trại ở Tân Thành..
“Dây thân ái lan rộng muôn nhà, tuy cách xa nhưng tim không xa”. Dĩ nhiên những giờ phút được thụ huấn trong quân trường là thời gian chàng cách xa tôi. Nhưng không sao, chúng tôi đã thuộc nằm lòng bài hát, và dây thân ái đã kết chặt đời chàng quấn ngang cửa nhà tôi vào những ngày giờ chàng có phép, chàng không còn là…con bà phước, nên khỏi phải đi lang thang ngoài phố để chờ giờ trở lại quân trường như một số sinh viên sĩ quan khác(?).

Ngày chàng về thủ đô chuẩn bị lên đường đi sang Mỹ để học lái máy bay, tôi cũng có một màn rơi lệ tiễn đưa, nhưng đưa sơ sơ ở vòng ngoài cổng rào, nơi mà chàng cũng thỉnh thoảng …trốn trại ra ngoài ban đêm để đưa tôi đi dạo phố, nhưng không dám vào những quán cà phê, hay rạp xi nê, sợ những ngài …Huấn Luyện Viên bắt gặp. Chỉ còn mục đi ăn vặt, món ăn duy nhất là đến các quán “chè”, mà thời đó khắp thành phố Nha Trang chỗ nào cũng có, một điều chàng vẫn thường thắc mắc, tại sao không đi ăn một thứ gì khác như mì, hủ tiếu hay phở đêm, mà chạy lòng vòng vẫn là ..chè? Chàng đâu biết rằng, ở những nơi đó khó…gặp quan trên, lại nữa tôi đã tập cho chàng tính…tiết kiệm, và cũng tiết kiệm dùm chàng, lương sinh viên ba đồng ba cọc, chỉ có món ăn bình dân đó, vừa ngọt ngào tình nghĩa, lại vừa ít tốn hao.

Thư chàng viết từ căn cứ huấn luyện đầu tiên trên đất Mỹ xa lạ gửi về, kèm thêm vài tấm hình, lúc thì đứng hiên ngang bên cạnh chiếc máy bay của …Mỹ, lúc thì chống nạnh đứng trên đám cỏ xanh rì, mướt rượt mà đàng sau là những tòa cao ốc sang trọng. Tôi sung sướng hãnh diện đem khoe cùng chúng bạn, và cũng nắn nót, góp nhặt tâm sự viết gửi lại cho chàng, nũng nịu chuyện nhớ nhung xa cách. Rồi lâu lâu không nhận được thư chàng thì viết bồi vài lá thư với hai mươi mốt (21) đồng tiền tem hồi đó, doạ rằng nếu chàng chậm thư, coi như không nhớ đến kẻ ở nhà, rằng chắc chàng đã có người yêu mới mắt xanh mũi lõ, thôi thì đừng liên lạc nữa. Mà không biết rằng những ngày đó trên đất lạ quê người, chàng đang lo học sốt vó lên, nếu không “past” được phần Anh ngữ, coi như không có dịp học lái máy bay để làm người hùng không gian, chỉ có một số sẽ được ở lại học về kỹ thuật dưới đất(?), người nào xui tận mạng thì bị trả về nước làm lính bộ, lính rừng….

Gần một năm xa cách, chàng hiên ngang trở về nước trong sứ mạng “tài xế máy bay”, hình chụp chàng xúng xính trong bộ áo liền quần, dây nịt với súng ngắn, dao găm, thêm chiếc ca-lô đội lệch ngang vầng trán trông oai vệ và đẹp làm sao! Hiển nhiên đã là thần tượng của nhiều cô gái mới lớn thời ấy, dù chưa biết chàng có “chiến đấu oai hùng” hay lùng bùng …lạnh cẳng(?). Đơn vị đầu tiên chàng nhận sự vụ lệnh lại là vùng đất xa lắc quê tôi, một nơi chốn cũng trên quê hương Việt nam yêu dấu, nhưng muốn đến được nơi chàng, tìm chàng để tận tay trao tặng “khăn ấm chính em đan” thì tôi không thể nào thưc hiện đều đều được, vì mẹ già vẫn sợ con dại ra đi bình yên mà trở lại chẳng yên bình, và chàng thì không có phép thường xuyên.

“Dây thân ái lan rộng muôn nhà”, bây giờ thì là nhà người khác. Chàng đã là phi công hào hoa nên muốn giữ được chàng, nếu ở cạnh bên đã khó, huống chi thân tôi quan san cách trở dặm ngàn, đi xe đò thăm chàng thì cứ lo lắng, sợ bị Việt cộng phục kích dọc đường chết uổng mạng, mua vé máy bay thì khó lòng lọt được vào quầy vé mà bữa đó không có người quen (cũng đâu có rảnh rỗi mà đi hoài) và chàng thì luôn bận …phi vụ, nên dù không muốn và chẳng bao giờ dại dột muốn, cuối cùng tôi khóc sưng mắt để không còn nhìn thấy chàng tự do bay xa và bay tuột khỏi tay tôi.
Rồi một ngày đẹp trời gia đình tôi nhận lễ hỏi của người quen, để cho tôi khỏi làm gái già gõ ra hột như lời mấy đứa em vẫn thường chọc phá, dù tôi vẫn là một sói già hướng đạo.

Thân gái, người có hai bến nước, trong nhờ- đục chịu!”. Một sự chấp nhận kỳ khôi, chẳng công bình chút nào của ông bà từ thuở xa xưa, nhưng đâu bắt buộc đám con cháu hậu sinh nghe lời răm rắp, chúng tôi cũng đâu cần vũng nước trong veo để “tôi nhìn tôi trong nước”, nhưng nếu đục quá chẳng thấy được gì hết trơn thì làm sao sống nổi?
Và tôi, từ những ngày xa mặt cách lòng với chàng Tráng sinh Sinh viên Sĩ quan Không quân, bây giờ là phi công oai dũng, nên buồn nẫu ruột. Nhưng rồi, tôi không phải là Hằng Nga nên chẳng thực hành được điều mà thi sĩ Tản Đà vẫn ca ngợi vị con gái của trời: “Hằng Nga bất nại bão phu miên!”. Gia đình tôi đã có thêm mầm sống, một gia đình nhỏ sắp sửa có người nối dõi tông đường người khác họ. Gia đình trong ấm ngoài êm, coi như may mắn lội được dòng …nước trong. Nhưng dòng nước gặp mùa nắng hạn, nước bốc hơi về Trời, bỏ lại tôi khô héo, già queo, một mình đi nốt quãng đường trần nơi xứ người, để đến một ngày chàng tìm thấy số điện thoại của tôi.

Từ chàng, tôi biết được chuyện chẳng êm xuôi, số chàng có sao “đào hoa” chiếu mệnh trong những năm tháng còn lả lướt trong từng chuyến …bay đêm, những ngày tháng chàng quên mất có tôi từng hiện diện trong trái tim tuổi trẻ của chàng một thời gian. Chàng cứ tự do lướt gío, tung mây, và thỉnh thoảng trong não bộ của chàng, chàng ràng câu hát: “Phi công ra đi không ai tìm…xác rơi” cũng có làm chàng hoảng sợ, nên chàng tha hồ …mắc nợ. Món nợ khó trả của chàng đã đeo đẳng theo chàng qua bao nhiêu ngần ấy năm dài, không thể nào buông bỏ.

Ngày tháng tư đen, chàng bị “nợ nần níu kéo”, vào phi trường lại lộn trở ra. Kẹt cứng, ở lại. Đến khi chàng trở về quê, cứ ngỡ ..“rồi có một ngày, một ngày chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao”, như lời ông nhạc sĩ ước mơ trong “Một mai giã từ vũ khí”. Nhưng không, chàng đi tù mút chỉ cà tha, và “món nợ tình” của chàng không theo đòi chàng nữa, quăng trả cho mẹ chàng đứa con nít vô tội lên hai, con chàng! và nhờ cụ bà nuôi dưỡng.
Số đào hoa của chàng đã tan loãng vào không gian, sao “thái bạch” quyện lấy đời chàng, làm chàng mất sạch bách mọi thứ, chỉ còn lại đứa con. Đến khi biết được chàng có sao “thiên di” chiếu mệnh, nợ đời của chàng trở về xin “nối lại tình xưa”. Rõ ràng là tình vẫn chưa yên! Vả lại dù gì cũng có sẵn sợi dây ràng buộc: đứa con chung của hai người. Chàng cũng “ừ thôi.. em về với anh, như chim liền cánh, như cây liền cành..!”

Đất Mỹ bây giờ khác xa đất Mỹ ngày xưa chàng đến. Ngày ấy tuy có nỗi buồn xa xứ, nhưng vui nhiều vì có bạn bè chung quanh, tuổi trẻ còn nhiều háo hức, nhiều lúc chỉ cần hai chữ “me too!” mà cả đám bạn cùng cười nghiêng ngửa. Cũng bởi hồi đó vốn tiếng Anh để sử dụng bên ngoài còn nghèo, và các món ăn Mỹ chưa quen, nên có khi bước vào quán ăn, thấy người trước gọi cái gì, dù chưa thấy trước mặt dở-ngon-to-nhỏ-mỏng-dày, nhưng hễ đến phiên mình “order” cứ tự nhiên đáp gọn: “mi-tu!” Thế là sau đó mỗi tên một cái …LARGE PIZZA ăn chết bỏ (còn nhiều món khác nữa?), chừa cái tội mi-tu, theo lời chàng kể.

Nhưng sau ngần ấy năm dài, chuyện đời thay đổi, bây giờ chàng đến xứ sở này theo diện tị nạn “tù nhân chính trị”! Tuổi đời đã cao, lại phải bương chải với đời để sống, sau lưng còn mang nặng cả một gia đình, hết rồi không khí của những ngày tháng “mi-tu”. Những ngày đầu thật vất vả để đi tìm việc làm, may sao nhờ bạn bè giới thiệu, chàng được nhận vào …kéo dây trong một hãng điện tử, để vợ chàng có cơ hội đi học làm…nail!
Những ngày vui qua mau. Ở một xứ sở mà con nít, đàn bà được ưu tiên mọi thứ, nên chuyện đi sớm về trễ vì …nghề nghiệp của vợ chàng, chuyện đàn bà phải sửa sang làm đẹp, đã kéo vợ chàng càng lúc càng xa rời tầm tay với, bất lực của chàng. Bây giờ người hùng không gian một thuở, nhiều lúc đã trở thành người …khùng trước mắt người vợ. Chuyện gì đến, đã đến, vả lại đứa con chàng cũng đã lớn khôn.

Đã mấy bận chàng trở lại đất nước Việt nam, ngoài việc thăm viếng gia đình, chàng cũng muốn tìm nguồn an ủi khác như một số người đàn ông muốn …đổi thay, (một số vẫn đang ..còn vợ, chứ không phải rảnh rỗi như chàng), cũng có nhiều mối mai ưu ái, nhiều cô gái cũng mơn mởn đào tơ, nhưng chàng cứ ngần ngại, một phần vì “Tổ quốc không gian” xưa vẫn là một trăn trở không nguôi, niềm ưu tư còn lại là chuyện “cha già con dại”, lỡ mai kia mốt nọ chàng dẫn con ra đường, bạn bè gặp gỡ họ cứ ngỡ “ông ngoại” dắt cháu đi chơi thì khổ!
… Thế là chàng…quỡn! mới tự do nói chuyện hằng đêm.
Chàng muốn đến thăm tôi ngay khi biết tôi đang thong thả như chàng, nhưng kỷ niệm những ngày xưa cũ vẫn còn lởn vởn lờn vờn đâu đó đã làm tôi khựng lại, chưa đồng ý để chàng làm chuyến du hành, dù chàng xin đến với tư cách “bạn già”.

Trời Houston vào xuân nhưng khí hậu vẫn còn lành lạnh và ẩm ướt làm những người có tuổi dễ dàng bị bịnh nhức mỏi, tôi vẫn hăm dọa chàng như thế, nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải đi đón chàng tại phi trường Hobby.

Không đến nỗi dặn nhau mặc áo màu gì để dễ nhận ra nhau, nhưng với chàng , tôi vẫn báo động rằng tôi có rất nhiều thay đổi. Đàn bà mà, dù qua bao nhiêu năm tháng đổi dời, chỉ cần đến thăm Bác sĩ thẩm mỹ vài giờ, khác liền, trẻ lại là cái chắc.

Phi trường chỉ có một cổng ra, chuyến bay đã đến. Những người Mỹ trắng đen , Mễ, Đại hàn, tàu ta gì đều xuống chờ nhận hành lý. Tôi ngồi vào trong một góc quan sát, tránh sự nhầm lẫn không cần thiết, nhưng sao trong đám hành khách ồn ào, nhộn nhịp kia không thấy một người đàn ông Việt nam nào cho ra vẻ. Chẳng lẽ người đàn ông giống ông Tàu phù đang đẩy hành lý xách tay đi lẻ loi kia lại chính là chàng? Ông ta thật phốp pháp, vẫn còn thấy chiều cao nhưng thêm cái bụng đi trước, khuôn mặt rất đầy đặn nên đôi mắt bị lấn át hơi nhiều, không thấy sáng sủa gì mấy, cũng hợp với vầng trán hơi thiêu thiếu tóc, nhưng mái tóc vẫn màu đen( chắc mới nhuộm?). Chẳng lẽ là chàng, vì người đang rảo mắt tìm kiếm.

Điện thoại cầm tay của tôi rung lên cùng lúc tôi nhìn thấy người đàn ông bấm máy. Vậy là đúng chàng rồi. Ôi! người phi công hào hoa của tôi năm nào, sao ra nông nỗi? Thời gian ơi! sao mi khắc nghiệt, tàn phá người hùng đến thế? Bây giờ thì tôi đã tin những gì chàng nói qua điện thoại hằng đêm: chàng không còn giữ được hình dáng của người “Pilot” năm xưa, dù thỉnh thoảng vẫn cầm vợt ra sân..Tenis, vả lại cũng đừng phiền hà nếu chàng từ chối…ăn chè như những tháng ngày còn trẻ, vì chàng đang kết bạn với ba cao: cao máu, cao đường và cao mỡ!!!

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2009

Người và biển



Cơn sóng bạc đầu chảy lùa trên cát
Người con gái đứng nghe biển hát
Thấy có gì tan tác quanh đây
Hỏi biển, biển lắc đầu quầy quậy
Nhìn lên định hỏi những áng mây
Mây lững lờ bay đi chỗ khác
Nhếch bàn chân định thì thầm hỏi cát
Thấy con dã tràng ngơ ngác, lủi nhanh
Nghiêng vai hỏi lá dừa xanh
Dừa ngạo nghễ quay nhìn trong nắng

Người con gái đăm chiêu xa vắng
Nhớ lại một chiều trời êm biển lặng
Cùng người yêu trao tặng lời tình
Làm chứng nhân, biển ngước mặt cười xinh
Chúc đôi trẻ hoà mình chung nhịp thở
Cuộc tình gặp nhiều trắc trở
Cuối cùng rồi cũng vỡ tan
Người bỏ đi khi có lệnh "đầu hàng"
Biển khóc, người bàng hoàng chết lặng.

Chiều nay đứng bên này bờ biển mặn
Người con gái thấy mắt mình nằng nặng
Giọt lệ buồn đang chặn quanh mi
Kể từ người bỏ ra đi
Để người ra biển sầu bi nhớ người



Tháng Năm Mưa Gió
Tặng LTHN

Tháng Năm mưa gió bất ngờ
Ngồi nhìn ra cửa ngẩn ngơ tâm hồn
Xa từ bốn chục năm hơn
Vẫn chưa gặp lại héo hon một đời
Biển mưa ngày ấy xa xôi
Dấu xưa trên cát bồi hồi tim ai
Người đi, gió thổi tóc mai
Bờ vai mưa ướt, mắt nai thẫn thờ
Người về góc phố bơ vơ
Dõi trông hun hút bóng mờ vắt ngang
Bốn mươi năm ấy còn mang
Nỗi niềm u uẩn đêm tàn khó vơi
Thôi thì... thôi thế....thì thôi
Gọi người vẫn cứ xa xôi nghìn trùng
Tháng Năm mưa gió não nùng
Tiếng lòng gõ nhịp theo từng giọt mưa.
Vinh Hồ